Toàn cảnh Kinh tế thế giới 2020: Hơn cả mọi cuộc khủng hoảng

0
2089
Trong bối cảnh đã có trên 81 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu và số ca nhiễm mới mỗi ngày lên đến con số hàng trăm nghìn, kinh tế thế giới vẫn cần thêm thời gian mới có thể thoát khỏi hố sâu suy thoái để phục hồi.

Cho dù nhìn từ góc độ nào thì 2020 cũng đều là một năm đặc biệt. Dường như không một quốc gia nào có thể thoát khỏi tác động đột ngột của đại dịch COVID-19. Mặc dù các nhà kinh tế vẫn chưa gọi cú sốc này là “khủng hoảng kinh tế”, nhưng các nền kinh tế chủ chốt trên thế giới đều phải sử dụng các biện pháp mạnh tay hơn so với thời kỳ khủng hoảng kinh tế mới có thể giữ vững sự ổn định của thị trường tài chính.

Trong bối cảnh đã có trên 81 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu và số ca nhiễm mới mỗi ngày lên đến con số hàng trăm nghìn, kinh tế thế giới vẫn cần thêm thời gian mới có thể thoát khỏi hố sâu suy thoái để phục hồi.

Trong bối cảnh đã có trên 81 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu và số ca nhiễm mới mỗi ngày lên đến con số hàng trăm nghìn, kinh tế thế giới vẫn cần thêm thời gian mới có thể thoát khỏi hố sâu suy thoái để phục hồi.

Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành gây ra cú sốc chưa từng có đối với nền kinh tế toàn cầu, thì sau quá trình ứng phó và điều chỉnh kéo dài nhiều tháng, hiện nay tình hình đã xuất hiện một số dấu hiệu phục hồi nhất định. Trong thời gian tới, cách thức các nước ổn định tỷ lệ đòn bẩy, giảm thiểu sự biến động của thị trường và quay trở lại quỹ đạo toàn cầu hóa trở thành chìa khóa để mở ra con đường phục hồi.

Kinh tế toàn cầu bị kìm hãm, cần phải hợp lực để phục hồi

Cuối năm, khi dịch bệnh bùng phát mạnh trở lại, nhiều nước đã đẩy mạnh thực hiện các biện pháp phong tỏa để phòng chống dịch khiến cho các hoạt động kinh tế như sản xuất, tiêu dùng, đầu tư… đều suy giảm. Khó có thể lạc quan về triển vọng phục hồi kinh tế của các nước.

Hiện nay, ngành sản xuất của châu Âu đã phục hồi đôi chút, nhưng tình hình của ngành dịch vụ lại không mấy sáng sủa; dưới tác động của dịch bệnh, tình trạng “hôn mê” này có lẽ sẽ kéo dài thêm một thời gian nữa. Làn sóng đóng cửa trong ngành bán lẻ đang lan rộng, thất nghiệp tăng nhanh, tất cả đều kéo lùi bước đi phục hồi trong thời kỳ hậu dịch bệnh.

Theo thống kê thị trường toàn cầu của S&P, tính đến giữa tháng 11/2020, có 49 doanh nghiệp bán lẻ của Mỹ phá sản, trong đó có nhiều nhà bán lẻ có tên tuổi. Đây được ghi nhận là đợt phá sản có số lượng nhiều nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đến nay. Số liệu thống kê trong một báo cáo được hãng tư vấn bán lẻ và công nghệ Mỹ Coresight Research công bố vào tháng 12/2020 cho thấy từ đầu năm đến nay tổng cộng đã có 8.401 cửa hàng đóng cửa. Mặc dù công tác tiêm chủng vaccine đang được triển khai, nhưng các chuyên gia và nhà phân tích cho rằng trước khi tình hình chuyển biến tích cực, số lượng doanh nghiệp bán lẻ phá sản có lẽ sẽ còn gia tăng.

Tình hình ở châu Âu cũng tương tự. Theo tính toán của Viện nghiên cứu kinh tế Đức (IFO), thiệt hại về giá trị gia tăng do một bộ phận ngành bán lẻ nước này đóng cửa gây nên sẽ lên đến 1,15 tỷ euro trong quý IV năm nay và khoảng 550 triệu euro trong quý I/2021, khiến GDP quý IV sụt giảm thêm 0,15 điểm phần trăm. Đồng thời, IFO cũng dự báo tỷ lệ thất nghiệp năm 2020 của Đức sẽ tăng lên 5,9% từ mức 5% trong năm 2019.

Thương mại toàn cầu cũng rơi vào trạng thái đóng băng. Báo cáo của Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) dự báo kim ngạch thương mại hàng hóa toàn cầu năm 2020 sẽ giảm 5,6% so với năm 2019, mức giảm lớn nhất kể từ năm 2009, nhưng khả quan hơn mức suy giảm 9% được dự báo trước đó mấy tuần. Trong khi đó, kim ngạch thương mại dịch vụ được dự đoán sẽ giảm mạnh hơn, với mức giảm lên đến 15,4% so với năm 2019, mức nghiêm trọng nhất kể từ năm 1990.

Các tổ chức quốc tế mà đứng đầu là Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, do tác động của dịch bệnh, kinh tế thế giới năm 2020 sẽ suy giảm trên 4%. Cùng với triển vọng tươi sáng của việc nghiên cứu và điều chế vaccine ngừa virus SARS-CoV-2, năm 2021 kinh tế thế giới có thể phục hồi tăng trưởng tương đối mạnh, ở mức 5,2%.

Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng sở dĩ có sự tăng vọt như vậy phần nhiều là do tác động của hiệu ứng cơ sở sau đợt suy thoái sâu của kinh tế thế giới trong năm 2020. Để nền kinh tế phục hồi bền vững thì cần phải mất nhiều thời gian hơn.

