Truyền thông quốc tế đang dành nhiều chú ý đến công tác phòng chống làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 tại Việt Nam và nỗ lực bảo vệ ngành công nghiệp trước hiểm họa dịch bệnh. Những diễn biến khó lường của đợt dịch bệnh mới đang bổ sung thêm mối nguy đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp – đầu tàu kinh tế của đất nước và là “chốt chặn” quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Do tình hình dịch bệnh phức tạp ở phía Bắc, các tỉnh phía Nam đang siết chặt các biện pháp phòng chống dịch bệnh ở các khu công nghiệp. Thành phố Hồ Chí Minh có 17 khu công nghiệp và khu chế xuất, tập trung 1.500 doanh nghiệp với khoảng 280.000 công nhân, trong đó có 3.000 chuyên gia nước ngoài. Tại các tỉnh gần TP. Hồ Chí Minh, gồm Bình Dương, Long An và Đồng Nai, chính quyền đã xây dựng các kịch bản ứng phó các đợt bùng phát có thể xảy ra.
Những lo ngại về khả năng có thể xảy ra “sự kiện siêu lây nhiễm” đã dấy lên ở Thành phố Hồ Chí Minh hôm 28/5. Trao đổi với Nikkei Asia, ông Hà Hoàng Hợp thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore) cho rằng: “Tại TP. Hồ Chí Minh, tình hình đã trở nên rất nghiêm trọng và ngày càng trở nên không chắc chắn. Thành phố đang chứng kiến nhiều cụm lây nhiễm hơn mỗi ngày”.
Ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), nhận định: “Chính phủ Việt Nam là một trong những chính phủ đi đầu thế giới trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Thách thức bây giờ là kết hợp thành công đó với một chương trình tiêm chủng đại trà đầy tham vọng và cần được đẩy nhanh hơn”.
Trong bài viết đăng ngày 29/5, Nikkei Asia cho rằng cùng với Đài Loan, Việt Nam là một trong những trung tâm sản xuất công nghệ quan trọng nhất của châu Á đang phải vật lộn với sự gia tăng đột biến của số ca mắc COVID-19 và điều này đang phủ bóng đen lên chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn đang phải vật lộn với tình trạng thiếu chip và linh kiện chưa từng có tiền lệ.
Cả Đài Loan và Việt Nam đều đã viết nên những câu chuyện thành công trong giai đoạn đầu của cuộc chiến chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, hiện nay, cả hai nền kinh tế đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm nghiêm trọng hơn.
Đài Loan là nhà cung cấp chip tiên tiến quan trọng nhất thế giới, sử dụng trong mọi thứ, từ ô tô, điện thoại thông minh cho đến máy chủ và máy chơi game. Trong khi đó, Việt Nam đã trở thành cường quốc sản xuất điện tử khi chiếm tới 50% sản lượng điện thoại thông minh trên toàn cầu của Samsung, và đang sản xuất AirPods cũng như các sản phẩm khác cho Apple.
Tại Đài Loan, những trường hợp mắc COVID-19 đơn lẻ vẫn chưa ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, nhưng số ca nhiễm mới gia tăng đang làm dấy lên lo ngại về việc liệu các nhà máy lớn có thể tiếp tục hoạt động bình thường vào thời điểm thế giới đang phải vật lộn với tình trạng thiếu chất bán dẫn và các thành phần quan trọng khác. Các công ty công nghệ lớn ở Đài Loan, trong đó có Foxconn, đang cố gắng tự mua vắc-xin để duy trì hoạt động kinh doanh một cách suôn sẻ.
Cũng như Đài Loan, Việt Nam đang nỗ lực bảo vệ ngành sản xuất điện tử. Sự gần gũi về mặt địa lý với Trung Quốc đã giúp Việt Nam trở thành một cường quốc sản xuất công nghệ, phục vụ cho nhiều công ty, từ Samsung, Apple đến Sharp và LG. Cơ sở lắp ráp và thử nghiệm chip lớn nhất của nhà sản xuất chip Intel (Mỹ) cũng ở Việt Nam, trong khi hàng loạt nhà cung cấp cho Apple đã thiết lập cơ sở sản xuất tại quốc gia Đông Nam Á này như một phần trong quá trình di chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc. Kết quả là đồ điện tử và các linh kiện liên quan là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Không giống như các đợt bùng phát trước đây, đợt bùng phát này đã ảnh hưởng đến các nhà máy sản xuất sản phẩm cho ít nhất 10 thương hiệu nước ngoài tại Việt Nam. Do ngành sản xuất điện tử có tầm quan trọng đối với nền kinh tế, nên Chính phủ Việt Nam rất muốn giữ cho chuỗi cung ứng này hoạt động trơn tru.
Đài Loan và Việt Nam đều có thể là “nạn nhân” của sự thành công ban đầu trong cuộc chiến chống đại dịch. Ngay từ đầu, Việt Nam và Đài Loan không tập trung vào tiêm vắc-xin mà dựa vào “chiến lược không COVID-19”, ngăn chặn các ca nhiễm mới bằng cách phong tỏa biên giới và các điểm nóng về dịch bệnh, đồng thời tiến hành xét nghiệm hàng loạt và truy vết tiếp xúc. Điều này đã giúp cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động. Tuy nhiên, hiện các quốc gia ở phương Tây đang vượt lên nhờ chương trình tiêm vắc-xin .
Mãi cho đến đợt bùng phát vào tháng 1/2021, Chính phủ Việt Nam mới chuyển trọng tâm sang tiêm vắc-xin , bắt đầu bằng việc cấp phép cho vắc-xin của hãng AstraZeneca. Trong khi đó, Đài Loan vẫn đang phải vật lộn để đảm bảo đủ vắc-xin cho 23,5 triệu dân khi tỷ lệ tiêm chủng ở đây vẫn dưới 1,5%.
Chính phủ cần làm gì để đạt được mục tiêu kép “chống dịch và phát triển kinh tế”?
COVID-19 đang diễn biến phức tạp ở Việt Nam, lan tới các khu công nghiệp đông lao động ở trong nước. Theo Reuters, Việt Nam tuyên bố sẽ bám sát “mục tiêu kép” là ngăn chặn COVID-19 và phát triển kinh tế. Việc khôi phục sản xuất tại các khu công nghiệp là một phần trong nỗ lực của nhà nước nhằm “đảm bảo thu nhập của người lao động, thu hút thêm đầu tư vào các khu công nghiệp và góp phần phát triển kinh tế – xã hội.”
Đài BBC ngày 29/5 dẫn ý kiến của chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng mặc dù có những nỗ lực đối phó tích cực, đã tới lúc tân Chính phủ cần có thêm đối sách mang tính chiến lược đi kèm những hành động chính sách cụ thể hơn. Ông phân tích:
Trong năm qua, Việt Nam đã ngăn ngừa dịch bệnh COVID-19 tương đối tốt. Sở dĩ đạt được kết quả này là nhờ nhiều yếu tố tổng hợp: Một hệ thống sức khỏe cộng đồng tốt, lãnh đạo nhà nước quyết liệt, sự hợp tác chặt chẽ của toàn hệ thống chính trị, quân sự, xã hội dân sự, nhân dân, một chính sách cách ly chặt chẽ, một chương trình xét nghiệm, truy vết những người có tiếp xúc cấp F1, F2 với bệnh nhân, và một hệ thống bệnh viện chữa trị tận tình, hiệu quả.
Tuy hệ lụy đối với nền kinh tế là đáng kể, nhưng nhìn chung, GDP của Việt Nam vẫn phát triển tương đối tốt và dự kiến sẽ đạt mức 6,9% trong năm 2021. Tuy nhiên, con số này có thể bị ảnh hưởng bởi sự bùng phát trở lại dịch bệnh tại một số địa phương có các khu công nghiệp, trong đó có tỉnh Bắc Giang và một số địa phương khác và đang lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trong toàn quốc, từ Hải Phòng đến Đà Nẵng, An Giang, Đồng Tháp, Long An…
Có nhiều nguồn lây nhiễm dịch từ việc nhập cư của các chuyên gia nước ngoài bị nhiễm dịch đến làm việc tại các khu công nghiệp, việc quản lý lơ là tại các trung tâm cách ly và các khu công nghiệp, đến hoạt động nhập cư bất hợp pháp dọc theo biên giới phía Bắc cũng như biên giới Tây Nam.
Lần này, việc quản lý nhà nước cần phải chặt chẽ hơn và chiến dịch kêu gọi sự hợp tác của mọi thành phần xã hội cần được phát huy mạnh mẽ hơn vì nếu việc chống dịch trong giai đoạn mới không được hiệu quả, ảnh hưởng đến nền kinh tế sẽ khó lường, dù chưa có cơ sở để phỏng đoán hết hậu quả.
Thọ Anh