Định hướng xuất khẩu nông sản trong bối cảnh mới

0
95
(Internet)
(Internet)
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), mặc dù bị ảnh hưởng trầm trọng từ đại dịch Covid-19 trên thế giới, nhưng xuất khẩu nhóm các mặt hàng nông sản từ trồng trọt trong quý đầu năm 2020 chỉ giảm nhẹ 3,1% so với cùng kỳ năm trước.

Điểm sáng xuất khẩu gạo

Cho dù hoạt động xuất khẩu gạo tạm ngưng từ tuần cuối tháng 3, nhưng ước tính 3 tháng đầu năm 2020 vẫn đạt 1,67 triệu tấn, với tổng giá trị 774 triệu USD. Với thành tích tăng 19,9% về khối lượng và tăng 27,8% v giá tr so với cùng kỳ năm 2019, xuất khẩu gạo đã trở thành lực đỡ cho tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm trồng trọt không giảm sâu.

Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 35,9% thị phần. Trong quý đầu năm nay, xuất khẩu gạo tăng mạnh ở nhiều thị trường, đặc biệt vào Trung Quốc tăng gấp 8,2 lần về giá trị. Các thị trường khác như: Đài Loan tăng gấp 3,6 lần và Mozambique tăng gấp 2,6 lần.

Xét về chủng loại gạo xuất khẩu, gạo trắng vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất với 43,1%, sau đó đến gạo jasmine và gạo thơm chiếm 33,8%. Trên thị trường thế giới, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan kéo dài đà tăng trong tháng 3/2020 lên mức cao nhất trong vòng 6 năm; giá gạo Việt Nam đã tăng lên mức cao nhất trong gần 16 tháng qua.

Ở mặt hàng rau quả, kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2020 đạt 836 triệu USD, giảm 10,9% so với cùng kỳ năm 2019. Trung Quốc tiếp tục đứng đầu về thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam với 56,6% thị phần, tuy nhiên giá trị ở thị trường này giảm 29,4% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, hầu hết các thị trường khác tuy có giá trị xuất khẩu thấp nhưng có tỷ trọng tăng cao so với cùng kỳ năm 2019 là Indonesia (từ 164,8 nghìn USD quý I/2019 tăng lên 2,1 triệu USD trong quý I/2020); Thái Lan (từ 7,6 triệu USD tăng lên 35,2 triệu USD); Lào (từ 2,6 triệu USD tăng lên 9,6 triệu USD), Nga (từ 2,4 triệu USD tăng lên 8,2 triệu USD), Campuchia (từ 340 nghìn USD tăng lên 885,3 nghìn USD).

Các mặt hàng rau quả xuất khẩu chính có giá trị giảm so với cùng kỳ năm 2019 là thanh long, chuối, nhãn, dưa hấu, sầu riêng, nấm hương…

Giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả tháng 3/2020 ước đạt 96 triệu USD, đưa tổng giá trị mặt hàng rau quả nhập khẩu 3 tháng đầu năm 2020 đạt 294 triệu USD, giảm 29,8% so với cùng kỳ năm 2019. Như vậy, kết thúc quý I/2020, ngành hàng rau quả vẫn đạt xuất siêu 540 triệu USD.

Trong nước, nhiều loại trái cây tại các tỉnh miền Tây, bao gồm cam, chanh, chôm chôm các loại tăng giá mạnh trong tháng 3/2020 do hạn ngập mặn khiến sản lượng giảm và chất lượng sản phẩm cũng giảm.

Cụ thể, chôm chôm Java từ 8.000 – 10.000 đồng/kg, nay là 16.000 – 18.000 đồng/kg. Chôm chôm nhãn từ 15.000 đồng/kg, nay tăng  lên 30.000 đồng/kg. Riêng giá chôm chôm Thái đang ở mức 45.000 – 50.000 đồng/kg trong khi trước đó chỉ 28.000 – 30.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho hay, hiện tại để thúc đẩy nhập khẩu sau khi kiểm soát được dịch Covid-19, Trung Quốc đang thực hiện giảm thuế 80 mặt hàng thực phẩm trên tổng số 800 mặt hàng. Trong đó, thuế mặt hàng dừa khô giảm từ 12% xuống 7% và nước cam giảm từ 30% xuống 15%… Đây sẽ là cơ hội cho trái cây Việt Nam tăng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc trong quý II năm nay.

