Tin Kinh tế Bangladesh

0
175
(Internet)
(Internet)

1. Kinh tế: Chính phủ Bangladesh chuẩn bị lộ trình để ra khỏi LDC suôn sẻ

Chính phủ đã chuẩn bị một lộ trình với các chiến lược cụ thể theo ngành để giúp đất nước chuyển đổi suôn sẻ từ nhóm nước kém phát triển (LDC) sang nhóm nước đang phát triển. Cục Kinh tế Tổng hợp (GED) thuộc Ủy ban Kế hoạch đã chuẩn bị lộ trình với 13 khuyến nghị, cụ thể hóa các kế hoạch hành động cho các bộ ngành khác nhau.

Vào ngày 26/2/2021, UNDP đã khuyến nghị Bangladesh có thể ra khỏi nhóm LDC sau khi quốc gia này hội đủ điều kiện trong cả ba tiêu chí trong hai lần đánh giá liên tiếp. Bangladesh sẽ có 5 năm thay vì thông thường là 3 năm để chính thức rời khỏi nhóm LDC vào năm 2026, Liên hợp quốc cho thêm 2 năm do ảnh hưởng các cú sốc của đại dịch Covid-19. Thành viên GED, Tiến sĩ Shamsul Alam cho biết: “Nhận được đánh giá cuối cùng chắc chắn là một thành tựu tuyệt vời đối với chúng ta, nhưng Bangladesh phải đối mặt với một số thách thức sau khi ra khỏi LDC”.

Tiến sĩ Shamsul Alam cho biết GED đã đưa ra một bộ khuyến nghị “Ma trận Chính sách (Policy Matrix) để đối phó với việc ra khỏi LDC” để giúp đối mặt với những thách thức đó và theo ông, “Ngoài những thách thức, việc ra khỏi LDC cũng sẽ mang lại một số cơ hội cho đất nước, những cơ hội này phải được khai thác đúng cách với việc triển khai có kế hoạch”.

 Trong Tầm nhìn 2041, chính phủ đã đưa ra một số dự báo về tác động của việc thoát khỏi LDC. Kế hoạch dài hạn nói rằng xuất khẩu của Bangladesh sẽ chịu áp lực do mất các ưu đãi thương mại tại các thị trường xuất khẩu chủ chốt. Nước này ước tính mất 11% kim ngạch xuất khẩu mỗi năm do không được hưởng ưu đãi thương mại ở EU, Canada, Australia, Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ, tổng thiệt hại về xuất khẩu có thể lên tới 7 tỷ đô la.

Bên cạnh đó, quốc gia này sẽ phải đối mặt với những trở ngại lớn từ việc WTO ngừng một số ưu đãi thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là sẽ có những tác động trực tiếp đến ngành công nghiệp dược phẩm đang phát triển mạnh trong nước. Vì vậy, chính phủ đang nghiêm túc suy nghĩ về việc chuẩn bị cần thiết để đối mặt với những thách thức có thể xuất phát từ việc ra khỏi LDC.

Các đề xuất chính sách của GED, trong đó có chính sách doanh thu, chính sách tiền tệ, chính sách thương mại đến cải thiện điều kiện dễ dàng trong kinh doanh. GED đã nhấn mạnh Bộ Tài chính thực hiện chính sách thu ngân sách theo kế hoạch để nâng tỷ lệ thuế trong GDP lên 10% trong năm tài chính này và 15% vào năm 2031 với thâm hụt thu ngân sách dưới 5% GDP.

Trong lĩnh vực ngân hàng, Ngân hàng trung ương phối hợp với Bộ Tài chính phải thực hiện chính sách tiền tệ có lưu ý đến tăng trưởng và lạm phát để tỷ lệ lạm phát duy trì dưới 5% cho đến năm 2031. Quản lý tỷ giá hối đoái phải được đơn giản hóa và các khoản vay nước ngoài nên tập trung vào mức độ cần thiết và không được vượt quá 15% GDP hoặc 10% xuất khẩu và kiều hối. GED đã đề xuất tăng cường giám sát trong lĩnh vực tài chính để hợp lý hóa lĩnh vực ngân hàng trong khi cắt giảm tổng khối lượng nợ xấu (non-performing loans) xuống 7% trong năm tài chính này.

Bộ Thương mại và NBR phải làm việc cùng nhau để loại bỏ các chính sách thương mại cản trở xuất khẩu. Họ phải tránh xa các ưu đãi trong hỗ trợ xuất khẩu và bảo vệ một số ngành nghề. Tổ chức tư vấn công hàng đầu này đã đề xuất xây dựng một chiến lược nhằm thực hiện chính sách công nghiệp và thương mại dài hạn của chính phủ để khuyến khích đầu tư tư nhân và giúp tăng xuất khẩu. Đối với điều này, Bộ Thương mại, Bộ Công nghiệp và NBR phải chuẩn bị chiến lược thương mại và công nghiệp hóa vào năm nay và thực hiện vào năm 2022. Bộ Thương mại phải thực hiện một số sáng kiến để cải thiện kỹ năng thương mại của đất nước. Bộ phải cố gắng ký kết các thỏa thuận thương mại song phương như các FTA với các nước khác nhau. Theo khuyến nghị của GED, Bộ Thương mại phải hoàn thành và gửi các đề xuất FTA tới 23 quốc gia lớn vào năm 2023, trong khi ít nhất hai FTA phải có hiệu lực. Bộ Thương mại cũng sẽ chuẩn bị một kế hoạch hành động để tăng thị phần của Bangladesh trong thương mại toàn cầu sau khi ra khỏi LDC.

Bên cạnh đó, một kế hoạch hành động phải được xây dựng và thực hiện để cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước để quốc gia này vươn lên vị trí thứ 75 trong chỉ số Dễ dàng kinh doanh của Ngân hàng Thế giới vào năm 2024 từ vị trí 176 năm 2019.

Bộ Tài chính, BIDA và Ngân hàng Trung ương Bangladesh phải làm việc cùng nhau để nâng mức đầu tư tư nhân lên 29% GDP vào năm 2025 và 32% vào năm 2031. Và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) phải được nâng lên 10 tỷ USD vào năm 2022.

Lộ trình cũng nhấn mạnh đến việc cải thiện các chính sách liên quan đến năng lượng, điện và giao thông. GED cũng kêu gọi triển khai nhanh các dự án trong lĩnh vực giao thông, hoàn thành kịp thời các dự án quan trọng, phủ điện hoàn toàn vào năm 2022 và tăng cường các chương trình PPP. Với các sáng kiến này, chính phủ tìm cách nhảy lên vị trí thứ 60 về Logistic Performance Index của Ngân hàng Thế giới vào năm 2031.

Để nâng cao kỹ năng lao động, GED nhấn mạnh tăng ngân sách giáo dục lên 3,5% GDP vào năm 2031 để tăng đầu tư công cho giáo dục nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Và cũng đặt vấn đề về các chính sách và kế hoạch hành động cụ thể để cải tiến công nghệ và tạo thêm việc làm đồng bộ với công nghệ.

2. Các dự án do Ấn Độ tài trợ có tiến độ chậm

Kể từ năm 2010, Ấn Độ đã giải ngân 10,03% trong số 7,36 tỷ USD cam kết cho vay. Cho đến nay, 46 dự án đã được thực hiện theo 3 Hạn mức tín dụng (LoC) của Ấn Độ, trong đó 14 dự án liên quan đến mua xe buýt, xe tải và các phương tiện khác đã được hoàn thành. 32 dự án còn lại đang chậm tiến độ và chi phí tăng.

Trong LoC đầu tiên, gồm 862 triệu USD, 12 trong số 15 dự án đã được hoàn thành. 2 trong số 15 dự án thuộc LoC thứ hai, tổng trị giá 2 tỷ USD, đã được thực hiện. Trong khi đó, không có dự án nào trong số 16 dự án thuộc LoC thứ ba, trị giá 4,5 tỷ USD, hoàn thành.

