Halal theo tiếng Ả Rập có nghĩa là hợp pháp, được phép dựa trên việc đáp ứng đầy đủ các yêu cầu và phù hợp với các chuẩn mực, giá trị, thiêng luật của đạo Hồi hay theo chuẩn của Kinh Qua’ran. Du lịch Halal, hay còn gọi là du lịch thân thiện với người Hồi giáo, là du lịch tuân thủ các nguyên tắc và quy định của đạo Hồi, bao gồm các dịch vụ như ăn uống, chỗ ở, vận chuyển, giải trí và mua sắm.
Du lịch Halal đang phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng trong ngành du lịch và khách sạn toàn cầu. Một trong những động lực chính của thị trường du lịch Halal là sự phát triển của tầng lớp trung lưu Hồi giáo sẵn sàng chi tiêu cao cho du lịch. Khi dân số theo đạo Hồi trên khắp thế giới tiếp tục gia tăng, ngày càng có nhiều cá nhân và gia đình tìm kiếm những trải nghiệm du lịch. Các du khách Hồi giáo không chỉ quan tâm đến các điểm đến nổi tiếng, mà còn muốn có những trải nghiệm văn hóa, tôn giáo và xã hội phù hợp với đức tin và giá trị của họ, tạo ra nhu cầu đáng kể về các dịch vụ thân thiện với Halal.
Sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, người Hồi giáo chi tiêu cho du lịch đạt 102 tỷ USD vào năm 2021, tăng 75,9% so với năm 2020 (58 tỷ USD), dự báo sẽ đạt 189 tỷ USD vào năm 2025. Ả Rập Saudi, UAE, và Qatar được xếp hạng là ba quốc gia hàng đầu về chi tiêu và vẫn giữ vị trí này từ năm 2020[1].
Bên cạnh đó, theo Báo cáo mới nhất về “Thị trường du lịch Halal toàn cầu: Tăng trưởng, triển vọng tương lai và phân tích cạnh tranh, 2022 – 2030” do Credence Research, Inc. công bố, thị trường du lịch Halal liên tục tăng trưởng, với doanh thu tăng từ 245,78 tỷ USD năm 2022 lên 324,96 USD tỷ USD vào năm 2030. Sự tăng trưởng này được phản ánh qua Tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm (CAGR) là 4,07% dự kiến từ năm 2023 đến năm 2030.
- Một số xu hướng mới trong thị trường du lịch Halal:
Thị trường du lịch Halal đang có sự tăng trưởng và phát triển đáng kể với những thay đổi về xu hướng, dịch vụ để đáp ứng nhu cầu du lịch Halal ngày càng tăng, cụ thể:
– Điểm đến đa dạng: Du lịch Halal không còn giới hạn ở các điểm đến truyền thống có đa số người Hồi giáo sinh sống, mà hiện nay các quốc gia và thành phố không theo đạo Hồi cũng đang tích cực thu hút du khách Hồi giáo bằng cách cung cấp các dịch vụ và cơ sở vật chất thân thiện với Halal.
– Các gói du lịch tùy chỉnh: Các công ty du lịch chuyên về du lịch Halal đang cung cấp các gói phù hợp bao gồm cơ sở cầu nguyện, đồ ăn Halal và trải nghiệm văn hóa. Những gói này đáp ứng nhu cầu và sở thích cụ thể của khách du lịch Hồi giáo, giúp họ lên kế hoạch và tận hưởng chuyến đi của mình dễ dàng hơn.
– Đổi mới thực phẩm Halal: Nhu cầu về thực phẩm Halal đã dẫn đến sự đổi mới về ẩm thực trong ngành du lịch và khách sạn. Các nhà hàng và hãng hàng không đang cung cấp nhiều món ăn Halal hơn để phục vụ khẩu vị đa dạng của khách hàng.
– Chỗ ở được chứng nhận Halal: Nhiều khách sạn và khu nghỉ dưỡng đang cố gắng cung cấp các dịch vụ đạt tiêu chuẩn và chứng nhận Halal để thu hút khách Hồi giáo. Họ cung cấp các tiện nghi như thảm cầu nguyện, bản sao Kinh Qur’an và các tiện nghi dành riêng cho giới tính để tạo ra một môi trường thoải mái và thân thiện cho du khách Hồi giáo.
– Du lịch hướng đến gia đình: Các gia đình Hồi giáo thường đi du lịch cùng nhau, khiến các cơ sở và hoạt động thân thiện với gia đình trở thành xu hướng quan trọng trong du lịch Halal. Các điểm đến có những điểm tham quan phù hợp với mọi thành viên trong gia đình và mang lại sự riêng tư cho phụ nữ và trẻ em.
– Di sản và văn hóa Hồi giáo: Các điểm đến có di sản và văn hóa Hồi giáo phong phú đang ngày càng trở nên phổ biến đối với du khách Hồi giáo. Những khách du lịch này tìm kiếm các điểm du lịch có thể khám phá các di tích lịch sử, nhà thờ Hồi giáo và bảo tàng phản ánh đức tin và lịch sử của họ.