Vào cuối tháng 3, khi châu Âu, Mỹ, Úc đang trong giai đoạn phát triển mạnh của dịch bệnh Covid-19, các hãng hàng không dừng khai thác đường bay quốc tế, dẫn đến việc xuất khẩu trái cây tươi sang các thị trường này gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, phương thức vận chuyển đường biển rất phù hợp trong lúc này cho những sản phẩm rau quả có hạn sử dụng dài tương thích (chế biến, đông lạnh…)

Lao đao cao su, tiêu, điều

Xuất khẩu cà phê trong quý I/2020 đạt 474 nghìn tấn và 801 triệu USD, giảm 3% về khối lượng và giảm 5,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Xuất khẩu cao su tháng 3/2020 ước đạt 60 nghìn tấn với giá trị đạt 87 triệu USD, lũy kế 3 tháng ước đạt 227 nghìn tấn và 331 triệu USD, giảm 33% về khối lượng và giảm 26,1% về giá trị so với cùng kỳ. Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc tiếp tục là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 73,5% thị phần.

Ở mặt hàng tiêu, xuất khẩu tháng 3/2020 ước đạt 33 nghìn tấn, với giá trị đạt 70 triệu USD. Lũy kế 3 tháng đầu năm, xuất khẩu tiêu đạt 74 nghìn tấn và 163 triệu USD, tăng 3,9% về khối lượng nhưng giảm 13,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, Ấn Độ, Pakistan, Myanmar và Đức, chiếm tỷ trọng 45,5% tổng kim ngạch. Đáng chú ý, thị trường có giá trị xuất khẩu tiêu tăng mạnh nhất là Myanmar (tăng gấp 6,6 lần so với cùng kỳ năm 2019). Giá tiêu xuất khẩu bình quân  đạt 2.305 USD/tấn, giảm 17,9% so với cùng kỳ.

Ông Nguyễn Quốc Toản nhận định, hiện tại, dịch Covid-19 đã lan rộng và bùng phát tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là Mỹ và EU – 2 thị trường tiêu thụ hồ tiêu lớn nhất trên toàn cầu. Không những nhu cầu tiêu thụ bị ảnh hưởng mà việc xuất khẩu cũng bị gián đoạn do các hạn chế về việc thông quan hàng hóa. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và đang tiếp tục lây lan trên toàn cầu, giá tiêu trên thị trường thế giới có khả năng sẽ tiếp tục xu hướng giảm trong thời gian tới, khi phải chịu tác động kép từ đại dịch và áp lực dư cung.

Trong tháng 3/2020, xuất khẩu điều nhân ước đạt 35 nghìn tấn với giá trị 252 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu hạt điều 3 tháng ước đạt 86 nghìn tấn và 609 triệu USD, tăng 8,2% về khối lượng nhưng giảm 4,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Mỹ, Hà Lan và Trung Quốc vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt là 35,4%, 12% và 6,1% tổng giá trị xuất khẩu hạt điều.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo: Hiện tại đã có những tiến triển tốt trong việc khống chế dịch Covid-19 tại Trung Quốc, theo đó tình hình xuất khẩu sang thị trường này sẽ được cải thiện do một số cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu phụ khôi phục hoạt động. Tuy nhiên, xuất khẩu sang thị trường EU và Mỹ sẽ tê liệt trong thời gian tới.

“Trước bối cảnh nêu trên, các doanh nghiệp trong nước cần phân tích, đánh giá kỹ tình hình, các tác động từ dịch Covid-19 và khả năng thực tế của doanh nghiệp mình trước khi ký hợp đồng mua điều thô, nếu như chưa có hợp đồng đầu ra hay chưa cân đối được chi phí và giá bán để có thể đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Toản khuyến cáo.

(Chu Khôi/https://thoibaokinhdoanh.vn)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here