Từ ngày 3-7/9/2019, đoàn đại biểu tỉnh Tiền Giang do đồng chí Võ Văn Bình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Tiền Giang đã thăm, làm việc tại Ấn Độ. Tại buổi làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ ngày 4/9/2019, đồng chí Võ Văn Bình đã cảm ơn và đánh giá cao sự hợp tác của Đại sứ quán trong thu xếp các chương tình làm việc giữa Đoàn với Liên đoàn các phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (FICCI – một trong ba Phòng Thương mại và Công nghiệp lớn nhất Ấn Độ), Phòng Thương mại và Công nghiệp các nhà nhập khẩu Ấn Độ, Phòng Thương mại và Công nghiệp các nhà nhập khẩu Ấn Độ (IICCI), các doanh nghiệp về nông nghiệp, thuỷ sản, thiết bị phụ trợ… của Ấn Độ; đại diện Chính quyền Bang Uttar Pradesh (một trong những Bang lớn nhất Ấn Độ với 250 triệu dân và chiếm 75 ghế tại Nghị viện), đại diện bang Haryana (có tiềm năng lớn về du lịch, kỹ thuật nông nghiệp, khai khoáng).
Từ ngày 4-5/9, tại Hội thảo xúc tiến thương mại đầu tư tại FICCI (với sự tham dự của 25 doanh nghiệp Ấn Độ) và tại IICCI (với sự tham dự của 20 doanh nghiệp Ấn Độ), cũng như làm việc với đại diện chính quyền bang, đ/c Võ Văn Bình đã giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, đặc biệt trong lĩnh vực nông thuỷ sản (xuất khẩu thuỷ sản, các loại trái cây…), du lịch sinh thái; kêu gọi các doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư và cùng hợp tác với tỉnh để khai thác các tiềm năng trên. Đ/c Võ Văn Bình cho biết đây là dịp để các thành viên trong đoàn (là giám đốc các Sở, ban, ngành hữu quan của Tỉnh) có cơ hội tìm hiểu về mô hình sản xuất nông nghiệp kỹ thuật cao, khảo sát thị trường xuất nhập khẩu trái cây và các mặt hàng thuỷ sản, đặc biệt là trái thanh long và cá tra tại Ấn Độ; nghiên cứu mô hình du lịch văn hoá, lịch sử, du lịch tâm linh để về phát triển mạnh hơn nữa các dịch vụ du lịch của tỉnh Tiền Giang trong những năm tới. Đoàn cũng đi thăm quan thực tế một số mô hình COE (Centre of Excellence) về Nông nghiệp tại bang Haryana và một số địa phương (6-7/9).
Theo ông Gaurav Vats, Giám đốc phụ trách ASEAN và châu Đại Dương của FICCI, Việt Nam và Ấn Độ có quan hệ tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là thương mại. Sắp tới, FICCI sẽ đưa đoàn 15 doanh nghiệp may mặc Ấn Độ vào Việt Nam để tìm hiểu thị trường trong khuôn khổ hợp tác Mekong Ganga, nếu có thể, Bạn sẵn sàng đưa doanh nghiệp thăm và làm việc với tỉnh Tiền Giang. FICCI sẽ phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán để giúp Tiền Giang tìm kiếm đối tác trên các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ông Atul Kumar Saxena, Giám đốc IICCI, bày tỏ ấn tượng với sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nói chung và Tiền Giang nói riêng. Ông mong muốn sau chuyến thăm Ấn Độ lần này của đoàn, nhiều doanh nghiệp Ấn Độ sẽ đầu tư tại Tiền Giang hơn nữa trong các lĩnh vực như công nghiệp hỗ trợ cho các sản phẩm may mặc, da giày, sữa và các sản phẩm từ sữa…. Các doanh nghiệp Ấn Độ đã đặt những câu hỏi rất cụ thể về chính sách, thủ tục đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam nói chung và Tiền Giang nói riêng trên các lĩnh vực, trong đó có dệt may, chăn nuôi, sản xuất dược phẩm, mở các nhà máy sản xuất thiết bị phụ trợ cho ngành dệt may…
Đại diện lãnh đạo các Bang tỏ quan tâm tới khả năng hợp tác nông nghiệp, thuỷ sản và du lịch với Tỉnh. Đại diện Chính quyền Uttar Pradesh, ông Prabhat Kumar Sarangi mong muốn nhận được bản kế hoạch/đề xuất cụ thể của Tỉnh về phương hướng hợp tác. Uttar Pradesh là một bang có 75% đất đai nông nghiệp màu mỡ và có thế mạnh về du lịch, đặc biệt là du lịch tâm linh nhờ những điểm thăm quan như Varanasi (một trong Tứ Thánh địa Phật giáo), Taj Mahal… Uttar Pradesh cho rằng hai địa phương có thể hợp tác chế biến nông thuỷ sản, du lịch, dệt may. Lãnh đạo Utta Pradesh sẵn sàng thăm Tiền Giang để trao đổi thêm về hợp tác giữa hai địa phương.
(Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ)