Triển vọng khôi phục hệ thống thương mại đa phương toàn cầu dưới thời Biden trong tương lai

0
114
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Hệ thống thương mại đa phương đã gặp những thách thức lớn ngay cả trước khi Trump lên nắm quyền như sự thất bại của Vòng đàm phán Doha, sự tê liệt của Cơ quan phúc thẩm của WTO, và những cản trở đối với chương trình nghị sự đàm phán thương mại nhiều bên. Tuy nhiên sự suy yếu của WTO đã gia tăng đáng kể trong 4 năm qua với việc Mỹ rút lui khỏi vai trò lãnh đạo, thương chiến Mỹ-Trung lan sang các thể chế quốc tế ở Geneva, và những hạn chế thương mại sâu rộng được áp đặt trên toàn cầu do hệ quả của đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, việc khôi phục chức năng đàm phán thương mại cơ bản của WTO dưới thời Biden được cho là khó khăn và thậm chí một Tổng thống Mỹ có tư tưởng đa phương nhất cũng không thể tự mình thực hiện việc này. Trên thực tế, sự lưỡng lự của Ấn Độ và các nước đang phát triển khác trong việc chấp nhận bất kỳ hạn chế có ý nghĩa nào đối với các chính sách kinh tế của họ như khả năng sử dụng trợ cấp và các biện pháp phân biệt đối xử khác nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa là trở ngại chính cho các cuộc đàm phán quy mô lớn mới kể từ khi vòng đàm phán Uruguay kết thúc năm 1993.

Học giả Bernard Hoekman cho rằng cơ chế ra quyết định dựa trên đồng thuận và quản trị dựa trên Thành viên đã làm suy yếu tính hiệu quả của WTO. Hệ quả là, nhiều tiến trình như Vòng đàm phán Doha và tiến trình bầu cử TGĐ WTO đã bị đình trệ cho đến nay và nhiều Thành viên WTO đã chuyển sang hình thức đàm phán nhiều bên dưới mũ WTO để đối phó với tình trạng ‘lạm dụng đồng thuận’. Năm 2017, một số nước thành viên đã khởi xướng đàm phán nhằm xác định các thực tiễn tốt và luật lệ mới trên bốn lĩnh vực – thương mại điện tử, thúc đẩy đầu tư, quản lý dịch vụ trong nước và hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) để họ có thể hưởng lợi từ thương mại. Đây là một phát triển tích cực. Cách tiếp cận nhiều bên không phải là ‘thuốc giải’ nhưng nó cung cấp một cơ chế để các cường quốc thương mại lớn hợp tác với nhau mà không cần tham gia vào việc đàm phán các hiệp định đa phương hướng đến tự do hóa thương mại với tất cả các Thành viên.[1]

Tổng thống đắc cử Joe Biden đã khẳng định thương mại sẽ là một trong những trọng tâm chính sách của chính quyền ông, mặc dù cho đến nay ông đã nói rõ việc ký kết các hiệp định thương mại mới không phải là ưu tiên ngay trước mắt do những vận động chính trị trong nước cũng như nhu cầu kiểm soát đại dịch Covid hiện nay. Tuy nhiên khi bình luận về vấn đề thương mại sau khi Hiệp định RCEP được ký kết, ông Biden cho rằng: “Chúng ta chiếm 25% thương mại toàn cầu. Chúng ta cần phải cùng đi với các nền dân chủ khác – vốn chiếm 25% thương mại toàn cầu nữa – để chúng ta có thể định ra luật đi đường thay vì để cho Trung Quốc và các nước khác chi phối kết quả bởi vì họ là sự lựa chọn duy nhất.”[2] Trong khi chính quyền Trump chỉ ra những thách thức đối với hệ thống WTO hiện hành đến từ các nền kinh tế phi thị trường, nhất là Trung Quốc, giải pháp của họ chủ yếu mang tính đơn phương (bao gồm gây ra chiến tranh thương mại và rút khỏi các thỏa thuận đa phương). Trong khi đó chính quyền Biden nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp với các đối tác và thông qua các thể chế quốc tế nhằm giải quyết những vấn đề này. Hợp tác nhiều bên dựa trên lĩnh vực cụ thể tập trung vào các chính sách gây ra những căng thẳng thương mại hiện tại có thể là một cách để Mỹ tiếp tục can dự ý nghĩa với các cường quốc thương mại khác mà không gây ra những phản ứng chính trị trong nước giống như khi theo đuổi các hiệp định thương mại. Bước đầu, chính quyền Biden có thể tạo ra một cơ chế làm việc ba bên với EU và Nhật Bản về trợ cấp công nghiệp, thu hút thêm sự ủng hộ quốc tế và đệ trình một bản kiến nghị lên WTO để đàm phán.

