Việc mở rộng Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS)

0
38

1. BRICS và định vị BRICS trong cục diện thế giới hiện nay

BRICS được thành lập năm 2006[1] ở cấp Bộ trưởng Ngoại giao, ban đầu gồm 04 nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, phát triển lên cấp Hội nghị thượng đỉnh từ năm 2009, VÀ kết nạp thêm Nam Phi từ năm 2010. Tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 (Nam Phi, 23-24/8/2023), BRICS kết nạp thêm 06 quốc gia (gồm Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, UAE và Saudi Arabia), nâng tổng số thành viên lên 11 quốc gia từ năm 2024 (BRICS-11).

Hợp tác của BRICS dựa trên ba trụ cột, gồm hợp tác chính trị – an ninh, kinh tế – tài chính, văn hóa và giao lưu nhân dân. Các cơ chế hợp tác nổi bật gồm Hội nghị thượng đỉnh, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao, các Hội nghị Bộ trưởng chuyên ngành, Ngân hàng Phát triển mới (NDB)[2], các hội đồng/liên minh/cơ chế hợp tác chuyên ngành[3] và các cơ chế đối thoại với các nước không phải thành viên.

Về các lĩnh vực hợp tác cụ thể, BRICS đề xuất một số sáng kiến hợp tác về tăng cường chuỗi cung ứng, sáng kiến thương mại đầu tư và phát triển bền vững, thông qua Hiệp định hợp tác hải quan và hỗ trợ hành chính, chiến lược hợp tác an ninh lương thực, lần đầu tiên tổ chức Hội nghị cấp cao về ứng phó với biến đổi khí hậu. Lĩnh vực hợp tác giữa các nước BRICS khá đa dạng, từ kinh tế thương mại, tài chính tiền tệ, công nghệ, nông nghiệp, kết nối, năng lượng, giảm nghèo, logistics, văn hóa, giáo dục, y tế,… được triển khai trong khuôn khổ đa tầng nấc. Ngày 15/7/2014, Ngân hàng NDB được chính thức thành lập tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 6 với số vốn ban đầu là 100 tỷ USD (Trung Quốc đóng góp nhất 41 tỷ USD, Brazil, Nga và Ấn Độ mỗi nước 18 tỷ USD và Nam Phi 5 tỷ USD). Đến cuối năm 2022, dư nợ trái phiếu do NDB phát hành ở mức 7 tỷ USD, 28 tỷ NDT, 500 triệu HKD, 35 triệu bảng Anh và 73 triệu USD, chủ yếu thực hiện các khoản vay ở các quốc gia thành viên với mục tiêu cung cấp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các dự án cơ sở hạ tầng và phát triển bền vững.

2. Tiềm lực của BRICS: Với 11 thành viên, BRICS trở thành một tập hợp lực lượng của các nền kinh tế đang phát triển có quy mô lớn nhất thế giới.

Về tiềm năng địa chiến lược, các nước thành viên BRICS đứng đầu về giá trị trữ lượng tài nguyên, khoáng sản và nằm ở các cửa ngõ giao thương lớn, có vị trí chiến lược kết nối giao thông với các châu lục khác nhau. Theo nghiên cứu về giá trị các nguồn tài nguyên thiên nhiên (gồm dầu, khí đốt, than đá, gỗ, khoáng sản và các tài nguyên thiên nhiên khác) của Nhật báo Phố Wall (WSJ) công bố tháng 4/2023, Nga đứng đầu thế giới với 75.000 tỉ USD, Saudi Arabia đứng thứ 3 (34.400 tỉ USD), Iran đứng thứ 5 (27.300 tỉ USD), Trung Quốc đứng thứ 6 (23.000 tỉ USD), Brazil đứng thứ 7 (21.800 tỉ USD). Với việc kết nạp UAE, Saudi Arabia và Iran, BRICS-11 sẽ gồm những quốc gia sản xuất dầu thô hàng đầu, củng cố vai trò của OPEC+ trong “ổn định” giá dầu thô thế giới.