Từ đầu năm đến nay, nhiều nền kinh tế đã thông qua chính sách kích thích để bơm mạnh thanh khoản vào thị trường. Do vậy, dư địa của chính sách tiền tệ không còn nhiều, nên tăng cường kích thích tài khóa sẽ trở thành lựa chọn của các nước trong giai đoạn tiếp theo. Mặc dù ở mức độ nào đó, chính sách kích thích quy mô lớn đã giảm nhẹ tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế, nhưng lại khiến cho thâm hụt ngân sách của nhiều nước tăng vọt, dẫn tới bong bóng tài sản. Ngay cả khi vaccine có thể giúp khống chế dịch bệnh trong năm 2021, thì kinh tế toàn cầu cũng sẽ phục hồi chật vật trong điều kiện nợ công ở mức cao. Trong bối cảnh đó, việc giải tỏa sức ép chi phí sản xuất và sinh hoạt cũng như vận hành nền kinh tế thực đúng cách sẽ trở thành vấn đề được các nước quan tâm.

Theo thống kê chưa đầy đủ, từ đầu năm 2020 đến nay, trên toàn thế giới đã có hơn 50 ngân hàng trung ương hạ lãi suất một hoặc nhiều lần, trên 60% các nền kinh tế trên toàn cầu có mức lãi suất chưa đến 1%, một số khu vực và quốc gia áp dụng chính sách lãi suất âm. Theo báo cáo mới nhất của Viện tài chính quốc tế (IIF), ước tính đến cuối năm 2020, quy mô nợ toàn cầu sẽ tăng lên mức kỷ lục 277.000 tỷ USD. Trong đó, các nước phát triển chiếm gần 1/2 số nợ tăng mới, tỷ lệ tổng nợ/GDP của các nước phát triển đã tăng mạnh lên mức 432% trong quý III/2020.

Thanh khoản tăng với quy mô lớn khó tránh khỏi việc kích hoạt bong bóng tài sản trên thị trường, để lại những rủi ro tiềm ẩn trong việc vận hành ổn định nền kinh tế thực.
Giá các mặt hàng chiến lược tăng “chóng mặt” trong 6 tháng cuối năm 2020: Giá đồng đã tăng lên mức cao nhất trong 8 năm qua, quặng sắt trở thành một trong những hàng hóa có giá trị cao nhất năm 2020 khi đạt đỉnh trong 9 năm. Các nguyên vật liệu khác như nhôm và kẽm cũng đã tăng khoảng 15% từ cuối tháng 9, và tính từ giữa tháng 5 đến nay đã tăng 40%, thậm chí nhiều hơn.

Do sự thúc đẩy liên tục về thanh khoản của các nước, thị trường chứng khoán Mỹ cũng nhiều lần đạt mức cao mới trong 6 tháng cuối năm, nhưng do số người nhiễm virus SARS-CoV-2 liên tục tăng mạnh, phạm vi phong tỏa không ngừng mở rộng đã gây ra tâm lý nghi ngờ triển vọng thị trường. Ngoài ra, thanh khoản dư thừa còn kích thích vốn đầu tư chảy vào thị trường tiền kỹ thuật số, thúc đẩy các đồng tiền kỹ thuật số tăng trưởng kỷ lục mà tiêu biểu là đồng Bitcoin.

Trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành nghiêm trọng, chủ nghĩa bảo hộ ở một số nước và khu vực đã trỗi dậy. Trong thời gian tới, việc đảm bảo sự phục hồi thông suốt của dòng chảy vốn, công nghệ, hàng hóa, sản xuất và nhân lực sẽ là nền tảng để đảm bảo toàn cầu hóa đi đúng hướng, đồng thời cũng là điều kiện quan trọng để kinh tế toàn cầu phục hồi.

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát đến nay, hoạt động trao đổi thương mại, đi lại xuyên biên giới bị gián đoạn, các hội nghị quốc tế lần lượt phải dời lịch hoặc tạm ngưng, ảnh hưởng đến cơ hội giao lưu và hợp tác giữa các khu vực khác nhau. Bên cạnh đó, đàm phán giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) liên quan đến chi phí thương mại hay tranh chấp leo thang trong lĩnh vực số giữa Mỹ và EU cũng tác động đến sự phát triển của toàn cầu hóa kinh tế.

Tuy nhiên, chỉ số kết nối toàn cầu (GCI) năm 2020 do DHL và Viện kinh doanh Leonard N. Stern của Đại học New York phối hợp công bố gần đây cho thấy dù dịch bệnh đã tạm thời làm thay đổi phương thức kết nối giữa các nước, nhưng toàn cầu hóa không sụp đổ. Hiện nay, thế giới cần phải xử lý một số rủi ro của cái gọi là làn sóng đảo ngược toàn cầu hóa để đón nhận mô hình phát triển mới của toàn cầu hóa. Dòng chảy dữ liệu quốc tế thậm chí còn được đẩy mạnh trong điều kiện dịch bệnh, bởi sự trao đổi giữa con người và giao lưu xuyên biên giới đã chuyển sang địa hạt kỹ thuật số. Giới kinh doanh cho rằng động lực chính của số hóa toàn cầu trong năm 2020 là sự gia tăng mạnh về lưu lượng sử dụng dữ liệu mạng, điện thoại, hội nghị trực tuyến và thương mại điện tử.

Như vậy, trong hợp tác ứng phó với đại dịch COVID-19, các nước cần chú trọng chủ nghĩa đa phương thời kỳ hậu dịch bệnh, hợp lực thúc đẩy toàn cầu hóa phát triển, thúc đẩy kinh tế thế giới nhanh chóng phục hồi. Điều này đã trở thành nhận thức chung trên toàn cầu.

Ngày 24/11, trong các bài phát biểu sau hội nghị đối thoại bàn tròn “1+6” lần thứ 5 được tổ chức bằng hình thức trực tuyến, Tổng giám đốc IMF Kirstalina Georgieva nhấn mạnh: “Muốn nhanh chóng chấm dứt cuộc khủng hoảng do dịch bệnh gây ra, không có biện pháp nào khác ngoài hợp tác”. Georgieva cũng cho rằng lãnh đạo các nước trên thế giới nên tăng cường hợp tác trong việc ứng phó với các vấn đề như nợ, thương mại và biến đổi khí hậu. Bà kêu gọi các bên hợp tác để giải quyết vấn đề căng thẳng thương mại, thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống thương mại quốc tế, biến thương mại thành động lực cho tăng trưởng kinh tế. Bà nhấn mạnh các bên nên khởi động lại tiến trình cải tổ thương mại đa phương, tăng cường hệ thống thương mại lấy quy tắc làm nền tảng, trong đó có việc thúc đẩy hệ thống này thích ứng với thời đại số.

Georgieva cho rằng Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp quyết đoán trong phòng chống dịch bệnh, giảm nhẹ ảnh hưởng của đại dịch và hỗ trợ kinh tế tăng trưởng. Với việc kết hợp đồng bộ các chính sách kinh tế vĩ mô có mục tiêu, chú trọng tăng cường hệ thống bảo hiểm xã hội và thúc đẩy hơn nữa các cải cách then chốt, Trung Quốc sẽ đảm bảo kinh tế phục hồi ổn định, thực hiện phát triển kinh tế cân bằng và chất lượng cao. Điều này giúp Trung Quốc và thế giới cùng chia sẻ lợi ích.

Kinh tế Mỹ suy thoái, thiếu động lực phục hồi
Do tác động của dịch bệnh, nền kinh tế Mỹ đã rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, mức độ ảnh hưởng thậm chí còn lớn hơn cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế năm 2008. Cùng với hy vọng về việc tiêm chủng vaccine rộng rãi và dỡ bỏ các biện pháp hạn chế kinh tế, nền kinh tế Mỹ có triển vọng khởi sắc trong năm 2020, nhưng các yếu tố không lường trước được như dịch bệnh bùng phát đột ngột lại tiếp tục cản trở bước đi phục hồi ổn định của nền kinh tế Mỹ.

Đại dịch COVID-19 khiến cho GDP quý II của Mỹ giảm 31,4% (tính theo năm), trở thành mức giảm trong một quý lớn nhất kể từ khi số liệu được thống kê. Mặc dù GDP thực tế quý III của Mỹ tăng 33,1%, nhưng vẫn thấp hơn mức trước khi dịch bệnh bùng phát. Bên cạnh đó, các đợt bùng phát trở lại gần đây đã làm suy yếu động lực phục hồi kinh tế của Mỹ.

Tháng 3/2020, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký Đạo luật viện trợ, cứu trợ và an ninh kinh tế (CARES) tổng trị giá 2.200 tỷ USD, trở thành đạo luật chi ngân sách có quy mô lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử nước Mỹ. Vào tháng 4, Thượng viện Mỹ lại thông qua một dự luật kích thích bổ sung trị giá 484 tỷ USD. Ngày 20/12, Quốc hội Mỹ đã đạt được sự đồng thuận về phương án cứu trợ kinh tế trị giá 900 tỷ USD để ứng phó với tình hình dịch bệnh vẫn đang hoành hành.

Để khắc phục những tác động tiêu cực của dịch bệnh, ngay trong tháng 3, Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã đi đầu khi liên tục hạ lãi suất hai lần, đưa lãi suất cơ bản xuống mức rất thấp 0%-0,25%, tốc độ và mức độ hạ lãi suất đều vượt quá kỳ vọng của thị trường. Tiếp đó, FED đã áp dụng chính sách nới lỏng định lượng không giới hạn, đồng thời áp dụng lại công cụ tiền tệ trong giai đoạn khủng hoảng cho vay thế chấp dưới chuẩn để bơm thanh khoản mạnh vào thị trường. Ngày 16/12, FED công bố báo cáo dự báo triển vọng kinh tế mới nhất, trong đó ước tính nền kinh tế sẽ suy giảm 2,4% trong năm 2020, tăng 1,3 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra vào tháng 9. Bên cạnh đó, FED cho rằng kinh tế Mỹ có triển vọng tăng trưởng 4,2% trong năm 2021, tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước. Ngoài ra, FED còn nhận định tỷ lệ thất nghiệp năm nay của Mỹ sẽ ở mức 6,7%. Về giá cả, dự báo lạm phát năm nay của Mỹ chỉ ở mức khoảng 1,2%, vẫn thấp hơn mục tiêu lạm phát 2% mà FED đề ra.

Theo số liệu được Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 17/12, trong tuần từ ngày 5-12/12/2020, lần đầu tiên số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở Mỹ tăng lên trên mức 885.000 người, cho thấy sự phục hồi của thị trường việc làm Mỹ đang chậm lại trong bối cảnh dịch COVID-19 tái bùng phát. Từ đầu tháng 11 đến nay, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Mỹ không ngừng tăng mạnh, chính quyền một số bang và địa phương đã áp đặt trở lại các biện pháp hạn chế đi lại hoặc hạn chế hoạt động kinh tế, dẫn đến tình trạng không ít doanh nghiệp đóng cửa trở lại, số người thất nghiệp tăng mạnh. Bên cạnh đó, dịch bệnh còn đẩy mạnh tốc độ phá sản của các doanh nghiệp bán lẻ, khiến càng nhiều người phải đối diện với tình trạng thất nghiệp.

Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới do IMF công bố vào ngày 13/10 dự báo trong năm 2020, các nền kinh tế phát triển sẽ suy giảm 5,8%, trong đó kinh tế Mỹ giảm 4,3%. Các chuyên gia kinh tế thuộc JPMorgan Chase đã nhấn mạnh trong một báo cáo gần đây: “Tình hình kinh tế sẽ rất khắc nghiệt, chúng tôi cho rằng trong quý I/2021, kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục rơi vào suy thoái”. Theo dự báo mới nhất, GDP quý IV/2020 của Mỹ sẽ tăng 2,8%, và GDP quý I/2021 sẽ giảm 1% thay cho mức tăng 1,5% được dự báo trước đó, GDP quý II và quý III sẽ lần lượt tăng 4,5% và 6,5%. Các chuyên gia kinh tế của JPMorgan Chase cho rằng tình hình dịch bệnh năm nay và năm sau đều gây khó khăn cho triển vọng kinh tế.

Kinh tế Nhật Bản tiếp tục ảm đạm, hiệu quả của các biện pháp kích thích cần thời gian để kiểm chứng

Chịu tác động của dịch COVID-19, kinh tế Nhật Bản tiếp tục suy thoái, tiêu dùng ảm đạm, nguồn thu thuế cũng sụt giảm mạnh. Sự phục hồi mạnh trong quý III dù mạnh nhưng khó bền vững, tốc độ phục hồi của quý IV sẽ tiếp tục chậm lại.

Theo thống kê của Văn phòng nội các Nhật Bản, GDP thực tế quý III/2020 của Nhật Bản tăng 5,3% so với quý trước (tính theo năm tăng 22,9%), đây là mức tăng lớn nhất kể từ khi số liệu được thống kê. Trước đó, nền kinh tế Nhật Bản đã suy giảm 3 quý liên tục, trong đó mức suy giảm tính theo năm của quý II là 28,1%.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng kinh tế quý III phục hồi nhanh một mặt là do hiệu quả từ các chương trình kích thích kinh tế của chính phủ, mặt khác là do nhu cầu bị kiềm chế trước đó được giải tỏa, nhưng hai nhân tố này đều khó kéo dài.

Hiện nay tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn hết sức nghiêm trọng, rất bất lợi đối với nền kinh tế Nhật Bản vốn phụ thuộc cao vào xuất khẩu. Số liệu thống kê thương mại do Bộ Tài chính Nhật Bản công bố ngày 16/12 cho thấy kim ngạch xuất khẩu của nước này đã suy giảm mạnh hơn, từ mức 0,2% trong tháng trước lên mức 4,2%. Tính đến nay, xuất khẩu của Nhật Bản đã sụt giảm so với cùng kỳ 24 tháng liên tục, tạo ra kỷ lục kể từ khi số liệu được thống kê. Bên cạnh đó, chi tiêu tiêu dùng vẫn rất ảm đạm. Tính đến tháng 9/2020, chi tiêu tiêu dùng của hộ gia đình Nhật Bản giảm 12 tháng liên tiếp so với cùng kỳ, trong đó tháng 9 giảm 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Theo báo cáo, tính đến cuối tháng 9/2020, lượng tiền mặt đang nắm giữ và tiền gửi tiết kiệm của các hộ gia đình Nhật Bản đã tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2019, lên mức kỷ lục 1.034.000 tỷ yên.

Theo số liệu do Bộ Nội vụ, thông tin và truyền thông Nhật Bản công bố ngày 18/12, sau khi điều chỉnh yếu tố mùa vụ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi tháng 11/2020 của Nhật Bản (không tính thực phẩm tươi sống) giảm 0,9% so với cùng kỳ năm 2019, ghi nhận tháng thứ tư giảm liên tiếp so với cùng kỳ, hơn nữa là mức giảm cao nhất kể từ tháng 10/2010.

Sau khi dỡ bỏ hoàn toàn tình trạng khẩn cấp, CPI lõi của Nhật Bản cơ bản ổn định, sau đó xuất hiện tình trạng suy giảm liên tục. Từ tháng 11 đến nay, tình hình dịch bệnh ở Nhật Bản có xu hướng nghiêm trọng trở lại, làm gia tăng quan ngại rằng Nhật Bản sẽ rơi vào giảm phát. Ngân hàng trung ương Nhật Bản dự báo CPI lõi của năm tài khóa 2020 sẽ giảm 0,6% so với năm trước (năm tài khóa của Nhật Bản tính từ ngày 1/4 hàng năm).

Ngày 21/12, Chính phủ Nhật Bản triệu tập cuộc họp nội các, quyết định tổng ngân sách của năm tài khóa 2021 là 106.600 tỷ yên (tính đến nay, ngân sách hàng năm của Nhật Bản đã tăng 9 năm liên tục), đồng thời lên kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ trị giá 43.600 tỷ yên, điều này khiến cho mức độ phụ thuộc vào nợ quốc gia của chi tiêu ngân sách Nhật Bản vượt ngưỡng 40%.

Để giảm nhẹ tác động của dịch bệnh và ứng phó với thách thức tăng trưởng kinh tế, Nhật Bản đã lần lượt ban hành 3 chương trình kích thích kinh tế quy mô lớn trong năm 2020: Tháng 4 và tháng 5/2020, Chính phủ Nhật Bản 2 lần đưa ra kế hoạch kích thích kinh tế quy mô lớn với tổng giá trị hơn 230.000 tỷ yên; tháng 12 thông qua kế hoạch kích thích kinh tế lần thứ 3 với tổng giá trị 73.600 tỷ yên. Thay đổi cơ cấu kinh tế trở thành trọng tâm hàng đầu trong kế hoạch kích thích kinh tế lần thứ 3 của Nhật Bản, các chính sách liên quan đến kế hoạch này có tổng giá trị khoảng 51.700 tỷ yên, chiếm gần 70% tổng giá trị kế hoạch. Theo đó, việc thay đổi cơ cấu kinh tế sẽ tập trung vào chiến lược tăng trưởng dài hạn do Thủ tướng Yoshihide Suga đưa ra, thông qua việc thành lập một số quỹ để dẫn dắt và thúc đẩy nền kinh tế công nghiệp chuyển sang nền kinh tế xanh không xả thải, đồng thời thúc đẩy kinh tế Nhật Bản phát triển theo hướng kinh tế số.

Ngân hàng trung ương Nhật Bản cũng tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, cho phép thu mua trái phiếu không giới hạn. Ngân hàng này đã liên tục mở rộng chương trình bơm vốn chống dịch khẩn cấp, nâng giá trị từ 75.000 tỷ yên lên 110.000 tỷ yên; tăng mục tiêu mua hàng năm của các quỹ giao dịch hối đoái và quỹ tín thác bất động sản lần lượt lên 12.000 tỷ yên và 180 tỷ yên, quyết định kéo dài chính sách ưu đãi huy động vốn của doanh nghiệp thêm 6 tháng (từ tháng 3/2021 đến tháng 9/2021), và sẽ tiếp tục gia hạn nếu có nhu cầu.

