1. IMF nâng dự báo tăng trưởng GDP
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới công bố hôm 06/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Bangladesh lên 5% cho năm 2021, so với 4,4% được Quỹ dự báo vào tháng 10/2020. Theo IMF, Bangladesh sẽ trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao trong năm tới, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) được dự báo sẽ tăng 7,5%. GDP sẽ tăng 7,2% vào năm 2026.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng tăng trưởng GDP cao hơn vẫn chưa chắc chắn vì quốc gia này hiện đang trải qua một làn sóng Covid-19 mới, khiến chính phủ buộc phải áp dụng các biện pháp ngăn chặn nghiêm ngặt từ ngày 05/4, hạn chế đi lại diện rộng và đóng cửa các doanh nghiệp.
Zahid Hussain, cựu nhà kinh tế trưởng Văn phòng Dhaka của Ngân hàng Thế giới, cho biết IMF đã nâng các dự báo toàn cầu chủ yếu do tiến bộ trong các chương trình tiêm chủng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, vì tất cả các số liệu đều được hoàn thiện một tháng trước khi báo cáo này được công bố, IMF không thể lường trước được sự gia tăng mới nhất của virus khiến Bangladesh phải đóng cửa và sự gián đoạn về nhu cầu bên ngoài được dự kiến sẽ tăng vào nửa cuối năm 2021. Sự phục hồi dần dần dự kiến sẽ tiếp tục ở Bangladesh, đặc biệt nếu các chương trình khắc phục ảnh hưởng của Covid-19 của chính phủ được triển khai nhanh chóng.
Trước đó, ngày 31/3, Ngân hàng Thế giới dự báo GDP của Bangladesh sẽ tăng cao tới 5,6% trong năm tài chính 2020-21.
Ngay cả với sự bất ổn về diễn biến của đại dịch, một lối thoát cho cuộc khủng hoảng kinh tế và y tế toàn cầu ngày càng rõ nét. Báo cáo đánh giá: “Nhờ cộng đồng khoa học, chúng ta có nhiều loại vắc-xin có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng và tần suất lây nhiễm. Song song đó, việc thích ứng với cuộc sống trong đại dịch đã giúp nền kinh tế toàn cầu phát triển tốt, mặc dù di chuyển nói chung bị suy giảm, dẫn đến mức phục hồi mạnh hơn dự đoán, ở mức trung bình ở các khu vực”. Quỹ dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn vào năm 2021 và 2022 so với dự báo trước đó, với mức tăng trưởng dự kiến là 6% vào năm 2021 và 4,4% vào năm 2022.
Theo dự báo của IMF, GDP của Ấn Độ sẽ tăng 12,5% vào năm 2021, Sri Lanka tăng 4%, Nepal 2,9% và Pakistan 1,5%.
Tuy nhiên, báo cáo cũng nêu ra những thách thức lớn liên quan đến sự khác biệt trong tốc độ phục hồi, cả giữa và trong mỗi quốc gia và khả năng thiệt hại kinh tế dai dẳng do cuộc khủng hoảng.
2. Xuất khẩu phục hồi trong tháng 3
Thu nhập từ xuất khẩu hàng hóa phục hồi trong tháng 3/2021, tăng 12,59% so với cùng kỳ năm trước, lên đến 3,07 tỷ USD, chủ yếu nhờ các đơn hàng may mặc trong vài tháng qua do các đợt nới lỏng hạn chế ở phương Tây. Tuy nhiên, theo dữ liệu từ Cục Xúc tiến Xuất khẩu (EPB), xuất khẩu của tháng 3 thấp hơn 10,79% so với mục tiêu xuất khẩu hàng tháng là 3,44 tỷ USD.
Hoạt động kinh doanh ở Bangladesh gần như đạt mức bình thường trong vài tháng qua mặc dù vẫn còn những lo ngại về đại dịch và tình trạng đóng cửa ở một số điểm xuất khẩu chính ở châu Âu và Mỹ. Do các nhà máy ở Bangladesh hoạt động gần như hết công suất với những đơn đặt hàng mới từ các thương hiệu và nhà bán lẻ quần áo quốc tế, ngành may mặc đã có thể giao hàng kịp thời, đạt năng suất tốt so với năm ngoái trong thời gian xảy ra đại dịch.
Hàng may mặc, chiếm hơn 84% trong xuất khẩu hàng năm của Bangladesh, đang gần như phục hồi với một lượng đáng kể các lô hàng hàng dệt kim do nhu cầu ở nhà dài ngày của người tiêu dùng tăng lên.
Từ tháng 7/2020 đến tháng 3/2021 của năm tài chính hiện tại, Bangladesh đã thu được 23,48 tỷ USD từ hàng may mặc, chỉ thấp hơn 2,55% so với xuất khẩu mặt hàng này trong giai đoạn tương ứng của năm tài chính trước. Trong tổng thu từ các mặt hàng may mặc, 12,65 tỷ USD là hàng dệt kim, tăng 5,85% so với cùng kỳ năm ngoái; thu từ các hàng dệt thoi là 10,83 tỷ USD, giảm 10,83% so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu đối với các mặt hàng dệt thoi giảm do nhiều ngày nghỉ lễ chính thức trên toàn thế giới diễn ra trong thời gian đại dịch và các đợt đóng cửa.
Md Fazlul Hoque, Giám đốc điều hành của Plummy Fashions, cho biết: “Xét về cuộc khủng hoảng này trên toàn thế giới, thu nhập từ hàng may mặc là rất khả quan. Chúng tôi cần tiếp tục xuất khẩu và sản xuất”. “Tuy nhiên, chúng tôi cũng nên hết sức thận trọng để các cán bộ, nhân viên và công nhân được an toàn. Nếu xu hướng xuất khẩu tiếp tục như hiện nay, tôi hy vọng xuất khẩu hàng may mặc sẽ sớm khởi sắc”.
Tuy nhiên, Rubana Huq, Chủ tịch sắp mãn nhiệm của Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh (BGMEA), cho rằng lượng thu từ tháng 7/2020 đến tháng 3/2021, xuất khẩu hàng may mặc là “đáng buồn”. Bà cho biết, kể từ khi đợt Covid-19 đầu tiên lây vào Bangladesh tháng 3 năm ngoái, xuất khẩu bắt đầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo bà, so sánh hàng năm về xuất khẩu hàng tháng giữa năm 2020 và năm 2021 sẽ gây hiểu nhầm và bất kỳ tăng trưởng xuất khẩu nào trong các tháng của năm 2021 phải được tính toán so với các tháng tương ứng của năm 2019.
Sau quý thứ 3 của năm tài chính 2020-21, thu nhập xuất khẩu hàng may mặc của Bangladesh là 23,49 tỷ USD, so với 25,95 tỷ USD trong cùng kỳ năm tài chính 2018-19, tức là giảm 9,49%, tương đương 2,46 tỷ USD. Xuất khẩu hàng dệt kim phải vật lộn để giữ được mức tăng trưởng 0,35% trong tháng 3 năm 2021 so với tháng 3 năm 2019; tăng trưởng trung bình của xuất khẩu hàng dệt kim trong thời gian từ 7/20 đến 3/21 của năm tài chính năm 2020-21 so với cùng kỳ năm tài chính 2018-19 là âm 1,15%.
Hàng dệt thoi đang trong thời điểm khó khăn nhất từ trước đến nay, xuất khẩu đã giảm hai con số kể từ tháng 8/2020 và trong tháng 3/2021 so với tháng 3/2019 xuất khẩu hàng dệt thoi giảm 27,70%. Xu hướng giá tiếp tục xấu đi khi tháng 3/2021 giảm 5,11% đơn giá so với tháng 3/2019. Mức giảm trung bình của đơn giá trong thời gian từ 7/20 đến 3/21 của năm tài chính 2020-21 so với cùng kỳ của năm tài chính 2018-19 là âm 3,58%.
Bà Huq nhận xét “Đơn giá giảm liên tiếp như vậy không cần phân tích thêm để hiểu mức độ tổn thương mà ngành đang phải gánh chịu. Các thị trường xuất khẩu vẫn đang vật lộn để kiềm chế sự lây lan của virus, làm trầm trọng hơn là làn sóng thứ ba”. “Cho đến gần đây, Bangladesh vẫn làm tốt trong việc ngăn chặn sự lây nhiễm; tuy nhiên, lệnh đóng cửa hiện nay, một động thái kịp thời của chính phủ, sẽ tác động xấu thêm đến sản xuất vốn đã sa sút của ngành (may mặc)”.
Trong giai đoạn từ 7/2020 đến 3/2021, tổng thu từ xuất khẩu là 28,93 tỷ USD, chỉ giảm 0,12% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, thu tổng thể xuất khẩu trong thời gian này thấp hơn 4,43% so với mục tiêu là 30,27 tỷ USD.
Trong giai đoạn, xuất khẩu hàng hóa một số ngành tiềm năng đã ghi nhận mức tăng trưởng dương. Xuất khẩu đay và hàng đay tăng 22,94% so với cùng kỳ năm trước, đạt 953,57 triệu USD cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ nhu cầu cao từ người mua sau một vài năm. Xuất khẩu thảm tăng 41,86% đạt 25,62 triệu USD, nông sản tăng 3,43% đạt 746,72 triệu USD, dược phẩm 12,04% lên 119,01 triệu USD và hàng dệt gia dụng (home textile) 41,5% lên 846,45 triệu USD.
Một số ngành hàng, trong thời kỳ này, hoạt động kém. Ví dụ, cá đông lạnh và cá tươi giảm 8,66% xuống 367,74 triệu USD, khăn bông giảm 4,49% xuống 28,69 triệu USD, khăn đội đầu/mũ giảm 3,3% xuống 160,82 triệu USD và gốm sứ giảm 8,87% xuống 22,71 triệu USD.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)