Việt Nam tiếp tục được xem là cứ điểm sản xuất quan trọng

0
79
Nhà máy Samsung tại Bắc Ninh. (Nguồn: Vietnamfinance)

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục rót vốn mạnh vào Việt Nam cho thấy Việt Nam tiếp tục được xem là cứ điểm sản xuất quan trọng trong khu vực và trên thế giới.

Nhà máy Samsung tại Bắc Ninh. (Nguồn: Vietnamfinance)

Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, tính đến ngày 20/12/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 27,72 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2021.

Vốn đầu tư đăng ký mới tuy giảm nhưng cấu phần vốn FDI điều chỉnh lại tăng mạnh về cả vốn đầu tư cũng như số lượt dự án điều chỉnh trong năm 2022 (tăng tăng 12,2% số vốn và tăng 12,4% số lượt điều chỉnh).

Trong số 108 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam trong năm 2022, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 6,46 tỷ USD. Hàn Quốc đứng thứ hai với gần 4,88 tỷ USD. Nhật Bản đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4,78 tỷ USD.

Tại Họp báo công bố số liệu kinh tế-xã hội quý IV và năm 2022 do Tổng Cục Thống kê (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) diễn ra sáng 29/12, bà Phí Thị Hương Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) nhận định, xu hướng đầu tư ra nước ngoài của các quốc gia phát triển có dấu hiệu chững lại mặc dù đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát trên thế giới và tại Việt Nam. 

Nguyên nhân bởi ảnh hưởng từ một số yếu tố cơ bản như xung đột chính trị tại một số quốc gia trên thế giới, áp lực giá cả và lạm phát tăng cao, nhu cầu hàng hoá toàn cầu có xu hướng giảm, điều kiện tài chính toàn cầu có xu hướng thắt chặt, đứt gãy chuỗi cung ứng chưa được khắc phục hoàn toàn.

Bà Phí Thị Hương Nga khẳng định: “Những yếu tố này đang gây áp lực giảm đáng kể lên dòng vốn FDI toàn cầu trong năm 2022, ảnh hưởng tiêu cực đến dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của các nền kinh tế lớn, đặc biệt là các đối tác đầu tư của Việt Nam, tác động làm giảm thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong năm 2022”.

Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục rót vốn mạnh vào Việt Nam cho thấy Việt Nam tiếp tục được xem là cứ điểm sản xuất quan trọng trong khu vực và trên thế giới.

Điều này thể hiện rất rõ ở dòng vốn chảy vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo trong năm 2022 với hơn 16,8 tỷ USD, chiếm 60,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. 

Bên cạnh đó, nhiều dự án sản xuất, chế tạo các sản phẩm điện tử, công nghệ cao được tăng vốn với quy mô lớn như dự án Samsung Electro-mechanics Việt Nam (Thái Nguyên) tăng 920 triệu USD; dự án công ty TNHH điện tử Samsung HCMC CE  (TP.HCM) tăng trên 841 triệu USD; ngoài ra là các dự án nhà máy chế tạo điện tử, phương tiện thiết bị mạng và sản phẩm âm thanh đa phương tiện (tại Bắc Ninh, Nghệ An và Hải Phòng) tăng lần lượt gần 306 triệu USD, 260 triệu USD và 127 triệu USD.

Đặc biệt, cùng với việc điều chỉnh tăng vốn đầu tư, các nhà đầu tư tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn. 

Theo ghi nhận của Cục Đầu tư nước ngoài, các dự án FDI giải ngân khoảng gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là con số giải ngân cao kỷ lục Việt Nam ghi nhận.

Ông Đỗ Nhất Hoàng khẳng định: “Mức tăng này cho thấy, niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư của Việt Nam ở hiện tại cũng như tương lai”.

Thời gian qua, để thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài, Chính phủ Việt Nam đã có một loạt động thái quan trọng, như: Ban hành các quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt, phê duyệt bộ tiêu chí thu hút FDI có chọn lọc, thành lập tổ công tác đặc biệt để tiếp cận, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn lớn, có công nghệ nguồn, đứng đầu chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu…

Trong năm 2022, có rất nhiều hội nghị nghị xúc tiến đầu tư được tổ chức trực tuyến, để giúp cho các nhà đầu tư kết hợp với các tổ chức quốc tế thúc đẩy thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, là kênh xúc tiến hiệu quả trong bối cảnh dịch Covid-19, đồng thời là một giải pháp để tiết kiệm kinh phí. 

Tuy nhiên, trong bối cảnh dòng vốn FDI toàn cầu chững lại, Việt Nam cần thực thi nhiều giải pháp hiệu quả để thu hút dòng vốn FDI có chất lượng. Thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết sẽ cùng các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tham mưu, xây dựng kế hoạch và triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá để thu hút các dự án FDI chất lượng cao, thúc đẩy đà phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trong tình hình mới.

Kim Ngân

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here