Vải Thiều Việt Nam đã có mặt tại nhiều thị trường quan trọng

0
206
Quả vải Việt Nam trong một gian hàng trái cây ở Singapore. (Nguồn: TTXVN)
Quả vải Việt Nam trong một gian hàng trái cây ở Singapore. (Nguồn: TTXVN)
Có thể giá trị xuất khẩu chưa lớn, nhưng nỗ lực của các cơ quan quản lý và sự quyết tâm của các doanh nghiệp để khai mở thị trường nước ngoài cho mặt hàng vải chính là chứng minh năng lực cung ứng, năng lực bảo quản sau thu hoạch và năng lực logistics của Việt Nam. Đây cũng là chìa khóa mở cửa cho mọi mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam để đi ra thế giới.
Trong số các quốc gia nhập khẩu vải thiều, đứng đầu vẫn là thị trường Trung Quốc. Tổng sản lượng vải thiều xuất qua các cửa khẩu sang thị trường Trung Quốc khoảng 86.500 tấn. Còn lại khoảng 500 tấn là cho các thị trường khác.
Cụ thể tại Bắc Giang, trước đây, phần lớn vải được tiêu thụ tại thị trường nội địa, tuy nhiên nhờ nỗ lực của ngoại giao kinh tế, các thương nhân, doanh nghiệp, năm nay trái vải đã được xuất đi hơn 30 nước và vùng lãnh thổ với các thị trường chủ yếu như EU, Nga, Mỹ, Canada, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Australia…
Vải thiều ghi dấu ấn tại thị trường Singapore
Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết, những ngày đầu tháng 6, vải sớm u hồng Thanh Hà đã có mặt trên các kệ siêu thị tại Singapore và đã ghi dấu ấn tốt tại thị trường nhờ ưu thế về chất lượng và giá cả.

Nhà nhập khẩu cho biết, vải thiều Việt Nam năm nay sẽ được bày bán trên toàn bộ 230 siêu thị của FairPrice, mở rộng quy mô hơn hẳn năm 2020 khi chỉ được bày bán tại những đại siêu thị hoặc các Trung tâm thương mại lớn của FairPrice. Từ nay đến hết mùa vải, mỗi tuần Singapore sẽ tiêu thụ ít nhất 1 container 40 fit và dự kiến đến cuối tháng 7/2021, khối lượng xuất khẩu có thể lên đến 100 tấn.

Mức giá bán của vải thiều Việt Nam tại Singapore năm nay đã cao hơn năm ngoái và trong tuần đầu khuyến mãi với giá 105.000/kg và sẽ nâng lên mức khoảng 120.000/kg trong những tuần tiếp theo.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Singapore, Singapore là một thị trường nhỏ với quy mô dân số chưa đến 6 triệu dân nhưng lại có truyền thống tiêu thụ vải với nhu cầu cao và ổn định. Bởi trái vải được coi là trái cây mang lại may mắn và hiện diện trong các dịp lễ quan trọng, các bữa tiệc lớn.

Hàng năm, Singapore nhập khẩu tới hơn 2.000 tấn vải từ Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan và các nước Nam bán cầu như: Australia, Nam Phi, Madagascar, Mauritius…Là nước không có nền nông nghiệp, không trồng vải, nhưng hàng năm, Singapore xuất khẩu gần 400 tấn vải, cả vải tươi lẫn vải đóng hộp, tức khoảng 20% khối lượng nhập khẩu.

Vải tươi được Singapore tái xuất chủ yếu sang: Malaysia, Indonesia, Brunei, Philippines. Vải đóng hộp sang thị trường các nước ASEAN, Nam Á, Maldives, Barbados, Fiji, Papua New Guinea, Kenya, Seychelles, các nước vùng Vịnh…

Triển vọng ở thị trường Nhật Bản
Theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, sau một năm chính thức Nhật Bản mở cửa thị trường cho mặt hàng vải thiều tươi của Việt Nam, tình hình xuất khẩu và tiêu thụ quả vải thiều Việt Nam tại thị trường Nhật Bản năm 2021 tiếp tục có rất nhiều điều kiện thuận lợi.
Nhật Bản từ trước đến nay luôn nổi tiếng là một thị trường có các tiêu chuẩn nhập khẩu nghiêm ngặt, người tiêu dùng tại đây luôn đòi hỏi rất cao về chất lượng sản phẩm thực phẩm, đặc biệt là đối với các sản phẩm nhập khẩu.

Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cũng sớm triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh quả vải Việt Nam tại thủ đô Tokyo và nhiều địa phương của Nhật Bản, như phối hợp với đầu mối nhập khẩu phía Nhật Bản phổ biến rộng rãi thông tin tới cộng đồng về Chương trình mua vải theo hình thức trực tuyến. Đồng thời tích cực kêu gọi các doanh nghiệp Nhật quan tâm đầu tư các công nghệ hiện đại giúp xử lý, bảo quản quả vải tươi hiệu quả hơn.

Theo Thống kê, trong mùa vụ năm nay, các công ty đầu mối xuất khẩu vải thiều đã xây dựng kế hoạch xuất khẩu khoảng 1.000 tấn vải thiều tươi sang Nhật Bản. Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản sẽ tiếp tục theo dõi thêm thông tin và cập nhật tình hình mua bán thực tế tại thị trường.

Quả vải thiều Việt Nam đã trải qua hơn 5 năm đàm phán, nỗ lực đáp ứng các quy định khắt khe mới có thể được cho phép nhập khẩu vào Nhật Bản. Do vậy, theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, trước tiên phía Việt Nam cần phải duy trì chất lượng quả vải sạch, đảm bảo giá thu mua, giá bán và giá xuất khẩu ổn định. Đồng thời tích cực củng cố và đẩy mạnh nâng cao hình ảnh, thương hiệu hàng Việt Nam tại thị trường khó tính bậc nhất thế giới

Vải thiều Hải Dương lần đầu đến được với thị trường Thái Lan

Thái Lan được coi như vựa trái cây trong khu vực nên việc vải thiều Hải Dương được xuất khẩu sang thị trường này và được chấp nhận cho thấy quả vải thiều Hải Dương có thể cạnh tranh ngay cả ở “thủ phủ” của trái cây nhiệt đới.

Hiện tại, mỗi tuần công ty cổ phần Ameii Việt Nam xuất khẩu khoảng 20 tấn vải thiều tươi để cung cấp cho các chuỗi siêu thị, cửa hàng tại Thái Lan. Hiện tại, loại vải thiều Hải Dương để xuất khẩu luôn được doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn so với thị trường.

Hải Dương hiện đã làm chủ được quy trình sản xuất vải đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu nên được các thương lái, doanh nghiệp tập trung thu mua khiến việc tiêu thụ thuận lợi hơn các địa phương khác trong cả nước. Hiện tại, có 2 doanh nghiệp lớn và uy tín về xuất khẩu vải đã lắp đặt 3 buồng xông Methy bromide ngay tại vùng vải thiều Thanh Hà.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương cho biết, đến ngày 31/5, tỉnh đã thu hoạch và tiêu thụ khoảng 29.000 tấn vải, bằng 85% sản lượng vải sớm và 55% sản lượng vải toàn tỉnh. Trong số này, xuất khẩu đi Trung Quốc, Lào, Campuchia khoảng 15.000 tấn.

Trong đó, vải xuất đi các thị trường có giá trị cao khoảng 1.500 tấn gồm: Nhật Bản, Mỹ, Australia; EU khoảng 300 tấn; Singapore, Trung Đông, Malaysia khoảng 500 tấn; cấp đông xuất khẩu đi Hàn Quốc, Nhật Bản và EU khoảng 700 tấn. Dự kiến, từ nay đến cuối vụ các doanh nghiệp sẽ tiếp tục thu mua và xuất khẩu 1.000 tấn vải thiều tươi và cấp đông đi Nhật Bản cùng 4.000 tấn vải đi Mỹ, Australia, EU, Singapore…

Văn An

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here