Để giải quyết các vấn đề, Cục Quan hệ Kinh tế (ERD) tổ chức các cuộc họp thường xuyên với các bộ chủ quản và các nhà thầu Ấn Độ, nhưng tốc độ thực hiện rất chậm.

Các quan chức của các bộ liên quan và ERD đã đổ lỗi cho nạn quan liêu, các điều khoản của LoC, thiếu kinh nghiệm, thiếu kế hoạch và triển khai quá nhiều dự án gây ra sự chậm trễ.

Ahsan H Mansur, Giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu Chính sách cho biết: “Ấn Độ không có kinh nghiệm trong việc cung cấp các khoản vay lớn cho bất kỳ quốc gia nào ngoài Bangladesh”. Bên cạnh đó, các quan chức Ấn Độ muốn xử lý vấn đề một cách rất thận trọng, điều này gây ra trì trệ.

Mustafizur Rahman, một thành viên của Trung tâm Đối thoại Chính sách, nói rằng việc hoàn thành các thủ tục theo quy định trước khi thực hiện các dự án LoC của Ấn Độ là rất tốn thời gian, xuất phát từ cả hai phía. Theo các quan chức ERD, quá trình phê duyệt thực hiện dự án đối với Ấn Độ khác với các đối tác phát triển khác. Ví dụ, đối với các dự án được tài trợ bởi các bên cho vay song phương và đa phương, bao gồm Trung Quốc, Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á, phải có sự chấp thuận của Ủy ban Điều hành của Hội đồng Kinh tế Quốc gia (Ecnec) trước khi các thỏa thuận cho vay được ký kết. Tuy nhiên, Ấn Độ công bố cam kết tài trợ trước khi hoàn thiện danh sách dự án. Kế hoạch chi tiết dự án, nghiên cứu khả thi, và phê duyệt từ Ecnec được thực hiện sau.

Việc thực hiện dự án ở Bangladesh thường gặp phải sự chậm trễ ở cấp thực hiện. Bên cạnh đó, trong mỗi giai đoạn của một dự án, phía Bangladesh cần phải có sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền của Ấn Độ. Theo các điều kiện mua sắm của Ấn Độ, ít nhất 75% hàng hóa và dịch vụ cần thiết cho một dự án phải được mua từ Ấn Độ. Điều kiện này đã được nới lỏng tối đa là 65%. Các đơn vị thực hiện cho rằng điều kiện như vậy là một trong những trở ngại lớn khiến dự án chậm. Một quan chức ERD cho biết họ đang đàm phán với phía Ấn Độ để nới lỏng các điều kiện.

3. Việt Nam vượt Bangladesh về hàng may mặc

Số lượng áo thun của Việt Nam được bán ở Hoa Kỳ hoặc Liên minh Châu Âu (EU) đã vượt qua Bangladesh, mà vẫn giữ được giá xuất khẩu cao gấp hai lần.

Trong một nghiên cứu của Trung tâm Đối thoại Chính sách (CPD) vào tháng trước về thị trường EU năm 2020, Việt Nam đã thu về 2.157,90 USD cho mỗi 100 kg áo thun, trong khi Bangladesh chỉ thu về 1.091,50 USD. Hồi 2019, giá trị lần lượt là 2.099,70 USD và 1.097,50 USD. Câu chuyện tương tự cũng lặp lại ở Mỹ, một điểm đến xuất khẩu lớn khác của cả hai quốc gia.

Nguyên nhân dễ thấy nhất là chất lượng vải Việt Nam về cơ bản tốt hơn đáng kể và một bộ phận người dân có sở thích sử dụng các sản phẩm cao cấp. Khondaker Golam Moazzem, giám đốc nghiên cứu của CPD, cho biết việc sử dụng vải chất lượng cao hơn giúp các nhà sản xuất Việt Nam có giá tốt hơn từ người mua. Thêm vào đó, Việt Nam có nhiều thương hiệu và nhà bán lẻ sản phẩm cao cấp hơn.

Mặc dù Việt Nam là nước đến sau trong lĩnh vực hàng may mặc toàn cầu, nhưng Việt Nam đã nhanh chóng trở thành đối thủ lớn do vị trí địa lý gần với Trung Quốc, quốc gia dẫn đầu toàn cầu trong lĩnh vực kinh doanh hàng may mặc. Việt Nam có thời gian giao hàng thấp hơn, cho phép vận chuyển hàng may mặc sang EU trong 30 ngày, trong khi Bangladesh phải mất 90 ngày.

Ông AK Azad, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Ha-Meem, một trong những nhà xuất khẩu hàng may mặc hàng đầu trong nước, cho biết thành công hiện tại của Việt Nam sẽ càng được củng cố do xu hướng chuyển dịch đầu tư khỏi Trung Quốc.

Ông Azad cũng cho biết các nhà cung cấp hàng may mặc của Bangladesh gặp khó khăn do thiếu cảng biển nước sâu. Có một cảng biển có thể làm giảm chi phí hoạt động kinh doanh và thời gian giao hàng.

KM Rezaul Hasanat, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Viyealx Group, một nhà xuất khẩu hàng may mặc hàng đầu khác, cho biết hình ảnh đất nước là một yếu tố rất quan trọng khi ấn định giá các mặt hàng may mặc. Hơn nữa, nhiều đơn vị sản xuất hàng may mặc cao cấp của Trung Quốc đã chuyển đến Việt Nam, điều này đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo giá cao hơn cho hàng may mặc Việt Nam.

Việt Nam có thế mạnh về sản xuất áo khoác ngoài cho người dân sống ở vùng có khí hậu lạnh, cùng với áo blazer chất lượng cao, áo sơ mi và quần tây dệt thoi ở thị trường EU và Hoa Kỳ. Thế mạnh của Bangladesh nằm ở năng lực sản xuất các mặt hàng may mặc cơ bản như áo phông và quần tây, mặc dù hiện nay nước này đang dần chuyển hướng sang các mặt hàng cao cấp có giá trị gia tăng.

Giám đốc quốc gia của một tập đoàn bán lẻ khổng lồ châu Âu tại Bangladesh cho biết Việt Nam sản xuất các sản phẩm có thể được coi là phức tạp khi đưa chúng vào dây chuyền sản xuất hàng loạt. Và giá các mặt hàng may mặc phức tạp sẽ cao hơn các mặt hàng cơ bản của Bangladesh. Ông nói: “Bangladesh chỉ có 8 nhà máy sản xuất áo blazer, trong khi ở Việt Nam, con số này là vô số.

Ông cho biết Việt Nam cũng sản xuất rất nhiều quần áo thể thao và giá của chúng rất cao. Do đó, giá trung bình của các mặt hàng may mặc Việt Nam ở mức cao. Hầu hết các thương hiệu và nhà bán lẻ quần áo thể thao nổi tiếng toàn cầu đều tìm nguồn sản phẩm từ Việt Nam, trong khi Bangladesh vẫn được coi là nhà cung cấp thứ cấp.

Kazi Iqbal, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Phát triển Bangladesh cho biết Bangladesh có các nhà máy làm tăng giá trị cho sản phẩm và tận dụng mức giá cao hơn từ các thương hiệu và nhà bán lẻ nổi tiếng, nhưng sản lượng thấp. Việt Nam xuất khẩu một khối lượng lớn các mặt hàng may mặc cao cấp cho các thương hiệu, do họ có năng lực. Hơn nữa, nhiều công ty nước ngoài tại Việt Nam đang sản xuất các sản phẩm như vậy.

Rubana Huq, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh (BGMEA), cho biết Bangladesh tụt hậu trong sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng. “Chúng ta vẫn tập trung vào sợi cotton và không đa dạng hóa các sản phẩm làm từ sợi nhân tạo”. Với chi phí sản xuất ngày càng tăng (tăng 30% trong 5 năm qua), Bangladesh không thể cạnh tranh với Việt Nam, quốc gia xếp thứ 70 trong số 190 quốc gia trong Chỉ số Dễ kinh doanh mới nhất. Mặc dù tăng 8 bậc, Bangladesh xếp thứ 168.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here