Về kinh tế, BRICS-11 sẽ nâng tỷ trọng đóng góp GDP toàn cầu của Nhóm lên 37% tính theo PPP (từ mức 31,5% của BRICS-5, vượt mức 30% của G7), chiếm gần 50% dân số toàn cầu (từ 41%), 49% sản lượng lúa mỳ, 43% sản lượng dầu mỏ toàn cầu và 25% xuất khẩu hàng hóa của thế giới. Đồng thời, BRICS-11 sẽ làm tăng quy mô, sức mạnh của NDB và Quỹ dự trữ – dự phòng BRICS (CRA), cải thiện cơ chế thanh toán, thiết lập các cơ chế thanh toán mới trong nội khối, cũng như hệ thống cho vay bằng đồng nội tệ của nhóm, giúp các nước đi vay tránh rủi ro ngoại hối và biến động của Mỹ.

Về an ninh-chính trị: Việc mở rộng thành viên tham gia giúp BRICS ngày càng gia tăng vai trò, ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu, thúc đẩy trật tự thế giới đa cực. BRICS-11 trở thành diễn đàn chính trị-kinh tế lớn nhất trong nhóm các nước phương Nam, có thể trở thành diễn đàn chủ chốt của các nước này trong một số vấn đề chung như chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, thúc đẩy sự gắn kết hơn nữa giữa BRICS và các nước Nam bán cầu. BRICS từ việc là một cơ chế đa phương về kinh tế, chia sẻ kinh nghiệm đang dần trở thành một liên minh địa chính trị thúc đẩy cách tiếp cận nhiều vấn đề quốc tế khác với Mỹ/phương Tây và G7.

BRICS có 02 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; 07 thành viên G20; có các thành viên sở hữu tiềm lực quân sự hàng đầu thế giới (Nga và Trung Quốc); nhiều thành viên đều là các nước tầm trung, có vai trò và ảnh hưởng ngày càng gia tăng.

3. BRICS trong chiến lược của các nước thành viên và trong cục diện thế giới hiện nay

Đối với các nước thành viên BRICS, đặc biệt Nga và Trung Quốc, BRICS là cơ chế có tầm quan trọng chiến lược, qua đó vừa thúc đẩy hợp tác nội khối, tăng trưởng kinh tế[4], vừa gia tăng ảnh hưởng, lợi thế trong cạnh tranh với Mỹ và các đối tác phương Tây, phát huy vai trò lớn hơn trong quản trị toàn cầu.

Trung Quốc coi BRICS là cơ chế đa phương toàn cầu quan trọng do Trung Quốc có vai trò dẫn dắt. Việc tăng cường hợp tác với các nước BRICS[5] cũng là một trụ cột của ngoại giao Trung Quốc do hội tụ đầy đủ các thành tố về “ngoại giao nước lớn”, “ngoại giao láng giềng”, “ngoại giao với các nước đang phát triển”, “ngoại giao đa phương”. Thông qua BRICS, Trung Quốc tập trung thúc đẩy các sáng kiến toàn cầu (Cộng đồng chung vận mệnh, Vành đai và Con đường – BRI, GDI, GSI…), vận động các nước ủng hộ lập trường đối ngoại của Trung Quốc, phát huy vai trò, ảnh hưởng toàn cầu trong cục diện thế giới đang định hình.

Với Ấn Độ, BRICS là cơ chế phối hợp, tham vấn và hợp tác nhằm xây dựng một thế giới đa cực, triển khai phương châm đối ngoại “đa liên kết” để “tự chủ chiến lược”, giúp Ấn Độ chủ động xây dựng các mối quan hệ đối tác với nhiều quốc gia trên nhiều lĩnh vực, đồng thời kiên định các giá trị riêng, bảo đảm lợi ích quốc gia. BRICS cũng được xem là một “cầu nối” thắt chặt quan hệ giữa Ấn Độ với các nước đang phát triển, các nước Nam bán cầu, nhất là thông qua Ngân hàng NDB.

