Tin Kinh tế Trung Quốc

0
70
(Internet)
(Internet)

1. Lợi nhuận của các doanh nghiệp công nghiệp Trung Quốc tăng 28,2% trong tháng 10/2020

Theo số liệu do Cục Thống kê Trung Quốc công bố ngày 27/11/2020, trong tháng 10/2020, lợi nhuận của các doanh nghiệp công nghiệp Trung Quốc đạt 642,91 tỷ NDT (khoảng 97,4 tỷ USD), tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2019, tăng 18,1 điểm phần trăm so với tháng 9/2020, duy trì tăng trưởng dương trong 4 tháng liên tiếp.

Trong 10 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận của các doanh nghiệp công nghiệp Trung Quốc đạt 5.012,42 tỷ NDT (khoảng 759,4 tỷ USD), tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2019, lần đầu tiên lũy kế lợi nhuận của doanh nghiệp Trung Quốc trong năm nay chuyển từ âm sang dương so với cùng kỳ năm 2019.

Theo đánh giá của ông Chu Hồng, nhà phân tích cao cấp của Cục Thống kê Trung Quốc (NBS), tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp công nghiệp trong 10 tháng đầu năm 2020 có một số đặc điểm như: (i) 25/41ngành công nghiệp có lợi nhuận tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 12/41 ngành có lợi nhuận tăng ở 2 con số; (ii) Lợi nhuận của ngành sản xuất thiết bị duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh, đạt mức tăng trưởng 9,6%, tăng 0,8 điểm phần trăm so với 9 tháng đầu năm 2020; (iii) Lợi nhuận của ngành sản xuất tiêu dùng phục hồi ổn định. Nhờ các yếu tố như nhu cầu trong nước phục hồi và xuất khẩu cải thiện, lợi nhuận của ngành sản xuất hàng tiêu dùng tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, lợi nhuận của các ngành chế biến nông sản phẩm, sản xuất giấy, thuốc lá và các ngành công nghiệp khác duy trì mức tăng trưởng hai con số từ 10%-30%; (iv) Lợi nhuận của các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phục hồi. Trong 10 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận của các doanh nghiệp tư nhân tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2019; lợi nhuận của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2019.

2. Chuyên gia kinh tế: Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đạt 7,8% trong năm 2021

Cùng với trật tự sản xuất và sinh hoạt được khôi phục, công tác phòng chống dịch chuyển sang trạng thái bình thường hóa, kinh tế Trung Quốc nhanh chóng phục hồi. Hồ Nhất Phàm – Chuyên gia kinh tế Trung Quốc, Giám đốc đầu tư khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Ngân hàng UBS dự đoán tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đạt 7,8% trong năm 2021.

Hồ Nhất Phàm nhận định, kinh tế toàn cầu sẽ trở lại mức trước đại dịch trong năm 2021. Đặc biệt, tiến triển trong nghiên cứu, phát triển vắc-xin sẽ góp phần thúc đẩu kinh tế phục hồi nhanh chóng, tăng cường niềm tin của người tiêu dùng. Sản xuất phục hồi sẽ thúc đẩy lợi nhuận tăng trưởng, hỗ trợ sự phục hồi của các lĩnh vực tương kinh tế nhạy cảm.

Hồ Nhất Phàm đưa ra dự đoán: “Cục diện kinh tế năm 2021 có chiều hướng tốt lên, áp lực lạm phát tương đối vừa phải”. Kinh tế thế giới sẽ phục hồi từ mức tăng trưởng âm năm 2020 lên tăng trưởng 2% vào năm 2021. Trung Quốc tiếp tục có tốc độ tăng trưởng dẫn đầu thế giới, đạt 7,8% trong năm 2021; kinh tế Mỹ giảm 3,6% trong năm 2020, tăng 3,8% trong năm 2021; EU giảm 8% năm 2020 nhưng sẽ tăng trở lại mức 5% trong năm 2021; Thế vận hội Olympic góp phần thúc đẩy kinh tế Nhật Bản phục hồi.

Theo nhận định của Hồ Nhất Phàm, “phải đến cuối nửa năm 2021, kinh tế thế giới mới khôi phục trở lại mức của năm 2019”. Trong bối cảnh như vậy, nền kinh tế cần được hỗ trợ tích cực của các chính sách tài chính và tiền tệ. Theo ước tính, các chính sách tiền tệ được Trung Quốc áp dụng trong nửa đầu năm 2020, bao gồm giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, hỗ trợ cho vay… có quy mô tương đương khoảng 6% GDP. Kể từ tháng 9/2020, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) phát đi tín hiệu sẽ không “bơm nước” trên diện rộng nữa mà chủ yếu điều chỉnh thanh khoản thông qua các hoạt động thị trường. Theo Hồ Nhất Phàm, phương thức này sẽ là trọng tâm trong năm 2021, nhằm duy trì thanh khoản thị trường dồi dào. Đồng thời, PBOC sẽ tăng cường giám sát thị trường tài chính, tỷ lệ đòn bẩy, thực hiện một chính sách tiền tệ cân bằng hơn.

