Ngày 8/12, tại Kỳ họp thứ 13, HĐND Tp. Hồ Chí Minh khóa X đã thông qua Nghị quyết Ban hành danh mục dự án để kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực y tế, giáo dục – đào tạo, thể thao và văn hóa.
Danh mục dự án được ban hành nhằm khuyến khích, mời gọi các nhà đầu tư tham gia nghiên cứu, thực hiện theo phương thức PPP.
Trong quá trình triển khai, căn cứ vào tính cấp thiết của các dự án, tình hình quan tâm của nhà đầu tư và khả năng cân đối nguồn vốn ngân sách thành phố, UBND Thành phố trình HĐND Thành phố việc đầu tư dự án theo hình thức đầu tư công hoặc hình thức khác phù hợp theo quy định pháp luật.
Theo UBND Tp. Hồ Chí Minh, việc ban hành danh mục dự án để kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP là cần thiết; làm cơ sở cho Thành phố có thể chủ động trong việc lựa chọn, kêu gọi và triển khai các dự án khả thi, tiềm năng; đẩy mạnh hợp tác công tư trong phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội, thu hút các nguồn vốn đầu tư từ các khu vực kinh tế ngoài nhà nước, giảm gánh nặng cho ngân sách Thành phố, nhất là trong điều kiện nguồn ngân sách còn hạn chế để thực hiện các dự án đầu tư công (giai đoạn 2021 – 2025, đầu tư công trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo chiếm 7,17%, y tế 8,61%, thể thao và văn hóa 2,28%).
Theo đó, lĩnh vực y tế có 6 dự án: xây dựng khu khám điều trị dịch vụ tại Khu 2 – Bệnh viện Nguyễn Tri Phương; xây dựng Khoa khám và điều trị cho người nước ngoài tại bệnh viện Lê Văn Thịnh; xây dựng Bệnh viện đột quỵ Tp. Hồ Chí Minh; xây dựng hai Trung tâm tầm soát và chẩn đoán bằng công nghệ cao tại thành phố Thủ Đức và huyện Bình Chánh; Bệnh viện Thực hành (giai đoạn 2).
Lĩnh vực giáo dục – đào tạo có 12 dự án, chủ yếu là xây dựng các trường học như: xây mới trường liên cấp Tiểu học, Trung học cơ sở Nguyễn Văn Quỳ (Quận 7); xây dựng Trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia Quận 8; xây dựng Trường Tiểu học phường Thạnh Xuân (Quận 12); Trường Tiểu học Lê Lợi (quận Bình Tân); các dự án Trường Tiểu học và Mầm non, Trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông tại các khu vực thành phố Thủ Đức…
Lĩnh vực thể thao văn hóa có 23 dự án, nổi bật là xây dựng mới Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật Lao động A-B; Nhà hát Gia Định; Trung tâm Văn hóa Thành phố; Khu tập luyện và thi đấu thể thao ngoài trời tại Trường đua Phú Thọ; xây dựng, cải tạo, nâng cấp toàn bộ Nhà hát Bến Thành; tu bổ di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố đình Bình Trị Đông.
Cùng với đó là một loạt các dự án xây mới tại Khu Liên hợp Thể dục thể thao Quốc gia Rạch Chiếc (thành phố Thủ Đức): nhà tập luyện các môn bóng mềm, cầu lông, cử tạ – thể hình, thể dục, đấu kiếm; nhà thi đấu quần vợt; cụm hồ bơi; cụm trường bắn súng và bắn cung; đường đua xe đạp địa hình, mô tô địa hình; Khu thể thao dưới nước; Học viện võ thuật; Trung tâm y học và phục hồi sức khỏe; sân vận động chính; Học viện bóng đá; Nhà thi đấu thể dục thể thao tổng hợp…
HĐND Thành phố giao UBND Tp. Hồ Chí Minh tổ chức thực hiện đúng quy định của Luật Đầu tư theo phương thức PPP, Nghị quyết 98 và quy định của pháp luật có liên quan, thực hiện công khai, minh bạch đầy đủ các thông tin về dự án để thuận lợi cho nhà đầu tư và người dân giám sát; chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, đánh giá nhu cầu, tính cấp thiết đầu tư các dự án và khả năng cân đối nguồn vốn ngân sách để tham mưu UBND Thành phố trình HĐND Thành phố xem xét, ban hành bổ sung, điều chỉnh danh mục dự án để làm cơ sở tiếp tục thực hiện.
Theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật số: 64/2020/QH14 ngày 18 tháng 6 năm 2020) quy định “Đầu tư theo phương thức đối tác công tư là phương thức đầu tư thực hiện trên cơ sở hợp tác có thời hạn giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân thông qua việc ký kết và thực hiện hợp đồng dự án PPP nhằm thu hút nhà đầu tư tư nhân tham gia dự án PPP”.
Như vậy, có thể hiểu mô hình hợp tác công tư là hình thức trong đó quan hệ giữa nhà nước và tư nhân cùng thực hiện dự án đầu tư phát triển kinh tế – xã hội trên cơ sở hợp đồng phân chia rõ trách nhiệm, lợi ích và rủi ro, trong đó, một phần hoặc toàn bộ dự án sẽ do tư nhân thực hiện trên cơ sở đấu thầu cạnh tranh, đảm bảo các lợi ích cộng đồng, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng công trình, sản phẩm hoặc dịch vụ do Nhà nước quy định. PPP được hiểu là phương thức đầu tư trong đó khu vực công và khu vực tư trở thành đối tác thực hiện các dự án phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội để cung cấp dịch vụ công.
Đây là hình thức hợp tác sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên vì tận dụng được nguồn lực tài chính và quản lý từ tư nhân, trong khi vẫn đảm bảo các lợi ích cho người dân. PPP thể hiện một khuôn khổ có sự tham gia của khu vực tư nhân nhưng vẫn ghi nhận vai trò của chính phủ đảm bảo đáp ứng các nghĩa vụ xã hội và thúc đẩy trong cải cách đầu tư công.
Chu Văn