Trung Quốc thúc đẩy Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới bằng Nhân dân tệ

0
982
(ảnh minh hoạ)
(ảnh minh hoạ)

Tính đến cuối tháng 7/2020, đã có 984 tổ chức tài chính tại 97 quốc gia và khu vực tham gia vào Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới bằng Nhân dân tệ (CIPS) do Trung Quốc khởi xướng, tăng 48 tổ chức so với cuối năm 2019. Hệ thống này được thành lập năm 2015, nhằm thúc đẩy quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ thông qua việc cung cấp hình thức thanh toán đồng Nhân nhân dân tệ một cách thuận lợi cho thành viên.

Hiện tại, trong số các tổ chức tài chính tham gia CIPS, có 731 tổ chức (hơn 70%) thuộc khu vực Châu Á, 124 tổ chức thuộc khu vực Châu Âu, 37 tổ chức thuộc khu vực Châu Phi. Khu vực Bắc Mỹ và Nam Mỹ chỉ có khoảng 40 tổ chức.

Tuy nhiên, chỉ dựa vào hệ thống CIPS vẫn chưa thể làm lung lay vị thế hiện tại của đô-la Mỹ, đồng đô-la Mỹ vẫn là đồng tiền thống trị trong các giao dịch quốc tế. Mỗi ngày, Hiệp hội Viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT) xử lý các giao dịch quốc tế với tổng giá trị từ 5 đến 6 nghìn tỷ USD, trong đó khoảng 40% giao dịch bằng đồng đô-la Mỹ, trong khi đồng Nhân dân tệ chỉ chiếm 1,95% thanh toán quốc tế.

Quan hệ Trung-Mỹ ngày càng căng thẳng, khiến Trung Quốc đẩy nhanh việc xây dựng Hệ thanh toán CIPS. Bởi vì, hệ thống SWIFT trở thành công cụ thực hiện trừng phạt kinh tế của Mỹ đối với các quốc gia có mâu thuẫn. Năm 2018, một số ngân hàng Iran đã loại khỏi SWIFT, khiến cho các ngân hàng này trở thành các “hòn đảo đơn độc” trong hệ thống thanh toán quốc tế, không thể thực hiện kinh doanh quốc tế. Một số nhà kinh tế lo lắng rằng, nếu các ngân hàng Trung Quốc bị loại khỏi SWIFT, sẽ khiến cho kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, thông qua hệ thống CIPS, các ngân hàng vẫn có thể tiếp tục tiến hành giao dịch với Trung Quốc ngay cả khi bị trừng phạt.

Các nhà phân tích nhận định, đồng Nhân dân tệ khó có thể thay thế đô-la Mỹ trên trường quốc tế, vì phạm vi và môi trường sử dụng đồng Nhân dân tệ vẫn còn chịu nhiều hạn chế. Tuy nhiên, do nền kinh tế Trung Quốc phục hồi tăng trưởng, cùng với việc Ngân hàng trung ương Trung Quốc (POBC) đang chuẩn bị cho việc phát hành đồng tiền số, vai trò của CIPS trong tương lai sẽ ngày càng quan trọng.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here