Sáu xu hướng thúc đẩy sự phục hồi của kinh tế Anh năm 2021

0
121

Năm đầu tiên của thập kỷ này đã diễn ra không như kế hoạch của bất kỳ ai. Các sự kiện lớn, từ sự khởi đầu của kỷ nguyên hậu Brexit (chỉ việc Anh rời Liên minh châu Âu) đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, chỉ là những sự kiện nhỏ khi so với cuộc khủng hoảng toàn cầu gây ra bởi một đại dịch mới, mà virus khởi nguồn bắt đầu gây xôn xao dư luận quốc tế vào những tuần đầu tiên của tháng 1/2020.

các doanh nghiệp đang hướng đến năm 2021 với nhiều kỳ vọng, đặc biệt là đối với Vương quốc Anh.

Tác động đối với các doanh nghiệp như một cơn địa chấn. Chỉ số Dow Jones đã chứng kiến ngày mất điểm lớn nhất từ trước đến nay trong tháng Ba. Một tháng sau, giá dầu thô kỳ hạn lần đầu tiên trong lịch sử xuống mức âm. Trong khi đó, số chuyến bay quốc tế trong phần lớn thời gian của năm nay chỉ bằng một nửa mức của năm 2019.

Trong chốc lát, các quốc gia đã buộc phải áp dụng những cách thức làm việc hoàn toàn mới, các chính phủ áp dụng những biện pháp hạn chế hà khắc chưa từng thấy trong thời bình và toàn cầu hóa dường như thụt lùi với việc các hệ thống dân tộc chủ nghĩa và do nhà nước kiểm soát ngày càng được thúc đẩy.

Tờ The Telegraph nhận định, sau trận chiến kinh tế một mất một còn nước Anh vừa đối mặt, bất kỳ dự báo nào về những gì sẽ xảy ra tiếp theo đều được đưa ra với mức độ thận trọng hơn bình thường. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang hướng đến năm 2021 với nhiều kỳ vọng, đặc biệt là đối với Vương quốc Anh.

Và mặc dù sẽ mất nhiều năm để có thể đánh giá tác động đầy đủ của cuộc khủng hoảng COVID-19, đặc biệt là khi đang xuất hiện chủng virus mới có khả năng lây nhiễm cao hơn, bức tranh đang cải thiện khi chiến dịch tiêm chủng vắc-xin đang được triển khai. Vì vậy, đối với các doanh nghiệp đã sẵn sàng nhìn vào tương lai, đâu là những xu hướng lớn sẽ thúc đẩy năm của sự phục hồi này?

Vắc-xin COVID-19

Với những liều tiêm đầu tiên tại Anh vào đầu tháng 12/2020, đầu năm 2021 sẽ chứng kiến việc triển khai tiêm chủng trên toàn quốc với các nhóm đối tượng có nguy cơ mắc cao. Mặc dù ban đầu vắc-xin sẽ không có sẵn cho tất cả mọi người, nhưng sức ảnh hưởng về mặt kinh tế là rất lớn. Trong 10 tháng, chính sách công được xác định dựa trên việc nguy cơ nhiễm COVID giảm đối với những người dễ bị tổn thương nhất.

Hoạt động kinh tế đã bị đình trệ, các doanh nghiệp buộc phải ngừng giao dịch, các quy định tốn kém được áp đặt và 280 tỷ bảng Anh (377 tỷ USD) đã chi cho mục đích chống lại một loại virus cực kỳ nguy hiểm đối với một số nhóm người nhất định. Giờ đây, với nguy cơ toàn bộ Vương quốc Anh bị đưa vào Nhóm 4 (Tier 4) và các cảng của Anh hỗn loạn, áp lực phải tiêm chủng vắc-xin một cách nhanh chóng và hiệu quả đang gia tăng.

Với việc bắt đầu tiêm chủng, những tính toán khó khăn được tranh luận tại Phố Downing về việc cân bằng giữa sức khỏe cộng đồng và nền kinh tế bỗng trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Vì không nhất thiết là tất cả mọi người phải được tiêm vắc-xin cùng một lúc. Chỉ cần những người có nguy cơ cao nhất được bảo vệ, nền kinh tế có thể bắt đầu mở cửa trở lại mà không bị đe dọa bởi các đợt phong tỏa tiếp theo.

