Bàn cách tháo gỡ điểm nghẽn, tăng tốc phục hồi kinh tế hậu Covid-19

0
83
Việt Nam cần tháo gỡ điểm nghẽn, cải cách thủ tục hành chính để đón đầu cơ hội “vàng” hút FDI. (Ảnh: Hoàng Triều)

Vị thế Việt Nam đã thay đổi hậu Covid-19, tuy nhiên, Việt Nam cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp chủ động đón sóng FDI và phục hồi kinh tế.

Việt Nam cần tháo gỡ điểm nghẽn, cải cách thủ tục hành chính để đón đầu cơ hội “vàng” hút FDI. (Ảnh: Hoàng Triều)

Tại hội thảo “Nhận diện các điểm nghẽn phát triển của Việt Nam trong bối cảnh hậu Covid-19: Một số yêu cầu cải cách thể chế” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức, Viện trưởng CIEM Trần Thị Hồng Minh cho rằng, kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm chịu ảnh hưởng lớn bởi Covid-19. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam cơ bản đã khống chế được dịch và bắt đầu bước vào khôi phục kinh tế.

Bà Trần Thị Minh Hồng nhận định, đây là thời điểm nhìn nhận lại những điểm nghẽn trong phát triển kinh tế để có biện pháp tháo gỡ, từ đó đưa nền kinh tế phát triển. “Những điểm nghẽn này thực tế không xuất hiện khi dịch Covid-19 hoành hành mà đã xuất hiện từ trước và chưa khắc phục được. Trong bối cảnh kinh tế đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Việt Nam cần nhìn nhận rõ điểm nghẽn để kịp thời tháo gỡ”, bà Hồng Minh nhấn mạnh.

Trưởng ban Kinh tế vĩ mô của CIEM Nguyễn Anh Dương cho hay, hiện nay, Việt Nam đang bước vào một giai đoạn “Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội mới”, vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu thảo luận về nhiều lĩnh vực cải cách như phát triển doanh nghiệp, thương mại… Quá trình đó phải tính đến những thay đổi, những ẩn số tác động đến kinh tế – xã hội Việt Nam trong thời gian 10 năm tới.

Song song với đó, ông Nguyễn Anh Dương nhận định, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, vì thế, Việt Nam vẫn phải tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh của các nước để có những biện pháp chủ động đề phòng dịch.

Về những hệ lụy của dịch Covid-19, ông Nguyễn Anh Dương chia sẻ, hiện các tổ chức quốc tế đều hạ dự báo tăng trưởng của gần như toàn bộ nền kinh tế thế giới; trong đó, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Không ít đánh giá cho rằng, tác động đối với kinh tế thế giới nghiêm trọng hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007 – 2008 và những hệ lụy này có thể kéo dài.

Chia sẻ thêm về hiện trạng của Việt Nam do tác động của Covid-19, ông Nguyễn Anh Dương cho biết, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang có xu hướng giảm dần. Quý I/2020 thấp hơn so với cùng kỳ các năm 2010- 2019. Xuất khẩu và cán cân thương mại vẫn tích cực trong các tháng đầu năm, nhưng khả năng duy trì điều này là rất khó khăn kể từ tháng 4 trở về sau.

Theo ông Nguyễn Anh Dương, gia tăng giá trị trong nước không còn là yêu cầu để tạo việc làm và thu nhập, mà còn là cách thích ứng với sự vận động của chuỗi giá trị. Trong bối cảnh hiện nay, không chỉ cần nỗ lực của doanh nghiệp trong nước, mà vẫn cần cách tiếp cận thân thiện và bền chặt với đầu tư nước ngoài (FDI).

Thời gian qua, dù vẫn có những yếu tố lạc quan khi nguồn lực tài chính của doanh nghiệp được cải thiện khá nhanh trước tác động của Covid-19, trong đó khu vực ngoài nhà nước chiếm tới 54,8% nguồn vốn và cũng là khu vực có tỷ lệ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi đại dịch thấp nhất. Nhưng đáng lo ngại là tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng chậm khi quý I/2020 chỉ tăng 2,2% so với cùng kỳ 2019, thấp hơn đáng kể so với quý I các năm 2016-2019; đầu tư công giải ngân nhanh hơn, nhưng vẫn còn thấp so với yêu cầu đề ra; thu hút vốn FDI 5 tháng 2020 đã giảm 11,1% về số dự án mới và giảm 8,2% về vốn thực hiện.

Theo đó, Việt Nam đang bị “nghẽn” về chất lượng thể chế, thể hiện ở việc triển khai Chính phủ điện tử (tiến tới Chính phủ số); hiệu quả điều phối và sử dụng nguồn lực công; phát triển bao trùm và bền vững. Đặc biệt, ứng xử với nhà đầu tư là một trong những điểm nghẽn Việt Nam cần tăng tốc cải thiện.

Do đó, gợi mở về một số yêu cầu cải cách thể chế, ông Nguyễn Anh Dương đưa ra quan điểm, cần tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, hợp tác quốc tế liên quan trong vấn đề phục hồi và phát triển kinh tế hậu Covid-19. Cụ thể là cần xây dựng và thực thi kế hoạch phục hồi tăng trưởng kinh tế, trọng tâm là tái cơ cấu kinh tế, hoàn thiện chính sách công nghiệp và thu hút FDI.

“Cùng với đó cần cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua phát triển hạ tầng, phát triển kỹ năng thích ứng cho doanh nghiệp và người lao động. Đồng thời thực hiện hiệu quả các Hiệp định thương mại (FTA), đặc biệt là các FTA mới, tận dụng tối đa các mô hình kinh tế mới: kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn…để thúc đẩy kết nối dịch vụ, sản xuất kinh doanh, phục hồi đà tăng trưởng”, ông Nguyễn Anh Dương nhấn mạnh.

Trưởng ban Pháp chế Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn thì cho rằng, qua đại dịch Covid-19, vị thế của Việt Nam đã thay đổi, chất lượng quản trị của Việt Nam cũng được khẳng định. Thời gian tới, bối cảnh thế giới rất bất định, căng thẳng gia tăng, phản ứng nhanh của Chính phủ và sự thích ứng của doanh nghiệp là quan trọng.

“Việt Nam cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn và đi vào thực chất. Việt Nam đã đi được bước dài về cải cách thủ tục hành chính, nhưng lại vấp phải vấn đề khó hơn như: giải quyết tranh chấp hay bảo vệ tài sản. Do đó, cải cách thủ tục hành chính cần được triển khai mạnh mẽ hơn, chứ ko chỉ là tháo gỡ khó khăn”, ông Đậu Anh Tuấn khẳng định.

Còn theo chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện CIEM TS. Võ Trí Thành, Việt Nam cần lường trước các diễn biến của thế giới để có các biện pháp điều hành kinh tế phù hợp. Thế giới đang thay đổi nhanh và bất định, dòng đầu tư cũng không ngừng dịch chuyển, do đó, nếu không chủ động, Việt Nam sẽ không tận dụng được cơ hội đón sóng đầu tư.

“Việt Nam cần chủ động, tăng tốc, cải thiện chính mình để thu hút FDI. Cùng với đóm chọn FDI nhưng vẫn không được bỏ quên phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Phát triển doanh nghiệp bản địa cần được xem là nhiệm vụ quan trọng để hướng tới một Việt Nam tự cường”, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Mai Ly

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here