Các nguồn tin cũng cho rằng, các quy tắc của WTO cần phải được cập nhật, phần lớn do những sức ép mà một nước Trung Quốc đang trỗi dậy đặt ra cho hệ thống. Tuy nhiên, cũng có nhiều vấn đề nảy sinh từ những thách thức mới mà Mỹ và Trung Quốc có lợi ích chung bao gồm công nghệ, thương mại điện tử và biến đổi khí hậu. Những vấn đề này đòi hỏi sự đổi chác giữa hai bên chứ không phải là các liên minh vốn chỉ tìm cách ép Trung Quốc phải đơn phương nhượng bộ. Sự trở lại của chủ nghĩa đa phương sẽ ‘chết yểu’ nếu như Mỹ tìm cách xây dựng liên minh chống Trung Quốc, ép Trung Quốc vào những hiệp định không bình đẳng thế hệ mới, nhất là trong bối cảnh thế giới cần hồi phục bền vững hậu Covid. Việc Trung Quốc ký kết Hiệp định RCEP gần đây và bày tỏ mong muốn đàm phán gia nhập CPTPP cho thấy khả năng Trung Quốc chấp nhận chịu sự ràng buộc của các thể chế thương mại đa phương và Mỹ cần phải tận dụng điều này để hòa nhập Trung Quốc vào các quy tắc thương mại quốc tế.[3]

Trong khi đã có những tiến triển trong đàm phán nhiều bên về thương mại điện tử, một thoả thuận rộng hơn vẫn còn xa vời. Sự thiếu vắng các quy tắc đa phương trong lĩnh vực quan trọng này làm củng cố thêm lập luận rằng WTO đang mất dần vai trò của mình. Chính quyền mới của Mỹ có cơ hội để khởi động tiến trình đàm phán. Họ có thể phối hợp với các Thành viên khác nhằm đẩy mạnh sự can dự cấp cao từ các thủ đô. Quan trọng hơn, chính quyền Biden có thể tạo đà bằng cách khởi động các cuộc đàm phán thương mại số giữa các nước có cùng chí hướng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Rất nhiều nước ở khu vực này đã kết thúc hoặc đang trong quá trình đàm phán các Hiệp định thương mại số giữa họ với nhau, dựa trên nền tảng của TPP (mà Mỹ đã từ bỏ). Nếu có những tiến trình khu vực năng động, những nước khác có thể trở nên nghiêm túc hơn về các cuộc đàm phán ở WTO vì không muốn bị bỏ lại phía sau.[4]

Ngoài ra, ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, để thúc đẩy sự phát triển của hệ thống thương mại đa phương cũng cần phải giải quyết những vấn đề đang rất trì trệ khác như cải cách quy chế nước đang phát triển và triển vọng thương mại của các vấn đề toàn cầu khác, bao gồm biến đổi khí hậu và y tế. Không nên dựa dẫm vào một mình Hoa Kỳ để gánh trách nhiệm này. Để chương trình nghị sự cải cách WTO thành công, các nước khác cũng cần phải vào cuộc và thoát khỏi vùng an toàn của mình.

[1] https://www.eastasiaforum.org/2020/12/20/the-opportunity-to-resuscitate-the-wto/

[2] https://uk.reuters.com/article/us-usa-trade-biden/biden-says-u-s-allies-need-to-set-global-trade-rules-to-counter-chinas-influence-idUSKBN27X00U

[3] https://www.eastasiaforum.org/2020/12/21/biden-and-fixing-the-global-trading-system/

[4] https://www.eastasiaforum.org/2020/12/07/first-steps-for-the-biden-administration-on-the-global-trade-regime/

(Phái đoàn Việt Nam tại Giơ-ne-vơ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here