Không có gì ngạc nhiên khi thị trường chứng khoán nhảy vọt trước các tin tức về vắc-xin. Trong tháng 11/2020, chỉ số FTSE trên thị trường chứng khoán London ghi nhận tháng tốt nhất trong 30 năm. Câu chuyện hàng đầu của năm tới sẽ là sự phục hồi kinh tế.

Các lĩnh vực không thể hoạt động dưới các quy định khắc nghiệt và luôn thay đổi của Whitehall (Chính phủ Anh) – khách sạn, sự kiện, giải trí – gần như đã bị xóa sổ trong năm 2020. Nhưng kết hợp với các quy trình y tế thông thường mà chúng ta đã quá quen thuộc, vắc-xin sẽ giúp hoạt động kinh doanh trở lại (gần) như bình thường.

Niềm tin kinh doanh sẽ tăng và các công ty, từ các doanh nghiệp tư nhân đến các tập đoàn đa quốc gia, sẽ không còn bị kìm hãm bởi lo ngại rằng chính phủ có thể đóng cửa họ ngay lập tức.

Tác động sẽ không xảy ra ngay lập tức trong mọi trường hợp. Một số ngành (ví dụ như hàng không và du lịch) phải đối mặt với một chặng đường gập ghềnh với sự thay đổi của cả thói quen tiêu dùng và quy định ở các quốc gia đang trong quá trình phục hồi hoàn toàn. Có thể cần nhiều thứ ngoài vắc-xin để việc đi lại thường xuyên bằng máy bay một lần nữa trở nên bình thường.

Tuy nhiên, những thay đổi hành vi khác do COVID-19 gây ra lại tích cực hơn. Việc chuyển sang kỹ thuật số, đối với cá nhân và doanh nghiệp, là một câu chuyện thành công lớn. 85.000 doanh nghiệp trực tuyến được thành lập mới trong lần phong tỏa đầu tiên. Khả năng phục hồi, khả năng thích ứng và năng lượng đó sẽ không mất đi. Cùng với sự đảm bảo từ vắc-xin, điều này tạo bối cảnh cho doanh nghiệp phục hưng trong năm 2021.

Tổng thống đắc cử Joe Biden

Sau bốn năm chiến tranh thương mại và thị trường biến động dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, các doanh nghiệp Anh dường như đã thở phào nhẹ nhõm khi ông Joe Biden trở thành Tổng thống đắc cử sau cuộc bầu cử tháng 11. Ông Trump đã đề nghị giảm thuế doanh nghiệp và đưa ra những lời lẽ nồng nhiệt về mối quan hệ Anh-Mỹ, nhưng ông cũng đã chứng tỏ mình là một đối tác dễ thay đổi, theo đuổi chương trình nghị sự “Nước Mỹ trước tiên” gây tổn hại cho mối quan hệ với các đồng minh lịch sử. Chẳng hạn, Chính quyền của ông Trump đã áp mức thuế trừng phạt 25% đối với rượu whisky Scotland vào tháng 9/2020.

Sau khi tuyên thệ nhậm chức, Tổng thống Biden sẽ cung cấp cho cộng đồng doanh nghiệp một điều mà rất thiếu, đó là sự nhất quán. Và bất chấp những khó khăn ông phải thừa hưởng, Tổng thống đắc cử Biden đã nói rõ rằng ông “không phải là người thích thuế quan” – một cơ sở mạnh mẽ cho việc thiết lập lại các mối quan hệ.

Ưu tiên của Vương quốc Anh trong năm 2021 là một thỏa thuận thương mại với nước Mỹ. Với kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước trị giá 220 tỷ bảng (270 tỷ USD) vào năm ngoái, theo Bộ Thương mại Quốc tế, cơ hội là rất hấp dẫn.

Bản thân ông Biden không quá nhiệt tình với triển vọng của một thỏa thuận nhanh chóng khi cảnh báo rằng Mỹ trước hết phải giải quyết sân sau của mình. Nhưng khả năng hợp tác toàn cầu cao hơn rất nhiều khi cả hai bên có thể tin tưởng lẫn nhau, không phải lo lắng rằng đời sống chính trị cá nhân sẽ cản đường.

Mặc dù phía trước là những cuộc đàm phán khó khăn (ví dụ như về tiêu chuẩn thực phẩm và quyền tiếp cận Dịch vụ y tế quốc gia Anh – NHS cho ngành dược phẩm Mỹ), nhưng những cuộc đàm phán này sẽ giống nhau dưới bất kỳ Chính quyền nào của Mỹ. Vấn đề là liệu hai bên có thể làm việc với nhau mang tính xây dựng, không bị phân tâm hay không.

Ngoài vấn đề Brexit, mặc dù sự hoài nghi đối với Trung Quốc là một trong số ít các lĩnh vực đồng thuận giữa cánh hữu và cánh tả tại Mỹ, nhưng ông Biden được cho là sẽ thực hiện cách tiếp cận ít gây chiến hơn trong việc kiềm chế Bắc Kinh. Cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu có thể bớt lo ngại với nguy cơ các cuộc chiến thương mại được phát động chỉ qua một đêm, và mong đợi thời điểm chủ nghĩa thực dụng đánh bại chủ nghĩa bảo hộ.

Đối với Vương quốc Anh nói riêng, tiềm năng là rất rõ ràng. Quan điểm đã được tuyên bố của ông Biden là nước Mỹ “mạnh nhất khi chúng tôi làm việc với các đồng minh của mình”. Và đồng minh lịch sử nào của Mỹ thân cận hơn Anh?

Các công ty công nghệ lớn

Một điều mà Tổng thống đắc cử Biden vô cùng quan tâm là các quy định về công nghệ. Trước đây, ông đã nghiêm khắc chỉ trích Facebook và đã đặt câu hỏi về “mục 230”, một đạo luật của Mỹ quy định các nền tảng công nghệ không phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với nội dung đăng tải trên đó. Vậy năm 2021 có phải là năm mà Mỹ dẫn đầu những cáo buộc chống lại những gã khổng lồ ở Thung lũng Silicon?

Đã có các dấu hiệu cho thấy xu hướng đó. Cố vấn hàng đầu về công nghệ của ông Biden, Bruce Reed, là một người nổi tiếng ủng hộ quyền riêng tư trên mạng và là nhân vật quan trọng trong sáng kiến của California nhằm bảo vệ quyền cá nhân phải được biết các dữ liệu nào công ty đang lưu giữ và có thể xóa các dữ liệu đó nếu cần thiết. Ông cũng nghi ngờ mục 230 và ranh giới mong manh giữa việc cho phép tự do công nghệ và khuyến khích việc lạm dụng.

Tất nhiên, nhóm của ông Biden cũng có nhiều người đến từ các Big Tech (công ty công nghệ lớn) – từ Amazon, LinkedIn, Lyft và Dell. Và bản thân ông Biden được cho là bạn của Nick Clegg, cựu Phó Thủ tướng Anh và giờ là phát ngôn viên của Facebook.

Một năm qua, những “gã khổng lồ” công nghệ đã trở nên quan trọng đối với mọi lĩnh vực của cuộc sống và kinh doanh, với hội nghị truyền hình và mua sắm trực tuyến lấp đầy khoảng trống của giãn cách xã hội. Đây có lẽ chưa phải thời điểm thích hợp nhất để tấn công những nền tảng đã nuôi dưỡng các dịch vụ số hiện nay.

Nhưng niềm tin vào các nền tảng này cũng đang giảm dần – ngay cả ở miền Tây hoang dã của Mỹ. Trong cuộc Khảo sát công nghệ The Verge 2020, 56% người Mỹ ủng hộ chính phủ chia tách các công ty công nghệ nếu các công ty này kiểm soát nền kinh tế quá nhiều và 72% lo ngại về quyền lực của Facebook. Trong khi một nghiên cứu của Doteveryone năm 2020 cho thấy đa số người Anh tin rằng lĩnh vực công nghệ chưa được quản lý một cách hiệu quả.

Hành động cấp tiến như chia tách các gã khổng lồ công nghệ là khó có thể xảy ra, nhưng chắc chắn xu hướng sắp tới sẽ là quản lý chặt hơn ở cả hai bờ Đại Tây Dương. Nếu năm 2021 không chứng kiến một chiến dịch chống công nghệ mạnh mẽ, hy vọng sự hợp tác toàn cầu lớn hơn, đặt nền tảng cho một khung pháp lý vững chắc và các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng khắt khe hơn.

Brexit

Không thể nói đến năm 2021 mà không nhắc đến Brexit. Vào ngày đầu năm mới, Vương quốc Anh sẽ bước những bước đi đầu tiên sau khi kết thúc thời gian chuyển tiếp. Sự không chắc chắn vẫn còn cho đến đêm giao thừa và những lời chính phủ kêu gọi doanh nghiệp “chuẩn bị cho Brexit” không làm giảm bớt sự thất vọng khi doanh nghiệp vẫn không biết chính xác họ chuẩn bị cho cái gì.

Thêm vào đó là sự gián đoạn tại các cảng, những nơi đã rơi vào hỗn loạn sau khi Pháp đóng cửa biên giới do những thông tin về việc lây lan nhanh chóng một biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Các quan chức cấp cao cho biết cảnh sát đang chuẩn bị đối phó với hậu quả của sự gián đoạn tại các cảng hàng không và cảng biển trên khắp nước Anh khi giai đoạn chuyển tiếp Brexit kết thúc.

Những gián đoạn trong ngắn hạn vẫn là một mối lo ngại, đặc biệt là đối với các công ty phụ thuộc vào xuất nhập khẩu. Nhưng có một số điều mà doanh nghiệp có thể chắc chắn. Thứ nhất, nội dung chủ yếu trong các cuộc đàm phán với EU là hướng tới vấn đề đánh bắt cá chứ không phải là dịch vụ tài chính, trung tâm tài chính (London) đã sẵn sàng cho Brexit.

Frankfurt và Paris sẽ không lấy mất “vương miện” dịch vụ tài chính của London. Hệ sinh thái độc đáo gồm các ngân hàng, công ty luật, các công ty khổng lồ về kế toán và công nghệ, kết hợp với lợi thế là múi giờ trung tâm và kinh nghiệm hàng thế kỷ, sẽ tiếp tục là động lực cho sự thành công của ngành dịch vụ tại London và nước ngoài.

Thứ hai, năm 2021 sẽ là năm của các thỏa thuận thương mại. FTA với Nhật Bản trong tháng 10, bao gồm các điều khoản độc nhất vô nhị trong các lĩnh vực chính mà Anh quan tâm như chuyển giao dữ liệu xuyên biên giới và hợp tác quản lý trong lĩnh vực tài chính, báo trước sự khởi đầu của một kỷ nguyên thương mại mới sẽ bắt đầu vào năm tới.

Mặc dù một thỏa thuận với Mỹ có thể mất nhiều thời gian hơn, nhưng các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra với Canada, Australia và New Zealand – những đối tác được gọi là “CANZUK” của Anh, những người chia sẻ nhiều ưu tiên và trở thành đồng minh quan trọng hậu Brexit.

Các doanh nghiệp cũng nên chú ý đến khả năng diễn ra các cải cách thuế và quy định. Trong khi chính phủ sẽ gặp thách thức trong việc lấp đầy hố đen ngân sách do COVID-19 để lại, Brexit cho phép Anh lựa chọn một chế độ thuế quốc tế có tính cạnh tranh hơn, lôi kéo các công ty đa quốc gia đến Anh và khuyến khích tinh thần kinh doanh.

Việc cơ quan y tế Anh nhanh chóng phê duyệt vắc-xin COVID-19 cũng cho thấy nước Anh có thể nhanh nhẹn như thế nào khi không buộc phải đồng hành với 27 quốc gia EU khác. Sự linh hoạt và khả năng độc lập đó sẽ rất quan trọng trong việc mang lại cho các doanh nghiệp sự tự do cần thiết để thúc đẩy sự hồi sinh sau COVID-19.

Tái đầu tư cho nơi làm việc

Lập luận cho rằng công việc có thể được hoàn thành tốt (nếu không muốn nói là tốt hơn) theo kế hoạch làm việc của cá nhân và từ nơi họ cảm thấy thoải mái nhất không phải là một ý tưởng mới. Từ những người ủng hộ bình đẳng giới cho rằng sự tiến bộ trong sự nghiệp của phụ nữ sẽ cải thiện nếu cha mẹ được phép làm việc với sự linh hoạt nhất định, hay các nhà vận động môi trường đặt câu hỏi về nhu cầu đi lại hàng ngày của mọi người, sự nghiệp làm việc tại nhà lúc nào cũng nhận được nhiều sự ủng hộ.

Trước đây, dù có bao nhiêu công ty lớn, từ IBM đến Yahoo, cố gắng thực hiện làm việc từ xa, văn hóa doanh nghiệp vẫn quy định rằng công việc phải diễn ra trong văn phòng. Văn hóa đó đã bị đảo ngược bởi việc thử nghiệm làm việc tại nhà. Các công ty không chỉ có thể chuyển sang làm việc từ xa trên diện rộng gần như chỉ trong một đêm, mà dường như họ cũng không khó khăn khi làm điều đó. Ngược lại, sau gián đoạn ban đầu, năng suất dường như vẫn ổn định hoặc thậm chí tăng lên, với nhiều nghiên cứu cho thấy người lao động có năng suất cao hơn khi làm việc tại nhà.

Cơ hội của cuộc cách mạng này đối với các doanh nghiệp là rất lớn. Việc hiện thực hóa khả năng làm việc từ xa mở rộng đáng kể nguồn nhân lực. Thay vì việc hạn chế tuyển dụng những người sống tại hoặc có thể di chuyển đến các thành phố lớn, yêu cầu duy nhất đối với việc tuyển dụng mới là họ có kết nối Internet nhanh.

Điều này có thể thúc đẩy chương trình nghị sự “nâng cấp” của Thủ tướng Boris Johnson mang tính xây dựng hơn nhiều so với việc can thiệp mạnh tay của nhà nước từng làm. Nếu mọi người không còn buộc phải di cư đến các thành phố lớn để có những công việc tốt nhất, sức hấp dẫn của London và những nơi khác sẽ yếu đi và các nền kinh tế khu vực sẽ gặt hái được những lợi ích. Không có các mức thuế quá cao ở thành phố hay các dự án cơ sở hạ tầng đáng ngờ, người dân và doanh nghiệp sẽ nâng cấp theo cách riêng của họ.

Xu hướng này cũng cung cấp giải pháp cho các doanh nghiệp trong việc giải quyết thách thức thu hẹp khoảng cách tay nghề mà không vi phạm chính sách nhập cư nghiêm ngặt hơn của Anh sau Brexit. Có thể không còn cần phải vượt qua các thủ tục quan liêu và tốn kém xin thị thực để thuê nhân tài ở nước ngoài – những lao động đó có thể qua Zoom làm việc hiệu quả tại phòng họp ở Canary Wharf từ nhà của họ ở Chiang Mai (Thái Lan) hay Cape Town (Nam Phi).

Dù vậy, sẽ luôn cần những không gian làm việc trực tiếp, nơi mà nhân viên có thể kết nối, trao đổi ý kiến với nhau và xây dựng tinh thần tập thể. Sau gần một năm làm việc từ nhà bếp, phòng ngủ và ghế sofa, nhiều người trong chúng ta đang khao khát được tiếp xúc mặt đối mặt với đồng nghiệp vào năm 2021, chưa kể đến sự tách biệt giữa cuộc sống công việc và cuộc sống gia đình. Và những người trẻ đang bắt đầu sự nghiệp, họ xứng đáng có những cơ hội học hỏi và phát triển như những bậc tiền bối.

Nhưng các doanh nghiệp và người lao động đã được ban tặng một món quà hiếm có bởi sự hỗn loạn gần đây, đó là sự lựa chọn. Nếu năm 2020 là năm mà các nhà tuyển dụng buộc phải áp dụng hình thức làm việc từ xa một cách rộng rãi, năm 2021 sẽ là lúc họ chọn cách làm như vậy.

Cuộc cách mạng xanh

Vương quốc Anh hiếm khi nhận được sự tín nhiệm mà nước này xứng đáng được nhận cho sự dẫn đầu thế giới về chính sách khí hậu. Cuối cùng, năm 2021 có thể là năm thay đổi.

Năm 2019, bà Theresa May đã đưa Anh trở thành quốc gia trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đầu tiên đưa mục tiêu không phát thải thực vào năm 2050 thành luật định. Năm 2020, ông Boris Johnson công bố kế hoạch 10 điểm của mình cho “cuộc cách mạng công nghiệp xanh”. Hiện tại, với việc hội nghị có tính bước ngoặt của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu COP26 sẽ được tổ chức tại Glasgow vào tháng 11 tới, đây là một năm quan trọng đối với sự tiến bộ về môi trường và công nghệ.

Một số sắc lệnh gần đây của Thủ tướng, chẳng hạn như lệnh cấm ô tô mới chạy bằng xăng và dầu vào năm 2030, đã vấp phải sự hoài nghi. Tuy nhiên, chúng có giá trị trong việc củng cố niềm tin của doanh nghiệp rằng chính phủ cam kết theo đuổi một chương trình nghị sự xanh hơn, sạch hơn.

Ví dụ, trong tháng 12, công ty khởi nghiệp sản xuất pin Britishvolt thông báo sẽ xây dựng “Gigafactory” đầu tiên của Vương quốc Anh tại Northumberland khi đầu tư 2,6 tỷ bảng (3,5 tỷ USD) vào sản xuất pin cho xe điện.

Về dịch vụ tài chính cũng vậy, đang có các cơ hội ở đó để tận dụng. Việc Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak phát hành trái phiếu xanh đầu tiên của chính phủ Anh là một bước ngoặt, thu hút nhà đầu tư toàn cầu vào ngành năng lượng sạch của Anh.

Trung tâm tài chính London đã dẫn dắt thế giới vượt qua nhiều cuộc đổ vỡ và biến đổi (hỏa hoạn, bệnh dịch, Chiến tranh Thế giới), và vào năm 2021, Khu tài chính London có cơ hội cho cộng đồng quốc tế thấy tài chính có thể tạo ra sức mạnh cho cuộc cách mạng xanh như thế nào.

Nói một cách tổng quát hơn, vấn đề quan trọng là mục tiêu ổn định môi trường của Anh không chỉ được dẫn dắt bởi các nhà hoạt động môi trường Extinction Rebellion, những người buộc thân mình vào các đoàn tàu và muốn đưa xã hội quay trở lại chế độ tự cung tự cấp, mà bởi một chính phủ Bảo thủ hiểu được sức mạnh của thị trường.

Nếu thế giới không sẵn sàng quay trở lại mức sống thời tiền công nghiệp hóa, chúng ta phải tìm đến công nghệ để cứu chúng ta khỏi biến đổi khí hậu.

Tiềm năng là có và các công ty của Anh đang đi đầu – từ những tiến bộ trong năng lượng tái tạo (năm 2019, 54% năng lượng của Anh được sản xuất từ các nguồn có lượng khí thải carbon thấp, với 20% là từ gió), cho đến việc BP dẫn đầu các dự án quốc tế lớn về thu giữ khí carbon cho phép khí CO2 được tạo ra trong quá trình phát điện sẽ được thu và lưu trữ an toàn bên dưới Biển Bắc.

Năm ngoái đã cho chúng ta thấy điều gì có thể xảy ra khi các doanh nghiệp buộc phải không chỉ thích ứng mà còn phải giải quyết những vấn đề mà chúng ta không biết là đang tồn tại với tốc độ chóng mặt. Đó là sự ra đời của các phương pháp điều trị mới, xét nghiệm nhanh, rất nhiều cơ sở hạ tầng công nghệ mới.

Việc phát triển không chỉ một mà là ba loại vắc-xin khả thi (và đang tiếp tục tăng lên) từ ba công ty khác nhau cho một loại virus mà cách đây một năm chưa ai biết đến là minh chứng cho những gì có thể đạt được. Giờ đây, với COP26 sắp diễn ra và đất nước này tràn đầy sinh lực nhờ sự thành công của vắc-xin, đã đến lúc chuyển tinh thần kinh doanh đó hướng tới thách thức toàn cầu tiếp theo.

Đình Thư 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here