Báo Mỹ: Thị trường bất động sản Việt Nam còn “nóng” trong thời gian tới

0
55
(Internet)

Danh sách thành tích của Việt Nam trong năm qua rất đáng chú ý trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn trên toàn cầu. Đây là những tiền đề để thị trường bất động sản Việt Nam phát triển mạnh trong những năm gần đây.

(ảnh minh hoạ)

Trang Forbes của Mỹ ngày 5/4 đăng bài nhận định thị trường bất động sản Việt Nam sẽ tiếp tục “nóng” trong thời gian tới.

Danh sách thành tích của Việt Nam trong năm qua rất đáng chú ý trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn trên toàn cầu. Việt Nam “dập dịch” thành công đáng kinh ngạc và vượt qua tất cả các đối thủ châu Á về kinh tế khi đạt mức tăng trưởng GDP 2,9%, trong khi hai nước láng giềng là Thái Lan và Malaysia lần lượt giảm 6,1% và 5,6% vào năm 2020. Đây là những tiền đề để thị trường bất động sản Việt Nam phát triển mạnh trong những năm gần đây.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục dẫn đến giá bất động sản tăng vọt. Thị trường bất động sản Việt Nam chứng tỏ khả năng phục hồi ngay cả trong thời kỳ đại dịch, khi cả khu vực công nghiệp và khu vực dân cư đều dẫn đầu.

“Ngôi sao” của thị trường bất động sản Việt Nam là khu vực công nghiệp, vốn được hưởng lợi từ sự bùng nổ sản xuất. Trong những năm gần đây, các công ty lớn như Nike, Adidas và Samsung đã chuyển hoạt động ra khỏi Trung Quốc và đầu tư vào Việt Nam do chi phí sản xuất ở Trung Quốc ngày càng tăng và chiến tranh thương mại Mỹ-Trung chưa giảm nhiệt.

Các số liệu thương mại là minh chứng cho sự thay đổi này. Từ năm 2010 đến năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng 435%. Theo Cushman & Wakefield, thị trường cũng “phản ứng” với nhu cầu sản xuất gia tăng, khi giá thuê đất công nghiệp tại Tp. Hồ Chí Minh tăng 9,0% vào năm 2019 và thêm 10,6% vào năm đại dịch 2020.

Thị trường nhà ở của Việt Nam cũng chứng kiến sự tăng trưởng chưa từng có trong những năm gần đây do người dân trong nước hạn chế lựa chọn đầu tư ngoài thị trường nhà ở, nhu cầu căn hộ đã vượt quá nguồn cung, với nhiều dự án mới được bán hết ngay sau khi mở bán.

Theo Cushman & Wakefield, giá căn hộ tại Tp.HCM tăng đột biến, 90% trong ba năm từ 2017 đến 2020, gồm cả năm 2020 là 12,8%. Trong khi nhu cầu từ các nhà đầu tư nước ngoài là một trong những yếu tố thúc đẩy thị trường, thì phần lớn sự tăng trưởng đến từ người dân Việt Nam (người nước ngoài chỉ được phép sở hữu tối đa 30% tổng số căn hộ). Do đó, bước tiến kinh tế của đất nước cùng với tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng nhanh chóng là những động lực thúc đẩy nhu cầu chính cho thị trường nhà ở đang mở rộng, với ít dấu hiệu cho thấy sự suy giảm sẽ xảy ra trong nay mai.

Trên khắp thế giới, thị trường cho thuê văn phòng bị ảnh hưởng do xu hướng làm việc tại nhà và các công ty tiếp tục đánh giá các mô hình làm việc linh hoạt. Theo Cushman & Wakefield, bất chấp những khó khăn, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã thúc đẩy giá thuê văn phòng ở Tp.HCM tăng 1,7% vào năm 2020, trong khi các thành phố lân cận như Bangkok, Singapore và Hong Kong đều chứng kiến giá thuê văn phòng giảm vào năm 2020.

Do tương lai thị trường cho thuê văn phòng trên toàn thế giới nói chung vẫn chưa chắc chắn, thói quen làm việc văn phòng ở Việt Nam dường như sẽ ít thay đổi do thời gian phong tỏa ngắn cũng như cơ sở hạ tầng công nghệ hạn chế.

Giống như phần còn lại của thế giới, năm 2020 là năm “thất bát” của thị trường khách sạn Việt Nam, với công suất thuê dao động từ 20-30% trong phần lớn thời gian của năm. Dù sự phục hồi dự kiến sẽ diễn ra từ từ, song triển vọng vẫn mạnh mẽ do ngành du lịch Việt Nam phát triển “bùng nổ” trước đại dịch. Lượng khách quốc tế tăng từ 3,8 triệu lượt khách trong năm 2009 lên hơn 18 triệu lượt khách vào năm 2019, do kinh tế  phát triển dẫn đến việc gia tăng du lịch công tác trong khi Việt Nam đồng thời trở thành điểm đến nghỉ dưỡng yêu thích của người nước ngoài. Chính phủ Việt Nam đang khuyến khích sự tăng trưởng này bằng cách đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng du lịch: xây dựng sân bay thứ hai ở TP.HCM với tổng vốn đầu tư 4,7 tỷ USD, trong khi Đà Nẵng mở nhà ga quốc tế mới vào năm 2017. Gần đây, Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội đề nghị thành phố bắt đầu chuẩn bị xây dựng sân bay thứ hai để đáp ứng nhu cầu đi lại tăng lên trong thập kỷ tới.

Việt Nam được kỳ vọng sẽ là điểm đến thuận lợi cho đầu tư trong tương lai, và sự quan tâm từ các nhà đầu tư tổ chức đã thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam tăng 75% từ năm 2014 đến năm 2019.

Những thực tế này khẳng định Việt Nam vẫn là thị trường đang phát triển, song điều này không làm nản lòng các nhà đầu tư tin tưởng vào triển vọng dài hạn của đất nước. Với việc chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% vào năm 2021, thị trường bất động sản của Việt Nam đã sẵn sàng để bắt kịp xu hướng của nền kinh tế trong tương lai.

Thu Hằng

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here