Chính thức khởi động vào tháng 1/2019, các cuộc đàm phán gây tranh cãi về thương mại điện tử tại WTO tiếp tục diễn ra, bất chấp đại dịch. Vào tháng 12/2020, các nhà đàm phán đã nhất trí đưa ra một văn bản hợp nhất mà nội dung đã bị rò rỉ trước đó. Nội dung này cho thấy những lo ngại ban đầu là có cơ sở: các nước phương Nam mất nhiều hơn được trong các cuộc đàm phán đang diễn ra hiện nay.
Khi WTO bầu người phụ nữ đầu tiên và cũng là người châu Phi đầu tiên vào vị trí Tổng Giám đốc, nhiều nhà quan sát đã nhấn mạnh quy mô và tính đa dạng của những thách thức đang ở phía trước. Trong số các thách thức này trước tiên phải kể đến các cuộc đàm phán gây tranh cãi về thương mại điện tử- được chính thức khởi động vào tháng 1/2019 bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos bởi một nhóm gồm 76 quốc gia (kể từ đó đến nay đã có thêm khoảng một chục quốc gia tham gia).
Các cuộc đàm phán này liên quan đến câu chuyện điều tiết một nền kinh tế trong đó công nghệ số ngày càng chiếm vị trí then chốt, nhất là trong bối cảnh đại dịch. Trong bối cảnh nền kinh tế số đem lại nhiều cơ hội, rủi ro cũng tăng theo tương ứng, đặc biệt đối với các quốc gia và người dân bị gạt ra ngoài lề.
Thiếu cơ sở pháp lý
Trước tiên, cần nhắc lại rằng việc tiến hành đàm phán là thiếu cơ sở xét trên phương diện pháp lý vì thông thường, bất kỳ đàm phán mới nào tại WTO đều phải có sự nhất trí của tất cả 164 quốc gia thành viên. Tuy nhiên, “Sáng kiến Chiến lược chung” về thương mại điện tử này lại không như vậy, khi các quốc gia như Ấn Độ và Nam Phi tiếp tục phản đối. Tổng cộng có 78 quốc gia thành viên WTO, tất cả đều là các nước đang phát triển hiện vẫn từ chối tham gia đàm phán. Bên cạnh việc thiếu cơ sở pháp lý rõ ràng, còn đặt ra vấn đề về tính chính danh của đàm phán. Ngược lại, tất cả các nước phát triển đều tham gia và thậm chí là tác nhân thúc đẩy đàm phán. Như (nhà phân tích) Rashmi Banga của UNCTAD báo cáo cụ thể: “Trong số 43 quốc gia đang phát triển là thành viên [sáng kiến], 30 quốc gia đã không đưa ra bất kỳ đề xuất nào về bất kỳ chủ đề nào trong đàm phán”.
Tình hình xuất phát từ thực tế nội dung văn bản đàm phán được đánh giá là rất bất lợi đối với các nước phương Nam, ít nhất nếu dựa trên văn bản hợp nhất mà các nhà đàm phán đã thống nhất vào tháng 12 năm ngoái. Văn bản này đến nay chỉ tập hợp các đề xuất khác nhau do các nước tham gia đề xuất, nhưng cũng đã cho thấy mức độ tiến triển và xác định khuôn khổ của thảo luận. Chí ít có thể nhận định khuôn khổ này đặt ra nhiều vấn đề đối với các nước phía Nam.
Quy mô lớn
Yếu tố đầu tiên đó là phạm vi đàm phán. Có thể thấy đàm phán vượt xa vấn đề đơn thuần về điều tiết thương mại điện tử mà bao trùm toàn bộ các lĩnh vực của nền kinh tế số. Chỉ cần nhìn tiêu đề và nội dung của sáu cấu phần tạo nên văn bản cũng đã thấy điều này: “Tạo thuận lợi cho Thương mại Điện tử”; “Mở cửa và Thương mại Điện tử”; “Lòng tin và Thương mại Điện tử”; “Các thách thức chung”; “Viễn thông”; và “Tiếp cận Thị trường”.
Ngoài ra, các nội hàm trọng tâm đến nay vẫn còn nhiều điểm mập mờ, ví dụ như “sản phẩm kỹ thuật số” hoặc “truyền dẫn điện tử”. Chẳng hạn, điều khoản không phân biệt đối xử đối với các “sản phẩm số” (B.1) sẽ có phạm vi áp dụng khác nhau tùy thuộc vào việc được coi là hàng hóa hay dịch vụ. Tương tự như vậy, lợi ích của việc xóa bỏ thuế quan đối với “các hoạt động truyền dẫn điện tử” (B.3.) sẽ không giống nhau tùy thuộc vào việc các truyền dẫn này có bao gồm nội dung hay không. Trong trường hợp có bao gồm (được Nhật Bản, Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu ủng hộ), thiệt hại đối với các quốc gia phương Nam thực sự sẽ là rất lớn khi số hóa liên quan ngày càng nhiều đến đời sống kinh tế.
Các nghĩa vụ gây nhiều tranh cãi đối với các nước phương Nam
Vấn đề thứ hai, phần lớn các đề xuất đều đặt ra các nghĩa vụ đặc biệt nặng đối với các nước phương Nam. Đầu tiên, bởi các nghĩa vụ này sẽ tước đi “dư địa” chính trị và quy định mà nhờ đó các nước công nghiệp phát triển đã hưởng lợi rất nhiều để phát triển nền kinh tế và công nghiệp số của riêng họ. Như (nhà phân tích) Banga đã giải thích “Các nước đang phát triển ít nhất cũng cần có cùng một không gian chính trị và pháp lý để xây dựng cơ sở hạ tầng số và nền kinh tế số, như các nước phát triển đã có ở thời kỳ đầu để đạt được bước tiến về kỹ thuật số. Vào thời điểm đó, các nước phát triển được hưởng lợi từ sự linh hoạt cần thiết để phát triển cơ sở hạ tầng dữ liệu, có các biện pháp hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp số khởi nghiệp, lưu trữ và xử lý “tại chỗ” dữ liệu của họ, và khuyến khích các công ty của họ xây dựng các trung tâm dữ liệu”.
Tuy nhiên, tất cả những khả năng nêu trên đều sẽ không tồn tại hoặc bị hạn chế rất nhiều theo các đề xuất khác nhau trong văn bản. Ví dụ, đối với vấn đề nhạy cảm cao về tự do lưu chuyển dữ liệu xuyên biên giới (B.2. (1)), có thể tạo ngoại lệ đối với các biện pháp hướng tới “các mục tiêu chính đáng của chính sách công”. Tuy nhiên, như thông lệ tại WTO, việc diễn giải ngoại lệ này có nguy cơ bị hạn chế nhiều, đặc biệt khi các biện pháp này không được áp dụng một cách “tùy tiện hoặc dẫn đến phân biệt đối xử không chính đáng hoặc tạo ra hạn chế trá hình đối với thương mại”, hoặc không được “áp đặt các hạn chế đối với việc chuyển giao thông tin lớn hơn mức cần thiết hoặc bắt buộc phải có để đạt được mục tiêu chính sách công”.
Lợi thế chênh lệch có lợi cho các nước phương Bắc
Nội dung trên càng gây tranh cãi khi các nghĩa vụ mới chủ yếu đem lại lợi ích cho các quốc gia và các công ty số của các quốc gia công nghiệp phát triển. Chẳng hạn, việc bảo vệ mã nguồn (C.3. (1)) sẽ dẫn đến việc cấm chuyển giao công nghệ có lợi cho các nước phương Nam, mặc dù đây là một công cụ quan trọng đối với sự phát triển của các quốc gia này. Ngoài ra, việc cấm các biện pháp “địa phương hóa” dữ liệu (B.2. (2) và (3)) chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho các quốc gia vốn đã tập trung, tại thời điểm hiện tại, phần lớn các trung tâm dữ liệu (data centers) trên lãnh thổ của họ. Và việc xóa bỏ thuế quan đối với hoạt động truyền dẫn điện tử (B.3.), cũng như các đề xuất về tiếp cận thị trường (Phần F), trước hết và trên hết sẽ có lợi cho những quốc gia là nhà xuất khẩu ròng hàng hóa và dịch vụ có liên quan, nghĩa là, một lần nữa, chính là các nước công nghiệp phát triển nhất.
