Tin Kinh tế Mỹ

0
100
(CNN)
(CNN)

1. Chính quyền Biden cộng tác với doanh nghiệp để phát triển “hộ chiếu vắc xin”.

Chính quyền Biden đang cùng với các công ty lữ hành và công nghệ tư nhân để phát triển chứng thực việc cá nhân đã tiêm vắc xin ngừa Covid-19, còn được gọi là hộ chiếu vắc xin, giấy chứng nhận sức khỏe hoặc thẻ lữ hành.

Các hiệp hội doanh nghiệp và hàng không đã vận động Nhà Trắng đi đầu trong việc thiết lập các tiêu chuẩn cho thẻ y tế để tránh tình trạng lộn xộn các loại chứng nhận của địa phương, có thể gây nhầm lẫn cho khách du lịch. Trong tháng 3, ông Jeff Zients điều phối viên về virus Covid-19 của Nhà Trắng sẽ đảm nhận vai trò điều phối các cơ quan chính phủ tham gia vào công việc này, hiện đang được triển khai tại các đơn vị của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh. Ông Zients cho biết “Vai trò của chúng tôi là giúp đảm bảo bất kỳ giải pháp nào trong lĩnh vực này phải đơn giản, miễn phí, có mã nguồn mở, mọi người có thể truy cập được bằng cả kỹ thuật số và giấy và được thiết kế để bảo vệ quyền riêng tư của mọi người”. Các quan chức cho biết việc tiêm phòng và có giấy tờ phù hợp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giải trí và các cuộc hội họp xã hội khác trong thế giới hậu đại dịch tuy nhiên cũng còn có ý kiến lo ngại về “hộ chiếu vắc xin” sẽ phân chia giầu nghèo, khả năng tiếp cận vắc xin hoặc gây ra các vấn đề về đạo đức, hậu cần khác.

Hiện một số doanh nghiệp tư nhân đang thực hiện thí điểm “hộ chiếu vắc xin” như: Hiệp hội các hãng hàng không toàn cầu, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế đang thử nghiệm Travel Pass (Thẻ lữ hành), IBM đang phát triển Digital Health Pass (Thẻ lữ hành số). Hiện tại, thẻ lữ hành số cho phép người dân New York tải xuống chứng nhận tiêm chủng hoặc chứng nhận xét nghiệm Covid-19 âm tính. Ứng dụng này tương tự như thẻ lên máy bay di động và sử dụng mã QR an toàn có thể được lưu trữ trong điện thoại thông minh hoặc in ra. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ loại “hộ chiếu vắc xin” nào đang được phát triển sẽ được chấp nhận rộng rãi trên toàn thế giới.

2. Mỹ vẫn giàu hơn Trung Quốc trong 50 năm tới

Theo Simon Baptist, nhà kinh tế trưởng toàn cầu tại Economist Intelligence Unit, nền kinh tế Mỹ sẽ vẫn giầu hơn Trung Quốc trong 50 năm tới hoặc lâu hơn nữa, cho dù nền kinh tế hàng đầu châu Á được dự báo ​​sẽ vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ông cho rằng “Trung Quốc rất khó có khả năng đạt được mức GDP bình quân đầu người như của Mỹ – thước đo sự giàu có của chúng tôi, trong ít nhất 50 năm tới”. Dữ liệu gần nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho thấy GDP bình quân đầu người của Trung Quốc dự báo đạt 10.500 USD năm 2020, kém khoảng 6 lần so với 63.000 USD của Mỹ.

Theo ông Baptist, nền kinh tế Trung Quốc dự kiến ​​sẽ vượt qua Mỹ vào khoảng năm 2032 và trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Dự báo của ông Baptist có vẻ thận trọng hơn dự báo của Bà Helen Qiao, Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á tại Bank of America vào tháng trước cho rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ vào khoảng năm 2027 – 2028.

Tuy vậy, Baptist đánh giá Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia hùng mạnh cùng với Mỹ trên toàn cầu; và quốc gia nào mạnh hơn sẽ phụ thuộc vào cách họ sử dụng sức mạnh đó. Ông cho rằng Mỹ sẽ duy trì là quốc gia hùng mạnh nhất ở Châu Á cho đến những năm 2030. Tuy nhiên sức mạnh của Mỹ và Trung Quốc sẽ đồng đều trong thời gian khá dài. Châu Á đã nổi lên như một chiến trường quan trọng trong cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung và Bắc Kinh đang mở rộng ảnh hưởng kinh tế và chính trị trong khu vực khi mà Mỹ lại dường như đang rút lui dưới thời cựu Tổng thống Trump. Ngược lại, Tổng thống Biden đã ưu tiên châu Á trong chính sách đối ngoại của mình. Ông đã tuyển dụng một số chuyên gia châu Á nổi tiếng trong chính quyền của mình. Trong các cuộc tiếp xúc nước ngoài đầu tiên, ông cũng đã gặp các nhà lãnh đạo của Nhật Bản, Ấn Độ và Úc.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here