Ngày 17/12, Chính phủ Nhật Bản hạ dự báo tăng trưởng GDP thực tế năm 2020 xuống mức -5% hoặc thấp hơn so với mức -4,5% được đưa ra trước đó. Kết quả khảo sát của Reuters đối với 27 chuyên gia cho thấy kinh tế Nhật Bản có thể suy giảm 5,3% trong năm tài khóa 2020 (kết thúc vào cuối tháng 3/2021). Theo phân tích, nếu nhu cầu bên ngoài tăng nhanh và các phương án kích thích của chính phủ khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh chi tiêu thì tiến trình phục hồi kinh tế có thể được đẩy nhanh.

Các nền kinh tế mới nổi vẫn phục hồi chậm

Từ đầu năm 2020 đến nay, tác động của dịch COVID-19 đối với các nền kinh tế mới nổi đặc biệt trầm trọng. Hệ thống chăm sóc sức khỏe ở các nước này không thể ứng phó với tình hình dịch bệnh xảy ra đột ngột trên quy mô lớn, và mức độ phụ thuộc của họ vào nhu cầu và nguồn vốn từ bên ngoài tương đối lớn, dẫn tới hậu quả là suy thoái kinh tế rất nghiêm trọng. Hiện nay, mặc dù nhiều nền kinh tế mới nổi đã từng bước khởi động lộ trình phục hồi kinh tế, nhưng trở ngại vẫn còn rất lớn và khó đoán định.

Dịch bệnh tiếp tục hoành hành ở các nền kinh tế mới nổi lớn như Ấn Độ, Brazil, Indonesia…, cản trở nghiêm trọng các hoạt động kinh tế. Hiện nay, Ấn Độ đã trở thành nước có số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 nhiều thứ hai thế giới sau Mỹ. GDP quý II của Ấn Độ suy giảm nghiêm trọng với biên độ lên đến 23,9%, quý III là 7,5%, bước vào cuộc suy thoái đầu tiên kể từ năm 1947. Ngân hàng trung ương Ấn Độ dự báo kinh tế nước này sẽ suy giảm 9,5% trong năm nay. Các phân tích nhấn mạnh kinh tế Ấn Độ sẽ phục hồi mạnh trong quý III, hoạt động sản xuất công nghiệp phục hồi về mức trước khi xảy ra dịch bệnh, tiêu dùng cũng xuất hiện dấu hiệu cải thiện, nhưng do vẫn duy trì các biện pháp phòng chống dịch nên ngành dịch vụ phục hồi yếu, sự phát triển của nền kinh tế trong thời gian tới vẫn còn nhiều bấp bênh.

Hai quý đầu năm 2020, nền kinh tế Brazil lần lượt giảm 2,5% và 9,7% so với quý trước, quý III tăng 7,7% so với quý II, xác nhận thoát khỏi “suy thoái kỹ thuật”, nhưng vẫn giảm 3,9% so với cùng kỳ năm trước, vẫn chưa đủ đề bù đắp những tổn thất do dịch bệnh gây ra, chỉ phục hồi tương đương với mức của năm 2017. Thị trường tài chính dự báo kinh tế Brazil sẽ sụt giảm 4,5% trong năm 2020 và tăng 3,45% trong năm 2021. Theo dự báo điều chỉnh mới nhất của Ngân hàng trung ương Brazil, GDP nước này sẽ giảm 4,4% trong năm nay và tăng 3,8% trong năm sau.

Theo Ngân hàng trung ương Nga, đà phục hồi kinh tế của nước này bị ngưng trệ trong quý IV, nhưng tác động tồi tệ mà dịch bệnh gây nên không còn nghiêm trọng như quý II. Dự báo GDP năm 2020 của Nga sẽ giảm khoảng 4%, và sẽ phục hồi tăng trưởng trong quý I/2021.

GDP quý III/2020 của Nam Phi giảm 13,5% so với quý trước, có sự cải thiện đáng kể so với mức giảm 16,6% trong quý II. Theo Cục thống kê Nam Phi, tất cả các lĩnh vực kinh tế then chốt đều ghi nhận tăng trưởng trong quý III, trong đó ngành sản xuất đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng GDP. Tiêu dùng cải thiện rõ nét cũng đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

IMF dự báo rằng các nền kinh tế khu vực châu Phi cận Sahara sẽ suy giảm 3% trong năm 2020, mức tồi tệ nhất trong lịch sử. Hai nền kinh tế lớn nhất khu vực này là Nigeria và Nam Phi sẽ lần lượt giảm 4,3% và 8% trong năm nay. Năm 2021, các nền kinh tế khu vực châu Phi cận Sahara có triển vọng đạt mức tăng trưởng 3,1%, nhưng theo dự báo, phải đến giai đoạn 2022-2024 thì GDP thực tế của khu vực này mới có thể phục hồi về mức trước dịch bệnh.

Tháng 12/2020, Ủy ban kinh tế Mỹ Latinh và Caribe của Liên hợp quốc (ECLAC) dự báo năm 2020 khu vực kinh tế Mỹ Latinh và Caribe sẽ giảm 7,7%, năm 2021 tăng 3,7%. ECLAC cho rằng hiệu ứng tiêu cực dồn dập của dịch bệnh cộng với tăng trưởng thấp của 10 năm trước đó khiến khu vực này phải đối diện với nguy cơ khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất trong 120 năm qua.

Kể từ khi dịch bệnh bùng phát trở lại đây, các nền kinh tế mới nổi đều đã đưa ra các chương trình kích thích kinh tế quy mô lớn, Ngân hàng trung ương các nước cũng đã áp dụng nhiều biện pháp tích cực để ứng phó: Ngân hàng trung ương Ấn Độ đã hai lần hạ lãi suất trong tháng 3 và tháng 5, tổng cộng 115 điểm cơ bản, để giảm sức ép đối với nền kinh tế. Xem xét đến tình hình thanh khoản của thị trường, Ngân hàng trung ương Ấn Độ còn nhiều lần thực hiện nghiệp vụ “bán ngắn mua dài” trái phiếu chính phủ. Trong vài tháng trở lại đây, Ngân hàng trung ương Ấn Độ đã mua một lượng lớn USD, thông qua bổ sung dự trữ ngoại hối để tăng cường năng lực xử lý các vấn đề tài chính trong thời kỳ khó khăn, khôi phục lòng tin của nhà đầu tư nước ngoài. Tính đến đầu tháng 12, dự trữ ngoại hối của Ấn Độ đạt 579,346 tỷ USD, là mức cao nhất từ trước đến nay.

