Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (World Bank), năm 2022, Indonesia là quốc gia có quy mô GDP (PPP) lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á, đạt khoảng 4.036 tỷ USD. Xếp thứ hai là Thái Lan với quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 1.482 tỷ USD. Việt Nam xếp thứ 3 với quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 1.321 tỷ USD.
GDP theo sức mua tương đương (GDP PPP) là một phương pháp tính toán GDP cho phép so sánh sức mua thực tế của tiền tệ giữa các quốc gia khác nhau, cho phép xác định mức độ phát triển kinh tế thực sự của các quốc gia. Trong đó sức mua tương đương (PPP) là một lý thuyết kinh tế so sánh tiền tệ của các nước thông qua cách cho họ cùng tiếp cận “1 rổ hàng hóa”. Khi được áp dụng cho các phép đo GDP, PPP có thể giúp cung cấp một bức tranh đa chiều hơn về năng suất thực tế.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (World Bank), năm 2022, Indonesia là quốc gia có quy mô GDP (PPP) lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á, đạt khoảng 4.036 tỷ USD. Xếp thứ hai là Thái Lan với quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 1.482 tỷ USD. Việt Nam xếp thứ 3 với quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 1.321 tỷ USD.
Theo sau là Philippines với quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 1.170 tỷ USD. Malaysia xếp thứ 5 với quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 1.134 tỷ USD. GDP (PPP) Singapore đạt khoảng 719,08 tỷ USD, xếp thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á.
Top 6 nền kinh tế có quy mô GDP (PPP) lớn nhất khu vực Đông Nam Á năm 2022. Nguồn: World Bank
Còn theo số liệu của World Economics, trong năm 2022, GDP theo PPP của Việt Nam là 1.535 tỷ USD, xếp thứ 23 trên thế giới. Với con số này, GDP theo PPP của Việt Nam năm 2022 lớn hơn một số nền kinh tế như Australia, Hà Lan, Bỉ, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Ireland….
Xét riêng trong khu vực ASEAN, năm 2022, GDP theo PPP của Việt Nam sẽ đứng thứ 3 trong khu vực, xếp sau hai nền kinh tế là Indonesia (4.811 tỷ USD) và Thái Lan (1.835 tỷ USD).
Đến năm 2030, World Economics dự báo, GDP theo PPP của Việt Nam sẽ tăng lên 2.848 tỷ USD, tăng 85,5% so với 2022. Lúc này, thứ hạng của Việt Nam sẽ tăng từ vị trí thứ 23 (2022) lên vị trí thứ 15 (2030), vượt qua hàng loạt nền kinh tế như Tây Ban Nha, Saudi Arabia, Canada, Ai Cập…
Xét riêng trong khu vực Đông Nam Á, GDP (PPP) của Việt Nam sẽ vượt Thái Lan để xếp thứ 2 trong khu vực vào năm 2030.
Tuy nhiên cần phải lưu ý rằng, mặc dù dữ liệu GDP (PPP) được World Economics đánh giá dựa trên bộ dữ liệu quốc gia chính thức do Ngân hàng Thế giới (World Bank) và IMF công bố, nhưng dữ liệu này cũng được xây dựng và hiệu chỉnh khác với dữ liệu GDP truyền thống ở một số điểm sau:
Thứ nhất, World Economics đã phát triển một phương pháp nâng cao dữ liệu kinh tế cho các năm cơ sở mà GDP đã lỗi thời. Ví dụ, sự gia tăng lớn về quy mô của nền kinh tế kỹ thuật số – không thể được phản ánh trong dữ liệu dựa trên mô hình hoạt động của ngành đã hơn 10 năm tuổi.
Thứ hai, dữ liệu World Economics dựa trên dữ liệu khảo sát gần đây của World Bank cho phép tính toán Sức mua tương đương. World Economics cho biết, mặc dù có thể không hoàn hảo, nhưng dữ liệu sẽ phản ánh mức độ hoạt động kinh tế thực tế hơn so với một dữ liệu được tính dựa trên tỷ giá thị trường biến động.
Bởi theo World Economics, nhiều so sánh GDP giữa các quốc gia được thực hiện bằng cách sử dụng tỷ giá hối đoái thị trường, tỷ giá hối đoái này không nắm bắt được sức mua thực sự của các loại tiền tệ riêng lẻ.
Ngoài ra, bộ dữ liệu do World Economics xây dựng cũng đã ước tính cho cả các hoạt động kinh tế phi chính thức.
(Hoàng Nguyễn)