Mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu cao nhất trong gần 50 năm ở phía trước

0
84
(Internet)
(Internet)

Tổ chức Phát triển Hợp tác Kinh tế (OECD) đánh giá, triển vọng tài chính đang được cải thiện bất chấp đại dịch và nâng mức tăng trưởng toàn cầu năm 2021 lên đáng kể, dự báo ở mức 5,6%, cao nhất trong gần 50 năm qua. Các nhà kinh tế OECD đưa ra nhận định này dựa vào tiến độ tiêm chủng và sự trỗi dậy mạnh mẽ bất ngờ của nền kinh tế vào mùa thu vừa qua, sau khi GDP suy giảm vào mùa xuân năm 2020.

Tháng 12/2020, OECD dự báo tăng trưởng năm 2021 là 4,2%; và theo cơ sở dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, để có được mức tăng trưởng hàng năm cao hơn 5,6%, thì phải quay lại năm 1973. Nhưng nếu xem xét chi tiết hơn phân tích tình hình của các nhà kinh tế OECD, rõ ràng là có những lĩnh vực và quốc gia đang không theo kịp xu hướng, mặc dù thị trường hàng hóa và thu nhập cố định đều đã nhắm đến mức tăng và phục hồi trước khi đại dịch bùng phát vào năm 2020. Các hạn chế phòng dịch mở rộng đang kìm hãm sự tăng trưởng ở một số quốc gia và đặc biệt là ảnh hưởng đến lĩnh vực dịch vụ. Đồng thời, các quốc gia khác đang được hưởng lợi từ hệ thống chăm sóc sức khỏe hiệu quả hơn, chương trình tiêm chủng nhanh hơn và hỗ trợ chính trị mạnh mẽ để xử lý khủng hoảng.

Dự báo tăng chủ yếu là do triển vọng gia tăng mạnh mẽ trong tăng trưởng của các nước như Mỹ và Ấn Độ, vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch covid-19. Tuy nhiên, triển vọng đối với khu vực đồng Euro và Nhật Bản chỉ được điều chỉnh tăng chút ít và triển vọng đối với Trung Quốc thậm chí còn giảm đi so với dự báo hồi tháng 12. Điều chỉnh dự báo tăng trưởng cho năm 2021 cũng được thực hiện đối với các nước lớn thuộc khu vực đồng Euro lớn như Pháp và Ý, cũng như các nước mới nổi như Nga, Ả Rập Xê Út và Nam Phi.

Sau khi GDP toàn cầu năm 2020 ước giảm 3,4%, sự phục hồi đi lên của năm nay sẽ được tiếp tục vào năm 2022, đạt mức 4,0%, tăng 0,3% so với dự báo của OECD vào tháng 12. Khoảng giữa năm 2021, sản lượng toàn cầu dự kiến ​​sẽ trở lại mức bình thường như trước khi đại dịch bùng phát. Các tính toán trong dự báo của OECD là dựa trên giả định rằng, các chương trình tiêm chủng sẽ có tác động và sẽ không có vấn đề gì phát sinh với các chủng virus đột biến (hàm ý các loại vắc xin không có tác dụng ngăn ngừa lây nhiễm đối với các chủng mới). Ngược lại, sẽ có nguy cơ lớn về sự phục hồi yếu hơn, tỷ lệ thất nghiệp cao hơn và nhiều công ty phá sản hơn.

Về vấn đề lạm phát, các nhà kinh tế OECD không thấy bất kỳ lo ngại lớn nào khi quá trình phục hồi đang diễn ra, nhưng lưu ý áp lực đang tăng lên đối với chi phí trên thị trường nguyên liệu thô khi nhu cầu tăng lên và sự gián đoạn nguồn cung tạm thời xảy ra; cho rằng, lạm phát cơ bản vẫn ở mức yếu và bị làm lạnh bởi thực tế còn nhiều dự địa nguồn lực trên thế giới. Do vậy, cũng như IMF, OECD cảnh báo cần tránh việc rút các gói kích thích chính sách tài khóa và tiền tệ quá nhanh; đồng thời muốn các ngân hàng trung ương trênthế giới mở cửa, cho phép lạm phát tạm thời tăng vượt mục tiêu trước khi các biện pháp thắt lưng buộc bụng bắt đầu.

Các nhà kinh tế OECD khuyến cáo, các doanh nghiệp và hộ gia đình cũng cần được hỗ trợ nhiều hơn, cho đến khi việc tiêm chủng vượt qua đại dịch và các hạn chế đối với nhiều dịch vụ bắt đầu được dỡ bỏ; các biện pháp hỗ trợ có mục tiêu, viện trợ không hoàn lại và bơm vốn được ưu tiên hơn so với các khoản cho vay.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Thuỵ Điển)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here