Tin Kinh tế Mỹ

0
43
(minh hoạ)
(Internet)

1. Chính quyền Biden tại OECD gây tổn hại tới nền kinh tế

Ngày 8/7/2021, Inside Trade dẫn tin cho biết thành viên cấp cao tại Ủy ban Tài chính Thượng viện, TNS Mike Crapo (Cộng hòa – Indiana) và thành viên cấp cao tại Ủy ban Tài chính Hạ viện, HNS Kevin Brady (Cộng hòa – Texas) đã gửi thư cho Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen nhằm bày tỏ quan ngại. Trong thư, các nghị sỹ cho rằng quan điểm của chính quyền Biden tại các cuộc đàm phán về thuế quốc tế trong khuôn khổ OECD đã nhượng bộ các đối tác nước ngoài và sẽ gây tác hại tới nền kinh tế Mỹ; nhấn mạnh việc bất kỳ thỏa thuận thuế quốc tế nào cũng sẽ cần phải được Quốc hội thông qua trước khi có thể có hiệu lực tại Mỹ.

Theo Inside Trade, bức thư đã được gửi sau khi Mỹ cùng các các nước trong tuần trước đã ký vào bản thỏa thuận về khuôn khổ của OECD cho phép các nước đánh thuế các công ty có hoạt động kinh doanh tại một nước sở tại ngay cả khi không có văn phòng đại diện. Một số nước, trong đó có Pháp, đã áp thuế dịch vụ kỹ thuật số đối với các công ty thuộc diện trên. USTR cũng đã khởi xướng điều tra, cho rằng thuế dịch vụ kỹ thuật số của một số nước đã phân biệt đối xử với doanh nghiệp Mỹ, đe dọa sẽ áp đặt các biện pháp thuế trả đũa. Hiện các biện pháp thi hành đã được hoãn trong bối cảnh đàm phán tại OECD đang được tiếp tục.

Tuy nhiên, các nghị sỹ Crapo và Brady đã phản đối mạnh cách thức phân chia doanh thu thuế như trong khuôn khổ của OECD đã đề ra; cho rằng gần một nửa số công ty bị ảnh hưởng bởi khuôn khổ này hiện có trụ sở ở Mỹ, đánh giá các nhượng bộ của Mỹ tại OECD sẽ làm suy yếu năng lực cạnh tranh hệ thống thuế của Mỹ; khẳng định Quốc hội Mỹ sẽ không chấp nhận một công thức phân bổ lợi nhuận toàn cầu dẫn đến mất việc làm của người dân hay làm giảm các khoản thu ròng từ thuế.

Các nghị sỹ cũng cho rằng các nước khác cũng cần phải ngay lập tức bãi bỏ kế hoạch áp thuế dịch vụ kỹ thuật số, khẳng định việc cho phép chính phủ các nước tiếp tục thu các mức thuế kỹ thuật số phân biệt đối xử sẽ khiến các nước này tiếp tục theo đuổi các chiến thuật đàm phán thiếu thiện chí và bỏ qua áp lực thực hiện một thỏa thuận OECD nhanh chóng và công bằng. Cả hai nghị sỹ cũng lưu ý việc khuôn khổ của OECD cũng sẽ còn mất nhiều thời gian nữa mới có thể hoàn chỉnh, cho biết báo cáo của OECD về thỏa thuận thuế toàn cầu tối thiểu đã không nêu chi tiết về các thành viên đã phủ quyết thỏa thuận, trong đó có 3 nước thành viên EU (Ireland, Hungary, Estonia) và Nigeria, nền kinh tế lớn nhất Châu Phi.

2. Quan hệ thương mại giữa Mỹ và Canada vẫn còn nhiều xung đột ngay cả dưới chính quyền Biden

Theo báo the Washington Post ngày 7/7/2021, bất chấp quan hệ giữa Mỹ và Canada đã được cải thiện, hai bên vẫn còn có nhiều vấn đề căng thẳng. Tổng thống Biden vẫn thường ca ngợi người đồng cấp Canada của mình một cách nồng nhiệt nhất, như cách mà các đời Tổng thống trước đây, trừ Tổng thống Trump, đã thực hiện trong nhiều thập kỷ.

Tuy nhiên, mối quan hệ thương mại Mỹ – Canada đã ít thay đổi hơn so với kỳ vọng kể từ sau khi Tổng thống Biden lên nắm quyền với hứa hẹn chấm dứt chính sách “nước Mỹ trên hết” trên thực tế đã làm sói mòn quan hệ của Mỹ với nhiều quốc gia.

Đã 06 tháng kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức, Mỹ và Canada vẫn còn mâu thuẫn về một loạt các chính sách thương mại. Các quan chức Canada phàn nàn về mức thuế của Mỹ đối với các sản phẩm pin năng lượng mặt trời và gỗ xẻ mềm, cũng như sáng kiến “Mua hàng Mỹ” do Tổng thống Biden đề xuất. Canada cho rằng kế hoạch này sẽ ngăn cản các nhà sản xuất Canada tham gia vào các kế hoạch về cơ sở hạ tầng của chính quyền. Ngược lại, chính quyền Biden cáo buộc Canada vi phạm thỏa thuận USMCA thông qua việc đặt ra hạn ngạch khiến nhóm nông dân chăn nuôi bò sữa của Mỹ không còn cơ hội xuất khẩu tốt.

Bất chấp các nỗ lực từ phía Canada như việc Bộ trưởng về doanh nghiệp nhỏ, thúc đẩy xuất khẩu và thương mại quốc tế Canada Mary Ng thăm và làm việc trực tiếp với trưởng USTR Katherine Tai nhằm giải quyết các quan tâm chung, hai bên vẫn không thể giải quyết các bế tắc, đặc biệt là về mức thuế 18% của Mỹ đối với pin mặt trời. Canada đã phải chính thức yêu cầu thành lập một Hội đồng giải quyết tranh chấp đặc biệt theo Thỏa thuận USMCA. Và các báo cáo của Hội đồng sớm nhất đầu năm 2022 mới có thể được đưa ra. Mỹ trước đó được cho là cũng đã có hành động tương tự với vấn đề hạn ngạch sữa của Canada vào tháng 5/2021.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here