– Du lịch chăm sóc sức khỏe và spa: Thị trường du lịch Halal cũng đang chứng kiến sự gia tăng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và spa phục vụ du khách Hồi giáo, bao gồm cả spa chỉ dành cho phụ nữ.
- Xu hướng tăng cường liên kết, hợp tác quốc tế ngành Halal:
Thời gian qua, các nước có xu hướng tăng cường liên kết, hợp tác quốc tế để phát triển các ngành Halal.
Indonesia tăng cường hợp tác Halal với Trung Quốc. Vừa qua, Phó Tổng thống Indonesia Ma’ruf Amin kêu gọi các doanh nghiệp Halal thuộc các tỉnh Phúc Kiến, Thiên Tân và Thượng Hải của Trung Quốc trong lĩnh vực thực phẩm, đặc biệt là thủy sản đầu tư khai thác vào ngành công nghiệp Halal Indonesia. Trong trao đổi với Thị trưởng Thượng Hải Gong Zheng, Phó Tổng thống Ma’ruf Amin cho biết ngành công nghiệp Halal của Indonesia trị giá 135 tỷ USD và chuỗi giá trị Halal được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 4,5% – 5,3%/năm trong thời gian tới. Việc tận dụng tiềm năng thị trường Halal của Indonesia sẽ là một phần trong quan hệ đối tác kinh doanh Indonesia – Trung Quốc.
Indonesia hiện có ba Khu công nghiệp Halal, gồm Thung lũng hiện đại Halal ở Serang, Khu công nghiệp Halal ở Sidoarjo và Trung tâm Bintan Inti Halal ở Bintan. Chính phủ Indonesia cũng đang khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào lĩnh vực Halal tại dự án “Công viên đôi hai quốc gia” (Two Countries Twin Parks). Theo đó, Chứng nhận Halal cho các sản phẩm Trung Quốc có thể được thực hiện thông qua Văn phòng đại diện của Viện Nghiên cứu Thực phẩm, Dược phẩm và Mỹ phẩm của Hội đồng Ulema Indonesia tại Thượng Hải. Indonesia cũng đang có kế hoạch thành lập một trung tâm chứng nhận Halal tại Khu đầu tư Yuanhong của Trung Quốc…
Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) được kỳ vọng trở thành trung tâm xuất khẩu và phân phối các sản phẩm Halal của Indonesia sang các nước Trung Đông và Châu Phi, trên cơ sở Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Indonesia – UAE (CEPA). Theo Tổng Giám đốc Cơ quan Phát triển Xuất khẩu Quốc gia thuộc Bộ Thương mại Indonesia, nước này đã nỗ lực tăng cường xuất khẩu các sản phẩm Halal, bao gồm việc tham gia các triển lãm thương mại ở nước ngoài, mở cửa tiếp cận thị trường, ươm tạo doanh nghiệp, cung cấp vốn và hỗ trợ các nhà xuất khẩu.
Malaysia đẩy mạnh tận dụng tiềm năng chứng nhận Halal với việc thành lập Ủy ban trực thuộc Chính phủ do Phó Thủ tướng Datuk Seri Dr Ahmad Zahid Hamidi làm Trưởng ban điều phối hoạt động của các cơ quan, ban ngành về phát triển hơn nữa ngành công nghiệp Halal, trong đó đặc biệt chú trọng phát huy tiềm năng chứng nhận Halal của Malaysia trong quảng bá ngành công nghiệp Halal quốc gia.
Bộ trưởng Tôn giáo Malaysia, Tiến sỹ Mohd Na’im Mokhtar, cho biết cơ quan này đang triển khai Sáng kiến Chứng nhận Halal 2.0, theo đó chứng chỉ Halal Malaysia sẽ được cấp trong vòng 30 ngày làm việc kể từ ngày nộp đơn xin chứng nhận trong nước; và 03 tháng đối với đơn đăng ký ở nước ngoài (so với tiêu chuẩn trước đó là 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được khoản thanh toán phí chứng nhận). Việc nâng cấp quy trình chứng nhận Halal sẽ giúp Malaysia đào tạo thêm nhiều chuyên gia trong lĩnh vực Halal và nâng cao vị thế quốc tế của ngành Halal Malaysia.
Hiện các cơ quan chức năng Malaysia đang nỗ lực hướng tới đồng bộ tiêu chuẩn Halal của Malaysia và các nước đối tác và ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất, như sử dụng các nền tảng số, công nghệ blockchain để giám sát toàn bộ chuỗi cung ứng và thông báo cho khách hàng về tình trạng Halal của hàng hóa; hoặc ứng dụng công nghệ để cải thiện quy trình chứng nhận gửi đơn đăng ký, giám sát và liên lạc với các tổ chức chứng nhận. Việc nâng cấp các công cụ tài chính Hồi giáo cũng sẽ giúp ngành công nghiệp Halal của Malaysia hòa nhập tốt hơn vào cấu trúc kinh tế quốc tế, hướng tới hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa ngành Halal tham gia vào thị trường Halal toàn cầu.
- Thị trường thực phẩm Halal phục vụ du lịch quốc tế tại Việt Nam:
Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đánh giá, thị trường du lịch Halal tập trung đông ở khu vực Đông Nam Á, Nam Á, Nam Thái Bình Dương. Cụ thể là các quốc gia có tỷ lệ người theo đạo Hồi đông là: Saudi Arabia, UAE, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, … Nhiều năm nay, du khách từ các quốc gia Hồi giáo đến Việt Nam tăng đáng kể, đặc biệt là thị trường Ấn Độ đang tăng trưởng mạnh (tính trong tháng 9/2023 tăng 240 % so với cùng kỳ năm trước)… Khách từ các quốc gia Đông Nam Á như Singapore, Indonesia cũng tăng cao.
Việt Nam, với nhiều danh lam thắng cảnh và sự ổn định chính trị – xã hội, có tiềm năng trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch Hồi giáo. Trong thời gian qua, việc tăng cường kết nối các chuyến bay giữa Việt Nam với nhiều quốc gia Hồi giáo trong và ngoài khu vực (Indonesia, Malaysia, Brunei, các nước Trung Đông…) là nhân tố quan trọng thúc đẩy du khách từ các nước vào Việt Nam.
Các trang tin du lịch quốc tế gần đây đã có các bài viết, giới thiệu về du lịch Việt Nam và các địa điểm, nhà hàng cung cấp thực phẩm Halal cho du khách Hồi giáo. Trang tin uy tín Tripadvisor đã thống kê các nhà hàng, khách sạn tốt nhất nơi du khách Hồi giáo có thể thưởng thức ẩm thực Halal. Có thể khẳng định, việc quảng bá thực phẩm Halal sẽ là yếu tố quan trọng để khách du lịch Hồi giáo biết tới Việt Nam và sẵn sàng tới thăm quan, trải nghiệm các danh lam thắng cảnh và ẩm thực Halal tại Việt Nam.
Mặc dù thị trường Halal được đánh giá có thể tạo được “đòn bẩy” để phát triển du lịch, đặc biệt là thị trường khách quốc tế, song nhiều chuyên gia nhận định, Việt Nam còn nhiều hạn chế, khó khăn để có thể thu hút hiệu quả dòng khách này, đó là: (i) cơ sở vật chất, dịch vụ cho khách Hồi giáo tại Việt Nam còn thiếu; (ii) việc thiếu thông tin, hiểu biết và nhận thức về văn hóa Hồi giáo cũng đang là rào cản khiến nhiều địa phương, đơn vị du lịch chưa đón được dòng khách này; (iii) thiếu hợp tác và liên kết với các tổ chức và doanh nghiệp Halal, cũng như thiếu chứng nhận Halal cho các sản phẩm, dịch vụ, trong đó có ẩm thực.
Trong thời gian tới, để khai thác hiệu quả thị trường giàu tiềm năng này, ngành du lịch Halal cần:
Thứ nhất, tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến thị trường Halal, chú trọng quảng bá du lịch cho khách du lịch Hồi giáo bằng tiếng Anh và các thứ tiếng phổ biến được sử dụng tại các nước Hồi giáo như tiếng Malay, tiếng Ả – rập…
Thứ hai, xây dựng sản phẩm du lịch, dịch vụ thân thiện với khách du lịch Hồi giáo, kết hợp hài hòa giữa yếu tố du lịch với các yếu tố văn hóa, tín ngưỡng, ẩm thực Halal; đồng thời thúc đẩy hình thành liên kết giữa các doanh nghiệp để đón khách du lịch Halal.
Thứ ba, thúc đẩy các hoạt động hợp tác giữa các cơ quan quản lý du lịch, các doanh nghiệp du lịch, các khách sạn, nhà hàng tại Việt Nam với các đối tác quốc tế liên quan đến việc sản xuất, cung ứng thực phẩm, nguyên liệu và chứng nhận thực phẩm sản xuất tại Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn thực phẩm Halal.
Thứ tư, đào tạo đội ngũ phiên dịch viên am hiểu văn hóa, phong tục tập quan Hồi giáo để nâng cao chất lượng, uy tín của ngành du lịch Việt Nam đối với du khách Hồi giáo, đồng thời tôn trọng văn hóa, tín người của người Hồi giáo.
Có thể nói thị trường du lịch Halal là thị trường đầy tiềm năng, mang đến những cơ hội đầy hứa hẹn cho ngành du lịch Việt Nam hậu Covid-19. Nhận thức rõ tiềm năng từ thị trường này, từ đầu năm 2022 đến nay, Việt Nam đã tiến hành nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch khu vực Trung Đông, Nam Á. Tuy vậy, Việt Nam cần triển khai các hoạt động xúc tiến du lịch chuyên nghiệp, bài bản, đồng bộ cũng như cần chuẩn bị và đầu tư lâu dài, sự hợp tác từ các cơ quan chức năng, các đơn vị chuyên môn quản lý điểm đến tại địa phương và các doanh nghiệp quan tâm, nhằm xây dựng hệ sinh thái mới phù hợp dòng khách du lịch đặc thù này trong tương lai./.
(Phương Hoa)
[1] Theo Báo cáo hiện trạng nền kinh tế Hồi giáo toàn cầu năm 2022 của Dinar Standard.