1. Việc Mỹ và EU có thỏa thuận hoãn thuế không hoàn toàn giúp thiết lập lại quan hệ
Ngày 8/3/2021, CNBC đăng bài viết dẫn ý kiến của một số chuyên gia, học giả cho rằng động thái này không hoàn toàn giúp thiết lập lại quan hệ giữa Mỹ và EU khi hai bên còn tồn tại nhiều vấn đề gây tranh cãi như thuế kỹ thuật số, xử lý quan hệ với Trung Quốc.
Theo CNBC, về việc đánh thuế với các tập đoàn công nghệ hàng đầu, Mỹ và EU đã tồn tại mâu thuẫn cũng như những lo ngại về an ninh xung quanh thế hệ mạng 5G trong thời gian dài. Khi Tổng thống Biden lên nắm quyền, EU tin một số bất đồng có thể được khắc phục, Mỹ cũng đã để ngỏ khả năng hướng tới một thỏa thuận về thuế kỹ thuật số mà OECD dự định ký kết vào giữa năm nay. Tuy nhiên, cả Mỹ và EU hiện đều đang theo đuổi các chính sắp nhằm hướng tới sản xuất nội địa, tự chủ chiến lược và giảm phụ thuộc vào một số khu vực trên thế giới nhằm bảo vệ nền kinh tế. Điều này có thể gây cản trở cho việc giải quyết các bất đồng hiện nay giữa hai bên không chỉ về thuế kỹ thuật số mà có thể cả các mâu thuẫn công nghệ mới.
Trong xử lý quan hệ với Trung Quốc và Nga, CNBC cho rằng tồn tại sự nhạy cảm về cách đối phó, ứng xử của cả Mỹ và EU, ở đây là lợi ích kinh tế giữa EU và Trung Quốc, cũng như cách EU nhìn nhận vấn đề nhân quyền tại nước này. Theo CNBC, việc EU đã ký một thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc chỉ vài tuần trước khi Biden nhậm chức có thể gây nguy hiểm cho mối quan hệ giữa EU với tổng thống mới của Mỹ, trong khi giới nghị sỹ ở Quốc hội Mỹ cũng cho rằng EU không đủ quyết đoán khi đề cập đến vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc. Bên cạnh đó, với Nga, Mỹ cũng đã phản đối việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu và đã trừng phạt một số công ty liên quan đến dự án.
Nhìn chung, một số chuyên gia, nhà nghiên cứu nhận định Mỹ và EU sẽ còn cần phải ngồi với nhau để tiếp tục xử lý các bất đồng. Chuyên gia thương mại tại Trung tâm Nghiên cứu kinh tế chính trị quốc tế của Châu Âu (ECIPE), Fredrik Erixon không cho rằng động thái hòa hoãn giữa Mỹ và EU vừa qua sẽ trở thành dấu hiệu cho định hướng hoàn toàn mới trong thương mại xuyên Đại Tây Dương, dù cũng đã đánh dấu bước đầu tiên phá băng quan hệ thương mại giữa hai bên.
Cũng có một số ý kiến cũng tỏ lạc quan, cho rằng bước đi giữa hai bên đã loại bỏ rủi ro ngắn hạn luôn phải tính đến trong suốt bốn năm đối với nền kinh tế Châu Âu, đồng thời tỏ hy vọng các mức thuế quan sẽ sớm được xóa bỏ hoàn toàn.
2. Mỹ và EU công bố thỏa thuận về cách EU và Anh sẽ phân bổ các hạn ngạch thuế quan (TRQ)
Ngày 8/3/2021, Inside Trade cho biết Mỹ và EU đã công bố một thỏa thuận về cách EU và Anh sẽ phân bổ các hạn ngạch thuế quan (tariff-rate quotas – TRQ) hậu Brexit để đảm bảo “sự chắc chắn cho các nhà sản xuất Mỹ”.
Theo Inside Trade, trong giai đoạn Anh rời EU, Mỹ cùng nhiều nước đã chỉ trích cả EU và Anh tại WTO, Mỹ cho rằng việc EU đề xuất các thay đổi về cam kết TRQ sẽ làm giảm khả năng tiếp cận thị trường của Mỹ.
Quyền USTR Maria Pagán cho biết thỏa thuận sẽ được “ký kết và thực hiện” sau khi được thông qua Nghị viện châu Âu và Hội đồng EU, và cho rằng thỏa thuận đánh dấu một cột mốc quan trọng và làm rõ một vấn đề thương mại quan trọng liên quan đến việc Vương quốc Anh rời khỏi EU, cũng như cung cấp khả năng tiếp cận thị trường chắc chắn cho các nhà sản xuất và xuất khẩu của Mỹ sang EU.
Thành viên Ủy ban Nông nghiệp EU Janusz Wojciejowski cũng bày tỏ vui mừng việc thỏa thuận được thực hiện trong khuôn khổ WTO nhằm giữ nguyên khối lượng TRQ ban đầu, song có chia sẻ giữa EU và Anh, đã đánh dấu tầm quan trọng của mối quan hệ thương mại và kinh tế giữa Mỹ và EU, giúp gửi đi một tín hiệu tốt về cam kết của hai bên trong việc hợp tác cả song phương và trong khuôn khổ WTO.
3. OECD dự đoán Mỹ có thể đạt mức tăng trưởng cao trong 2021 do các gói kích thích kinh tế và triển khai vắc-xin cho người dân.
Ngày 9/3/2021, the New York Times dẫn đánh giá của tổ chức OECD, dự kiến nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm nay, tăng mạnh so với dự báo 3,2% vào tháng 12/2020. Sự gia tăng này sẽ giúp tạo ra đủ động lực để nâng sản lượng toàn cầu lên 5,6% – tăng một điểm phần trăm so với dự báo tháng 12/2020, sau khi giảm 3,4% vào năm 2020.
Theo OECD, nền kinh tế Mỹ sẽ tăng tốc nhanh gấp đôi so với dự kiến trong năm nay khi Chính quyền Biden triển khai được gói kích thích kinh tế trị giá 1,9 nghìn tỷ USD và kết hợp với việc triển khai tiêm vắc-xin nhanh chóng, góp phần kích thích sự phục hồi mạnh mẽ từ đại dịch và giúp thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu. Chuyên gia kinh tế tại OECD, bà Laurence Boone nhận định việc Mỹ cung cấp và phân phối vắc-xin ổn định, cùng với việc mở cửa trở lại nền kinh tế và gói kích thích tài chính khả năng sẽ “thúc đẩy đáng kể sự phục hồi khi mọi người có thể quay trở lại mua sắm, ăn uống và đi du lịch”.
Hiện ước tính có hơn 60 triệu người dân ở Mỹ đã nhận được ít nhất một liều vắc-xin Covid-19. Hạ viện Mỹ dự kiến cũng sẽ thực hiện bước bỏ phiếu cuối cùng nhằm thông qua gói cứu trợ 1,9 nghìn tỷ USD vào ngày thứ Tư tuần này, bao gồm các khoản thanh toán trực tiếp lên tới 1.400 USD cho hàng trăm triệu người Mỹ và gia hạn trợ cấp thất nghiệp bổ sung 300 USD mỗi tuần cho đến tháng 9.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ)