Tin Kinh tế Bangladesh

0
247
(Internet)
(Internet)

1. Về ngân sách năm tài chính 2021-2022 ưu tiên lĩnh vực y tế, an sinh xã hội và nông nghiệp

Ngày 03/6/2021, Chính phủ Bangladesh sẽ đưa ra ngân sách quốc gia cho năm tài chính tiếp theo 2021-22 (FY22), trong đó ưu tiên Covid-19, lĩnh vực y tế, an sinh xã hội và nông nghiệp. Bộ trưởng Tài chính AHM Mustafa Kamal sẽ trình ngân sách có tiêu đề “Bangladesh trên đường đến tương lai vững mạnh, ưu tiên sức khỏe và sinh kế” lên Quốc hội.

Ngân sách dự kiến khoản chi kỷ lục 6,03 nghìn tỷ Tk (khoảng 70,9 tỷ USD), tăng hơn 6,0% so với ngân sách của năm tài chính hiện tại. Trong đó, 3,92 nghìn tỷ Tk (khoảng 46 tỷ USD) dự kiến ​​đến từ Ủy ban Doanh thu Quốc gia (NBR), doanh thu ngoài NBR và ngoài thuế. Riêng NBR được cho là sẽ đóng góp 3,3 nghìn tỷ Tk (khoảng 38,8 tỷ USD), tương đương với mục tiêu thu thuế của NBR ban đầu được đặt ra trong năm tài chính hiện tại. Thâm hụt ngân sách sẽ vượt ra ngoài mức truyền thống 5,0% GDP của mọi năm, lên tới 6,2%.

Ngân sách từ các nguồn bên ngoài dự kiến ​​là gần 980 tỷ Tk. Khoản thâm hụt còn lại lên tới 1,13 nghìn tỷ Tk có thể sẽ từ nhiều nguồn trong nước, bao gồm cả chứng chỉ tiết kiệm quốc gia.

Ngày 02/6/2021, các quan chức cho biết mục tiêu tăng trưởng GDP có thể được đặt ở mức 7,2% và tỷ lệ lạm phát ở mức 5,3%.

Một quan chức Bộ Tài chính cho biết ngân sách chủ yếu sẽ tập trung vào lĩnh vực y tế. Việc thực hiện các gói khuyến khích do Thủ tướng Chính phủ công bố nhằm chống lại đại dịch Covid, lĩnh vực nông nghiệp và an ninh lương thực cũng được ưu tiên; các chương trình an sinh xã hội hiện có sẽ được mở rộng hơn nữa. Một số nhà kinh tế cho biết ngoài việc ưu tiên ngân sách cho lĩnh vực y tế, tiêm chủng và kinh tế nông thôn, cần có những nỗ lực đặc biệt để đẩy nhanh tốc độ thực hiện dự án bằng cách tận dụng các khoản phân bổ.

2. Về lao động, việc làm: Tỷ lệ thất nghiệp năm 2020 của Bangladesh tăng lên đến 5,3%

Theo báo cáo “Triển vọng Xã hội và Việc làm Thế giới: Xu hướng 2021” của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố hôm 02/6, tỷ lệ thất nghiệp của Bangladesh tăng 1,1%, lên đến 5,3% vào năm 2020, chủ yếu do đại dịch Covid-19 gây ra cuộc khủng hoảng thị trường lao động trên toàn cầu.

Tỷ lệ thất nghiệp trên thế giới là 6,5% vào năm ngoái, tăng từ 5,4% của năm 2019 trước đại dịch. Tỷ lệ thất nghiệp cao hơn nhiều tại Ấn Độ với 7,1%, tăng 2,2% so với năm 2019. Pakistan, Nepal và Bhutan cũng chứng kiến ​​xu hướng tỷ lệ thất nghiệp tăng, lần lượt là 0,7%, 1,3% và 1,4% so với năm 2019.

 Theo Báo cáo, năm 2020, giờ làm việc hàng tuần ở Bangladesh giảm 3,5% xuống còn 25,1% trong một năm. Khoảng 44,3% người ở Bangladesh, từ 15 tuổi trở lên, không tham gia lực lượng lao động vào năm 2020. Tỷ lệ này là 40,9% vào năm 2019. Việc giảm việc làm và số giờ làm việc đã dẫn đến việc thu nhập lao động giảm mạnh và tỷ lệ đói nghèo gia tăng tương ứng.

Một báo cáo gần đây của Trung tâm Đối thoại Chính sách (CPD) và Viện Nghiên cứu Lao động Bangladesh (BILS) cũng cho thấy đại dịch Covid-19 đã khiến khoảng 3% lực lượng lao động của đất nước mất việc làm và tạo ra khoảng 16,38 triệu người nghèo mới. Khoảng 1,08 triệu người lao động hàng ngày trong lĩnh vực xây dựng, dịch vụ phi chính thức và vận tải bị mất việc làm. Theo dự đoán, các doanh nghiệp vừa và nhỏ và khu vực phi chính thức sẽ phải đối mặt với số người mất việc làm cao nhất vào cuối năm 2021.

Báo cáo của ILO dự đoán cuộc khủng hoảng thị trường lao động thế giới do đại dịch còn kéo dài và tăng trưởng việc làm sẽ không đủ để bù đắp cho những thiệt hại, ít nhất là đến năm 2023. Tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu dự kiến ​​sẽ ở mức 205 triệu người vào năm 2022, vượt qua mức 187 triệu vào năm 2019. Điều này tương ứng với tỷ lệ thất nghiệp là 5,7%, tương tự lần gần nhất hồi năm 2013. Báo cáo cho biết tăng trưởng việc làm phục hồi chậm và gia tăng bất bình đẳng do Covid-19 sẽ tạo ra hậu quả lâu dài, gia tăng nghèo đói và ít việc làm có điều kiện tốt.

Sự phục hồi việc làm trên toàn cầu được dự báo sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2021, với điều kiện là tình hình đại dịch nói chung không trở nên tồi tệ hơn. Tuy nhiên, điều này sẽ không đồng đều, do tiếp cận vắc-xin không bình đẳng giữa các nước và khả năng hạn chế của hầu hết các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi trong thực hiện các biện pháp kích thích tài khóa.

3. Về phục hồi kinh tế: Mấu chốt cho sự phục hồi kinh tế là củng cố tầng lớp trung lưu, tăng bảo trợ xã hội

Mặc dù nhiều chương trình an sinh xã hội khác nhau cho người nghèo, không có chương trình nào dành cho tầng lớp trung lưu trong ngân sách năm tài chính 2021-2022 sắp tới. Tầng lớp trung lưu và cận trung lưu đã kêu gọi chính phủ mở rộng hỗ trợ trực tiếp và việc làm cho mình. Các chuyên gia kinh tế cho rằng sự phục hồi kinh tế sau đại dịch sẽ bị cản trở nếu tầng lớp trung lưu không được quan tâm trong dài hạn.

Theo các nhà kinh tế, những người có thu nhập cố định, những người làm công ăn lương hàng tháng, những người không có thêm thu nhập ngoài lương và những người sống trên mức nghèo khổ, không kể tầng lớp thượng lưu, là tầng lớp trung lưu; hay những người có thu nhập tháng từ 40.000-80.000 Tk (khoảng 470-940 USD) có thể được coi là thuộc tầng lớp trung lưu. Theo Cục Thống kê Bangladesh (BBS), khoảng 40 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu, chiếm 25% tổng dân số 160 triệu người.

Khảo sát của Trung tâm Đối thoại Chính sách (CPD), một viện nghiên cứu tư nhân, cho thấy 62% người dân bị mất việc làm do dịch Covid-19. Một cuộc khảo sát khác do Mạng lưới Mô hình Kinh tế Nam Á (SANEM) thực hiện cho thấy 42% dân số hiện nay là người nghèo.

Ý kiến về ngân sách của người dân: Người dân trung lưu và dân nghèo tại thủ đô than phiền về giá cả hàng hóa đều tăng, đặc biệt là giá hành, dầu và khí đốt, trong khi họ mất việc làm và chưa nhận được hỗ trợ từ chính phủ. Họ cũng kiến nghị bình ổn giá hàng hóa; ngoài ra, cần giảm thuế doanh nghiệp trên thị trường.

Ý kiến của chuyên gia:

Nazrul Islam, cựu giáo sư kinh tế tại Đại học Dhaka, cho biết tổng cộng 1.050 tỉ Tk (khoảng 12,4 tỉ USD) đang được phân bổ cho lĩnh vực an sinh xã hội trong ngân sách của năm tài chính 2021-2022 nhưng tầng lớp trung lưu không nằm trong phân bổ đó. Ông đề nghị chính phủ cần hỗ trợ cho tầng lớp trung lưu; ngân sách tới phải tập trung tăng cường phân bổ cho các dự án sản xuất, an sinh xã hội và tạo việc làm; giảm chi tiêu trong các lĩnh vực phi sản xuất và không hiệu quả.

Chuyên gia tài chính Mirza Azizul Islam, cựu cố vấn tài chính của chính phủ, cho biết nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu bị mất thu nhập do bị mất việc, nhiều người chỉ còn nhận được lương bằng 1/2 và thấp hơn so với lương bình thường. Người bị mất việc làm cần được đưa vào chương trình an sinh xã hội.

Giáo sư Mustafizur Rahman, thành viên của CPD, cho biết “Sẽ rất khó để thúc đẩy việc làm nếu không khuyến khích đầu tư vào khu vực tư nhân. Nhiều người đã chuyển từ khu vực dịch vụ sang nông nghiệp. Chúng ta phải đưa họ trở lại”. Ông cho rằng cần có chính sách tài khóa và các dự án để khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư và tạo việc làm.

Giáo sư Abul Barkat, Chủ tịch Hiệp hội Kinh tế Bangladesh (BEA) cho biết: “1% người dân nằm trong danh sách siêu giàu. Do đại dịch, hiện nay, hầu hết những người còn lại đã rơi vào cảnh nghèo đói ở các mức độ khác nhau. Tỷ lệ người nghèo hiện đã tăng gấp ba lần. Từ 20 triệu gia đình thuộc diện bảo trợ xã hội, con số hiện đã tăng lên 35 triệu, và sẽ còn tăng nữa nếu tình hình không được cải thiện. Đó là lý do tại sao chúng tôi đã đề xuất trong ngân sách tới phân bổ trong lĩnh vực này gấp 7 lần so với ngân sách của năm tài khóa hiện tại”.

 (Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here