Việt Nam đang có “cơ hội vàng” khi tái khởi động nền kinh tế sớm

0
101
Chú thích ảnh: Kinh tế Việt Nam đã có nhiều khởi sắc trong tháng 5. (Nguồn: Baodautu)

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2020, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã nhận định, 5 tháng đầu năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động không nhỏ đến nền kinh tế song vẫn có nhiều chuyển biến tích cực.

Kinh tế Việt Nam đã có nhiều khởi sắc trong tháng 5. (Nguồn: Baodautu)

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, ngay sau khi thực hiện việc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, thiết lập trạng thái bình thường mới, với sự hào hứng quay trở lại làm việc của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tình hình kinh tế – xã hội tháng 5 đã có nhiều biến chuyển tích cực.

Cụ thể, sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng, đặc biệt là sản xuất công nghiệp tháng 5 tăng cao hơn nhiều so với tháng 4 tới 11,2%. Bên cạnh các ngành bị tác động mạnh như ô tô, điện tử, dệt may, da giày thì cũng có những ngành tăng khá như thực phẩm tăng 3,3%, hóa chất tăng 9,1%. Như vậy, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, vẫn có những lĩnh vực có thể tập trung đầu tư và khôi phục sản xuất để thúc đẩy tăng trưởng chung của toàn ngành.

Bên cạnh đó, xuất khẩu cũng cải thiện hơn. Dù tính chung 5 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm 1,7%, nhưng riêng tháng 5 ước tính đạt 18,5 tỷ USD, tăng 5,2% so với đà giảm rất sâu của tháng 4.

Trong tháng 5, có 10.700 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 36,1% so với tháng 4; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 10,5%; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể giảm 14,5% và số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể giảm 4,8%.

Khách quốc tế đến Việt Nam giảm mạnh do chưa mở cửa cho du lịch quốc tế nên lượng khách đến trong tháng chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài. Tính chung 5 tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến nước ta đạt 3,7 triệu lượt người, giảm 48,8%.

Nổi bật trong phát triển kinh tế – xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm là kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ ổn định. Lãi suất điều hành giảm, chính sách tiền tệ được thực hiện linh hoạt, chủ động. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2020 giảm 0,03% so với tháng trước, tính chung 5 tháng, CPI bình quân tăng 4,39% so với cùng kỳ.

Thị trường tiền tệ, tín dụng cơ bản ổn định, thị trường ngoại hối hoạt động hiệu quả, thông suốt. Tính đến ngày 20/5, huy động vốn tăng 1,85%; tín dụng tăng 1,32% so với cuối năm 2019. Trong tháng 5, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều chỉnh giảm lần 2 các mức lãi suất điều hành, trần lãi suất huy động và trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên để cùng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã sôi động hơn nhờ tình hình dịch Covid-19 trong nước cơ bản được kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh đã thiết lập trạng thái bình thường mới.

Sản xuất nông nghiệp có dấu hiệu phục hồi nhưng chậm. Đáng chú ý, thời gian qua, chăn nuôi lợn của chúng ta bị ảnh hưởng rất lớn do dịch bệnh.

Hoạt động thương mại, dịch vụ tăng mạnh trở lại, do cuộc sống trở lại bình thường sau giãn cách xã hội, cùng với kỳ nghỉ Lễ 30/4-1/5 nên hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng của người dân có dấu hiệu tăng khá với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5/2020 tăng 26,9% so với tháng trước.

Đáng chú ý, các hãng hàng không, ngành du lịch bị thiệt nặng nề do Covid-19 đã trở lại hoạt động tương đối nhộn nhịp, các trung tâm du lịch lớn đón lượng lớn đông du khách nội địa.

Về triển khai hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, công tác này đang được triển khai tích cực khắp cả nước. Đến nay, tổng số tiền đã chi hỗ trợ cho các đối tượng là 17,5 nghìn tỷ đồng (chưa bao gồm chi trả bảo hiểm thất nghiệp 2.000 tỷ đồng). Nhiều địa phương đã hỗ trợ mở rộng hơn so với Nghị quyết số 42 và Quyết định số 15.

Song, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nghiêm trọng, do dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu vẫn diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, những khó khăn do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, thiên tai, thời tiết cực đoan đã làm ảnh hưởng đến hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước, nhất là trong sản xuất công nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu, khách quốc tế.

Cụ thể, nhiều ngành sản xuất công nghiệp giảm mạnh do chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào bị gián đoạn (sản xuất xe có động cơ giảm 16,3%; sản xuất mô tô, xe máy giảm 15,6%; sản xuất đồ uống giảm 14,6%; khai thác dầu thô và khí đốt giảm 12%; sản xuất thiết bị điện giảm 5,2%…). Chỉ số IIP tăng 1%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019 và trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên, Người phát ngôn của Chính phủ nhận thấy, việc sớm kìm chế được dịch bệnh là cơ hội cực kỳ quan trọng, nhất là trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới gặp khó khăn vì phong tỏa, giãn cách xã hội phải dừng các hoạt động kinh tế xã hội.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, xác định việc sớm kiềm chế được dịch bệnh là “cơ hội vàng” và quan trọng để Việt Nam vươn lên trong bối cảnh thế giới còn nhiều khó khăn thách thức, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo với tinh thần kiên quyết không lùi bước trước thách thức, đổi mới sáng tạo trong điều hành, khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, chủ động thu hút đầu tư phát triển, kể cả trong nước và quốc tế.

Linh An

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here