Tóm lược diễn văn của Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp Bruno Le Maire tại Hội nghị “Một WTO thích ứng với thế kỷ 21” tổ chức tại Paris ngày 16/11/2018

0
91

Thương mại ngày nay trở thành vấn đề kinh tế mang tính chiến lược nhất đối với tất cả, đối với người dân, đối với tăng trưởng, đối với việc làm, đơn giản bởi vì thương mại thế giới trong vài thập kỷ qua đã mang lại tăng trưởng và thịnh vượng. Tất nhiên, thương mại thế giới cũng có những khiếm khuyết, những điểm yếu. Đã có lúc người ta tưởng rằng chủ nghĩa bảo hộ sẽ là giải pháp cho những khiếm khuyết này nhưng phải khẳng định rằng chủ nghĩa bảo hộ chính là cách tự làm nghèo đi các nền kinh tế và dân chúng. Thương mại quốc  tế, nhất là thương mại bình đẳng được dựa trên các nguyên tắc có đi có lại, điều đó cho phép các nền kinh tế phát triển, cho phép các công nghệ mang đến sự sung túc cho người dân, tạo ra việc làm… Thế nhưng ngày nay thế giới đang đứng trước những khó khăn ngày càng nghiêm trọng, ngày càng đáng quan ngại trong lĩnh vực thương mại quốc tế. Sau nhiều thập kỷ phát triển nhờ vào thương mại quốc tể mở, thế giới đang đứng trước nguy cơ rơi vào những thập niên của sự cô lập, tăng trưởng thấp và nghèo hóa bởi một cuộc chiến tranh kinh tế thế giới mới đang manh nha.

Hiểm họa thực sự hiện nay là thế giới đang rơi vào một cuộc chiến tranh lạnh về thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ mà trong đó tất cả các quốc gia – kể cả châu Âu – đều là những bên thất bại. Cuộc chiến tranh lạnh mới sẽ không phải là cuộc chiến về hạt nhân mà là về thương mại đã được phát động giữa Trung Quốc và Mỹ và nó đang trở thành thách thức của thời đại. Nguyên nhân của cuộc chiến này bắt đầu từ chính tiến trình toàn cầu hóa nhanh chóng các trao đổi mậu dịch đan xen trong nhiều thập kỷ qua. Nó cũng là hệ quả của việc thế giới đã chứng kiến một cuộc cách mạng công nghệ tao ra nhưng công nghệ mới như là những chìa khóa mở ra cánh cửa quyền lực cho các quốc gia trong khi thế giới lại không có công cụ thương mại nào để điều tiết các cách mạng trong lĩnh vực công nghệ và các chuỗi giá trị mới này.

Nguyên nhân của nó còn là do châu Á và nhất là Trung Quốc đang trở thành một thực tế mới của sự trỗi dậy và phát triển thương mại quốc tế. Điều đáng kinh ngạc nhất trong những thập kỷ qua chính là sự trỗi dậy hết sức nhanh chóng, duy ý chí, choáng ngợp của Trung Quốc trong nền kinh tế thế giới. Trung Quốc đã vượt qua tất cả các dự báo, làm cho mọi quốc gia phải kinh ngạc và tạo ra một cân bằng quyền lực mới trên bình diện thương mại quốc tế. Nhưng sự trỗi dậy thương mại của Trung Quốc cũng gây ra một sự thất vọng lớn. Cách đây 17 năm, Trung Quốc gia nhập vào WTO và khi đó, tất thảy đều nghĩ rằng nước này sẽ gia nhập hàng ngũ các quốc gia, tôn trọng những luật lệ chung, tuân thủ các nguyên tắc chung về có đi có lại như mọi quốc gia khác, và rằng thương mại thế giới sẽ tiếp tục phát triển với cùng một nhịp độ, cùng một phương thức vận hành và thế giới sẽ hội nhập Trung Quốc như đã làm với mọi quốc gia khác. Nhưng thực tế không đúng như vậy. Khi Trung Quốc vào WTO năm 2001, tất thảy đều nghĩ rằng họ sẽ là một miền đất hứa cho thương mại và có thể tiếp cận thị trường Trung Quốc một cách tự do. Tuy nhiên, Trung Quốc lại nhanh chóng biến thành một dạng “Far East” rất đặc thù, với những luật lệ riêng, với cách thức vận hành riêng không nhất thiết giống với các nguyên tắc chung của phần còn lại thế giới. Trong khi đó, Trung Quốc khai thác mọi điểm yếu, mọi chi tiết thiếu chặt chẽ, mọi vùng xám của luật lệ thương mại thế giới. “Miền Viễn Đông” đặc thù này có đặc điểm là Đảng Cộng sản có mặt trong hầu hết các doanh nghiệp tư nhân làm thương mại ở Trung Quốc; họ có quan niệm riêng về sở hữu trí tuệ không tôn trọng quan niệm chung của thế giới; họ dựa trên sự hỗ trợ lớn của nhà nước và điều này làm tổn hại nghiêm trọng đến các doanh nghiệp nước ngoài bởi họ buộc phải từ bỏ một số ngành nghề do không tìm được đầu ra cần thiết hoặc không thể cạnh tranh ở Trung Quốc. Một ví dụ điển hình là về bình lưu điện và chuỗi giá trị theo sau nó. Cả Pháp và Đức thông qua các tập đoàn công nghiệp (Total, SAFT) muốn phát triển một thế hệ bình lưu điện ion-lithium mới hướng tới chuỗi giá trị trong công nghiệp ô-tô điện. Tuy nhiên, họ sẽ không thể phát triển ở Trung Quốc, nơi có thị trường 1,2 tỷ người tiêu dùng bởi một lý do hết sức đơn giản là nhà nước ở đây dù trợ cấp cho xe chạy điện, nhưng chỉ dành cho các xe sử dụng bình lưu điện sản xuất tại Trung Quốc.

Như vậy, ở phía sau các câu chuyện về thương mại là câu chuyện về công nghệ, ở phía sau công nghệ là câu chuyện về ngành công nghiệp và ở phía sau ngành công nghiệp lại là vấn đề việc làm và cuối cùng, vấn đề cốt lõi cho châu Âu và các châu lục khác, là phải đảm bảo được chủ quyền về kinh tế. Chính vì những lý do ở trên, thế giới hiện đối mặt với tình thế chiến tranh lạnh về thương mại và điều này hết sức nguy hiểm đối với nền kinh tế thế giới, đối với tăng trưởng và việc làm. Để thoát ra khỏi tình thế này, có hai cách ứng xử, tốt và xấu.

Cách ứng xử xấu chính là trả đũa, trả đũa cứng rắn hơn nữa và đẩy thế giới đến một cuộc chiến tranh thương mại, tức là đẩy cuộc chiến tranh lạnh về thương mại như hiện này lên thành một cuộc chiến tranh thương mại mở thực sự. Đây chính là cách ứng xử của chính quyền Mỹ của ông D. Trump, người đã phát động bằng việc áp các trừng phạt thương mại lên các sản phẩm thép và nhôm, và đến hiện nay là lên rượu vang, công nghiệp ô-tô, chỉ bằng các mẩu tweets hỗn độn. Cuộc chiến thương mại này sẽ là một hành động tự sát đối với toàn thể thế giới bởi nó sẽ phá hủy các giá trị, phá hủy việc làm và chỉ tạo ra các bên thua cuộc.

Nhưng trừng phạt không phải là câu trả lời tốt. Câu trả lời tốt phải ở cấp độ đa phương và thông qua việc cải tổ nhanh chóng, cụ thể, tham vọng Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Pháp ủng hộ hoàn toàn sự chuyển đổi của WTO thông qua các cơ chế như G7, G20 và trong tất thảy cả cơ chế đa phương khác. Chủ nghĩa đa phương về thương mại trước tiên phải minh bạch trong đó mọi vấn đề phải được cong khai chỉ rõ và tránh các hành động đơn lẻ. Chẳng hạn phải thừa nhận là đang tồn tại các vấn đề như trợ cấp của nhà nước, tiếp cận thị trường, sở hữu trí tuệ và chỉ bằng việc chỉ rõ các tồn tại mới có thể tìm ra giải pháp. Cần phải thoát khỏi não trạng đạo đức giả trên vấn đề đối xử ưu đãi về phát triển bởi một vài quốc gia vin vào quy chế nước đang phát triển cho dù họ đã trở thành cường quốc kinh tế toàn cầu, cường quốc về công nghệ, thương mại, công nghiệp.

Thứ hai, chủ nghĩa đa phương hiện đại, tức chủ nghĩa đa phương có tính đến những thách thức mới của thương mại thế giới. Đó là các thách thức về môi trường, kinh tế carbon, biến đổi khí hậu ; đó là các thách thức về kinh tế số bởi cho dù người ta có thể huyễn hoặc về con đường tơ lụa với các con đường, các hải cảng, các tuyến đường sắt nhưng con đường mới thực sự mà Trung Quốc và chính phủ của nước này đang ấp ủ chính là con đường tơ lụa kỹ thuật số, và nó sẽ là con đường quan trọng nhất hiện nay. Chủ nghĩa đa phương minh bạch phải bao hàm cả vấn đề sáng tạo các giá trị bằng kỹ thuật số và cơ sở dữ liệu.

Chủ nghĩa đa phương mới cũng phải công bằng dựa trên một sân chơi bình đẳng (level playing field) hoặc nguyên tắc có đi có lại. Sự có đi có lại cũng bao hàm nguyên tắc tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ từ các công nghệ hết sức nhạy cảm về nano hay các công nghệ bán dẫn, chất lượng rượu vang… Chủ nghĩa đa phương bình đẳng cũng bao hàm các nguyên tắc mở nhưng mở không đồng nghĩa với vô tổ chức, cần phải có những quy tắc bền vững và những trừng phạt nếu như nguyên tắc đó không được tôn trọng. Trên quan điểm này, việc tái lập một cơ quan giải quyết các tranh chấp tại WTO có khả năng áp đặt các trừng phạt lên bên vi phạm là một ưu tiên tuyệt đối. Để làm điều đó, WTO phải thoát ra khỏi cái bẫy về đồng thuận, bởi đồng thuận đồng nghĩa với không có bất cứ thành quả nào cả. Chủ nghĩa đa phương công bằng cũng đồng nghĩa với việc châu Âu có quyền bảo vệ các công nghệ và những tài sản nhạy cảm như trí tuệ nhân tạo, công cụ tìm kiếm hoặc tổng hợp dữ liệu, lưu trữ năng lượng sạch, không gian, bán dẫn, nano…Việc các quốc gia bảo hộ các công nghệ nhạy cảm là hoàn toàn hợp lệ và bởi vậy, không thể chấp nhận hành động chiếm đoạt, trộm các công nghệ của quốc gia khác. Điều này đúng với Trung Quốc, với Mỹ và với EU cũng như Pháp.

Trong tham vọng cải tổ WTO lần này, châu Âu có vai trò quan trọng bởi châu lục này có thể đứng ra làm trọng tài giữa Trung Quốc và Mỹ, và châu Âu quyết tâm đóng vai trò đó.

Tin từ ĐSQVN tại Pháp (theo Bộ Ngoại giao Pháp, ngày 19/11/2018)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here