Bộ Ngoại giao tổ chức Tọa đàm “Nâng cao hiệu quả quảng bá nông sản Việt Nam tại khu vực Trung Đông-Bắc Phi”

0
113
Các đại biểu tham dự theo hình thức trực tuyến. (Ảnh: Tuấn Việt)

Ngày 6/12, tại Nhà làm việc Bộ Ngoại giao số 2 Lê Quang Đạo, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Tọa đàm “Nâng cao hiệu quả quảng bá nông sản Việt Nam tại khu vực Trung Đông-Bắc Phi”, nhằm đề xuất các phương thức quảng bá và mô hình không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản Việt Nam tại khu vực Trung Đông – Bắc Phi.

Tọa đàm “Nâng cao hiệu quả quảng bá nông sản Việt Nam tại khu vực Trung Đông – Bắc Phi” được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến. (Ảnh: Tuấn Việt)

Tham dự buổi toạ đàm có hơn 100 đại biểu từ nhiều Bộ/ngành, địa phương, viện nghiên cứu, liên minh hợp tác xã, hiệp hội và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản và vận tải hàng hóa quốc tế. Các Đại sứ và Tham tán thương mại tại các cơ quan đại diện Việt Nam khu vực Trung Đông – Bắc Phi tham dự trực tuyến. Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ chủ trì Toạ đàm.

Tại tọa đàm, với hơn 14 phát biểu và tham luận, các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề: Những điểm mạnh, điểm yếu, thách thức và cơ hội trong công tác quảng bá nông – lâm – thuỷ sản của Việt Nam tại khu vực Trung Đông – Bắc Phi; đề xuất các phương thức quảng bá, mô hình không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các Cơ quan đại diện ngoại giao (CQĐD) cũng như các hệ thống siêu thị địa phương; khả năng phối hợp giữa “3 nhà”: Cơ quan quản lý nhà nước và địa phương, các hiệp hội và doanh nghiệp, với Bộ Ngoại giao và các CQĐD trong triển khai hoạt động quảng bá nông lâm thuỷ sản tại địa bàn một cách bài bản, bền vững.

Phát biểu khai mạc, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đánh giá khu vực Trung Đông-Bắc Phi là thị trường còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam đẩy mạnh khai thác trong thời gian tới. Ông khẳng định, việc đồng hành, sát cánh cùng các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp luôn là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của Bộ Ngoại giao.

Để đưa được nông sản vào các thị trường mới như Trung Đông – Bắc Phi, công tác quảng bá chiếm vị trí quan trọng hàng đầu. Cùng các bộ, ngành, Bộ Ngoại giao, với mạng lưới các CQĐD thường trú và kiêm nhiệm tại tất cả các nước ở địa bàn đã cùng góp sức trong công tác này.

Ông Nguyễn Minh Vũ cho biết, thời gian qua, các CQĐD Việt Nam tại khu vực Trung Đông – Bắc Phi đã bước đầu thành lập các khu vực trưng bày để tăng cường quảng bá hàng nông sản Việt cũng như trưng bày và giới thiệu sản phẩm nông sản tại các siêu thị, giúp kết nối thành công một số đối tác sở tại với các đối tác Việt Nam. Các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam cũng đang quan tâm hơn đến thị trường tiềm năng này.

“Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, chúng tôi nhận thấy còn nhiều khó khăn. Mỗi địa bàn có tính chất, đặc thù và nhu cầu riêng. Chúng ta cần có sự chuẩn bị kỹ càng của doanh nghiệp và sự phối hợp nhịp nhàng của các cơ quan quản lý nhà nước để quảng bá sản phẩm, xây dựng kênh thương mại và phân phối đến thị trường một cách hiệu quả”, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhận định.

Hiện nay, Việt Nam có CQĐD thường trú tại 10 nước khu vực Trung Đông – Bắc Phi, đồng thời thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm tại tất cả các nước còn lại trong khu vực. Vụ trưởng Bùi Hà Nam nhấn mạnh: “Thời gian qua, các CQĐD ngoại giao và Thương vụ Việt Nam tại các nước khu vực Trung Đông – Bắc Phi luôn chú trọng công tác xúc tiến thương mại và quảng bá hỗ trợ tăng cường xuất khẩu nông sản với khu vực thông qua một số hoạt động cụ thể như trưng bày sản phẩm mẫu tại các cuộc triển lãm, hội chợ ở sở tại hoặc tại các sự kiện đối ngoại quan trọng của các CQĐD như kỷ niệm Quốc khánh, kỷ niệm năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Ngày/Tuần Việt Nam”.

Các đại biểu tham dự theo hình thức trực tuyến. (Ảnh: Tuấn Việt)

Bên cạnh đó, để giới thiệu hàng hoá trực quan tới các nhà nhập khẩu trong khu vực, các CQĐD đã bước đầu triển khai thành lập các khu vực trưng bày, giới thiệu hàng mẫu xuất khẩu của Việt Nam và nhận được phản hồi tích cực, giúp kết nối thành công một số đối tác hai bên. Gần đây, một số địa phương và doanh nghiệp trong nước quan tâm đến việc gửi hàng mẫu nông sản đến các CQĐD để phục vụ công tác quảng bá. Đây là một giải pháp hết sức hiệu quả trong việc sự phối hợp giữa các địa phương và doanh nghiệp và Bộ Ngoại giao, các CQĐD trong việc quảng bá nông lâm thuỷ sản Việt Nam tại khu vực. Tuy nhiên, theo ông Nam, quá trình triển khai vẫn còn hạn chế, đặc biệt về chủng loại hàng hóa, bảo quản lưu trữ, vận chuyển hàng mẫu và cơ sở vật chất.

Các đại biểu cùng chung nhận định để thúc đẩy quảng bá hàng nông sản: Thứ nhất, cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ và triển lãm quốc tế nhằm quảng bá nông sản tại khu vực. Các hoạt động xúc tiến thương mại cần phải được tổ chức có trọng tâm, trọng điểm, nắm bắt rõ hơn nhu cầu, thị hiếu của thị trường, khai thác tốt, hiệu quả tiềm năng, phù hợp với khả năng của địa phương và doanh nghiệp.

Thứ hai, tận dụng các nguồn lực, hệ thống có sẵn tại chỗ như các cơ quan đại diện, các cơ quan thương vụ của Việt Nam, các hệ thống siêu thị và nhà hàng tại khu vực nhằm trưng bày, giới thiệu các sản phẩm nông lâm thuỷ sản một cách trực quan nhất tới người tiêu dùng; kết hợp giữa hoạt động quảng bá trực tiếp với các hoạt động quảng bá trực tuyến, kết hợp tham gia các nền tảng thương mại điện tử lớn trên thế giới và khu vực.

Thứ ba, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương và hiệp hội, doanh nghiệp không chỉ trong lĩnh vực xuất khẩu nông lâm thuỷ sản mà còn trong các lĩnh vực liên quan như vận tải, logistics nhằm tận dụng tối đa nguồn lực, hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Các đại biểu cũng đánh giá cao mô hình mô hình Phòng/Không gian trưng bày các sản phẩm nông sản tại các CQĐD và hệ thống siêu thị trong khu vực và kiến nghị Bộ Ngoại giao cần nhân rộng mô hình này trong thời gian tới.

Để làm được điều này, các địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản và logistics cần phối hợp chặt chẽ, thường xuyên hơn nữa với Bộ Ngoại giao, cũng như các CQĐD Việt Nam trong việc xác định sản phẩm ưu tiên để quảng bá, cách thức tổ chức mô hình trưng bày; chủ động cung cấp hàng mẫu, tài liệu thông tin giới thiệu sản phẩm phù hợp một cách thường xuyên, lâu dài.

Chu Văn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here