Nhiều người nghĩ, Samsung chỉ tập trung sản xuất tại Việt Nam, nhưng từ lâu, Việt Nam đã là cứ điểm về nghiên cứu và phát triển (R&D) của tập đoàn này và đang tiếp tục đầu tư mở rộng.
Từ một “phần hồn” bí mật
Với 3 tổ hợp công nghệ cao tại Bắc Ninh, Thái Nguyên, TP.HCM, quy mô vốn đầu tư 17,5 tỷ USD và đã được giải ngân hết,Samsung biến Việt Nam trở thành “cứ điểm” sản xuất của Tập đoàn trên toàn cầu. Nhưng không chỉ thế, ông lớn công nghệ này còn đang từng bước đưa Việt Nam trở thành cứ điểm về R&D.
Thực tế, không phải tới bây giờ, khi quyết định xây dựng Trung tâm R&D lớn nhất khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội, Samsung mới thực hiện các hoạt động R&D tại Việt Nam, mà phần việc quan trọng này đã được bắt đầu từ khi nhà máy sản xuất điện thoại di động đầu tiên của Samsung đi vào hoạt động tại Bắc Ninh năm 2009.
Sau đó, năm 2012, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển điện thoại di động Samsung Việt Nam (Samsung Vietnam Mobile R&D Center – SVMC) chính được được thành lập, với sứ mệnh R&D, cung cấp phần mềm cho các sản phẩm điện thoại của Samsung và cả phần mềm cho các nhà cung cấp dịch vụ mạng LTE tại khu vực Đông Nam Á.
Từ khi ra “ở riêng”, SVMC đã không ngừng lớn mạnh. Bằng chứng là, nếu như trước đây, chỉ được giao nâng cấp phần mềm, thì nay đã được làm toàn bộ dự án. Hơn thế, nếu trước đây, SVMC chỉ được giao làm dự án cho các dòng điện thoại cấp thấp, thì nay là dự án cho các dòng điện thoại tầm trung, thậm chí còn tham gia vào một số dự án cho dòng flagship.
Hiện tại, SVMC đảm nhận việc nghiên cứu và phát triển dòng điện thoại A tại thị trường Đông Nam Á và một số dự án thương mại hóa sản phẩm tại thị trường Australia, New Zealand, châu Âu/CIS… Bên cạnh đó, SVMC cũng chịu trách nhiệm kiểm chứng các thiết bị về mạng 5G.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, các kỹ sư của SVMC nhiều lần cho biết, những sản phẩm của Samsung được sản xuất ra, dù đẹp đến mấy, hoàn hảo đến mấy cũng chỉ là “phần xác”. Để sản phẩm đó có thể hoạt động được, mang đến những trải nghiệm tuyệt vời cho người dùng, thì cần có hệ điều hành, có các nền tảng phần mềm, có các ứng dụng… Các trung tâm R&D của Samsung trên khắp thế giới, trong đó có SVMC đóng vai trò “thổi hồn”, mang lại sức sống cho các sản phẩm đó.
Đến cứ điểm R&D toàn cầu
Ở Việt Nam, Samsung không chỉ có SVMC thực hiện các hoạt động R&D. Mỗi dự án, mỗi nhà máy của Samsung đều có hoạt động R&D riêng.
Chẳng hạn, sau khi đưa Tổ hợp Samsung HCMC CE Complex (SEHC) ở TP.HCM đi vào hoạt động, Samsung cũng chính thức mở cửa Trung tâm R&D chiến lược về các sản phẩm điện tử dân dụng (SHRC) vào tháng 7/2017. Trung tâm này có vai trò chính là nơi nghiên cứu các sản phẩm như TV/màn hình tivi, máy giặt, tủ lạnh, máy hút bụi.
Sau này, cùng với việc mở rộng các hoạt động sản xuất, trung tâm này cũng bổ sung việc nghiên cứu phần mềm, tự động hóa, đảm bảo chất lượng (QA), khuôn mẫu…
Trong khi đó, Công ty Samsung SDS lại đang vận hành một trung tâm R&D (SDS R&D Vietnam – SDSRV) với trọng tâm là nghiên cứu lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu. Công ty SDS cũng có nhiều dự án hợp tác chiến lược với một trong những tập đoàn công nghệ tiêu biểu của Việt Nam là Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC.
Còn Samsung Display Vietnam (SDV), nhà máy có vốn đầu tư lớn nhất của Samsung tại Việt Nam, trên 7 tỷ USD, tuy không xây dựng một trung tâm R&D riêng, nhưng lại thực hiện nhiều chương trình phát triển nhân tài, như liên kết đào tạo tại nước ngoài, xây dựng khóa thạc sỹ kỹ thuật… để có nguồn nhân lực chất lượng cao cho các hoạt động nghiên cứu liên quan đến công nghệ tiên tiến về màn hình.
Và giờ đây, Samsung đang tập trung xây dựng trung tâm R&D tại Hà Nội. “Với việc đưa vào vận hành trung tâm R&D mới, Việt Nam sẽ không chỉ là cứ điểm sản xuất lớn nhất của Samsung, mà còn là trung tâm chiến lược về R&D của Tập đoàn”, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam nói.
Trên thực tế, Việt Nam từ lâu đã thực sự là cứ điểm R&D của Samsung trên toàn cầu. Chỉ là giờ đây, Samsung lần đầu tiên xây dựng một tòa nhà riêng ở nước ngoài để chuyển các hoạt động R&D về đây và mở rộng quy mô lên 3.000 người.
Ngoài các nghiên cứu về sản phẩm như điện thoại, máy tính bảng, máy tính xách tay…, đây còn là nơi được kỳ vọng sẽ nghiên cứu các công nghệ mới trong tương lai. Hơn thế nữa, vấn đề không chỉ là khoản vốn 220 triệu USD mà Samsung bỏ ra để xây dựng trung tâm R&D, mà là ngân khoản mà tập đoàn này bỏ ra hàng năm để đầu tư cho các hoạt động R&D.
Hiện Samsung là một trong những tập đoàn “bạo chi” nhất thế giới cho R&D. 9 tháng năm 2020, con số này là 14,4 tỷ USD. Chỉ một phần trong số này được “dốc” ở Việt Nam, thì đã là một con số không nhỏ, và chắc chắn sẽ có tác động tới kinh tế – xã hội Việt Nam, nhất là trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.
(Hà Nguyễn/baodautu.vn)