Với việc Việt Nam và Ấn Độ nâng cấp quan hệ từ Đối tác chiến lược lên thành Đối tác chiến lược toàn diện, tăng cường hợp tác kinh tế được xem là một ưu tiên chiến lược trong quan hệ hai nước.
Tăng cường thương mại song phương
Ấn Độ và Việt Nam đều là những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Châu Á. Ấn Độ đang tập trung cải thiện quan hệ với các nước láng giềng nhằm tiến tới xây dựng những mối quan hệ thân thiết hơn với các đối tác. Năm 2015, Chính phủ Ấn Độ đã thực hiện “Chính sách hành động hướng Đông”, tăng cường hợp tác kinh tế, quan hệ văn hoá và xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với các nước ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương thông qua những cam kết liên tục ở cấp độ song phương, khu vực và đa phương. Ấn Độ ưu tiên cao việc tăng cường quan hệ với Việt Nam ở cấp độ song phương và trong khuôn khổ ASEAN.
Ấn Độ và Việt Nam hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực như ASEAN, Hội nghị Cấp cao Đông Á, Hợp tác Mekong – sông Hằng, Hội nghị cấp cao Á – Âu (ASEM) cũng như tại Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Trao đổi các đoàn doanh nghiệp tiếp tục là một phần quan trọng của những nỗ lực thúc đẩy hợp tác kinh tế trong quan hệ đối tác chiến lược. Một số đoàn doanh nghiệp của Việt Nam đã tham dự các hội chợ thương mại ở Ấn Độ vào dịp Cấp cao các nước đối tác năm 2017, Hội nghị doanh nghiệp Ấn Độ – CLMV năm 2017 cũng như Triển lãm quốc tế về Dược phẩm và chăm sóc y tế.
Những biện pháp tăng cường thương mại song phương, loại bỏ hàng rào kỹ thuật trong thương mại và tăng đầu tư ở một số lĩnh vực đã được thực hiện. Trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 11/2013, hai nước đã điều chỉnh mục tiêu thương mại từ 7 tỷ USD vào năm 2015 lên 15 tỷ USD năm 2020.
Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 25 của Ấn Độ và đứng thứ năm trong các nước ASEAN tính theo thương mại năm 2015-2016 với tổng kinh ngạch là 7,83 tỷ USD. Việt Nam là nước xuất khẩu lớn thứ 11 của Ấn Độ và là nguồn nhập khẩu đứng thứ 33 trong năm 2015-2016. Thặng dư thương mại của Ấn Độ với Việt Nam tăng từ 2,14 tỷ USD (tháng 4 – 12/2015) lên 2,31 tỷ USD (tháng 4 –12/2016).
Tính đến ngày 31/3/2017, Việt Nam đứng thứ 94 về đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Ấn Độ. Việt Nam có 25 dự án đầu tư với tổng số vốn là 4,6 triệu USD vào các lĩnh vực như dược phẩm, công nghệ thông tin, hoá chất và vật liệu xây dựng. Dự án đầu tư lớn nhất của Việt Nam là dự án của Công ty Thực phẩm UPEC (Ấn Độ) có tổng vốn đầu tư là 4,02 triệu USD. Trong hai năm qua, Ấn Độ đã có những cải cách lớn trong chính sách thu hút đầu tư nước ngoài vào một số lĩnh vực như quốc phòng, xây dựng, bảo hiểm, hưu trí, phát thanh và truyền hình, chè, cà phê, hàng không dân dụng,… Những cải cách này đã góp phần tích cực thúc đẩy đầu tư trực tiếp tăng từ 55,56 tỷ USD năm tài khoá 2015 – 2016 lên đến 60,08 tỷ USD năm tài khoá 2016 – 2017.
