1. Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho biết Mỹ chưa mất kiểm soát đối với lạm phát
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng lạm phát sẽ quay trở lại bình thường ở mức 2%/năm vào nửa cuối năm 2022. Bà đánh giá lạm phát sẽ giữ ở mức cao cho đến năm 2022, nhưng sẽ giảm vào giữa và cuối năm 2022. Bà cho rằng Covid-19 và các vấn đề của chuỗi cung ứng đã khiến lạm phát tăng cao nhất trong 30 năm qua. Covid-19 đã làm giảm mức độ chi tiêu trong lĩnh vực dịch vụ và chuyển chi tiêu sang lĩnh vực hàng hóa. Do đó, bà cho rằng nguồn cung hàng hóa cho người dân Mỹ đã tăng lên một cách đáng kể. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng đang gây áp lực lên nền kinh tế.
Tuy nhiên, bà cho rằng Mỹ chưa mất kiểm soát đối với lạm phát mặc dù hiện nay Mỹ đang trải qua giai đoạn lạm phát cao hơn bình thường và khiến mọi người lo lắng. Bà đánh giá tốc độ lạm phát tính theo tháng hiện đã giảm rất nhiều so với giai đoạn đỉnh điểm.
2. Chứng khoán của các công ty năng lượng gia tăng mạnh, bỏ các nhà đầu tư bảo vệ khí hậu lại phía sau
Các công ty năng lượng trong danh sách S&P500 đã tăng trưởng 54% trong năm nay, vượt xa tốc độ trung bình 21% của tất cả các công ty trong S&P500 và cao hơn 16 điểm phần trăm so với nhóm công ty đứng thứ hai trong danh sách. Đây là khoảng cách lớn thứ ba giữa hai nhóm công ty trong S&P500 kể từ năm 2000. Các công ty năng lượng trong S&P500 khoảng 7-8 năm gần đây đều có vị trí khiêm tốn do giá xăng dầu giảm và khả năng cung cấp trên toàn cầu lớn.
Các nhà đầu tư thường quan tâm đến các công ty năng lượng xanh cho các khoản đầu tư dài hạn. Tuy nhiên, hiện nay nhiều nhà đầu tư đang cân nhắc đầu tư trở lại vào các công ty năng lượng như Exxon Mobil hay Chevron để có lợi nhuận hấp dẫn thay vì các quan tâm đến môi trường. Sự thay đổi này diễn ra do giá dầu đang tăng cao. Giá dầu thô của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong 7 năm qua, ở mức 84 USD/thùng. Khí tự nhiên cho sản xuất năng lượng đã tăng gấp đôi trong năm qua và được giao dịch với giá 5 USD/1 triệu đơn vị nhiệt Anh. Mùa đông đang đến gần và nhu cầu năng lượng cho việc sưởi ấm tăng sẽ khiến giá năng lượng tiếp tục tăng và ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu. Nhiều nhà đầu tư lo lắng về việc lạm phát và kéo theo là lãi suất có thể tăng lên. Trong khi đó, tình trạng thiếu năng lượng đang khiến một số nhà máy ở Châu Á và Châu Âu phải đóng cửa, làm trầm trọng thêm tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ)