Triển vọng quan hệ thương mại Mỹ – Trung

0
100
(Drew Angerer/Getty Images)
(Drew Angerer/Getty Images)

Tại Diễn đàn Kinh tế mới Bloomberg tổ chức tại Bắc Kinh từ 20-22/11/2019, một số cựu quan chức Mỹ tham dự đã bày tỏ quan điểm về cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung (Diễn đàn Kinh tế mới Bloomberg là sáng kiến của ông Michael Bloomberg được tổ chức lần đầu tại Singapore vào năm 2018. Diễn đàn lần 2 được tổ chức tại Bắc Kinh từ 20-22/11/2019 với sự tham dự của khoảng 500 đại biểu, doanh nghiệp đến từ các nền kinh tế mới nổi ở Châu Á-Thái Bình Dương, Châu Phi và Nam Mỹ).

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Kisinger cho rằng việc cắt đứt quan hệ kinh tế và tài chính giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tạo ra những nguy cơ lớn hơn đối với sức mạnh toàn cầu của Mỹ. Ông cho rằng sự cạnh tranh với Trung Quốc chưa được đẩy lên đến mức độ ngang bằng với chiến tranh lạnh với Liên Xô. Tuy nhiên, “chúng ta cũng chưa có các cuộc đàm phán định hướng nhằm giảm mâu thuẫn chính trị”. “Trung Quốc là một nền kinh tế lớn, chúng ta cũng vậy. Và vì thế chúng ta dường như dẫm chân lên nhau ở khắp nơi trên thế giới và biết rõ bên kia muốn gì”. Vì thế, nếu để mâu thuẫn phát triển mà không bị kiềm chế, hậu quả có thể sẽ tệ hơn cả chiến tranh thế giới thứ nhất đối với Châu Âu.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Hank Paulson cho rằng mối quan ngại lớn hơn là khi có sự chia cắt giữa hai nền kinh tế lớn, các nước sẽ bị đẩy vào thế phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông nói “Tôi chưa thấy bất cứ nước nào sẵn sàng từ bỏ quan hệ thương mại và công nghệ với Trung Quốc. Nếu các nước ở thế giới thứ 3 chấp nhận các tiêu chuẩn của Trung Quốc, sẽ chỉ có một mình Trung Quốc tiếp cận được thị trường các nước này và để lại nước Mỹ cô đơn, lạnh lẽo”. Điều này đúng với cả ngành tài chính, và rốt cuộc sẽ đe dọa vai trò của New York với tư cách là trung tâm tài chính toàn cầu, trong khi đó lại giúp cho các thành phố khác như Tokyo và cuối cùng là Thượng Hải lấp vào chỗ trống. “Trừ khi phải có điều gì thực sự nghiêm trọng ở Trung Quốc, không nước nào muốn cắt đứt quan hệ với thị trường tài chính này. Vì thế, Trung Quốc sẽ là một mảng lớn trong bức tranh tài chính toàn cầu trong vài thập kỷ tới”. Tuy nhiên, Paulson cũng cho rằng các nước khác vẫn có thể lựa chọn hợp tác với Mỹ và điều này sẽ khiến các công ty của Trung Quốc mất khả năng tiếp cận thị trường vì thế “Trung Quốc cần phải cân nhắc thật kỹ về việc việc không sẵn sàng mở cửa các tiêu chuẩn nội địa của mình”.

Tairya Smith, cựu cố vấn của Cựu Bộ trưởng Tài chính Paulson về Trung Quốc cho rằng tiềm năng để có một thỏa thuận tạm thời là lớn, nhưng sẽ không giúp giải quyết những vấn đề căn bản và sự khác biệt về hệ tư tưởng giữa hai nước. “Chắc chắn Mỹ cần nhận được cái gì đó – không chỉ là việc Trung Quốc mua đậu nành – một sự nhân nhượng đủ lớn để người ta thấy đây là một thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 chứ không chỉ là một kế hoãn binh”.

Cựu Đại diện thương mại Mỹ Barshefsky nói rằng Tổng thống Trump hiện chỉ quan tâm đến bầu cử và nhiều trong số các quyết định của ông ta cần phải được soi chiếu vào đó. Theo bà, chính quyền Mỹ đang bị chia rẽ về trọng tâm đàm phán: Tổng thống Trump chỉ quan tâm đến việc mua nông sản vì ông ta quan tâm đến nông dân ở các bang trung lập vùng Trung Tây, còn đối với Lighthizer đó phải là những thay đổi mang tính cấu trúc.

Ian Bremmer, Chủ tịch và Người sáng lập công ty tư vấn Eurasia Group dự đoán vấn đề Hồng Kông sẽ không có ảnh hưởng gì đối với thỏa thuận thương mại “chừng nào tình hình không leo thang thêm”. Ông cho biết đã gặp với Phó Thủ tướng Lưu Hạc và cảm nhận được được ở Lưu Hạc không hẳn chỉ là sự tin tưởng mà là một sự hy vọng và lạc quan một cách thận trọng rằng hai bên sẽ có được thỏa thuận và vấn đề Hồng Kông sẽ không liên quan.

Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế mới Bloomberg, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chia sẻ với các đại biểu tham dự Diễn đàn về Thỏa thuận thương mại với Mỹ.

Ông nói “Chúng tôi muốn thảo luận về thỏa thuận thương mại giai đoạn một trên cơ sở tôn trọng và bình đẳng. Khi cần, chúng tôi sẽ đấu tranh nhưng vẫn đang tích cực hợp tác và cố gắng không để xảy ra cuộc chiến thương mại. Chúng tôi không phát động cuộc chiến này và đây cũng không phải là điều chúng tôi muốn”.

Cũng trong cuộc gặp này Chủ tịch Tập Cận Bình nêu rõ “việc theo đuổi giấc mộng Trung Hoa” không có nghĩa là Trung Quốc mong muốn bá chủ hay thay thế nước khác mà là nhằm “khôi phục phẩm giá và vị thế của Trung Quốc và bảo đảm rằng lịch sử về một nước Trung Quốc bị xâm chiếm và áp đặt bởi nước ngoài không bao giờ lặp lại”. Ông Tập cũng chia sẻ về vấn đề sở hữu trí tuệ và cho rằng “hợp tác sáng tạo” giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ mang lại lợi ích cho toàn thế giới, rằng Mỹ và Trung Quốc đang có một số tranh cãi về hợp tác nhưng điểm mấu chốt là cần tạo ra một sự đồng thuận thông qua đối thoại để tiếp tục hợp tác thay vì nghi kị lẫn nhau”.

Trong cuộc gặp riêng với Cựu Ngoại trưởng Mỹ Kissinger, ông Tập nói quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang đối mặt với một số khó khăn, Mỹ và Trung Quốc cần phải tiếp tục đối thoại về những quan tâm chiến lược để tránh hiểu lầm và củng cố sự hiểu biết lẫn nhau.

(Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here