Xu hướng bảo hộ gia tăng, hàng hóa Việt Nam ngày càng đối diện nhiều hơn với các vụ điều tra phòng vệ thương mại từ nước ngoài.Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã đồng hành, thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, ngành hàng ứng phó hiệu quả.
Đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp kháng kiện
Thứ ba, việc tham gia vào các chuỗi cung ứng khu vực khiến Việt Nam trở thành quốc gia thường xuyên bị điều tra chung với một số nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ… là các quốc gia có kim ngạch xuất khẩu lớn, thường xuyên bị điều tra phòng vệ thương mại hoặc bị nghi ngờ chuyển tải bất hợp pháp nhằm lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với các nước này.
Bộ Công Thương nêu rõ, việc hàng xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với nhiều cuộc điều tra phòng vệ thương mại nước ngoài hơn là một hệ quả tất yếu khi tăng cường tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong bối cảnh tình hình thế giới đang có nhiều biến động. Đối với doanh nghiệp Việt Nam, việc bị nước ngoài điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại ở mức cao sẽ có những tác động tiêu cực như giảm lợi thế cạnh tranh, dẫn đến mất một phần hoặc toàn bộ thị trường xuất khẩu.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải bố trí thời gian và nguồn lực để xử lý, thuê tư vấn pháp lý đáp ứng các yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài, dẫn đến tăng gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp.
Trước bối cảnh đó, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu xử lý hiệu quả vụ việc phòng vệ thương mại nước ngoài thông qua những hoạt động đa dạng như: Cảnh báo sớm nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại để doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch xử lý; trao đổi kịp thời với hiệp hội, doanh nghiệp để cung cấp thông tin cập nhật, giúp doanh nghiệp nắm được diễn biến vụ việc.
Đồng thời, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai nhiều hoạt động như sớm tiếp cận với các doanh nghiệp trong những ngành có nguy cơ và/hoặc bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để cung cấp thông tin, giúp doanh nghiệp hiểu được quy định, yêu cầu và quy trình điều tra.
Bộ Công Thương cũng trực tiếp can thiệp, trao đổi với cơ quan điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài khi nhận thấy các cáo buộc không có cơ sở hoặc phát hiện trong hoạt động và kết luận điều tra có điểm chưa phù hợp với quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Nếu biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài có dấu hiệu vi phạm các quy định của WTO, Bộ Công Thương xem xét đưa vấn đề ra giải quyết theo cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO.
Tính đến nay, Việt Nam đã tiến hành khiếu nại 5 biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài ra cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO, trong đó, có 4 vụ việc đã có phán quyết với kết quả tích cực cho Việt Nam.
Trong các khuôn khổ thích hợp, Bộ Công Thương cũng đề nghị các quốc gia xem xét công nhận nền kinh tế thị trường (KTTT) cho Việt Nam để trong các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại, cơ quan điều tra nước ngoài không lựa chọn nước thay thế, sử dụng giá trị thay thế của nước ngoài để tính biên độ phá giá cho doanh nghiệp Việt Nam, dẫn đến mức thuế cao cho doanh nghiệp. Tính đến nay, Việt Nam đã được 72 quốc gia trên thế giới công nhận nền KTTT, đặc biệt, có các nền kinh tế lớn như Anh, Úc…
Với các nỗ lực của Chính phủ, theo Bộ Công Thương, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về phòng vệ thương mại đang dần được nâng cao. Một số ngành, doanh nghiệp đã xác định được điều tra phòng vệ thương mại là hoạt động bình thường trong thương mại quốc tế, do đó, chủ động xử lý, ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài.
Mặt khác, ta cũng ghi nhận nhiều vụ việc Việt Nam thành công trong việc chứng minh doanh nghiệp không bán phá giá hay Chính phủ không trợ cấp, không can thiệp vào thị trường để tạo lợi thế bất bình đẳng cho doanh nghiệp xuất khẩu. Nhờ đó, doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế phòng vệ thương mại hoặc bị áp thuế ở mức thấp so với cáo buộc ban đầu hoặc so với các nước khác cùng bị áp thuế, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Một số kết quả đạt được trong năm 2022 và đầu năm 2023, điển hình như Hoa Kỳ kết luận thép dây không gỉ Việt Nam không lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đang áp dụng với Hàn Quốc; một số sản phẩm ống thép không lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đang áp dụng với Đài Loan (Trung Quốc), doanh nghiệp pin mặt trời lớn của Việt Nam không lẩn tránh thuế và miễn thuế tạm thời với mặt hàng này, Chính phủ Việt Nam không trợ cấp đối với doanh nghiệp xuất khẩu lốp xe được rà soát trong năm 2021; Ấn Độ dỡ bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá với thép mạ hợp kim nhôm kẽm của Việt Nam; Úc chấm dứt thuế chống bán phá giá với nhôm định hình và chấm dứt điều tra chống bán phá giá amoni nitrat…
Đẩy mạnh cảnh báo từ sớm, từ xa
Thời gian qua, nhằm bảo vệ lợi ích cho doanh nghiệp, Bộ Công Thương đẩy mạnh thực hiện Đề án xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại (Đề án 316); Đề án Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ (Đề án 824) của Chính phủ. Trong đó, Bộ Công Thương đã và đang theo dõi biến động xuất khẩu của 41 mặt hàng, riêng trong năm 2023, đã đưa ra danh sách cảnh báo gồm 18 mặt hàng để thông tin cho các cơ quan chức năng, hiệp hội, doanh nghiệp và các bên liên quan khác có sự chuẩn bị, ứng phó với vụ kiện.
Theo ghi nhận của Bộ Công Thương, thông qua công tác cảnh báo sớm, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đã chủ động ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài. Bộ Công Thương đã sớm tiếp cận với doanh nghiệp trong ngành để cung cấp thông tin, giúp doanh nghiệp hiểu được các nguyên tắc, quy trình điều tra; các công việc doanh nghiệp cần thực hiện; kịch bản có thể xảy ra. Nhờ đó, doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị để đáp ứng đầy đủ, chính xác nhất các yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài.
Nhằm giúp doanh nghiệp và hiệp hội hiểu rõ hơn về quy định điều tra chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương đã phối hợp với các hiệp hội ngành hàng tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề để phổ biến các quy định về xuất xứ, quy định về phòng vệ thương mại đến doanh nghiệp trong ngành nhằm ngăn chặn từ đầu những hành vi khai báo thông tin không chính xác và việc tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp.
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, kim ngạch xuất khẩu gia tăng nhanh chóng, xu thế sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng gia tăng, đây sẽ là áp lực lớn cho cả doanh nghiệp và Chính phủ thời gian tới. Vì thế, Bộ Công Thương xác định, công tác hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại từ các quốc gia tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ, phát triển các thị trường xuất khẩu.
(Bảo Thoa)