Ngày 10/8, tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Bộ Tài chính đã tổ chức Lễ ra mắt và khai trương Thị trường chứng khoán phái sinh. Như vậy, Việt Nam là quốc gia thứ 5 có thị trường chứng khoán phái sinh trong khu vực ASEAN cùng với Singapore, Malaysia, Indonesia và Thái Lan và là quốc gia thứ 42 trên thế giới có thị trường tài chính bậc cao này.
Sự ra đời của Thị trường Chứng khoán (TTCK) phái sinh là cần thiết và tất yếu nhằm hoàn thiện cấu trúc của thị trường tài chính và nằm trong chiến lược phát triển TTCK Việt Nam trong thời gian tới. Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ khẳng định TTCK phái sinh ra đời sẽ có tác động tích cực đến sự minh bạch, tính thị trường của TTCK cơ sở, qua đó sẽ làm tăng tính thanh khoản, tăng quy mô thị trường, hỗ trợ thị trường phát triển ổn định, bền vững và là kênh huy động vốn an toàn, dài hạn phục vụ cho tăng trưởng kinh tế.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, phát triển thị trường chứng khoán để tạo ra kênh huy động vốn trung và dài hạn làm động lực cho phát triển kinh tế-xã hội là một chủ trương lớn và nhất quán của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong thời kỳ đổi mới. Kể từ khi thành lập đến nay, quy mô của thị trường cổ phiếu và trái phiếu đã chiếm hơn 80% GDP, trong đó thị trường cổ phiếu có quy mô bằng 57% GDP, thị trường trái phiếu có quy mô bằng 24% GDP; lượng vốn huy động qua thị trường chứng khoán đã chiếm khoảng 23% tổng vốn đầu tư của toàn xã hội. Nhiều doanh nghiệp cổ phần đã tận dụng được cơ hội do TTCK mang lại để huy động vốn, không ngừng phát triển và trở thành các doanh nghiệp hàng đầu ở Việt Nam. TTCK cũng đã tham gia thu hút được một lượng vốn lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài, hỗ trợ cho nguồn nội lực để phát triển.
Từ năm 2007, Đề án phát triển thị trường vốn Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 đã xác định chủ trương xây dựng TTCK phái sinh vận hành theo các thông lệ quốc tế. Từ đó đến nay, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính và UBCKNN nghiên cứu, xây dựng thể chế để đưa TTCK phái sinh vào hoạt động trên nguyên tắc thận trọng, đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tiễn và theo thông lệ quốc tế tốt nhất.
Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam và Nghị định số 42/2015/NĐ-CP về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh được ban hành năm 2015.
Đây là thị trường có các sản phẩm phức tạp, chủ yếu giúp các nhà đầu tư phân tán và phòng ngừa rủi ro, đồng thời giúp đa dạng hóa sản phẩm đầu tư, qua đó làm tăng sự hấp dẫn và cơ hội của thị trường chứng khoán. Do vậy, TTCK phái sinh thường được phát triển sau thị trường cơ sở; các nước trong khu vực thường mở cửa TTCK phái sinh sau khoảng 30 năm kể từ ngày mở cửa thị trường chứng khoán cơ sở.
Trong lĩnh vực này, Việt Nam đã tiến khá nhanh với sự ra đời của TTCK phái sinh Việt Nam, chỉ hơn 17 năm sau khi có thị trường chứng khoán cơ sở. Do đó, đây là một sự kiện quan trọng, một mốc son trong quá trình phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam, đáp ứng được kỳ vọng của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, thành viên thị trường và công chúng đầu tư.
Tham gia TTCK phái sinh ban đầu sẽ có 7 công ty chứng khoán đã được chấp thuận trở thành thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh của HNX và thành viên bù trừ thanh toán của VSD bao gồm: Công ty Chứng khoán VPBank (VPBS), Công ty Chứng khoán TPHCM (HSC), Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), Công ty Chứng khoán VNDirect (VNDS), Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), Công ty Chứng khoán MB (MBS).
Chu Văn