Gần 40 tháng đã trôi qua kể từ khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đề xuất gói tín dụng 1 tỷ USD của nước này dành cho kết nối số giữa 10 nước ASEAN, tuy nhiên chỉ có một số ít các nước quan tâm. Gói tín dụng này được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN- Ấn Độ năm 2015 như một phần của chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ.
Ngạc nhiên trước sự hờ hững của các nước ASEAN, tháng 1/2018 Delhi đã quyết định cấp 40 triệu USD cho những dự án thí điểm ở Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (CLMV) nhằm khởi động gói tín dụng này. Nguồn tin từ chính phủ cho biết các dự án thí điểm này “đã được lên kế hoạch để đảm bảo việc triển khai hiệu quả các dự án trong gói tín dụng và giảm sự phụ thuộc của ASEAN chỉ vào Trung Quốc”. Chúng tôi hy vọng các dự án này, giống như những phần giới thiệu quảng bá phim, sẽ được phát hành.
Khoản tín dụng 1 tỉ USD dành cho cả kết nối cứng và kết nối số giữa các nước ASEAN này thuộc trách nhiệm tổng thể của Bộ Ngoại giao, được cấp qua Ngân hàng Xuất Nhập khẩu (EXIM Bank). Cục Viễn thông (DoT) và Hội đồng xúc tiến xuất khẩu dịch vụ và thiết bị viễn thông (TEPC) là các cơ quan chủ quản của Ấn Độ phụ trách các dự án kết nối này.
Trong số 10 nước, chỉ có Lào đã gửi yêu cầu chính thức về các dự án kết nối số sử dụng gói tín dụng này. Nhưng yêu cầu của Lào cho 03 dự án qua kênh ngoại giao hồi tháng 5/2017 vẫn chưa có tiến triển do EXIM Bank không có “Bộ phận Tư vấn về viễn thông” (Bộ phận Tư vấn Viễn thông liên kết cần chuẩn bị báo cáo chi tiết về dự án do các nước khác yêu cầu theo từng thủ tục).
Các nguồn tin của EXIM Bank cho biết ngân hàng này chỉ có bộ phận tư vấn về cơ sở hạ tầng do Ấn Độ đến nay đã mở rộng gói tín dụng cho các dự án cơ sở hạ tầng và đây là lần đầu tiên một dự án kết nối số được đưa ra cân nhắc. Bởi vậy, nguồn tin này cho biết EXIM Bank vẫn đang tiếp tục phối hợp với DoT để hoàn thiện tư vấn viễn thông cho dự án.
Cựu thư ký viễn thông và Chủ tịch TEPC, Shyamal Ghosh trong phỏng vấn với The Indian Express cho rằng hai năm vừa qua là “giai đoạn học hỏi” và “gói tín dụng và các dự án thí điểm sẽ giúp các công ty Ấn Độ đặt dấu ấn ở phương Đông, từ đó sẽ giúp thực hiện chính sách Hành động hướng Đông một cách hiệu quả bên cạnh tạo động lực cho sản xuất nội địa của Ấn Độ”. Ông Ghosh cũng cho rằng đề xuất cung cấp 40 triệu USD dành cho các dự án thí điểm ở các nước CLMV “sẽ hỗ trợ việc triển khai các dự án trong gói tín dụng 1 tỷ USD”.
Một nguồn tin cho biết trở ngại chính trong tiến trình thực hiện gói tín dụng là vấn đề bảo trợ nhà nước mà chính phủ nước ngoài phải cung cấp. Do lĩnh vực viễn thông ở các nước ASEAN lại thuộc khu vực tư nhân nên không có chính phủ nào sẵn sàng bảo trợ khoản vay từ Ấn Độ cho công ty tư nhân. Ngay cả Lào là nước sẵn sàng nhất thì cũng chỉ đề nghị sẽ cấp “thư bảo đảm”. Đề nghị từ phía Lào vẫn đang được Delhi cân nhắc.
Các nước ASEAN khác thì đặt câu hỏi về các điều khoản đi kèm với gói tín dụng và các công nghệ sẽ được chuyển giao. Trong các buổi thảo luận tại Myanmar vào tháng 12 năm ngoài, các quan chức Myanmar đã nói với những người đồng cấp Ấn độ rằng Trung Quốc đang đề xuất cho nước này một gói tín dụng có các điều khoản tốt hơn và đảm bảo sẽ chuyển giao công nghệ tiên tiến hiện đại. Theo các quan chức của TEPC, công nghệ hiện đại chỉ có thể được chuyển giao nếu Chính phủ sẵn lòng cho các công ty viễn thông tư nhân của Ấn Độ triển khai các dự án và không giới hạn các dự án này chỉ cho các công ty nhà nước. Quan chức của DoT nói rằng thủ tục ở EXIM BANK rất nặng nề và quan liêu, làm cho gói tín dụng kém hấp dẫn với các nước ASEAN. Và về phía mình, hầu hết các nước ASEAN cũng có tiến trình chậm chạp để bắt đầu dự án. Ví dụ như ở Myanmar, để hoàn thành các thủ tục dự án ở cấp Bộ, Quốc hội và Tổng thống sẽ mất hai năm.
(Theo The Indian Express, TLSQVN tại Mumbai)