Các công ty Việt Nam có rất nhiều cơ hội đầu tư vào Ấn Độ, đặc biệt trong các lĩnh vực như chế biến và sản xuất lương thực, cơ khí, sản xuất linh kiện ô tô, cơ cấu hạ tầng kể cả những dự án nằm trong Hành lang Công nghiệp Dehli – Mumbai, phần cứng và phần mềm máy tính, công nghiệp hoá chất và hoá dầu cũng như du lịch.
Ấn Độ đã đầu tư 136 dự án vào Việt Nam với tổng vốn khoảng 797,16 triệu USD, tập trung những lĩnh vực như năng lượng, khai thác khoáng sản, chế biến nông sản, sản xuất đường, hoá chất phục vụ nông nghiệp, công nghệ thông tin và phụ tùng ô tô. Nhiều công ty của Ấn Độ đầu tư vào Việt Nam thông qua nước thứ ba. Nếu tính cả những khoản đầu tư này, tổng đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam xấp xỉ 1,1 tỷ USD. Gần đây, Chính phủ Ấn Độ đã thành lập Quỹ phát triển dự án để thúc đẩy sự hiện diện về kinh tế ở Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam.
Các lĩnh vực hợp tác khác:
Quốc phòng: Mối quan hệ này đã được làm sâu sắc thêm với việc ký kết Bản ghi nhớ về tín dụng trị giá 100 triệu USD để mua sắm trang thiết bị quốc phòng do Ấn Độ dành cho Việt Nam nhằm mở thêm kênh hợp tác mới. Trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Narenda Modi, Ấn Độ đã cung cấp cho Việt Nam khoản tín dụng trị giá 500 triệu USD, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Ấn Độ đối với việc tăng cường khả năng quốc phòng của Việt Nam. Tháng 5/2015, hai nước cũng đã ký Tuyên bố Tầm nhìn chung về Hợp tác quốc phòng giai đoạn 2015 đến 2020.
Năng lượng: Việt Nam đã luôn hoan nghênh sự có mặt và đầu tư lâu dài của Công ty trách nhiệm hữu hạn ONGC Videsh. Công ty đã là đối tác của PetroVietnam (PVN) trong việc thăm dò dầu khí ở Việt Nam. Một số dự án đầu tư lớn trong lĩnh vực này đang được tiến hành có dự án của Công ty Tata Power xây dựng nhà máy nhiệt điện công suất 1320 MW, đầu tư 2,2 tỷ USD tại tỉnh Sóc Trăng. Nhiều công ty Ấn Độ cũng quan tâm đến đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái sinh do giá bán hấp dẫn chỉ 9,35 xu Mỹ một Kw giờ với điện mặt trời. Tổng Công ty Shapooriji Pallonji hiện đang nghiên cứu xây dựng nhà máy điện mặt trời ở tỉnh Ninh Thuận với công suất là 150 MW, và Công ty Năng lượng M/s Suzlon đang đề xuất thành lập nhà máy phong điện tại tỉnh Sóc Trăng.
Khoa học và công nghệ: Uỷ ban hỗnn hợp về Khoa Học và Công nghệ thường xuyên họp để xem xét những tiến bộ trong hợp tác lĩnh vực khoa học và công nghệ. Tại phiên họp thứ 9 đã diễn ra tại Hà Nội tháng 11/2012, hai bên đã thông qua Chương trình Hợp tác về khoa học và công nghệ năm 2013-2014, bao gồm các dự án chung, hội thảo, hội thảo chuyên đề, chuyến thăm của các chuyên gia tìm hiểu về các lĩnh vực như công nghệ sinh học, khoa học vật liệu, công nghệ thông tin và viễn thông, phát triển đại dương và nghiên cứu đại dương, dược phẩm và nghiên cứu y khoa. Hai bên đã thống nhất tiến hành dự án chung về nghiên cứu da và tái chế chất thải trong thuộc da giữa Viện Nghiên cứu Da Trung ương Ấn Độ và Viện nghiên cứu Da Việt Nam.
Shaktikanta Das,
Chủ tịch Uỷ ban Xúc tiến Đầu tư nước ngoài, Bộ Tài chính Ấn Độ