Kể từ năm 2017, thương mại thế giới đã trải qua thời kỳ giảm tốc – thường được viện dẫn là do các biện pháp bảo hộ của chính quyền Trump. Ở thời điểm này, khó có thể nói đó chỉ đơn thuần là giảm tốc theo chu kỳ. Trên thực tế, tình hình trên đã diễn ra hàng thập kỷ qua. Vào tháng 11/2008, G20 nhấn mạnh “việc sống còn là phải từ bỏ chủ nghĩa bảo hộ” để xóa đi mối lo ngại khủng hoảng tài chính. Tháng 12/2018, Donald Trump viết trên Twitter một cách đầy tự hào “Tôi là con người của thuế quan”. Tình hình trên không thể chỉ được giải thích bằng các quyết định của Trump, mà còn phản ánh “cuộc khủng hoảng hệ thống” trong thương mại quốc tế, đáng chú ý thông qua sự bế tắc của các cơ chế WTO.
Trên thực tế, cuộc khủng hoảng này sâu sắc hơn nhiều vì phản ánh việc chuyển đổi mô hình từ chủ nghĩa tự do mới sang chủ nghĩa tân trọng thương: Washington và Bắc Kinh để các trao đổi thương mại giữa hai nước phụ thuộc vào sự cạnh tranh chiến lược, cũng như chính sách thương mại phụ thuộc vào chính sách nước lớn của họ. Bằng cách phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và EU, một cuộc chiến có lẽ dễ bắt đầu hơn là giành chiến thắng, Trump buộc phải nhìn nhận lại về sự phụ thuộc lẫn nhau như Gaston Berger (1896-1960) đã nhắc nhở “đây không phải là quyết định của ý chí”.
Trong bối cảnh này, tất cả các kết nối trở nên nhạy cảm. Ngay cả khi các chi phí kết nối tiếp tục giảm, thông tin đang trở nên tối quan trọng khi nó tham gia vào các chuỗi giá trị xuyên quốc gia. Tính kết nối trở nên quyết định vì nó cho phép tích hợp các chức năng, từ thiết kế đến tiếp thị sản phẩm. Năm 2018, Trung Quốc đã vượt xa Mỹ về xuất khẩu hàng hóa ngược lại Mỹ lại vượt xa Trung Quốc về xuất khẩu dịch vụ. Thương mại đang làm thay đổi các nền tảng kỹ thuật số và làm xuất hiện các hình thức cạnh tranh và thống trị mới. Nếu không phản ứng phù hợp, châu Âu có nguy cơ để thị trường chung EU đơn thuần trở thành điểm gặp gỡ giữa nhu cầu của người tiêu dùng châu Âu và nguồn cung của các công ty Mỹ hoặc Trung Quốc. Đồng thời, đối với cả Mỹ và Trung Quốc, các biện hộ liên quan đến an ninh quốc gia sẽ thắng thế các quy tắc đa phương. Sự phát triển này có thể gây bất ổn cho EU, một cường quốc thương mại đơn thuần, đặc biệt là trong mối quan hệ với Trung Quốc.
Sự đan xen của công nghệ và thương mại sẽ không làm lu mờ tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng vật chất, đặc biệt là các cảng. Cần nhớ rằng, 87% giao dịch thương mại thế giới thông qua đường biển. Liên kết giữa các cảng và mạng lưới đường sắt đã trở thành một vấn đề cạnh tranh toàn cầu. Chi phí vận chuyển đang trở thành yếu tố quan trọng trong nhiều lĩnh vực hoạt động. Các nước Mỹ, Đức và Trung Quốc có các chính sách xây dựng cảng biển đầy tham vọng. Trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), Trung Quốc đang đầu tư vào các cảng ở khắp châu Âu chứ không chỉ khu vực Địa Trung Hải. Đầu tư của Trung Quốc vào Bồ Đào Nha hiện cho phép Trung Quốc có các cơ sở hậu cần ở khu vực Đại Tây Dương. Từ thế kỷ 16, người Bồ Đào Nha đã có sự hiện diện mạnh ở châu Á nhờ chính sách thương mại với chiến lược không chú trọng việc chinh phục lãnh thổ mà khống chế các điểm hậu cần để kiểm soát các hoạt động giao thương. Năm thế kỷ sau, Trung Quốc đang áp dụng một chiến lược tương tự. Việc này nên được hiểu là sự ngẫu nhiên hay dấu hiệu của việc lịch sử lặp lại?
Tương lai của thương mại không thể không tính đến sự phát triển của các yếu tố liên quan đến sức mạnh hàng hải bao gồm cơ sở hạ tầng, khả năng tiếp cận biển, nhưng, quan trọng nhất là tầm nhìn toàn cầu. Đây là vấn đề quan trọng đối với châu Âu trong bối cảnh sự bảo đảm an ninh của Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực hải quân, đang bị đặt dấu hỏi. Yếu tố “cường quốc biển Trung Quốc” là một yếu tố làm biến đổi thương mại quốc tế trong bốn thập kỷ qua và sẽ tăng tốc trong thời gian tới. Do đó, châu Âu phải chuẩn bị cho một nền thương mại thế giới ngày càng bị chi phối bởi yếu tố sức mạnh hàng hải. Điều này sẽ đánh dấu sự thay đổi cơ bản trong mối quan hệ của EU với thế giới.
(Nguồn: Tạp chí Etudes/Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp)