Tình hình kinh tế Bangladesh tháng 04/2020

0
216
(ảnh minh hoạ)
(ảnh minh hoạ)

1. Tổng quan

Đến thời điểm hiện tại, Chính phủ Bangladesh đặt mục tiêu tăng trưởng GDP nước này đạt mức 6% trong năm tài khoá 2020-2021. Đây là mức thấp hơn 2,2% so với mục tiêu tăng trưởng trong năm tài khóa 2019-2020 – mức 8,2%.

Việc Chính phủ nước này hạ mục tiêu tăng trưởng GDP được cho là bắt nguồn từ những tác động tiêu cực về kinh tế – xã hội gây ra bởi dịch Covid-19. Nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, Chính phủ Bangladesh đã quyết định tạm dừng hoặc chỉ cho phép hoạt động cầm chừng các cơ sở kinh tế, trong đó tạm dừng hầu hết các hoạt động thương mại; đóng cửa hầu hết các nhà máy, cơ sở sản xuất và hạn chế hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Thêm vào đó, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là tại châu Âu và châu Mỹ, luồng kiều hối cũng bị ảnh hưởng sụt giảm nghiêm trọng. Tình hình kinh tế ảm đạm cũng khiến số tiền thuế thu được từ hoạt động kinh doanh ngày một suy giảm.

Đến nay, Chính phủ Bangladesh vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng quy định số ngân sách cho năm tài khóa tới. Nhưng theo một số nguồn tin, con số này có thể dừng ở mức 5,62 nghìn tỷ taka, tương đương với khoảng 66,6 tỷ USD, tăng 4,2 tỷ USD so với năm tài khoá 2019-2020. Bên cạnh đó, để khắc phục hậu quả của dịch Covid-19, Chính phủ đã thông báo các gói cứu trợ với tổng giá trị lên đến gần 1 nghìn tỷ taka (khoảng 11,3 tỷ USD), một phần được huy động từ cả các cá nhân, tổ chức tại khu vực tư nhân.

2. May mặc:

Tình trạng suy giảm trong quy mô xuất khẩu trong ngành may mặc – một trong những ngành kinh tế chủ lực của Bangladesh có lẽ phần nào phản ánh tình trạng không mấy lạc quan của nền kinh tế nước này. Trong tháng 4/2020, kim ngạch xuất khẩu may mặc của Bangladesh giảm đến 85%, theo đó giá trị xuất khẩu ngành may mặc trong tháng 4/2020 chỉ đạt mức 366,58 triệu USD, giảm 85% so với mức 2,42 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái và giảm hơn 81% so với 1,97 tỷ USD hồi tháng 3/2020.

Các chuyên gia và doanh nghiệp xuất khẩu cho rằng nguyên nhân là các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, EU, Canada đều tiến hành phong tỏa quốc gia do đại dịch Covid-19 và các nhà máy của Bangladesh cũng phải đóng cửa do lệnh dừng mọi hoạt động của Chính phủ. Các yếu tố này khiến phần lớn các nhà nhập khẩu hàng may mặc đã hủy hoặc tạm hoãn các đơn đặt hàng và không đặt thêm đơn hàng mới trong tình hình dịch bệnh. Theo Hiệp hội nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh (BGMEA), các đơn hàng với tổng trị giá 3 tỷ USD đã bị hủy tính từ hồi tháng 3 và dự báo con số sẽ lên đến 5 tỷ USD nếu tính từ tháng 3 đến hết tháng 5.

Đến nay, khi tình hình dịch bệnh từng bước được kiểm soát, Chính phủ Bangladesh cho biết có đến 2.805 đơn vị sản xuất đã và đang hoạt động trở lại từ ngày 03/5. Song song với đó, vẫn có một số nhà máy chưa thể lập tức khôi phục quy mô sản xuất như ban đầu bắt nguồn từ việc nợ lương công nhân.

3. Kiều hối

Tương tự như nhiều quốc gia đang phát triển khác, nguồn kiều hối đóng vai trò không nhỏ vào quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế của Bangladesh. Tuy nhiên trong tháng 04/2020, lượng kiều hối dự kiến chỉ đạt 1,08 tỷ USD, giảm 353 triệu USD so với cùng kỳ năm 2019, tương đương mức 25%. Nhiều ngân hàng dự báo, lượng kiều hối sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới do những diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Nhằm đối phó với tình trạng trên, Chính phủ nước này đã triển khai nhiều biện pháp, trong đó bao gồm việc chi 30,6 tỷ taka, tương đương khoảng 360 triệu USD để giúp người lao động Bangladesh ở nước ngoài gửi tiền về nước qua các kênh tài chính chính thức thay vì thị trường chợ đen.

(Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here