Ngày 07/7/2021, CNBC cho biết các công ty quyền lực nhất của Trung Quốc, bao gồm Didi, Alibaba và Tencent đột nhiên bị giám sát chặt chẽ khi Trung Quốc tuyên bố sẽ kiềm chế các công ty trong nước niêm yết trên các sàn giao dịch của Mỹ. Động thái này có thể làm đảo lộn thị trường trị giá 2 nghìn tỷ USD được một số nhà đầu tư lớn nhất của Mỹ ưa thích.
Bắc Kinh đang tăng cường giám sát danh sách các công ty Trung Quốc niêm yết ở Mỹ, đây đều là những công ty công nghệ lớn. Ngày 07/7/2021, Hội đồng Nhà nước cho biết các quy định đối với “hệ thống niêm yết ở nước ngoài cho các doanh nghiệp trong nước” sẽ được cập nhật, đồng thời chính quyền sẽ thắt chặt các hạn chế đối với các luồng dữ liệu xuyên biên giới và bảo mật. Việc đàn áp công ty công nghệ không phải là xu hướng mới nhưng vì Trung Quốc có khả năng hành động rất nhanh cho nên bất kỳ hành động nào cũng có thể gây tổn hại cho các lĩnh vực chủ yếu ở Phố Wall. Các nhà phân tích thị trường cho rằng nó không chỉ ảnh hưởng đến các đợt IPO đang diễn ra mà còn có thể gây áp lực lên thị trường ADR phổ biến của Trung Quốc
Theo Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ – Trung, hiện có ít nhất 248 công ty Trung Quốc niêm yết trên 3 sàn giao dịch lớn của Mỹ với tổng vốn hóa thị trường là 2,1 nghìn tỷ USD. Có 8 doanh nghiệp nhà nước cấp quốc gia của Trung Quốc được niêm yết ở Mỹ. Invesco Golden Dragon China ETF (PGJ), công ty chuyên theo dõi các cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại Mỹ, trong đó có ADR của các công ty có trụ sở chính và được thành lập tại Trung Quốc, đã mất 1/3 giá trị so với mức đỉnh hồi tháng 2 do sức ép về qui định gia tăng. ADR là viết tắt của American depositary receipt (chứng từ ký quỹ Mỹ) và là cách hiệu quả để các nhà đầu tư Mỹ mua cổ phần của các công ty nước ngoài.
Theo Giám đốc chiến lược toàn cầu của BCA Research, Peter Berezin, các nhà đầu tư sẽ phải cân nhắc những rủi ro của việc sở hữu ADR vào thời điểm căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington vẫn gia tăng trong khi tất cả các nhà đầu tư toàn cầu sẽ phải cân bằng sức hấp dẫn của thị trường với khả năng các quan chức có thể định hình lại triển vọng của công ty. Ứng dụng gọi xe Didi đã trở thành nạn nhân mới nhất của cuộc kiểm soát của chính quyền Trung Quốc. Cổ phiếu công ty đã giảm gần 20% vào ngày 06/7/2021 sau khi Bắc Kinh thông báo một cuộc điều tra an ninh mạng, đình chỉ đăng ký người dùng mới. Trong khi đó, Weibo, được niêm yết trên sàn Nasdaq, hiện đang lên kế hoạch chuyển sang chế độ riêng tư sau khi nhà điều hành Tencent được cho là đã bị điều tra về việc tuân thủ các quy định trong lĩnh vực kinh doanh fintech của mình. Bắc Kinh đã tìm cách kiềm chế Alibaba của tỷ phú Trung Quốc Jack Ma bằng cách mở một loạt cuộc điều tra bắt đầu từ năm ngoái. Theo Goldman Sachs, trong nhiều năm, Alibaba đã nằm trong số 5 cổ phiếu được các quỹ đầu cơ sở hữu nhiều nhất, cùng với Facebook, Microsoft, Amazon, Alphabet.
Hãng tin Bloomberg trích dẫn tin từ những người quen thuộc vấn đề này cho biết, các nhà quản lý Trung Quốc đang nhằm đến một sự thay đổi quy định cho phép họ chặn một công ty trong nước niêm yết ở Mỹ ngay cả khi đơn vị bán cổ phần được thành lập bên ngoài Trung Quốc. Động thái này có thể là một đòn giáng mạnh đối với các công ty Trung Quốc đã đề nghị được niêm yết tại New York trong những năm gần đây. Dữ liệu từ Renaissance Capital cho thấy, năm 2020, 30 vụ IPO của Trung Quốc tại Mỹ đã huy động được nhiều vốn nhất kể từ năm 2014. Theo Donald Straszheim, Giám đốc Điều hành cấp cao của bộ phận nghiên cứu về Trung Quốc tại Evercore ISI Group, ngày càng có ít công ty mới niêm yết ở Mỹ do bị chính phủ kiểm soát. Theo Sở giao dịch chứng khoán New York, tính đến cuối tháng 4, khoảng 60 công ty Trung Quốc đang có kế hoạch niêm yết cổ phiếu tại Mỹ trong năm nay.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ)