1. Đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản
Phát biểu tại hội thảo trực tuyến với chủ đề “FDI trong các lĩnh vực ưu tiên: Chế biến Nông nghiệp, Giá trị gia tăng, Hệ sinh thái Kỹ thuật số và Nguồn vốn xanh” do Phòng Thương mại Hoa Kỳ ở Bangladesh (AmCham) tổ chức hôm qua (07/9), ông Salman F Rahman, cố vấn của Thủ tướng về lĩnh vực đầu tư và công nghiệp tư nhân, cho biết ngành chế biến nông sản của Bangladesh cần một cơ quan quản lý vì các doanh nhân trong và ngoài nước đang đưa ra nhiều đề xuất đầu tư cho ngành này.
Ông cho biết đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang tìm đến các lĩnh vực như chế biến thực phẩm và chăn nuôi. Ông cho rằng Bangladesh cần phải đào tạo lại kỹ năng cho người dân vì các lĩnh vực đầu tư và tạo việc làm mới đang được tăng cường tự động hóa.
Bà JoAnne Wagner, Phó Đại sứ Hoa Kỳ ở Dhaka cho biết Bangladesh cần tôn trọng hơn quyền sở hữu trí tuệ vì các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng coi trọng những vấn đề này. Wagner cũng cho biết USAID đang hỗ trợ quản lý dây chuyền làm mát và các cơ sở bảo quản đông lạnh nhằm mở rộng các ngành công nghiệp chế biến nông sản của Bangladesh. Bà JoAnne Wagner cho biết thêm, Hoa Kỳ rất quan tâm đến việc hợp tác trong các lĩnh vực như ICT, kỹ thuật cơ khí, du lịch, chăm sóc sức khỏe và dược phẩm.
Ông Mohammad Sirazul Islam, Chủ tịch điều hành Cơ quan Phát triển Đầu tư Bangladesh (Bida), cho biết phạm vi đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản là rất lớn, lĩnh vực hiện chiếm 1,7% GDP của đất nước. Bida quyết tâm đưa tất cả 154 dịch vụ theo yêu cầu của các nhà đầu tư vào trung tâm Dịch vụ Một cửa vào năm tới vì nó sẽ cải thiện thuận lợi hóa kinh doanh ở Bangladesh.
Chủ tịch AmCham Syed Ershad Ahmed kêu gọi chính phủ sớm phát triển cảng biển nước sâu để hoạt động xuất nhập khẩu được dễ dàng hơn.
2. Xuất khẩu có triển vọng khi thị trường Mỹ, EU mở cửa trở lại
Thu nhập từ xuất khẩu hàng hóa của Bangladesh tăng 4,32% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 2,96 tỷ USD vào tháng 8 sau khi nhu cầu tăng do các cửa hàng bán lẻ ở thị trường EU và Mỹ việc mở cửa trở lại.
Các chuyên gia cho là giá trị xuất khẩu tăng cao là do giải phóng hàng hóa tồn đọng, bị kẹt lại do đại dịch Covid-19 trong tháng 6 và tháng 7. Các lô hàng may mặc xuất khẩu bắt đầu tăng trở lại vào tháng 7, khi các nhà bán lẻ và thương hiệu quốc tế bắt đầu quay trở lại Bangladesh với các đơn đặt hàng mới, đồng thời nhận các đơn hàng đã bị hủy hoặc hoãn trước đó.
Tuy nhiên, theo dữ liệu từ Cục Xúc tiến Xuất khẩu, doanh thu xuất khẩu may mặc trong tháng 8 thấp hơn 11,72% so với mục tiêu hàng tháng đặt ra là 3,36 tỷ USD.
Trong giai đoạn tháng 7-8, xuất khẩu hàng dệt kim tăng 6,64% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi hàng dệt thoi giảm 7,06%, với 3,11 tỷ USD là hàng dệt kim và 2,59 tỷ USD là hàng dệt thoi. Trong khi đó, tổng thu nhập xuất khẩu trong tháng 7 tăng 0,59% so với cùng kỳ năm ngoái lên 3,91 tỷ USD, cũng cao hơn 13,39% so với mục tiêu hàng tháng là 3,44 tỷ USD.
Thông thường, tháng 7, 8 và tháng 9 là những tháng khó khăn đối với ngành may mặc vì số lượng các đơn hàng vẫn thấp hơn so với các tháng khác. Dự kiến lĩnh vực may mặc sẽ phục hồi cùng với sự gia tăng đơn đặt hàng xuất khẩu do Bangladesh rất mạnh trong sản xuất loại hàng may mặc loại trung bình và cơ bản.
Tháng 4, xuất khẩu Bangladesh sụt giảm rất lớn trong do hầu hết các cửa hàng ở thị trường EU và Mỹ đều đóng cửa và các nhà máy ở Bangladesh cũng đóng cửa để hạn chế sự lây lan của Covid-19. Tháng 4, tổng thu xuất khẩu là 0,52 tỷ USD, trong đó lĩnh vực may mặc chiếm 0,37 tỷ USD. Tháng 5, xuất khẩu được 1,46 tỷ USD với 1,23 tỷ USD là hàng may mặc. Tháng 6, xuất khẩu đạt 2,71 tỷ USD, với 2,28 tỷ USD hàng may mặc.
Trong tháng 7 và 8, xuất khẩu hàng thủy sản tươi và đông lạnh, trong đó tôm giảm 10,01% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 74,56 triệu USD. Hàng da giảm 16,54% xuống còn 154,74 triệu USD. Xuất khẩu đồ gốm sứ và xe đạp cũng giảm./.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)