Kể từ tháng 7/2019, Ngân hàng trung ương Brazil khởi động đợt hạ lãi suất mới, sau 9 lần liên tục điều chỉnh giảm, ngày 5/8/2020 lãi suất cơ bản của Ngân hàng trung ương Brazil đã về mức 2%, là mức thấp nhất kể từ khi áp dụng biện pháp kiểm soát lạm phát mục tiêu vào năm 1999.

Mặc dù không ít nền kinh tế mới nổi đã bắt đầu phục hồi, nhưng nhu cầu yếu và những cú sốc trên thị trường vốn do dịch COVID-19 gây nên được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài, khiến cho rủi ro nợ không ngừng tăng cao, đặc biệt là ở khu vực Mỹ Latinh, do đó tiến trình cải cách của các nền kinh tế mới nổi cần phải được thúc đẩy mạnh mẽ hơn.

Chịu áp lực kép, kinh tế châu Âu chật vật phục hồi

Đầu năm 2020, kinh tế Châu Âu chịu tác động kép của dịch bệnh và vấn đề Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), sau đó chật vật phục hồi. Hiện nay, tình hình dịch bệnh ở châu Âu vẫn nghiêm trọng, thời kỳ chuyển tiếp Brexit của Anh sẽ kết thúc vào ngày 31/12, nên tiến trình phục hồi kinh tế đối diện với thách thức không hề nhỏ.

Chịu tác động của các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, GDP quý II/2020 của EU và Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Euzone) lần lượt giảm 11,4% và 11,8% so với quý trước, mặc dù quý III lần lượt tăng 12,1% và 12,7% so với quý II, nhưng so với cùng kỳ năm 2019 vẫn giảm 3,9% và 4,3%.

Gần đây, dịch bệnh bùng phát trở lại buộc chính phủ nhiều nước Châu Âu phải thắt chặt trở lại các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Có một số phân tích cho rằng các biện pháp phòng chống dịch bệnh một lần nữa được siết chặt nhất định sẽ ảnh hưởng đến tiến trình phục hồi kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý IV/2020 của châu Âu so với quý trước có thể một lần nữa rơi xuống mức âm.

Kể từ khi dịch bệnh bùng phát trở lại, EU đã đưa ra các chương trình kích thích kinh tế quy mô lớn. Tháng 7/2020, EU đưa ra kế hoạch phục hồi kinh tế với tổng giá trị hơn 1.800 tỷ euro, bao gồm 1.074 tỷ euro cho ngân sách dài hạn giai đoạn 2021-2027 và 750 tỷ euro cho quỹ phục hồi. Đây là phương án kích thích kinh tế có quy mô lớn nhất trong lịch sử châu Âu. Các nhà lãnh đạo EU đã đạt được thỏa thuận về khung ngân sách nhiều năm và quỹ phục hồi tại hội nghị thượng đỉnh ngày 10/12, thúc đẩy việc triển khai kế hoạch phục hồi. Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, kế hoạch phục hồi sẽ thúc đẩy sự phục hồi kinh tế của châu Âu, đồng thời thúc đẩy việc thành lập một EU bền bỉ hơn, “xanh” hơn và kỹ thuật số hơn.

Năm 2020, Ngân hàng trung ương Châu Âu cũng tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ siêu nới lỏng để hỗ trợ phục hồi kinh tế, tiếp tục duy trì các mức lãi suất chủ yếu như lãi suất tái cấp vốn ở mức 0%, lãi suất cận biên ở mức 0,25% và lãi suất tiền gửi ở mức -0,5%, đồng thời nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế, bao gồm gia hạn và mở rộng chương trình mua tài sản khẩn cấp trong dịch bệnh (PEEP) lên 500 tỷ euro.

Hiện nay, kinh tế Anh vẫn bị đe dọa nghiêm trọng bởi dịch COVID-19. Quý III/2020, mặc dù kinh tế Anh tăng 15,5% so với quý trước, nhưng vẫn giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Cuối tháng 11, Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak cho biết kinh tế Anh có thể sẽ giảm 11,3% trong năm 2020, và đây là sự suy thoái trầm trọng nhất kể từ năm 1709. Theo ông, phải đến quý IV/2022 thì hoạt động sản xuất của nền kinh tế Anh mới có thể phục hồi về mức trước dịch bệnh, ảnh hưởng đối với nền kinh tế có thể sẽ kéo dài. Để ứng phó với dịch bệnh, chi tiêu ngân sách năm 2020 của Chính phủ Anh đã đạt 280 tỷ bảng, các khoản vay của chính phủ trong năm tài khóa 2020 ước tính sẽ lên đến 394 tỷ bảng. Ngân hàng trung ương Anh đã hạ lãi suất cơ bản xuống mức thấp trong lịch sử, từ 0,75% xuống 0,1%, đồng thời đưa ra chương trình mua tài sản quy mô lớn.

Ngày 14/12, Chính phủ Anh đã công bố thông tin về sự xuất hiện của virus SARS-CoV-2 biến thể mới, và quyết định nâng cấp độ phòng ngừa và kiểm soát ở một số khu vực bao gồm London lên cấp độ 4 kể từ ngày 20/12. Điều này làm cho niềm tin của các nhà đầu tư toàn cầu bị dao động, thị trường tài chính lao dốc. Có lẽ Anh sẽ cần thực hiện nhiều hơn các biện pháp tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế trong mùa Xuân năm 2021.

Những tiến triển trên phương diện nghiên cứu và sản xuất vaccine đang mang lại hy vọng đẩy nhanh phục hồi kinh tế. Các nước EU đã chính thức khởi động kế hoạch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 vào ngày 27/12. Dân số EU khoảng 450 triệu người, các nước thành viên sẽ tự quyết định nhóm người ưu tiên tiêm chủng. Anh đã khởi động tiêm chủng vaccine từ trước đó. Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, cần phải có số lượng vắc-xin lớn mới có thể đạt được miễn dịch cộng đồng, do vậy mặc dù tiến trình này đã bắt đầu, nhưng muốn khống chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 thì cũng phải mất vài tháng. Trong giai đoạn đầu, vắc-xin chỉ ưu tiên cung cấp cho những nhóm người rủi ro cao và nhân viên bảo hộ y tế, do đó trong 6 tháng đầu năm 2021, phần lớn các nước đều sẽ tiếp tục áp dụng biện pháp hạn chế. Điều này có nghĩa là việc sản xuất và phân phối vaccine trên quy mô lớn đang trở thành thách thức lớn, vì thế nền kinh tế vẫn phải đối diện với rủi ro lớn trong mùa Xuân năm 2021.

Theo dự báo gần đây của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), năm 2020, nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung Châu Âu sẽ auy giảm 7,5%, năm 2021 sẽ tăng 3,6%. Trong khi đó, IMF dự đoán kinh tế khu vực này giảm 8,3% trong năm nay và tăng 5,2% trong năm sau.

Tiến trình phục hồi thương mại toàn cầu đối diện với nhiều thách thức

Năm 2020, thương mại toàn cầu chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch COVID-19, nên tiến trình phục hồi sẽ vấp phải nhiều thách thức và khó khăn trong thời gian tới, đồng thời thể hiện rõ sự chênh lệch tương đối lớn giữa các khu vực. Bên cạnh đó, sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc có hy vọng tiếp tục thúc đẩy sự phục hồi của thương mại toàn cầu.

Các tổ chức quốc tế gần đây lần lượt dự báo rằng những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong năm 2020 sẽ gây ra vô vàn khó khăn cho tiến trình phục hồi của thương mại toàn cầu, đồng thời gây ảnh hưởng mang tính hủy hoại đối với một số nền kinh tế.

Gần đây, khi đề cập đến triển vọng thương mại toàn cầu, Tổ chức thương mại thế giới (WTO) cho rằng việc nới lỏng các biện pháp phong tỏa sẽ là chìa khóa để thương mại toàn cầu hồi phục. Tuy nhiên, ngay cả khi tình hình dịch bệnh suy giảm, thì quy mô thương mại năm 2021 vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước khi xảy ra dịch bệnh. Ngoài ra, khi thời điểm cuối năm 2020 đã cận kề, tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu có thể sẽ chậm lại do nhu cầu tích lũy hàng hóa trong thời gian phong tỏa vào mùa Xuân đã cơ bản được đáp ứng, và các doanh nghiệp dường như cũng đã bắt đầu dự trữ tồn kho trở lại.

Theo số liệu mới nhất, trong quý III/2020, việc các khu vực như Bắc Mỹ, Châu Âu… nới lỏng các biện pháp phong tỏa cùng với việc các nền kinh tế chủ chốt áp dụng rộng rãi các chính sách tài khóa và tiền tệ đã thúc đẩy lượng giao dịch thương mại toàn cầu phục hồi mạnh mẽ, tăng 11,6% so với quý trước, nhưng vẫn giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Số liệu thống kê cho thấy trong 3 quý đầu năm 2020, giao dịch thương mại hàng hóa toàn cầu giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Theo WTO, việc dịch bệnh bùng phát trở lại ở một số khu vực trong thời gian gần đây có thể ảnh hưởng tới thương mại hàng hóa trong quý IV, qua đó tác động hơn nữa đến tình hình của cả năm. Tốc độ tăng trưởng thương mại hàng hóa toàn cầu tháng 10 thấp hơn so với tháng 9. WTO dự báo lượng giao dịch thương mại hàng hóa toàn cầu sẽ giảm 9,2% trong năm 2020 và tăng 7,2% trong năm 2021, nhưng quy mô thương mại vẫn thấp hơn mức trước khi dịch bệnh bùng phát. Tình hình dịch bệnh ở nhiều khu vực trên thế giới diễn biến phức tạp trở lại trong tháng 12, khiến các nước Bắc Mỹ và Châu Âu liên tục tăng cường các biện pháp phong tỏa. Do vậy, các chuyên gia thị trường dự báo tốc độ tăng trưởng năm 2021 sẽ suy giảm đáng kể.

Theo dự báo của Ủy ban kinh tế xã hội Châu Á-Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (UNESCAP), thương mại toàn cầu sẽ giảm 14,5% trong năm 2020. UNESCAP cảnh báo rằng con đường phục hồi toàn diện của thương mại vẫn đầy còn nhiều bất trắc, điều kiện kinh tế vĩ mô của nhiều nền kinh tế không được tốt, tỷ lệ thất nghiệp, nợ và lạm phát vẫn còn cao, cùng những thách thức mang tính kết cấu nội tại đã cản trở thương mại phục hồi nhanh.

Ali Shahbana, Thư ký điều hành của UNESCAP nhấn mạnh rằng ảnh hưởng mang tính tàn phá của đại dịch COVID-19 đối với các nền kinh tế phát triển và các đang phát triển có thể khiến cho hàng triệu người tái nghèo.

Ngoài thương mại, đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng do các nước trên thế giới đều chịu tác động của dịch bệnh. Theo UNESCAP, mặc dù dữ liệu đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn đang được thu thập dưới các hình thức khác nhau, nhưng dữ liệu theo quý về hoạt động đầu tư “xanh” đã công bố cho thấy khu vực này chịu tác động vô cùng nghiêm trọng. So với cùng kỳ năm 2019, đầu tư trực tiếp nước ngoài cho các dự án thân thiện với môi trường trong 3 quý đầu năm 2020 đã giảm 40%, chủ yếu là do ảnh hưởng của các biện pháp phong tỏa, dẫn đến tình trạng các dự án chậm tiến độ hoặc bị hủy bỏ.

Ngoài ra, UNESCAP còn dự báo rằng năm 2020 vốn đầu tư nước ngoài sẽ duy trì ở dưới mức trước khủng hoảng và triển vọng trong thời gian tới phụ thuộc vào thời gian kéo dài của dịch bệnh, hiệu quả của chính sách kích thích đầu tư, cũng như mức độ phục hồi kinh tế-xã hội trong bối cảnh đại dịch.

“Đào sâu” sự chênh lệch giữa các khu vực

Tiến trình phục hồi thương mại toàn cầu đang diễn ra không đồng đều giữa các khu vực: Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương phục hồi nhanh nhất, trong khi các nước Châu Âu và Mỹ vẫn chưa thoát khỏi tình thế khó khăn. Do ảnh hưởng của dịch bệnh trong thời gian gần đây, nhiều khả năng khoảng cách này sẽ tiếp tục nới rộng. Theo dự báo của UNESCAP, năm 2020 thương mại của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương có thể suy giảm 1,9%, trong khi tình hình ở các khu vực khác trên thế giới còn tồi tệ hơn.

Theo báo cáo vừa được Cục phân tích chính sách kinh tế Hà Lan (CPB) công bố, trong quý III/2020, lưu lượng thương mại hàng hóa toàn cầu tăng 12,5% so với quý II, đây là biên độ tăng mạnh nhất kể từ khi số liệu bắt đầu được thống kê vào năm 2000. Tuy nhiên, lưu lượng hàng hóa xuyên biên giới trong quý II đã giảm 12,2% – mức sụt giảm lớn nhất từng được ghi nhận.

Một số báo cáo phân tích khác cho thấy xu hướng phục hồi thương mại của các nơi trên thế giới mạnh yếu khác nhau, trong đó Trung Quốc và các nước đang phát triển khác ở Châu Á dẫn đầu xu thế phục hồi, còn Mỹ tụt lại phía sau. Số liệu của CPB cho thấy trong khi xuất khẩu trong tháng 9 của Trung Quốc và các nước đang phát triển khác ở khu vực Châu Á đã vượt qua mức trước khi dịch bệnh bùng phát, thì xuất khẩu của Khu vực đồng tiền chung Châu Âu giảm tới 2,6%, còn mức sụt giảm của Mỹ lên đến gần 9%.

Báo cáo khách hàng của ngân hàng UBS nhận định: Về tổng thể, tác động của đại dịch COVID-19 đối với Tây bán cầu lớn hơn nhiều so với Đông bán cầu.

Điểm sáng Trung Quốc

Mặc dù thương mại toàn cầu vẫn chưa phục hồi, nhưng thương mại Trung Quốc lại bật tăng mạnh. Theo số liệu thống kê của Tổng cục hải quan Trung Quốc, trong 11 tháng đầu năm, tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa của nước này đạt 29.040 tỷ nhân dân tệ, tăng 1,8% so với cùng kỳ, thể hiện rõ xu hướng cải thiện liên tục và tăng trưởng nhanh. Trong 9 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng chung về ngoại thương của Trung Quốc lần đầu tiên chuyển từ âm sang dương, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước; trong 10 tháng đầu năm, tốc độ này được nâng lên 1,1%; sang tháng 11, biên độ tăng tiếp tục được mở rộng. Xuất khẩu duy trì tốc độ tăng trưởng tương đối nhanh đã trở thành động lực chính đẩy mạnh hoạt động ngoại thương. Về tổng thể, trong 11 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc đạt 16.130 tỷ nhân dân tệ, tăng 3,7%; nhập khẩu đạt 12.910 tỷ nhân dân tệ, giảm 0,5%.

Theo số liệu của Nomura Holdings, xuất khẩu quý II và quý III năm 2020 của Trung Quốc chiếm hơn 13% xuất khẩu toàn cầu. Đây là số liệu theo quý cao nhất kể từ khi Nomura Holdings thực hiện thống kê vào năm 2006 (tỷ lệ của năm 2019 là 11%). Ngoài ra, các chuyên gia của UBS cũng cho biết, tính đến tháng 7/2020, thị phần xuất khẩu toàn cầu của Trung Quốc đã tăng 11% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời thị phần của Mỹ giảm 4%, thị phần của Pháp giảm 12%. Nhật báo The Wall Street Journal bình luận rằng Trung Quốc dẫn dắt thương mại toàn cầu phục hồi mạnh mẽ, thúc đẩy thương mại toàn cầu đạt được mức tăng theo quý lớn nhất trong 20 năm qua.

Các doanh nghiệp thương mại Trung Quốc và nước ngoài duy trì mối liên hệ chặt chẽ thông qua nền tảng công nghệ kỹ thuật số. Gần đây, Hiệp hội xúc tiến thương mại Trung Quốc và Phòng thương mại quốc tế Trung Quốc phối hợp tổ chức 3 cuộc triển lãm số về thương mại quốc tế, tiếp cận tới các khu vực Trung Mỹ, Nam Thái Bình Dương, Nam Á, Trung Đông và Bắc Phi, thúc đẩy chương trình kết nối cung cầu hàng hóa giữa hàng chục nghìn doanh nghiệp Trung Quốc và nước ngoài.

Trên thực tế, trong hoàn cảnh thương mại toàn cầu ảm đạm đầy bất lợi, Trung Quốc đã thông qua hợp tác khu vực để ký kết các hiệp định/thỏa thuận thương mại và đầu tư sâu rộng hơn để thúc đẩy toàn cầu hóa, giúp tăng tốc độ phục hồi thương mại. Trung Quốc đã phát huy vai trò quan trọng trong việc ký kết Hiệp định quan hệ kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); trong 6 tháng cuối năm 2020, nước này còn tổ chức Hội nghị giao dịch thương mại dịch vụ quốc tế Trung Quốc và hội chợ triển lãm xuất nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần thứ 3. Tất cả những chương trình mở cửa quy mô lớn này đều phát huy tác dụng thúc đẩy quan trọng trong việc đẩy mạnh kết nối sản xuất toàn cầu, tăng cường hợp tác quốc tế, thúc đẩy phục hồi kinh tế.

Trần Quyên

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here