Trong những tháng gần đây, nhiều ngân hàng trung ương đã tiến hành hạ lãi suất nhằm kích thích tăng trưởng đang bị suy giảm và lạm phát đang suy yếu trong bối cảnh chiến tranh thương mại và công nghệ.
Cũng giống như vào năm 2008, làn sóng một lần nữa được khởi nguồn từ khu vực Thái Bình Dương khi các ngân hàng trung ương Australia và New Zealand lần lượt hạ lãi suất chủ chốt, trước vài tháng so với các ngân hàng phương Tây. Christopher Dembik, nhà kinh tế tại Ngân hàng Saxo nhận định: “đây là những dấu hiệu rõ của một xu hướng sẽ còn được tiếp tục tại các ngân hàng trung ương”.
Nguồn gốc của các biện pháp này không phải xuất phát từ một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mà do một loạt các nhân tố đang ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của cả các nước phát triển và các nước mới nổi. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Australia giải thích: “tâm lý lo ngại trước xung đột thương mại và công nghệ đang ảnh hưởng đến đầu tư và làm gia tăng các rủi ro cho nền kinh tế toàn cầu”.
Liên tiếp trong tháng 6 và tháng 7, Ngân hàng Trung ương Australia đã hạ 0,25 điểm phần trăm lãi suất chủ chốt xuống còn 1% nhằm xoa dịu các lo ngại trước sự tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc, đối tác thương mại chính của Australia. Biện pháp này cũng là để đối phó với khủng hoảng trên thị trường bất động sản và tình trạng giảm chi tiêu của các hộ gia đình. Ngân hàng New Zealand cũng đã hạ lãi suất chủ chốt xuống mức 1,25% và có thể sẽ tiếp tục thực hiện một đợt hạ lãi suất nữa trong tháng 8/2019 trong bối cảnh tâm lý ảm đạm đang bao phủ các doanh nghiệp địa phương và thị trường gỗ đang bị chững lại.
Đến lượt Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB)
Ngân hàng Trung ương Ấn Độ cũng đi theo xu hướng này và hạ 0,25 điểm phần tram lãi suất chủ chốt xuống còn 5,75% hồi đầu tháng 6 trong bối cảnh tăng trưởng quý 1/2019 ở mức thấp nhất trong 4 năm qua (5,8%). Các ngân hàng trung ương của Malaysia, Philippines, Indonesia, Hàn Quốc và Nam Phi cũng có các biện pháp tương tự.
Vào cuối tháng 7, làn sóng hạ lãi suất đã lan sang các nước phương Tây. Thổ Nhĩ Kỳ hạ lãi suất chủ chốt từ 24% xuống 19,75% (lần đầu tiên hạ lãi suất ở mức 4,25% kể từ năm 2015). Thống đốc mới của ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ Murat Uysal cho rằng, sự sụt giảm lạm phát tại Thổ Nhĩ Kỳ và các chính sách hỗ trợ của FED và ECB là lý do khiến Thổ Nhĩ Kỳ hành động. Ngày 31/7, FED đã thông báo giảm 0,25 điểm phần tram lãi suất cơ bản xuống còn từ 2% – 2,25%. ECB dự kiến cũng sẽ có các biện pháp tương tự trong thời gian tới.
Nhiều rủi ro
Các ngân hàng trung ương thực hiện các biện pháp can thiệp sớm nhằm kích thích hoạt động kinh tế đang có dấu hiệu chậm lại và mở đường cho các chính sách thuế tham vọng hơn. Nhưng các biện pháp này không phải là không có rủi ro. Chúng có thể khiến các cổ phiếu tài chính tăng giá và tạo ra các bong bóng mới, tăng khó khăn của ngành ngân hàng, hiện đã phải chịu mức lãi suất rất thấp, thậm chí là ở mức âm, và lấy đi các chỗ dựa quý giá trong trường hợp một cuộc khủng hoảng mới nổ ra.
Không phải tất cả các ngân hàng trung ương đều đi theo xu thế trên. Ví dụ như Trung Quốc, ngay cả khi tăng trưởng của nước này giảm xuống 6,2%, hay Canada, khi hoạt động kinh tế đang khởi sắc. Trong khi đó, do tác động của chính sách của Mỹ và châu Âu với đồng tiền của mình, Nhật Bản đã quyết định duy trì chính sách tiền tệ cực kỳ ổn định của nước này (lãi suất âm đối với một số tiền gửi của ngân hàng, kế hoạch quy mô lớn nhằm mua lại tài sản). Tuy nhiên, nước này cũng để ngỏ khả năng sẽ hành động, đặc biệt là nếu đồng yên tăng giá quá nhiều so với với đồng USD và ảnh hưởng đến xuất khẩu của Nhật Bản.
Đối với Anh, phiên họp của Ủy ban chính sách tiền tệ ngày 1/8 được theo dõi chặt chẽ khi chỉ có ngân hàng trung ương Anh có xu hướng ủng hộ tăng lãi suất. Một biện pháp khó thực hiện trong thời điểm hiện nay khi sự xuất hiện vừa qua của ông Boris Johnson, người sẵn sàng rời khỏi Liên minh châu Âu mà không có thỏa thuận, đã khiến giá trị của đồng bảng Anh suy giảm.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp)