Nhờ chủ động liên kết với nhau để những vườn chanh nhỏ kết thành những cánh đồng lớn hàng chục ha, có sản lượng ổn định, được quản lý điều tiết sản lượng, chất lượng theo quy trình GlobalGAP, VietGAP…nên chanh xuất khẩu ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Chanh Việt Nam đang trở thành mặt hàng xuất khẩu được nhiều thị trường quốc tế như Mỹ, Nhật Bản, Na Uy, Liên minh châu Âu (EU), Canada, New Zealand…ưa chuộng.
Anh Trần Văn Năm, một nông hộ trồng chanh ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An cho biết, Chanh của nhà anh và nhiều nông dân khác đang được Công ty Chanh Việt, Long An, bao tiêu để xuất sang nhiều thị trường lớn.
Theo anh Năm, nông dân trên địa bàn tỉnh Long An từ nhiều năm trước chủ động liên kết với nhau để những vườn chanh nhỏ kết thành những cánh đồng lớn hàng chục ha, có sản lượng ổn định, được quản lý điều tiết sản lượng, chất lượng theo quy trình GlobalGAP, VietGAP… Nhờ vậy mà chanh xuất khẩu ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Nguyễn Văn Hiển Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại và đầu tư Chanh Việt (CHAVI) cho biết, chanh tươi thu hoạch về sẽ được sơ chế đóng gói xuất tươi. Số còn lại được chế biến ra khoảng 50 loại sản phẩm khác, như: bột chanh hoa tan, chanh tẩm mật ong, trà chanh… rồi xuất khẩu. Trung bình mỗi tháng công ty xuất khoảng gần 10 tấn chanh tươi sang một số thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản… Ngay những ngày cuối năm 2022, công ty có thêm đơn hàng mới sang Trung Quốc, Na Uy và mở rộng thêm thị trường Trung Đông.
Ông Hiển chia sẻ, chanh được giá và có thị trường ổn định là tín hiệu vui cho doanh nghiệp và nông dân. Mặc dù chanh tươi và các sản phẩm từ chanh đang chịu sự cạnh tranh rất lớn, nhưng với sự đầu tư và nâng cao ý thức canh tác của nông dân nên chanh Long An vẫn có chỗ đứng riêng.
Tiềm năng của trái chanh xuất khẩu Việt Nam cũng được Thủ tướng Jacinda Ardern ghi nhận khi tham dự lễ công bố xuất khẩu quả chanh tươi và bưởi của Việt Nam sang New Zealand bên lề chuyến thăm chính thức tới Việt Nam vào tháng 11 vừa qua. Thủ tướng Jacinda Ardern chia sẻ, sẽ có rất nhiều người New Zealand vui mừng vì giờ đây họ có chanh ăn quanh năm khi Việt Nam cung cấp loại quả này vào thời điểm trái mùa. Bưởi và chanh là những trái cây có khả năng xuất khẩu thứ 4 và thứ 5 của Việt Nam sang New Zealand sau xoài, thanh long và chôm chôm.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khuyến nghị, yêu cầu nhập khẩu hàng hóa tại các thị trường như EU, Trung Quốc, Nhật Bản đang ngày càng nghiêm ngặt. Để có thể thuận lợi xuất khẩu chanh, doanh nghiệp xuất khẩu cần quan tâm đến những tiêu chuẩn dưới đây:
Đảm bảo an toàn thực phẩm
Các doanh nghiệp cần đảm bảo chất lượng cũng như độ an toàn của chanh tươi xuất khẩu. Mọi nguy cơ tiềm ẩn như ô nhiễm nguồn nước hay vi sinh vật gây hại đều phải được giải quyết triệt để. Nhiều quốc gia không cho phép sử dụng chất bảo vệ thực vật hay chất bảo quản sinh học. Doanh nghiệp cần nghiên cứu những loại hóa chất được đăng ký sử dụng tại nước nhập khẩu và tuân thủ nghiêm túc.
Tiêu chuẩn về nguồn gốc sản phẩm
Chanh tươi xuất khẩu phải được canh tác tại các vùng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP. Trong đó VietGAP là các quy định về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho các sản phẩm nông nghiệp tại Việt Nam. Chanh tươi được trồng theo tiêu chuẩn này sẽ không có hóa chất nhiễm khuẩn hoặc ô nhiễm vật lý khi thu hoạch.
Còn tiêu chuẩn GlobalGAP có thể hiểu là thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trên toàn cầu. Nông sản được canh tác theo tiêu chuẩn GlobalGAP sẽ được giám sát chất lượng và an toàn thực phẩm từ giống cây trồng, các nguyên liệu đầu vào đến quá trình sản xuất, thu hoạch, xử lý, vận chuyển và bảo quản. Nông sản có chứng nhận tiêu chuẩn GlobalGAP sẽ được thừa nhận trên quy mô toàn cầu, từ đó dễ dàng thuyết phục được các nhà phân phối lớn và thâm nhập các thị trường khó tính.
Các nước phát triển rất quan tâm đến các công đoạn sản xuất, chế biến và phân phối sản phẩm. Do vậy trước khi xuất khẩu, chanh sẽ được gắn tem truy xuất. Loại tem này cho phép người tiêu dùng xác định nguồn gốc, đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Quy định về đóng gói sản phẩm
Để đảm bảo chanh tươi không bị dập nát hay hư hại trong quá trình vận chuyển thì việc đóng gói rất quan trọng. Bao bì đóng gói để xuất khẩu chanh tươi thường là thùng carton. Chúng có khả năng phân hủy tốt, thân thiện với môi trường và sức khỏe người dùng. Sản phẩm chanh tươi sẽ được đóng gói và làm lạnh trong suốt thời gian vận chuyển.
Ngọc Hà