Lĩnh vực số hóa của kinh tế thế giới đang phát triển hết sức mạnh mẽ buộc các nước phải xem xét lại các quy định về thuế khóa hiện hành. Tại OECD, hơn 100 nước vừa cùng nhau cam kết từ nay đến năm 2020 đạt được thỏa thuận tổng thể về cải cách thuế khóa thế giới, theo đó tập đoàn kỹ thuật số lớn như GAFAM (Google, Apple , Facebook, Amazon và Microsoft) của Mỹ và BATX (Baidu, Alibaba Tencent và Xiaomi) của Trung Quốc sẽ không còn có thể chỉ đóng thuế quá ít như hiện nay (trong năm 2017, Facebook đã chỉ phải đóng thuế tại Anh 7,4 triệu bảng trong tổng doanh số 1,7 tỷ bảng).
Từ nay đến tháng 5/2019, hơn 100 nước nói trên, thông qua OECD, sẽ xây dựng xong chương trình làm việc chi tiết cho kế hoạch cải cách thuế này. Tuy nhiên vẫn còn nhiều quan điểm bất đồng đáng kể giữa các nước. Chẳng hạn, Anh đề xuất chỉ tập trung vào đánh thuế duy nhất các doanh nghiệp trong lĩnh vực internet và muốn hình thành một loại thuế về dữ liệu. Theo Luân Đôn, hệ thống thuế hiện nay không hề tính đến việc những người sử dụng internet tạo ra giá trị, tức chưa đánh thuế dữ liệu. Nhưng theo OECD, «mọi kế hoạch mà tách kinh tế số khỏi kinh tế thế giới sẽ rất phức tạp, thậm chí không thể thực hiện». Trong khi đó, Mỹ muốn cải cách thuế một cách rộng rãi. Theo Washington, cần phải đánh thuế lợi nhuận trên các thị trường có tài sản và dịch vụ được bán. Đề xuất này không chỉ liên quan tới các công ty khổng lồ về internet mà cả toàn bộ các công ty đa quốc gia vì các công ty nay được số hóa rất mạnh. Đề xuất của Mỹ không được một số nước châu Âu ủng hộ, đi đầu là Đức. Nước này hiện có thặng dư thương mại khổng lồ lo ngại sẽ bị mất đi một phần nguồn thu từ thuế để rơi vào tay các nước khác như Trung Quốc và Mỹ. Về phần mình, Pháp cùng với Đức đề xuất thực hiện mức thuế tối thiểu toàn cầu và đã được cuộc họp của OECD ghi nhận. Theo đề xuất này, nếu một doanh nghiệp Đức chẳng hạn chịu mức thuế thấp hơn ở nước ngoài, thì cơ quan thuế của Đức sẽ truy thu phần chênh lệch còn lại.
Quá trình thảo luận để giúp quan điểm khác biệt giữa các nước xích lại gần nhau còn dài và kết quả cũng không chắc chắn. Trong khi chờ đợi, Pháp và nhiều nước châu Âu muốn nhanh chóng đánh thuế các tập đoàn lớn về số hóa. Riêng Pháp muốn thực hiện kế hoạch đánh thuế này trước mùa hè năm 2019./.
(ĐSQVN tại Pháp)