Bangladesh phấn đấu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao

0
749
(Internet)
(minh hoạ)

Với những thành công về kinh tế-xã hội trong thập kỷ qua, Bangladesh là một trong những nền kinh tế có khả năng phục hồi tốt nhất thế giới và được dự báo sẽ phát triển hơn nữa, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao trong thập kỷ tới.

Theo các nhà phân tích kinh tế, thành công đáng ngưỡng mộ trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, sự tham gia ngày càng lớn mạnh của phụ nữ vào lực lượng lao động và sự phát triển của lĩnh vực sản xuất đã đưa Bangladesh vào quỹ đạo tăng trưởng cao, sẽ đưa đất nước trở thành một quốc gia giàu có. Với các khu kinh tế được quy hoạch, các dự án cơ sở hạ tầng lớn, đầu tư tăng, nhân lực có tay nghề cao, rổ hàng hóa xuất khẩu ngày càng được đa dạng và dòng kiều hối mạnh là những nhân tố hỗ trợ trong hành trình trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao.

Bangladesh đã vượt Ấn Độ về thu nhập bình quân đầu người, với 2.227 USD trong năm tài chính FY21 vừa qua, cao hơn so với 1.947 USD của Ấn Độ. Phụ nữ trong lực lượng lao động Bangladesh tăng lên 36% kể từ năm 1990, trong khi tỷ lệ này ở Ấn Độ giảm xuống còn 20% kể từ năm 2010. Trong hai thập kỷ qua, đóng góp của khu vực sản xuất vào GDP đã tăng lên 20% từ 10%, nhưng ở Ấn Độ đã giảm từ 17% xuống còn 13%.

Bangladesh đã duy trì tốc độ tăng trưởng GDP trên 6% trong một thập kỷ qua. Khu vực dịch vụ chiếm 52% GDP, công nghiệp 33% và nông nghiệp 14,2%. Bangladesh là nước sản xuất nông nghiệp lớn, đặc biệt là sản xuất gạo (thứ 4), thủy sản (thứ 3), đay (thứ 2), chè (thứ 10) và trái cây nhiệt đới (thứ 5). Các ngành công nghiệp chính bao gồm dệt may, dược phẩm, đóng tàu, thép, điện tử, viễn thông, năng lượng, phân bón, xi măng, da, chế biến thực phẩm và gốm sứ.

Liên hợp quốc đã đánh giá Bangladesh sẽ chính thức ra khỏi nhóm nước kém phát triển nhất (LDC) vào năm 2026. The Citi Group đã liệt kê Bangladesh là một trong 11 quốc gia có triển vọng tăng trưởng nhất cho đến năm 2050. JP Morgan đánh giá Bangladesh là một trong những nền kinh tế của “Frontier Five”, có tiềm năng trở thành một điểm đến hấp dẫn cho đầu tư. Theo báo cáo mới nhất của Pricewaterhouse Coopers, Bangladesh sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 23 trên thế giới vào năm 2050 (hiện thứ 38).

Bangladesh gần đây đã thông qua Kế hoạch Tầm nhìn thứ hai với mục đích xóa đói giảm nghèo, tăng cường quản trị tốt và đưa Bangladesh thành một quốc gia kỹ thuật số hiện đại. Đây là một phần trong động thái của chính phủ để trở thành nước có thu nhập trung bình vào năm 2031 và nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2041.

Kế hoạch đề ra mục tiêu giảm tỷ lệ nghèo cùng cực xuống 2,55% và tăng tốc độ tăng trưởng GDP lên 9% đến năm 2031; giảm tỷ lệ nghèo cùng cực xuống 0,68% và tăng trưởng GDP lên 9,9% đến năm 2041. Ngoài ra, tỷ lệ nghèo vừa phải (moderate poverty) giảm xuống 7% vào năm 2031 và 3% vào năm 2041. Theo Kế hoạch, thu nhập bình quân đầu người của Bangladesh theo giá thực tế sẽ ở mức 12.500 USD vào năm 2041. Chính phủ đã đặt mục tiêu thành lập 100 khu kinh tế trên cả nước để chuyển đổi nền kinh tế đất nước thông qua thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Chính phủ đặt mục tiêu giáo dục miễn phí cho trẻ em đến 12 tuổi, 100% biết chữ, chi phí bảo hiểm y tế thấp và đủ cơ sở y tế cho người dân.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here