1. Trung Quốc là quốc gia cải cách hàng đầu trong cải thiện môi trường kinh doanh
Trong báo cáo Môi trường kinh doanh 2020 (“Doing Business 2020”) mới được Ngân hàng Thế giới công bố, Trung Quốc được đánh giá là quốc gia cải cách dẫn đầu trong số các nền kinh tế lớn trong việc cải thiện môi trường kinh doanh. Báo cáo cho biết Trung Quốc năm thứ hai liên tiếp nằm trong 10 quốc gia có tốc độ cải cách nhanh nhất trên toàn cầu; nâng xếp hạng từ vị trí thứ 78 trong báo cáo Môi trường kinh doanh 2018 lên vị trí thứ 31 trong báo cáo năm 2020. Báo cáo nhận định Trung Quốc cải thiện phần lớn các chỉ số môi trường kinh doanh trong một thập kỷ qua, nhưng có thành tích đặc biệt ấn tượng trong giai đoạn 2018-2020 khi tất cả các chỉ số môi trường kinh doanh đều được cải thiện. Báo cáo môi trường kinh doanh phân tích so sánh 190 nền kinh tế, đo mức độ dễ dàng thuận lợi trong làm ăn kinh doanh đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước, sử dụng 10 chỉ số bao gồm cả chỉ số về số lượng và chất lượng tính toán chi phí làm ăn kinh doanh và chất lượng của các quy định chính sách và hoạt động của các cơ quan quản lý có tác động đến môi trường kinh doanh.
Trung Quốc đã có những cải cách trên hầu hết tất cả 10 chỉ số môi trường kinh doanh. Với chỉ số “thanh toán thuế”, Trung Quốc đã triển khai tỷ lệ thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi đối với các doanh nghiệp nhỏ, giảm thuế giá trị gia tăng đối với một số ngành công nghiệp nhất định và tăng cường năng lực hệ thống xử lý hồ sơ và thanh toán bằng điện tử. Về “thương mại xuyên biên giới”, Trung Quốc triển khai quy trình khai báo trước với vận tải hàng hóa đường biển, nâng cấp cơ sở hạ tầng cảng, tối ưu hóa thủ tục thuế quan và các ưu đãi phí. Theo báo cáo, Trung Quốc có những cải thiện ấn tượng trong các lĩnh vực xin cấp phép xây dựng, cung ứng điện và xử lý thủ tục phá sản. Báo cáo cũng chỉ ra 6 nhân tố chủ chốt cho sự thành công của Trung Quốc bao gồm lãnh đạo và quản lý cấp cao đối với chương trình nghị sự cải cách của đất nước, thí điểm chính sách ở các địa phương, chia sẻ tri thức quốc gia và quốc tế, đẩy mạnh thực thi chương trình nghị sự cải cách và chịu trách nhiệm về thành quả cuối cùng, sự tham gia mạnh mẽ của khu vực tư nhân và việc sử dụng rộng rãi các dịch vụ chính phủ điện tử. Báo cáo đồng thời cũng khuyến nghị mặc dù có những tiến bộ trong thời gian vừa qua, Trung Quốc cần phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa để nâng cấp môi trường kinh doanh ngang với trình độ đẳng cấp toàn cầu bao gồm những lĩnh vực liên quan đến quy định chính sách được đánh giá cả trong và ngoài khuôn khổ của báo cáo môi trường kinh doanh.
2. Các hãng hàng không Trung Quốc triển khai chương trình khuyến mại ứng phó đại dịch.
China Southern Airlines vừa công bố gói khuyến mại “Fly Happily” cho phép người mua thẻ trị giá 3699 Nhân dân tệ (529,03 USD) có thể bay đến mọi điểm đến trên toàn Trung Quốc mà không bị giới hạn số lượng chuyến bay trong khoảng thời gian từ ngày 26/8/2020 đến ngày 06/01/2021. China Southern là một trong 8 hãng hàng không Trung Quốc tham gia vào chương trình khuyến mại “All you can fly” (bay không giới hạn) bắt đầu được triển khai từ tháng 6/2020 với mức chi phí trung bình khoảng 500 USD cho số lượng không giới hạn các chuyến bay trong nước trong khoảng thời gian khuyến mại.
Các nhà phân tích thị trường cho rằng gói khuyến mại này là một liều thuốc kích thích cho hoạt động kinh doanh của ngành hàng không bằng việc giảm thiểu số ghế trống trên các chuyến bay để bù đắp cho chi phí và đang có tác dụng nhất định khi số lượng chuyến bay nội địa hàng ngày trong tháng trước đã phục hồi khoảng 80% mức trước khi xảy ra đại dịch. Ngành công nghiệp hàng không toàn cầu đang theo dõi sát Trung Quốc như là quốc gia tiên phong trong xu thế phục hồi đi lại bằng đường hàng không.
Tuy nhiên, chuyên gia phân tích chuyên ngành vận tải của BOCOM International Luya You cho rằng gói khuyến mại này chỉ có thể thúc đẩy được nhu cầu khi rủi ro của dịch bệnh giảm xuống mức thấp cho phép, trước mắt chỉ phát huy tác dụng với thị trường trong nước và chưa thể sớm áp dụng với các tuyến quốc tế. Ngoài China Southern, hãng hàng không China Eastern triển khai chương trình khuyến mãi “Fly as you wish” với chi phí 3.322 NDT cho tất cả các chuyến bay cuối tuần, đã bán được 100.000 thẻ và giúp tăng dung lượng khách trên các chuyến bay của hãng lên mức công suất 75% trong các dịp cuối tuần gần đây. Hãng hàng không Hainan Airlines triển khai gói khuyến mại với giá 2.699 NDT cho các chuyến bay đi và đến tỉnh Hải Nam.
Trong một tin khác, Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) trong báo cáo cập nhật về tác động của đại dịch đối với ngành hàng không điều chỉnh lại dự báo nhận định vận tải hành khách bằng đường hàng không chỉ có thể phục hồi từ năm 2024, muộn hơn 01 năm so với dự đoán trước đây là vào năm 2023. Các rào cản trước đây cùng với những hạn chế đi lại mới ở một số thị trường tác động đến triển vọng ngắn hạn, với số lượng hành khách dự đoán sẽ sụt giảm 55% so với mức 46% được dự báo trong tháng 4. Theo IATA, số lượng hành khách giảm 91% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm 2019 và giảm 86,5% trong tháng 6; dự báo sẽ phục hồi chậm hơn so với kỳ vọng trong 6 tháng cuối năm.
3. Các ngân hàng Trung Quốc được khuyến nghị sẵn sàng cho việc rời khỏi hệ thống thanh toán quốc tế bằng đồng đô la Mỹ SWIFT.
Trong báo cáo vừa mới công bố, Bank of China khuyến nghị các ngân hàng Trung Quốc cần sẵn sàng ứng phó với các biện pháp cấm vận của Mỹ thông qua việc tăng cường sử dụng Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới bằng đồng Nhân dân tệ (CIPS) ở Trung Quốc Đại lục, Hồng Công và Ma Cao thay vì hệ thống thanh toán bằng đồng đô la Mỹ SWIFT (Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế) đóng tại Bỉ.
Các ngân hàng Trung Quốc đang chuẩn bị các kế hoạch khẩn cấp dự phòng đối phó với đạo luật mới của Mỹ cho phép phạt các ngân hàng làm ăn với các quan chức tham gia thực hiện đạo luật an ninh quốc gia mới ở Hồng Công. Việc sử dụng CIPS thay cho SWIFT cũng giúp giảm mức độ tiết lộ thông số giao dịch thanh toán toàn cầu của Trung Quốc cho phía Mỹ. Trung Quốc triển khai dịch vụ thanh toán CIPS từ năm 2015 nhằm hỗ trợ việc quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ (NDT).
Dưới sự giám sát của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, CIPS cho biết trong năm 2019, dung lượng xử lý giao dịch trong một ngày qua hệ thống này là 135,7 tỷ NDT (19,4 tỷ USD) với sự tham gia của 96 quốc gia và khu vực. Báo cáo khuyến nghị trường hợp Mỹ dùng biện pháp cực đoan loại Trung Quốc khỏi hệ thống thanh toán bằng đồng đô la Mỹ, Trung Quốc có thể cân nhắc chấm dứt sử dụng đồng đô la Mỹ làm đồng tiền neo giữ cho hoạt động kiểm soát ngoại hối; đồng thời cũng khuyến nghị Trung Quốc xây dựng đạo luật giống như luật ngăn chặn trừng phạt Block Statute của Liên minh Châu Âu giúp bảo đảm cho phép duy trì làm ăn kinh tế thương mại với Iran, nước đang phải chịu các lệnh cấm vận của Mỹ.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)