Hồ Nhất Phàm nhận định, chính sách tài khóa tích cực của Trung Quốc năm 2020 sẽ đạt khoảng 8% GDP; dự đoán trong năm 2021, các chính sách tài khóa sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả, hạn ngạch trái phiếu chính quyền địa phương tăng mới sẽ đạt 4,4 nghìn tỷ NDT, trong đó trái phiếu chuyên biệt đạt 3,5 nghìn tỷ NDT, Trung Quốc sẽ không phát hành trái phiếu đặc biệt phòng chống dịch trong năm 2021.

3. Thúc đẩy quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ

Kinh tế thế giới đang trải qua những thay đổi lớn chưa từng thấy trong một trăm năm qua, kinh tế Trung Quốc sắp bước vào giai đoạn “Kế hoạch 5 năm lần thứ 14”, mô hình phát triển tuần hoàn kép đang hình thành. Việc quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ đang đứng trước những cơ hội phát triển hoàn toàn mới, trong thời gian tới Trung Quốc có thể áp dụng 7 biện pháp để thúc đẩy quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ.

Một là, thông qua “Vành đai và Con đường” để mở rộng không gian sử dụng Nhân dân tệ xuyên biên giới. Hợp tác “Vành đai và Con đường” giúp quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ đạt được những bước đột phá trong các lĩnh vực phát triển tín dụng, đầu tư cơ sở hạ tầng, định giá hàng hóa, định giá và thanh toán thương mại điện tử tại nước ngoài, nâng cao chức năng đầu tư, tài chính của đồng Nhân dân tệ.

Hai là, thúc đẩy song song cải cách tài chính và mở cửa tài chính. Tích cực thúc đẩy cải cách, mở cửa tài chính là biện pháp quan trọng trong phát triển quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ. Thị trường tài chính cần tiếp tục mở rộng cả về chiều rộng và chiều sâu, khuyến khích, thúc đẩy các nhà đầu tư nước ngoài tích cực tham gia đầu tư tài sản bằng đồng Nhân dân tệ.

Ba là, mở rộng chức năng định giá tiền tệ và chức năng tiền tệ dự trữ của đồng Nhân dân tệ. Trong tương lai, cần phát huy lợi thế về quy mô của Trung Quốc để thúc đẩy giao dịch bằng đồng nhân dân tệ; phát triển thị trường kỳ hạn được định giá bằng đồng Nhân dân tệ; mở rộng nhu cầu dự trữ đồng Nhân dân tệ của các quốc gia.

Bốn là, để đồng Nhân dân tệ thực sự trở thành một loại tiền tệ quốc tế, cần phải hình thành một mạng lưới và hệ thống giao dịch đồng nhân dân tệ ở nước ngoài thống nhất, có tính thanh khoản cao. Phát triển mang lưới thanh toán đồng nhân tệ tại các khu vực có thị trường tài chính phát triển và ảnh hưởng tương đối mạnh như Nam Âu, Trung Á, Trung Đông

Năm là, xây dựng và hoàn thiện mạng lưới ngân hàng toàn cầu có tính hệ thống. Các ngân hàng thương mại trong nước và các chi nhánh ở nước ngoài thúc đẩy hoạt động cho vay là một kênh quan trọng để phát triển chức năng cho vay bằng Nhân dân tệ, điều này rất hữu ích cho việc thực hiện chiến lược quốc tế hóa Nhân dân tệ; đưa phát triển quốc tế hóa ngân hàng vào chiến lược phát triển tài chính quốc gia; tăng cường hợp tác với các ngân hàng nước ngoài trong việc thanh toán và quyết toán bằng Nhân dân tệ.

Sáu là, tăng dự trữ vàng. Mặc dù Ngân hàng Trung ương Trung Quốc liên tục tăng quy mô, nhưng dữ trữ vàng của Trung Quốc mới chỉ chiếm 3,6% dự trữ quốc tế. Trong tương lai, Trung Quốc cần tăng tỷ trọng dữ trự vàng lên 20%.

Bảy là, xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Mở rộng ảnh hưởng của hệ thống thanh toán xuyên biên giới bằng đồng Nhân dân tệ (CIPS), làm phong phú thêm chức năng hệ thống và danh mục sản phẩm. Tăng cường kết nối trung tâm tài chính quốc tế Thượng Hải với các trung tâm tài chính quốc tế lớn, thúc đẩy CIPS được sử dụng nhiều hơn tại các khu vực.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here