FDI Bangladesh giảm lần đầu tiên sau 7 năm

0
88
(Bangladesh)
(Bangladesh)

Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Bangladesh đã giảm 39% xuống còn 2,37 tỷ USD trong năm tài chính 2019-2020, lần giảm đầu tiên trong 7 năm, do sự chậm lại trong kinh doanh do đại dịch và các rào cản quy định.

Sự khởi sắc của dòng vốn FDI xuất hiện chỉ một năm, tăng lên mức cao nhất kỷ lục 3,88 tỷ USD trong năm tài chính 2018-19, chủ yếu nhờ vào việc Japan Tobacco Inc mua lại mảng kinh doanh thuốc lá của Akij Group với giá 1,47 tỷ USD.

Dòng vốn FDI trên toàn cầu đã giảm trong giai đoạn gần đây do cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu vào tháng 3 và được dự báo sẽ giảm tới 40% trong năm 2020, từ 1,54 nghìn tỷ USD năm 2019, theo Báo cáo Đầu tư Thế giới 2020 của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) công bố vào tháng 6. Điều này sẽ đưa FDI toàn cầu xuống dưới 1 nghìn tỷ USD lần đầu tiên kể từ năm 2005.

Vào tháng 3, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết các nhà đầu tư đã rút 83 tỷ USD khỏi các nước đang phát triển kể từ đầu cuộc khủng hoảng Covid-19, dòng vốn ra lớn nhất từng được ghi nhận.

Các nhà phân tích cho rằng mặc dù cuộc khủng hoảng tài chính do đại dịch Covid gây ra đã ảnh hưởng đến dòng vốn FDI, nhưng toàn bộ tình hình không chỉ do khó khăn kinh tế đang diễn ra.

Mustafizur Rahman, một thành viên của Trung tâm Đối thoại Chính sách (CPD) cho biết chính phủ Bangladesh đã đặt mục tiêu thu hút vốn FDI đạt 32 tỷ USD trong kế hoạch 5 năm lần thứ 7 kéo dài từ năm tài chính 2015-16 đến năm tài chính 2019-20. Nhưng chỉ thu hút được ít hơn 10 tỷ USD. “Điều này có nghĩa là đã có nhiều vấn đề khác cùng với đại dịch FDI giảm mạnh trong năm tài chính vừa qua”.

Theo chuyên gia kinh tế, Chính phủ vẫn còn lâu mới xử lý được vấn đề về cơ chế giải quyết tranh chấp, thực hiện các dịch vụ một cửa và cung cấp dịch vụ logistics cần thiết và tạo thuận lợi thương mại cho các nhà đầu tư nước ngoài. Ông cho biết dịch vụ kém trong nhiều năm qua đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài không chọn Bangladesh làm điểm đến đầu tư của họ, cho rằng các rào cản cần được giải quyết kịp thời.

Mamun Rashid, một nhà phân tích đầu tư cho biết: “Môi trường pháp lý ở Bangladesh yếu hơn so với các nước đồng cấp và đang nổi lên như một rào cản lớn trong việc thu hút vốn chủ sở hữu”. Rashid cho rằng việc hạn chế di chuyển trên toàn cầu để ngăn sự lây lan của dịch Covid-19 cũng trở thành một trở ngại chính đối với dòng FDI. Dữ liệu của Ngân hàng Bangladesh cho thấy FDI trong lĩnh vực vốn chủ sở hữu giảm 39% so với cùng kỳ năm trước xuống còn 728 triệu USD.

Ngoài ra, vốn FDI của nước này đang thay đổi hình thức. Trước đây, các nhà đầu tư nước ngoài ưa thích đầu tư vào các nhà máy điện, bệnh viện tư nhân, ngân hàng và các tổ chức tài chính phi ngân hàng. Ông Rashid nói: “Giờ đây, họ đang nghĩ đến việc đầu tư vào fintech, ngành công nghiệp dược phẩm, nhà máy khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và sản xuất nông nghiệp.

Muallem A Choudhury, giám đốc của Brummer & Partners (Bangladesh) Ltd, cho biết: “Một số lượng lớn các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang e dè khi chọn đây là điểm đến đầu tư của mình”.  Brummer & Partners, bắt đầu hành trình vào năm 2009, cho đến nay mới thu hút được 200 triệu đô la vốn cổ phần từ các doanh nghiệp nước ngoài vào Bangladesh.

Ông cho biết thời gian lock-in đối với một nhà đầu tư nước ngoài trong nước là ba năm, cao hơn nhiều so với nhiều quốc gia cạnh tranh khác. Giai đoạn lock-in có nghĩa là các nhà đầu tư nắm giữ 10% cổ phần trong một công ty hoặc ban giám đốc, không được phép bán cổ phần trong thời hạn quy định. Điều này có nghĩa là việc thoái vốn (exit) khỏi Bangladesh là khó khăn. Choudhury nói: “Thời gian lock-in đối với các nhà đầu tư nước ngoài nên được giảm xuống một năm”. Ngoài ra, cần tránh tệ quan liêu vì nó gây khó chịu cho các nhà đầu tư nước ngoài.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here