Tương lai quan hệ Ấn Độ-ASEAN hậu RCEP

0
308

Ấn Độ đã rút khỏi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được 15 nước ký kết hôm 15/11 tại Hội nghị Cấp cao ASEAN trực tuyến. Hiệp định này bao gồm tất cả 10 quốc gia thành viên ASEAN cùng với Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc.

New Delhi khẳng định không tham gia RCEP bởi hiệp định này không giải quyết các vấn đề nổi cộm và mối quan ngại của Ấn Độ, song nước này vẫn muốn củng cố quan hệ thương mại với ASEAN. (Nguồn: Nikkei)

Ấn Độ đã tham gia vào các cuộc đàm phán RCEP trước khi quyết định rút lui hồi năm ngoái. Mặc dù quốc gia này cho đến nay vẫn ở ngoài lề, các thành viên RCEP tuyên bố rằng trong tương lai New Delhi có thể trở thành quan sát viên hoặc thành viên nếu họ muốn.

Tờ ASEAN Today bình luận, trong thời gian qua, Ấn Độ đã rất nỗ lực tăng cường khả năng tiếp cận các nước Đông Nam Á song thật khó để nói rằng việc rút khỏi RCEP sẽ giúp ích cho các nỗ lực đó. Trên thực tế, những mối lo ngại về thỏa thuận này và quyết định rút lui có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các mối quan hệ của New Delhi với Đông Nam Á.

Ấn Độ có những lo ngại cả về kinh tế và chiến lược đối với RCEP. Khi thông báo rút lui khỏi các cuộc đàm phán vào tháng 11/2019, New Delhi tuyên bố việc loại bỏ thuế quan theo RCEP sẽ gây mất cân bằng thương mại giữa Ấn Độ và các thành viên RCEP khác, gây ảnh hưởng xấu đến các doanh nghiệp trong nước.

Cụ thể hơn, Trung Quốc vẫn là nguyên nhân chính khiến Ấn Độ lo ngại. Trên thực tế, thâm hụt thương mại của Ấn Độ với Trung Quốc đã ngăn cản New Delhi tham gia RCEP – hiệp định mà Ấn Độ coi là diễn đàn do Trung Quốc lãnh đạo, qua đó làm tổn hại đến lợi ích kinh tế của mình. Lý do chính khiến Ấn Độ quyết định rút lui là RCEP sẽ mở đường cho các sản phẩm của Trung Quốc thâm nhập thị trường nước này, bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các quốc gia RCEP khác. Hơn nữa, RCEP không có quy định về biểu thuế riêng cho các sản phẩm có thành phần xuất xứ từ các quốc gia khác nhau.

Ảnh hưởng tới quan hệ Ấn Độ-ASEAN

Ấn Độ đã và đang tập trung tăng cường gắn kết với khu vực Đông Nam Á thông qua Chính sách Hành động Hướng Đông. Song ngay cả trước khi có Chính sách này và RCEP, Ấn Độ đã có hiệp định thương mại tự do (FTA) với ASEAN. Thỏa thuận ban đầu giữa Ấn Độ và ASEAN được ký kết vào năm 2003 và thỏa thuận cuối cùng được ký kết vào năm 2009. Khu vực Thương mại Tự do ASEAN-Ấn Độ có hiệu lực vào năm 2010.

Việc tham gia RCEP sẽ buộc Ấn Độ loại bỏ gần 90% thuế đối với các mặt hàng mà nước này nhập khẩu từ ASEAN cũng như từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Do đó, quyết định không tham gia RCEP của Ấn Độ sẽ thúc đẩy các nước ASEAN hướng tới ưu tiên thương mại với các nước thành viên RCEP.

Tổng giá trị trao đổi thương mại của Ấn Độ với các nước ASEAN đạt khoảng 87 tỷ USD trong giai đoạn 2019-2020, trong đó xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 32 tỷ USD và nhập khẩu lên tới 55 tỷ USD. Thâm hụt thương mại của Ấn Độ với các nước ASEAN ở mức 24 tỷ USD.

Thương mại giữa Ấn Độ và ASEAN đang được điều chỉnh bởi các FTA mà Ấn Độ đã có với ASEAN với tư cách là một khối, cũng như các hiệp định song phương với Malaysia và Singapore. Thâm hụt thương mại của Ấn Độ với Malaysia và Singapore lần lượt là 3,42 tỷ USD và 5,83 tỷ USD.

Ấn Độ đang thúc đẩy xem xét lại các FTA song phương và đa phương hiện có của mình, bao gồm cả FTA mà nước này đã có với ASEAN. Theo chính quyền New Delhi, hầu hết các hiệp định này không có lợi cho mình. Tuy nhiên, các nước ASEAN khó có thể sớm tham gia đàm phán vì họ sẽ ưu tiên RCEP hơn. Ấn Độ có nguy cơ bị cô lập và việc nước này từ chối tham gia RCEP có thể dẫn tới việc thiết lập lại quan hệ giữa New Delhi và các nước ASEAN.

Yếu tố Trung Quốc

Quyết định rút lui khỏi RCEP của Ấn Độ một phần được thúc đẩy bởi cuộc xung đột hiện nay với Trung Quốc, cũng như lập trường của New Delhi trong việc giải quyết các mối lo ngại kinh tế trong nước. Ấn Độ đã lao vào một cuộc xung đột biên giới với Trung Quốc tại khu vực Ladakh kể từ tháng Năm vừa qua. Tâm lý chống Trung Quốc đang dâng cao ở trong nước và nhiều người Ấn Độ đã lên tiếng kêu gọi tẩy chay các sản phẩm của nước này.

Cùng với việc xem xét lại các FTA, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã kêu gọi tăng cường khả năng tự cường trong các vấn đề kinh tế nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp địa phương. Tâm lý chống Trung Quốc dẫn đến việc Ấn Độ cắt giảm tới 50% thâm hụt thương mại với quốc gia láng giềng này trong khoảng thời gian từ tháng Tư đến tháng Tám vừa qua.

Chính phủ Ấn Độ cũng khởi xướng chương trình cải cách nông nghiệp nhằm mang lại nhiều lợi ích hơn cho nông dân. Đây là một phần trong các động thái nhằm làm tăng cường khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước và lĩnh vực nông nghiệp. Các ngành này sẽ không thể cạnh tranh hiệu quả với hàng hóa nhập khẩu từ các nước RCEP và đây là một trong những lý do chính khiến Ấn Độ từ chối ký kết RCEP. Song việc nâng cao khả năng cạnh tranh của các lĩnh vực này có thể là một quá trình chậm chạp.

Tuy nhiên, RCEP có khả năng khiến các nước ASEAN tương tác kinh tế với Trung Quốc nhiều hơn là với Ấn Độ. Do quan tâm đến các vấn đề an ninh và kinh tế trong nước hơn là ký kết RCEP, Ấn Độ cần chuẩn bị để tái lập lại vị thế của mình với các nước ASEAN. Đối với New Delhi, nằm ngoài RCEP đồng nghĩa với việc nước này phải có những cách thức mới nhằm tương tác với khu vực Đông Nam Á.

Ấn Độ vẫn mở rộng giao thương với ASEAN dù rút khỏi RCEP

Ấn Độ và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cho biết sẽ tìm cách tăng cường thương mại song phương bất chấp việc New Delhi đã rút khỏi hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Phát biểu họp báo về Hội nghị cấp cao ASEAN-Ấn Độ lần thứ 17 theo hình thức trực tuyến ngày 12/11, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ phụ trách phương Đông, bà Riva Ganguly Das nêu rõ: “Chúng tôi không tham gia RCEP bởi hiệp định này không giải quyết các vấn đề nổi cộm và mối quan ngại của Ấn Độ. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn muốn củng cố hơn mối quan hệ thương mại của mình với ASEAN.”

Tháng 11 năm ngoái, Thủ tướng Modi tuyên bố tại Hội nghị cấp cao RCEP rằng Ấn Độ sẽ rút khỏi hiệp định này sau quá trình đàm phán hơn 6 năm, vì nó không giải quyết các mối quan ngại của New Delhi về tình trạng tràn ngập hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc, thâm hụt thương mại và bảo vệ các lĩnh vực nông nghiệp và sữa.

Các nước còn lại trong RCEP sau đó tiếp tục đàm phán mà không có Ấn Độ để rồi quyết định ký kết thỏa thuận vào ngày 15/11 tới. Tuy nhiên, các nước dự kiến sẽ đưa vào một điều khoản cho phép Ấn Độ tham gia trong tương lai.

Các quan chức Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã từ chối bình luận về khả năng các bên thảo luận về vấn đề RCEP tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Ấn Độ. Tuy nhiên, các quan chức này cho biết Thủ tướng Narendra Modi đã kêu gọi “sớm rà soát lại” Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN-Ấn Độ (AITGA) và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đa dạng hóa và phục hồi chuỗi cung ứng đối để khôi phục kinh tế hậu đại dịch COVID-19.

Ông Modi cũng nêu bật tầm quan trọng của việc tăng cường kết nối vật lý và kỹ thuật số giữa ASEAN và Ấn Độ, tái khẳng định New Delhi cung cấp tín dụng trị giá 1 tỷ USD để hỗ trợ kết nối ASEAN.

Hữu Chiến

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here