1. Mỹ công bố số liệu thương mại quốc tế về hàng hóa và dịch vụ tháng 2/2020
Bộ Thương mại Mỹ đã công bố số liệu thâm hụt thương mại hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trong tháng 2/2020 là 39,9 tỷ đô la, giảm 5,5 tỷ đô la so với tháng 1, trong đó Mỹ xuất khẩu 207,5 tỷ đô la (giảm 0,8 tỷ đô la so với tháng 1) và nhập khẩu 247,5 tỷ đô la (giảm 6,3 tỷ đô la so với tháng 1). Tính đến hết tháng 2/2020, thâm hụt hàng hóa và dịch vụ của Mỹ giảm 19,7 tỷ đô la, tương đương 18,7% so với cùng kỳ 2019. Trung Quốc tiếp tục là nước Mỹ có thâm hụt lớn nhất với mức thâm hụt là 19,7 tỷ đô la trong tháng 2 nhưng đã giảm 4 tỷ đô la so với tháng 1.
Về thương mại hàng hóa, kim ngạch thương mại hàng hóa của Mỹ trong tháng 2/2020 là 310,4 tỷ đô la và Mỹ thâm hụt 46,2 tỷ đô la, giảm 21,2 tỷ đô la so với tháng 1. Trung Quốc tiếp tục là nước Mỹ có thâm hụt thương mại hàng hóa lớn nhất ở mức 16 tỷ đô la (giảm 10,1 tỷ đô la so với tháng 1) và Mexico ở vị trí thứ 2 với 9,7 tỷ đô la (tăng 2,2 tỷ đô la so với tháng 1).
Liên quan đến Việt Nam, trong tháng 2/2020, Việt Nam là đối tác thương mại hàng hóa lớn thứ 9 của Mỹ với tổng kim ngạch thương mại hàng hóa là 7 tỷ đô la, trong đó Việt Nam là đối tác Mỹ có thâm hụt thương mại lớn thứ 3 ở mức 5 tỷ đô la, giảm 0,2 tỷ đô la so với tháng 1. Tính chung lại sau 2 tháng đầu năm 2020, Việt Nam là đối tác thương mại lớn 10 của Mỹ với tổng kim ngạch đạt 14 tỷ đô la (tăng 1,9 tỷ đô la so với cùng kỳ năm 2019), trong đó ta xuất khẩu 12,1 tỷ đô la và nhập khẩu 1,9 tỷ đô la. Việt Nam là đối tác Mỹ có thâm hụt thương mại lớn thứ 3 ở mức 10,3 tỷ đô la, tăng 1 tỷ đô la so với cùng kỳ 2019.
2. Chính quyền Mỹ từ chối việc cho phép trả chậm thuế quan
Trả lời phỏng vấn Bloomberg vào ngày thứ 6, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Larry Kudlow cho biết chính quyền Trump đã quyết định không cho phép trì hoãn việc đóng thuế quan như là một phần của việc ứng phó với đại dịch Covid-19. Ông chia sẻ việc Chính quyền cho rằng tạm đình chỉ các khoản thanh toán thuế quan tối huệ quốc sẽ rất phức tạp và gửi tín hiệu sai về chính sách thương mại của Tổng thống. Ông cho biết sẽ không có sự thay đổi về chính sách thuế quan của Mỹ vào thời điểm hiện nay.
Ông Kudlow cũng đề cập thỏa thuận thương mại giai đoạn một Mỹ – Trung và USMCA và cho rằng Tổng thống Trump đã đạt được các thỏa thuận thương mại quan trọng. Ông khẳng định khi nước Mỹ trở lại với sự thịnh vượng mà ông cho rằng sẽ diễn ra trước khi năm nay kết thúc thì một phần của sự trở lại đó sẽ là sự bùng nổ trong xuất khẩu của Mỹ từ những thỏa thuận thương mại tốt đẹp này.
Hiện chính quyền Trump đã và đang bác bỏ nhiều lời kêu gọi giảm thuế ngay lập tức từ các Nghị sỹ của 2 đảng cũng như các công ty Mỹ nhằm hỗ trợ thanh khoản trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Vào thứ 3 tuần trước, Tổng thống Trump cũng đã bác bỏ thông tin của cho rằng ông đã được báo cáo và đồng ý với đề xuất trì hoãn việc đóng một số khoản thuế nhằm giúp các công ty giải quyết dòng tiền mặt.
3. Tổng thống Trump đe đọa áp thuế đối với dầu mỏ trong bối cảnh bất đồng giữa Nga và Ả rập Xê út
Trong họp báo tại Nhà Trắng ngày 4/4, Tổng thống Trump cho biết sẽ sử dụng thuế quan nếu cần để bảo vệ ngành dầu mỏ trong nước, ngay cả khi ông dự đoán rằng Ả Rập Xê Út và Nga sẽ đi đến thỏa thuận cắt giảm sản lượng và ngăn chặn việc sụt giảm giá dầu.
Tuy nhiên một thỏa thuận như vậy có vẻ trở lên khó khăn hơn vào cuối tuần sau một cuộc tranh cãi ngoại giao giữa Ả Rập Xê út và Nga. Cuộc họp giữa các thành viên OPEC mở rộng và các nhà sản xuất khác dự kiến vào thứ Hai đã bị đẩy lùi, để có thêm thời gian cho các cuộc đàm phán. Ả Rập Xê út, nước phát động cuộc chiến giá dầu vào tháng trước với Nga sau khi các cuộc đàm phán của OPEC mở rộng thất bại, đã nói rõ rằng họ sẽ không cắt giảm sản lượng trừ khi các nhà sản xuất khác, bao gồm cả Mỹ cũng cắt giảm nguồn cung. Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã khẳng định vào ngày 4/4 rằng ông không quan tâm đến OPEC, tổ chức mà ông đã luôn phản đối. Ông khẳng định sẵn sàng làm bất cứ điều gì ông cho là cần thiết, trong đó có việc áp thuế đối với dầu nhập khẩu nhằm bảo vệ hàng ngàn và hàng chục ngàn nhân viên trong lĩnh vực năng lượng, và các công ty tuyệt vời của Mỹ tạo ra các công ăn việc làm này. Đây là sự thay đổi so với lập trường của ông Trump vào ngày 3/4, khi ông cho biết không định sử dụng thuế quan đối với Nga hay Ả-rập Xê-út.
Ý tưởng áp thuế đối với dầu nước ngoài cũng gặp phải sự chia rẽ trong ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ. Một số nhà sản xuất đá phiến độc lập – những đối tượng đã bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự sụt giảm thị trường gần đây thì ủng hộ, trong khi các công ty lọc hóa dầu và các công ty lớn thì phản đối. Viện Dầu khí Mỹ, tổ chức đã giúp sắp xếp một cuộc họp với tổng thống vào thứ Sáu lập luận rằng thuế quan sẽ gây ra sự không chắc chắn cho một thị trường toàn cầu đã bị xáo trộn. Hàng trăm ngàn việc làm trong ngành dầu khí của Mỹ đang bị đe dọa, với khoảng 15 tỷ đô la đầu tư bị bốc hơi khỏi ngân sách của các nhà thăm dò đá phiến và nhiều trong số đó đang trên bờ vực phá sản.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ)