Ngày 14/12, tại thủ đô Brussels, Vương quốc Bỉ, theo ủy quyền của Bộ Tài chính, Tổng cục trưởng Hải quan Việt Nam Nguyễn Văn Cẩn và Chủ tịch Cơ quan Chống gian lận châu Âu (OLAF) Ville Itälä đã ký Thỏa thuận hợp tác hành chính trong lĩnh vực hải quan giữa Bộ Tài chính với OLAF.
Lễ ký diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức 3 nước Luxembourg, Bỉ, Hà Lan và tham dự Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)-Liên minh châu Âu (EU) của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Thỏa thuận này nhằm hỗ trợ và nâng cao hiệu quả thực thi Nghị định thư 2 về hỗ trợ hành chính lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) với các nội dung cơ bản là hợp tác hỗ trợ hành chính, chia sẻ thông tin nhằm ngăn chặn hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế…
Theo thỏa thuận ký kết, các hoạt động hợp tác trọng tâm bao gồm chia sẻ thông tin tình báo và hỗ trợ xác minh điều tra các đối tượng có liên quan đến hoạt động buôn bán bất hợp pháp thuốc lá, hàng giả và các hành vi gian lận xuất xứ, trị giá hải quan, chuyển giá, chuyển tải bất hợp pháp rác thải và buôn bán các loài động thực vật hoang dã bị đe dọa (CITES).
Bên cạnh đó, OLAF cam kết hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực và chia sẻ kinh nghiệm cho các cán bộ thực thi của Hải quan Việt Nam.
Quan trọng hơn, việc triển khai Thỏa thuận sẽ giúp nâng cao tính tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, đồng thời tạo môi trường thuận lợi, an ninh, an toàn cho hoạt động thương mại.
Thỏa thuận cũng giúp nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU cũng như thu hút đầu tư tại Việt Nam, góp phần thực hiện cam kết mục tiêu hải quan xanh của Việt Nam theo khuyến nghị của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO).
Được biết, Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 đề ra việc triển khai hải quan xanh, khuyến khích và thúc đẩy hoạt động thương mại hướng tới phát triển bền vững theo mô hình nền kinh tế tuần hoàn thông qua việc triển khai hiệu quả các điều ước quốc tế về bảo vệ môi trường và động vật hoang dã mà Việt Nam đã ký kết. Bên cạnh đó, Chiến lược triển khai thực hiện hiệu quả Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.
Về vai trò của ngành hải quan trong việc chống gian lận xuất xứ hàng hóa khi thực thi EVFTA, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định: “Thực tế là ở đâu có ưu đãi thì ở đó có nguy cơ gian lận. Với EVFTA cũng vậy, ưu đãi thuế quan ở cả đầu Việt Nam và EU sẽ làm phát sinh nguy cơ gian lận của các hàng hóa không đủ điều kiện hưởng thuế quan nhưng vẫn muốn hưởng”.
Theo bà Trang, trên bình diện chung, hàng gian lận để hưởng ưu đãi thuế theo EVFTA khi nhập khẩu vào Việt Nam sẽ khiến ngân sách nhà nước thất thu, còn doanh nghiệp trong nước thì phải chịu cạnh tranh không công bằng với hàng nhập khẩu gian lận.
Về phía hàng gian lận để hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu sang EU thì trước hết là ảnh hưởng tới uy tín của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam. Trong các trường hợp cụ thể, thiệt hại có thể nghiêm trọng hơn, khi hàng hóa xuất khẩu của ta bị vạ lây do các biện pháp trừng phạt của phía EU.
Ngoài ra, một số sản phẩm của Việt Nam (ví dụ như gạo) chỉ được hưởng ưu đãi thuế theo hạn ngạch, mà hạn ngạch lại được EU cấp theo cơ chế “ai đến trước hưởng trước”, hàng gian lận xuất xứ Việt Nam vào EU trước sẽ làm hàng Việt Nam mất cơ hội ưu đãi.
Do đó, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập nhận định: “Chống gian lận là công tác quan trọng, không chỉ với hàng nhập khẩu mà cả với hàng xuất khẩu trong thực thi EVFTA. Trong công cuộc này, cơ quan hải quan với tính chất là cơ quan gác cửa về thương mại ở biên giới, kiểm soát hàng hóa ra vào, vận chuyển quá cảnh, tạm nhập tái xuất… đóng vai trò cốt lõi”.
Trần Liễu