Tin kinh tế Kazakhstan

0
234
(e27)
(e27)

1. Mục tiêu phát triển kinh tế của Chính phủ Kazakhstan năm 2021

Ngày 02/02/2021, tại cuộc họp Chính phủ Kazakhstan, Thủ tướng Askar Mamin đã nêu những mục tiêu chính của Chính phủ trong năm 2021 là phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế 3%, tăng đầu tư vào vốn cố định đến 20% GDP, tạo thuận lợi để các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) đóng góp tới 30% GDP, tăng năng suất lao động trong lĩnh vực nông nghiệp lên gấp 1,4 lần, tăng 10% trong ngành sản xuất, chế tạo và giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống 4,9%. Ông nhấn mạnh sự cần thiết của việc phát triển nền kinh tế không phụ thuộc và đa dạng hướng đến thúc đẩy xuất khẩu chủ động và thu hút đầu tư nước ngoài có định hướng nhằm thích ứng với điều kiện thực tế mới. Ngoài ra, ông cũng khẳng định SME sẽ tạo động lực phát triển kinh tế nên cần tạo điều kiện cho các SME phát triển, nhất là cần chú trọng vào phát triển y tế, giáo dục, hạ tầng và việc làm năng suất cao.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Thương mại và Hội nhập Kazakhstan Bakhyt Sultanov cho biết Kazakhstan và Uzbekistan đã cùng thống nhất lựa chọn khu đất để xây dựng Trung tâm Kinh tế-Thương mại Quốc tế “Trung Á” cũng như đang tiến hành đàm phán với nhà đầu tư tiềm năng nhằm thúc đẩy thương mại tại biên giới chung với kim ngạch thương mại hai chiều dự kiến đạt tới 10 tỷ USD.

Trong khi đó, Chủ tịch Cơ quan Hoạch định chiến lược và cải cách của Kazakhstan (Quản lý Trung tâm Tài chính Astana – AIFC) Kairat Kelimbetov đã báo cáo về kế hoạch phát triển quốc gia được xây dựng đến năm 2025. Kế hoạch này đã được xây dựng kể từ tháng 10/2020 nhằm đưa ra những thước đo chính cho giai đoạn phát triển kinh tế mới trong trung hạn và tập trung vào đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.

2. Kazakhstan trong vai trò Chủ tịch Liên minh Kinh tế Á-Âu năm 2021

 Kể từ ngày 01/01/2021, Kazakhstan đã tiếp nhận chức Chủ tịch Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU). Ngày 29/01, phiên họp của Hội đồng Ủy ban Kinh tế Á-Âu đã diễn ra dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Thứ Nhất Kazakhstan Alikhan Smailov theo hình thức họp trực tuyến với sự tham dự lần đầu tiên của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Đầu tư và Ngoại thương Uzbekistan Sardor Umurzakov với tư cách là đại diện cho nước Quan sát viên.

Cuộc họp đã thảo luận những vấn đề về ngoại thương, qui định hải quan và kỹ thuật cũng như quan hệ hợp tác quốc tế. Cụ thể, mô hình dán nhãn hàng hóa nội khối với qui trình và cơ chế phối hợp giữa các nước có và không có hệ thống dán nhãn đã được thông qua. Mô hình này sẽ giúp tránh các rào cản thương mại khi có nước có qui định chuẩn về dán nhãn còn có nước lại không. Để hỗ trợ các nhà sản xuất và nhà nhập khẩu các thiết bị điện và gia dụng trong thời gian áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, hiệu lực của qui định về tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn năng lượng đã được gia hạn đến 01/9/2022. Ngoài ra, Hội đồng cũng gia hạn quyết định miễn thuế hải quan đến cuối năm 2023 đối với nhôm florua dùng để sản xuất nhôm theo phương pháp điện phân nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của ngành nhôm và phát triển sản xuất công nghiệp trong nước. Theo sáng kiến của Kazakhstan, vấn đề về tính khả thi khi ban hành các điều khoản sửa đổi đối với Hiệp định ngày 23/12/2014 về các nguyên tắc duy nhất và quy định về lưu hành dược phẩm trong EAEU liên quan đến việc duy trì khả năng đăng ký dược phẩm cần thiết tiêu thụ tại thị trường nội địa phù hợp với luật quốc gia cũng đã được xem xét.

Về hợp tác ngoại khối, EAEU đang tiến hành những bước cần thiết để tiến tới ký kết các hiệp định thương mại tự do với Ai Cập, Ấn Độ, Indonesia và Mông Cổ. Cụ thể là trong nửa đầu năm 2021, EAEU nối lại đàm phán với Ai Cập, nền kinh tế lớn nhất ở châu Phi và đồng thời với Ấn Độ. Dù có Covid-19, việc tham vấn đã được tiến hành ở cấp cao, cấp bộ trưởng. Những triển vọng trong thúc đẩy tự do thương mại với Indonesia và Mông Cổ trên cơ sở quan hệ lịch sử và tiềm năng về địa lý cũng đã bắt đầu triển khai theo các quyết định của Hội đồng Kinh tế Á-Âu. EAEU đã ký Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam và mong muốn tiếp tục mở rộng quan hệ thương mại với các đối tác ASEAN với việc sẽ sớm thông qua các quy trình cần thiết với Singapore và thúc đẩy đàm phán với nền kinh tế lớn nhất là Indonesia. Theo ông Andrei Slepnev, thành viên Hội đồng Ủy ban Kinh tế Á-Âu, trong 2 năm đầu sau khi ký kết Hiệp định thương mại tự do đầu tiên với Việt Nam, xuất khẩu từ EAEU sang Việt Nam đã tăng 40% rồi 30%. Riêng năm 2019, xuất khẩu giảm đối với bột mỳ và một số sản phẩm khác. Trong năm 2020, dù cho mọi khó khăn, xuất khẩu sang Việt Nam đã tăng hơn 20%. Đây là xu hướng tăng mà EAEU mong đợi. Ngoài ra, EAEU đang chuẩn bị cho những cuộc tham vấn đầu tiên để tiến tới đàm phán một thỏa thuận chính thức về tự do thương mại với Iran trong năm 2021 (trong vòng 3 năm kể từ khi thỏa thuận hợp tác tạm thời có hiệu lực).

Cuộc họp của Hội đồng Liên Chính phủ Á-Âu dự kiến sẽ tổ chức tại Almaty, Kazakhstan vào ngày 05/2 theo hình thức tiếp xúc trực tiếp với 11 vấn đề trong chương trình nghị sự. Các lãnh đạo Chính phủ sẽ xem xét các cách tiếp cận để hoàn thiện cơ chế áp dụng các biện pháp bảo hộ đặc biệt, chống bán phá giá và bồi thường trong EAEU, cập nhật danh sách những người sử dụng hệ thống ưu đãi thuế quan đơn lẻ của EAEU, thảo luận về phát triển thủ tục hành chính điện tử tại các điểm kiểm soát trên biển của các nước thành viên EAEU cũng như việc phối hợp, hỗ trợ phân tích trong các dự án về chọn giống và chăn nuôi gia súc. Ủy ban Kinh tế Á-Âu (EEC) cũng sẽ báo cáo tình hình kinh tế vĩ mô của các nước thành viên và đưa ra đề xuất, kiến nghị cho phát triển kinh tế bền vững.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Kazakhstan)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here