Với Nga, BRICS hiện là diễn đàn có tầm ảnh hưởng toàn cầu không bị Mỹ hoặc phương Tây chi phối và Nga đóng vai trò chủ chốt. BRICS có ý nghĩa quan trọng với Nga cả về chính trị và kinh tế, đẩy mạnh hợp tác kinh tế – thương mại với các nước thành viên, giảm phụ thuộc vào Mỹ và phương Tây về tài chính tiền tệ (phi đô-la hoá, tăng cường thanh toán bằng đồng tiền quốc gia, đưa vào sử dụng đồng tiền chung của BRICS, xây dựng hệ thống thông tin tài chính độc lập để đối phó với trừng phạt kinh tế của phương Tây)…

Nam Phi xác định BRICS là một trong những trụ cột hàng đầu trong mặt trận đối ngoại đa phương, khẳng định vai trò trong khu vực và tăng cường quan hệ với hai đối tác quan trọng nhất của nước này (Trung Quốc và Nga). Brazil duy trì hợp tác trong BRICS nhằm khẳng định vị thế, vai trò dẫn dắt ở khu vực Nam Mỹ, coi BRICS là cửa ngõ vào châu Á và phương Đông, tận dụng các cơ hội thị trường rộng lớn và đầu tư tiềm năng từ các nước thành viên[6]. Các nước mới gia nhập kỳ vọng BRICS là một lựa chọn bổ sung bên cạnh các cơ chế đa phương toàn cầu do Mỹ và phương Tây dẫn dắt, tăng cường vai trò tại khu vực cũng như thúc đẩy quan hệ với các đối tác quan trọng (Trung Quốc, Nga, Ấn Độ).

4. Chiều hướng phát triển của BRICS trong thời gian tới

BRICS được thành lập với mục tiêu ban đầu là trở thành một thể chế chính trị, kinh tế và tài chính toàn cầu nhằm phản ánh tương quan lực lượng theo hướng công bằng, cân bằng và có tính đại diện cao hơn. Trong trật tự thế giới đa cực đang hình thành, BRICS đang nổi lên có tiềm năng trở thành một trụ cột mới trong hệ thống đa phương.

BRICS hiện tập trung vào một số định hướng hợp tác và phát triển, gồm:
(i) Thúc đẩy quá trình mở rộng thành viên nhằm mở rộng quy mô và ảnh hưởng của Nhóm trên phạm vi toàn cầu. (ii) Nghiên cứu thúc đẩy thể chế hóa cao hơn (ví dụ như thành lập cơ quan thường trực – Ban Thư ký BRICS). (iii) Củng cố, mở rộng vai trò, ảnh hưởng của Ngân hàng NDB. (iv) Thúc đẩy các giải pháp giảm sự phụ thuộc vào đồng đô-la Mỹ và hệ thống tài chính – tiền tệ phương Tây, xây dựng hệ thống thanh toán nội khối… (v) Mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực, hình thành một hệ thống riêng, phân tách với các hệ thống do Mỹ và phương Tây dẫn dắt: Chuỗi cung ứng BRICS, hợp tác công nghệ mới, hợp tác trong lĩnh vực vũ trụ, nền tảng thị trường chung (FTA BRICS), xây dựng kết cấu hạ tầng y tế, xã hội, thúc đẩy thương mại đa phương, đầu tư, chống biến đổi khí hậu…

Triển vọng hợp tác và phát triển của BRICS trong thời gian tới đứng trước một số thuận lợi và thách thức sau:

– Thuận lợi: (i) Với việc kết nạp thêm 06 thành viên, BRICS có quy mô và tiềm năng kinh tế, vai trò và ảnh hưởng ngày càng tăng. (ii) Mục tiêu của Nhóm hướng đến cải cách quản trị toàn cầu theo hướng phản ánh cân bằng hơn lợi ích, quan tâm của các đang phát triển, có thể thu hút sự quan tâm và tham gia nhiều hơn của nhiều nước đang phát triển.

– Thách thức: (i) Hiện nay các thành viên còn nhiều khác biệt về thể chế chính trị, mô hình phát triển kinh tế, do đó trong thời gian tới khối BRICS khó có được sự thống nhất đồng thuận trong nội bộ; (ii) BRICS chưa thể sớm thành lập được đồng tiền chung do các nền kinh tế trong nhóm mở rộng (trừ Trung Quốc) chưa thực sự đủ mạnh và ổn định[7]. Nhiều nước tham gia BRICS để hưởng lợi về kinh tế, gia tăng thương mại với Trung Quốc, không phi đô-la hóa như UAE và Saudi Arabia (xuất khẩu dầu thô, khí đốt và đầu tư nước ngoài chủ yếu bằng đồng đô-la Mỹ), do đó mục tiêu phi đô-la hóa của BRICS sẽ tiến triển chậm; (iii) BRICS chưa có quy chế, tiêu chí, quy trình rõ ràng về việc mở rộng thành viên; các nước xin gia nhập chủ yếu bày tỏ qua kênh song phương, chưa có sự đồng thuận của các nước thành viên khác; (iv) Đến nay, vai trò của BRICS còn hạn chế, hiện chưa có phối hợp chính sách chung, chưa thể hiện rõ vai trò trong định hình, dẫn dắt tiêu chuẩn, quy định quản trị toàn cầu. Quy mô tài chính của NDB và Quỹ dự trữ ngoại tệ chung còn tương đối khiêm tốn.

5. Về việc mở rộng thành viên BRICS

  1. Đến nay, BRICS đã qua 02 lần mở rộng: lần 1 vào năm 2010 khi BRICS kết nạp thêm Nam Phi; lần 2 tại HNTĐ lần thứ 15 tại Nam Phi tháng 8/2023 khi BRICS kết nạp thêm 06 thành viên mới. Theo Đại sứ lưu động tại châu Á và Nhóm BRICS của Nam Phi Anil Sooklal, hiện có 40 quốc gia[8] đã chính thức hoặc không chính thức bày tỏ quan tâm xin gia nhập BRICS hoặc các cơ chế hợp tác của BRICS.
  2. Các nước xin gia nhập BRICS phần lớn là các nước tầm trung và nhỏ, mục đích xin tham gia có thể nhằm: (i) Đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, chủ động tham gia vào cơ chế có tầm ảnh hưởng ngày càng lớn; (ii) Làm sâu sắc quan hệ và nâng cao vị trí, tầm quan trọng trong chính sách của các thành viên chủ chốt BRICS; (iii) Phát huy vai trò, thúc đẩy lợi ích của các nước đang phát triển trong cục diện kinh tế, chính trị đang định hình; (iv) Tranh thủ các lợi ích về kinh tế, phát triển trong hợp tác với BRICS: Tiếp cận sâu hơn thị trường Trung Quốc và Ấn Độ; thu hút vốn đầu tư Trung Quốc, vay vốn từ NDB, giảm phụ thuộc vào các định chế tài chính như WB, IMF; đa dạng hóa quỹ đầu tư quốc gia (đặc biệt là các nước xuất khẩu dầu mỏ), các cơ chế về hợp tác tài chính, kinh tế, thương mại; có thêm lựa chọn trong thanh toán và giao dịch quốc tế, tránh bị phụ thuộc vào đồng đô-la Mỹ và hệ thống thanh toán do Mỹ/phương Tây xây dựng.
  3. Trong khuôn khổ BRICS, đến nay có 05 cơ chế tham gia dành cho các nước không phải thành viên BRICS:

(i) Cơ chế quan sát viên: Dành cho những nước bày tỏ quan tâm đến BRICS nhưng chưa muốn chính thức gia nhập Nhóm. Hiện BRICS chưa có tiêu chí, cơ chế dành cho quan sát viên; hiện chưa có nước nào là quan sát viên của BRICS.

(ii) Tham gia Ngân hàng NDB: Đến nay có 04 thành viên ngoài BRICS tham gia NDB (Bangladesh, Ai Cập, UAE và Uruguay). Việc tham gia NDB gắn với nghĩa vụ đóng góp tài chính để bảo đảm các dự án được hưởng lợi/tài trợ từ Ngân hàng.

(iii) Tham gia với tư cách khách mời Hội nghị thượng đỉnh (BRICS+):
Các nước chủ nhà BRICS, trên cơ sở tham vấn với các nước BRICS, có thể mời các nước không phải thành viên hoặc các tổ chức quốc tế tham dự HNTĐ BRICS. Tại HNTĐ BRICS lần thứ 14, Trung Quốc mời Lãnh đạo 13 nước[9] tham dự. Tại HNTĐ BRICS lần thứ 15, Nam Phi mời mời 54 nước châu Phi và một số nước quan tâm gia nhập BRICS tham dự.

(iv) Tham gia Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Những người bạn của BRICS (Friends of BRICS), được tổ chức bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao BRICS[10] hàng năm. Những nước được ưu tiên mời thường là các quốc gia đang giữ vai trò chủ tịch các cơ chế, tổ chức khu vực (như Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch Liên minh châu Phi…) hoặc các nước quan tâm đến việc gia nhập BRICS.

(v) Tham gia các diễn đàn/đối thoại trong khuôn khổ BRICS: Các thành viên BRICS có thể mời các nước quan tâm tham dự các hội nghị, đối thoại về các các lĩnh vực cụ thể. Trong khuôn khổ BRICS năm 2023, Việt Nam được mời tham dự Hội nghị đối thoại mở rộng các đảng chính trị BRICS ngày 18 – 20/7/2023 tại Nam Phi và Diễn đàn Đô thị quốc tế BRICS+ ngày 10 -11/11/2023 tại St. Petersburg, Nga.

II. Đánh giá về lợi ích và thách thức đặt ra của việc mở rộng BRICS đối với Việt Nam:

  1. Trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược nước lớn gay gắt, BRICS ngày càng thu hút sự quan tâm của các nước phương Nam. Việc nhiều nước thể hiện nhu cầu gia nhập BRICS cho thấy xu hướng ưu tiên triển khai chính sách tự chủ chiến lược, phòng bị nước đôi và đa liên kết của các nước vừa và nhỏ (thay vì không liên kết) để bảo đảm cân bằng trong quan hệ đối ngoại với các nước lớn. Quyết định kết nạp 6 thành viên tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 giúp BRICS mở rộng quy mô và củng cố tiềm lực, vai trò của Nhóm. Sáu nước được mời gia nhập BRICS đợt này đều là các nước tầm trung, có vai trò và ảnh hưởng trong khu vực, có các lợi thế đặc thù về tài nguyên, dầu mỏ, nguồn lực tài chính, vị trí địa chiến lược, kết nối giao thông, logistics…. Đây đều là các yếu tố bổ sung có tầm chiến lược đối với BRICS và các nước thành viên[11].
  2. Về lợi ích của việc tham gia vào quá trình mở rộng BRICS đối với Việt Nam:

+ Tiếp tục triển khai kiên trì và nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.

+ Tạo điều kiện tăng cường phối hợp với các nước thành viên nhằm thúc đẩy hơn nữa vai trò, tiếng nói, lợi ích của các nước đang phát triển, các nước phương Nam trong các vấn đề còn có sự khác biệt trong quan điểm giữa các nước Bắc – Nam như cải tổ các cơ chế quản trị toàn cầu (Liên hợp quốc, IMF), bảo hộ thương mại, dân chủ – nhân quyền, nông nghiệp, công nghệ, SMEs….

+ Quy mô, tiềm năng vai trò, ảnh hưởng của BRICS có thể mang lại lợi ích cho ta với tư cách thành viên: (i) Góp phần nâng cao vai trò, vị thế, nâng tầm đối ngoại đa phương, đa dạng hóa sự tham gia của ta trong các cơ chế liên kết kinh tế có tầm ảnh hưởng ngày càng lớn – một “sân chơi” nằm ngoài các cơ chế do Mỹ thiết lập, tạo thêm “thế” trong quan hệ với các trung tâm quyền lực khác và hạn chế tác động và rủi ro do cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung gây ra;

(ii) Tranh thủ các lợi ích về kinh tế, mở rộng cơ hội kết nối, hợp tác kinh tế, tranh thủ các nguồn lực cho phát triển từ Ngân hàng NDB; đa dạng hóa quỹ đầu tư quốc gia (đặc biệt là các nước xuất khẩu dầu mỏ), các cơ chế về hợp tác tài chính, kinh tế, thương mại; có thêm lựa chọn trong thanh toán và giao dịch quốc tế, giảm phụ thuộc vào đồng USD, hệ thống thanh toán và các định chế tài chính do Mỹ/phương Tây xây dựng.

+ Việc tham gia BRICS cũng giúp làm sâu sắc thêm các quan hệ song phương, gia tăng mặt hợp tác chiến lược, tin cậy, nâng cao vị trí, tầm quan trọng trong trong quan hệ giữa ta với các thành viên BRICS, nhất là Trung Quốc, Nga, Ấn Độ; giúp Việt Nam tăng cường hợp tác về thương mại – đầu tư với các nền kinh tế có tính bổ sung cao, tài nguyên thiên nhiên phong phú, đặc biệt là dầu thô và khí đốt.

  1. Các yếu tố cần cân nhắc:

+ So với các cơ chế quản trị toàn cầu khác, BRICS phân tán về địa lý, có nhiều bất đồng về trình độ, văn hóa, hệ giá trị, đặc biệt là cạnh tranh ảnh hưởng ở khu vực và toàn cầu giữa Nga – Trung, Trung – Ấn cũng như mâu thuẫn biên giới Trung – Ấn có thể gây chia rẽ, giảm hiệu quả hoạt động của Nhóm. Nội bộ BRICS còn tồn tại khác biệt trong vấn đề lợi ích chính trị, an ninh kinh tế giữa các bên, chưa có hiến chương, điều lệ hoạt động hay cơ chế giải quyết tranh chấp giữa các thành viên.

+ BRICS chưa có quy chế, tiêu chí, quy trình rõ ràng về việc mở rộng thành viên; các nước xin gia nhập chủ yếu bày tỏ qua kênh song phương. Mục tiêu chiến lược khác nhau giữa các thành viên BRICS trong việc thực hiện tầm nhìn của Nhóm dẫn đến khó giải quyết các bất đồng nội bộ. Nga và Trung Quốc muốn định hướng BRICS trở thành một cơ chế đối trọng G7, trong khi Ấn Độ, Nam Phi và Brazil không muốn BRICS phát triển theo mô hình “bá quyền kinh tế”, trở thành diễn đàn chống Mỹ/phương Tây.

+ Đến nay, vai trò của BRICS còn hạn chế, hiện chưa có phối hợp chính sách chung, chưa thể hiện rõ vai trò trong quản trị toàn cầu. Quy mô tài chính của NDB và Quỹ dự trữ ngoại tệ chung còn tương đối khiêm tốn. Bản thân các nước thành viên gặp nhiều khó khăn phục hồi kinh tế trong nước[12]./.

Bình Nguyễn

[1] Ý tưởng thành lập BRICS được Nga khởi xướng tại cuộc gặp của lãnh đạo 04 nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc bên lề HNTĐ G8 mở rộng tại St. Petersburg tháng 7/2006. Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao BRIC đầu tiên diễn ra nhân Đại hội đồng Liên hợp quốc tháng 9/2006; Hội nghị thượng đỉnh BRIC đầu tiên diễn ra tại Ekaterinburg, Nga tháng 6/2009. Nam Phi lần đầu tiên tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 3 tại Tam Á, Trung Quốc tháng 4/2011.
[2] Ngân hàng NDB được thành lập năm 2015, có tổng vốn điều lệ là 100 tỉ USD, trong đó Trung Quốc đóng góp 41 tỉ, Nga, Brazil và Ấn Độ mỗi nước 18 tỉ, Nam Phi 5 tỉ USD. NDB đặt trụ sở tại Thượng Hải, Chủ tịch hiện là Bà Dilma Rousseff, Cựu Tổng thống Brazil, với nhiệm kỳ 5 năm (2023-2028). NDB tập trung vào nhu cầu của các quốc gia thành viên với khoảng 100 dự án trị giá hơn 32 tỉ USD về năng lượng sạch, giao thông, thủy lợi, vệ sinh môi trường, phát triển đô thị… Năm 2021, NDB kết nạp 4 thành viên mới: Bangladesh, Ai Cập, UAE và Uruguay.
[3] Hội đồng kinh doanh BRICS, Liên minh doanh nghiệp nữ BRICS, Nền tảng hợp tác nghiên cứu năng lượng BRICS, Hội đồng học giả BRICS, Mạng lưới các đại học BRICS, Ủy ban hỗn hợp hợp tác vũ trụ BRICS (Nga mời các nước BRICS thành lập trạm vũ trụ mới)…
[4] Thương mại trong BRICS tăng trưởng mạnh mẽ: Năm 2022, thương mại song phương Nga – Trung đạt 190 tỉ USD, tăng 30%; Brazil – Trung Quốc đạt 150 tỉ USD; Ấn Độ – BRICS đạt 142 tỉ USD, tăng 24,6% so giai đoạn 2018-2019; Nga – Ấn (Quý I/2023) đạt 16,45 tỉ USD, tăng 4,1 lần; Nga – các nước BRICS (Quý I/2022) đạt 45 tỉ USD, tăng 38%.
[5] Trung Quốc đón và hội đàm với các lãnh đạo BRICS cho thấy ưu tiên trong phát triển quan hệ với các nước BRICS: Đón Tổng thống Brazil (4/2023), thăm Nga (3/2023), gặp Tổng thống Nam Phi bên lề G20 (tháng 11/2022).
[6] Brazil đã ký một số thỏa thuận thúc đẩy thương mại và đầu tư với Trung Quốc, nổi bật là Quỹ hợp tác đầu tư Trung Quốc – Brazil; thành lập Ủy ban hỗn hợp về hợp tác thương mại và kinh tế với Nga.
[7] Các nước BRICS mới dừng lại ở khả năng sử dụng đồng tiền chung theo cơ chế song phương. Vấn đề thiết lập đồng tiền chung không được đưa vào chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh lần này.
[8] Hiện chưa có số lượng chính thức các quốc gia xin gia nhập BRICS, nhiều nguồn tin trích dẫn số lượng khác nhau. Ngoài 6 nước thành viên mới, các quốc gia được nêu có mong muốn gia nhập BRICS và NDB gồm: (i) Châu Á: Afghanistan, Bahrain, Bangladesh, Indonesia, Kazakhstan, Pakistan, Syria, Thái Lan, Myanmar (đang xem xét gia nhập NDB); (ii) Châu Phi: Algeria, Nigeria, Sudan, Tunisia, Zimbabwe, Senegal; (iii) Châu Mỹ: Mexico, Nicaragua, Uruguay, Venezuela, Honduras; (iv) Châu Âu: Thổ Nhĩ Kỳ, Belarus, Serbia, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ và Serbia đang là quan sát viên của EU…
[9] Gồm Algeria, Argentina, Cambodia, Egypt, Ethiopia, Fiji, Indonesia, Iran, Kazakhstan, Malaysia, Senegal, Thái Lan và Uzbekistan.
[10] Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Những người bạn của BRICS tại Nam Phi (tháng 6/2023) có 14 khách mời gồm Comoros, Cuba, Cộng hoà Dân chủ Congo, Gabon, Iran, Kazakhstan, Saudi Arabia, Ai Cập, Argentina, UAE, Bangladesh, Guinea-Bissau, Burundi, Indonesia.
[11] Ba thành viên giàu dầu mỏ (Saudi Arabia, UAE và Iran) tăng khả năng hiện thực hóa việc thanh toán bằng nội tệ, phi đô-la hóa, mang lại khả năng thanh khoản tiềm năng cho BRICS. Ai Cập và Ethiopia có thế mạnh về nhân khẩu học ở châu Phi, có vai trò trong Liên minh châu Phi (Ethiopia là nơi đặt trụ sở AU, Ai Cập là thành viên tích cực), có vị trí chiến lược (Ethiopia nằm ở vùng Sừng châu Phi, Ai Cập có kênh đào Suez). Iran giúp tạo hành lang Bắc – Nam cho phép Nga vận chuyển hàng hóa qua Vịnh Ba Tư đến châu Á và châu Phi mà không cần qua Biển Đen hay Bắc Âu. Ethiopia và Ai Cập có thế mạnh về nhân khẩu học ở châu Phi. Saudi Arabia và UEA có ngân sách dồi dào, bảo đảm hoạt động của NDB và hỗ trợ các thành viên khác.
[12] Trung Quốc chưa hồi phục hoàn toàn, tăng trưởng không như kỳ vọng dù nhiều biện pháp kích thích được triển khai; GDP quý II/2023 chỉ tăng 0,8% so Quý I và 6,3% so cùng kỳ năm 2022, tiêu dùng nội địa phục hồi chậm, khủng hoảng bất động sản trước nguy cơ vỡ bong bóng, xuất nhập khẩu giảm sút. Kinh tế Nga, Iran tiếp tục chịu ảnh hưởng bất lợi của lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây. Kinh tế Argentina đối mặt khủng hoảng, lạm phát trên 100% (dự kiến vượt 140% cuối năm 2023), tổng dự trữ ngoại hối dự báo là âm 8 tỉ USD sau khi trừ các nghĩa vụ nợ, cứ 10 người thì có 4 người Argentina sống dưới ngưỡng nghèo.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here