Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm, giảm thủ tục hành chính, thời gian, giảm chi phí cho doanh nghiệp,….
Thông tin trên được đưa ra tại Diễn đàn “Chuyển đổi số trong doanh nghiệp: Tư duy và hành động mới” diễn ra chiều 28/12, tại Hà Nội.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng cho biết, trong những năm qua, nhờ cơ chế khuyến khích theo Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Ngày 22/4, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 505/QĐ-TTg lấy ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Năm 2022 cũng là năm đầu tiên Ngày Chuyển đổi số quốc gia được tổ chức.
Ông Hoàng Quang Phòng nhận định: “Điều đó cho thấy, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm, giảm thủ tục hành chính, thời gian, giảm chi phí cho doanh nghiệp…”
Hiện tại, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt doanh nghiêp vừa và nhỏ đã quan tâm đến chuyển đổi số. Nhiều doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số và đạt được nhiều thành công.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch VCCI nhận thấy, thực tế một số lượng lớn các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến chiều sâu trong chuyển đổi số. Trong khi đó, chiều sâu của chuyển đổi số là đánh giá mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp chi tiết theo tiêu chí khoa học, rõ ràng từ đó có những thay đổi, chiến lược, kế hoạch phát triển phù hợp.
Về phía doanh nghiệp, Giám đốc phát triển đối tác Công ty TNHH Cốc Cốc Trần Đức Quyết cho biết, trong quá trình chuyển đổi số, doanh nghiệp số là thành phần quan trọng nhưng không thể thiếu người dùng số.
Theo đó, ông Trần Đức Quyết đặt vấn đề người dùng số đang có hành vi trực tuyến ra sao? Với thế hệ Gen Z – thế hệ đa nhiệm, đa tác dụng và đa chức năng. Theo khảo sát của Cốc Cốc, có tới 62% người dùng của thế hệ này đang dùng đa thiết bị với những vai trò khác nhau như với điện thoại, máy tính… Bên cạnh đó, có tới 47% người dùng số đang mua sắm online và thanh toán phi tiền mặt.
Ông Trần Đức Quyết tiết lộ: “Điều này đặt ra yêu cầu doanh nghiệp cần có phương án tiếp cận đối tượng người dùng số trên không gian này. Đánh giá của Cốccốc trên 9 ngành hàng cho thấy, kênh quảng cáo trực tuyến được đánh giá là điểm chạm truyền thông số 1”.
Thời gian tới, để doanh nghiệp chuyển đối số thành công một cách thực chất, ông Nguyễn Trọng Đường – Chuyên gia Chuyển đổi số (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, doanh nghiệp cần phải biết mình ở đâu. Trên thực tế, các doanh nghiệp vẫn còn ngại vào Cổng Thông tin đánh giá mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp (Cổng DBI) để đo lường mức độ chuyển đổi số.
Chuyên gia Nguyễn Trọng Đường thông tin, các doanh nghiệp có thể gửi kết quả tự đo lường cho Bộ Thông tin và Truyền thông để có thể đánh giá sát sao hơn, từ đó xây dựng lộ trình phù hợp để biết được mức độ ưu tiên chuyển đổi số với doanh nghiệp mình.
Đồng thời, cần có sự vào cuộc của lãnh đạo, hợp tác của các bên để tạo ra văn hóa, kỹ năng và kết nối. Đây là những nguyên tắc để triển khai đánh giá chuyển đổi số và thực hiện chuyển đổi số trong doanh nghiệp thành công.
Ông Nguyễn Trọng Đường kỳ vọng: “Trong ngắn hạn, tôi hy vọng sẽ có ngày càng nhiều doanh nghiệp quan tâm tham gia mạnh mẽ hơn trong việc đánh giá mức độ chuyển đổi số, để chuyển đổi số thực sự mang lại lợi ích cho doanh nghiệp”.
Gia Thành