Trở ngại mới đối với tiến trình đàm phán về RCEP

0
96
Thương mại tự do là một vấn đề nhạy cảm trong RCEP. (Nguồn: Asean.org)

Một nguồn tin Chính phủ Thái Lan dẫn thông tin từ Ấn Độ cho biết, New Delhi có kế hoạch đề xuất đưa “thuế phòng vệ” đối với hàng nhập khẩu vào Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) để bảo vệ tốt hơn các ngành công nghiệp trong nước. Theo tờ Bangkok Post ngày 20/9, nguồn tin này cho biết Ấn Độ muốn 16 nước tham gia RCEP thông qua đề xuất nói trên – điều sẽ cho phép các nước thành viên áp thuế lên những sản phẩm có thể được nhập khẩu vào một nước “mà không cần tiến hành kiểm tra về thiệt hại có thể có” do việc giảm bớt các quy định thương mại quốc tế.

Lâu nay, ASEAN có xu hướng thận trọng về thuế phòng vệ. Ví dụ, Thái Lan sẽ sử dụng biện pháp thuế quan này chỉ sau khi họ có thể chứng minh thiệt hại gây ra bởi hàng nhập khẩu trong một cuộc điều tra mà thông thường sẽ phải mất ít nhất 6 tháng. Động thái của Ấn Độ được tiết lộ ngay sát thời điểm diễn ra vòng đàm phán tiếp theo về RCEP tại Đà Nẵng của Việt Nam vào cuối tháng Chín. Đề xuất này là một phần trong những nỗ lực nhằm làm giảm nhẹ tác động tiêu cực từ RCEP – một thỏa thuận thương mại tự do thúc đẩy hợp tác kinh tế sâu rộng hơn giữa 10 quốc gia ASEAN và 6 đối tác đối thoại là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ và New Zealand.

Hiện nay, các nhà đàm phán từ 16 quốc gia đã kết thúc đàm phán được 7 trong số 20 chương, bao gồm hải quan và thuận lợi hóa thương mại, mua sắm nhà nước, hợp tác kinh tế và kỹ thuật, và các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME). 13 chương còn lại liên quan đến nhiều vấn đề từ thương mại điện tử tới cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, viễn thông và mở cửa thị trường cho hàng hóa, dịch vụ và đầu tư.

Thương mại tự do là một vấn đề nhạy cảm trong RCEP. Đàm phán về RCEP bị cản trở là do thiếu các hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa một số đối tác, ví dụ như Trung Quốc-Nhật Bản, Ấn Độ-Trung Quốc và Ấn Độ-Australia-New Zealand. Nguồn tin nói trên cho biết các nước này đang được yêu cầu mở cửa 80-86% thị trường.

Đầu tháng này, Bộ trưởng Kinh tế của các nước tham gia RCEP đã nhất trí kết thúc đàm phán ở Đà Nẵng. Tuy nhiên, sự kết thúc có thể sẽ không phải là 100% các vấn đề gây bất đồng được giải quyết, mà nhiều khả năng sẽ chỉ cần 80% sự đồng thuận cũng đã có thể tuyên bố thành công, theo nhận định của một số thành viên.

Các cuộc đàm phán về RCEP bắt đầu từ tháng 11/2012 với mục tiêu tăng cường hợp tác kinh tế giữa ASEAN và 6 đối tác đối thoại mà hiệp hội này đã ký hiệp định thương mại tự do. Thái Lan, nước hiện là Chủ tịch luân phiên ASEAN, mong muốn các cuộc đàm phán RCEP, vốn kéo dài gần 7 năm qua với rất nhiều phiên họp, sẽ kết thúc vào tháng 11/2019.

Vụ trưởng Vụ đàm phán Thương mại thuộc Bộ Thương mại Thái Lan Auramon Supthaweethum mới đây cho biết, nước này sẽ có các cuộc đàm phán song phương với Nhật Bản, New Zealand và Ấn Độ nhằm nỗ lực kết thúc đàm phán về RCEP vào tháng 11.

Theo bà Auramon, Thái Lan đã lên lịch họp với ba nước Nhật Bản, New Zealand và Ấn Độ trong thời gian diễn ra hội nghị của Ủy ban Đàm phán Thương mại RCEP tại Đà Nẵng nhằm thu hẹp những bất đồng về các vấn đề gây tranh cãi như mở cửa thị trường cho những hàng hóa và dịch vụ nhạy cảm.

Là một hiệp định thương mại tự do quy mô lớn của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, RCEP khi được ký kết sẽ bao gồm 16 quốc gia trong một khối thương mại chiếm tới 1/3 GDP toàn cầu. Các nước tham gia RCEP có tổng dân số 3,56 tỷ người và giá trị thương mại hơn 1.030 tỷ USD.

Ngọc Quang

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here