Đỉnh điểm là một số ít điều khoản có thể mang lại lợi ích lớn hơn cho các nước phương Nam lại không được thể hiện dưới hình thức cam kết ràng buộc. Ví dụ như các điều khoản do Trung Quốc và Indonesia đưa ra về hỗ trợ kỹ thuật và tăng cường năng lực (capacity building) (D.3.), lĩnh vực mấu chốt đối với các quốc gia khi phát triển kỹ thuật số còn sơ khai có thể dẫn đến tình trạng chi phí hợp chuẩn cao. Tuy nhiên, văn bản chỉ đơn giản nêu có thể “có thể” hỗ trợ các quốc gia phương Nam, tùy theo thiện chí của các quốc gia thành viên khác. Tương tự như vậy, về điều kiện tiếp cận thị trường (Mục F), ba phương thức nhập khẩu dịch vụ trong đó các nước phương Bắc là nhà xuất khẩu ròng phải được qui định dưới hình thức cam kết ràng buộc, trong khi phương thức thứ 4 vốn đem lại “lợi ích lớn cho các nước đang phát triển” lại không được như vậy …
Thói đạo đức giả của các cường quốc số
Như vậy, tình trạng hiện nay của văn bản đang được đàm phán cho thấy nhiều lo ngại và rủi ro đang đè nặng lên vai các quốc gia phương Nam trong đàm phán về “thương mại điện tử”. Rộng hơn, tình hình trên cũng phản ánh căn bệnh tâm thần phân liệt, hoặc đơn giản là thói đạo đức giả của các tác nhân trung tâm như Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu và thậm chí cả Trung Quốc. Những tháng gần đây, mỗi tác nhân nêu trên đều đưa ra các sáng kiến nhằm quản lý tốt hơn quyền lực quá lớn của các gã khổng lồ kỹ thuật số. Tuy nhiên, lập trường của các quốc gia nêu trên bên ngoài khuôn khổ WTO lại đi ngược lại rất xa so với mục tiêu này, đặc biệt liên quan đến năng lực tự vệ của các nước phía Nam trước sự lấn át của các gã khổng lồ kỹ thuật số.
Trung Quốc là một trường hợp đặc biệt, trước tiên với tư cách là một quốc gia đang phát triển trong WTO, và trên hết là một nước cổ súy cho “chủ quyền số”, Bắc Kinh phản đối các đề xuất của phương Tây về tự do di chuyển dữ liệu hoặc bảo vệ mã nguồn. Đặc biệt, Trung Quốc vênh rất nhiều với chính quyền Trump về vấn đề này. Cần xem chính quyền mới Biden dung hòa được khác biệt quan điểm giữa hai bên đến đâu.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đang trở thành một cường quốc kỹ thuật số hàng đầu và không ngần ngại đặt lợi ích riêng của mình lên trên trong các đàm phán, kể cả gây bất lợi cho các nước phương Nam. Có thể lấy ví dụ, Bắc Kinh đã đưa ra một đề xuất đặc biệt đáng lo ngại liên quan đến các dịch vụ thanh toán điện tử (A.1. (5)), một lĩnh vực mà các công ty kỹ thuật số của Trung Quốc đang dẫn đầu. Đề xuất này sẽ yêu cầu các quốc gia thành viên đối xử với các công ty cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử như bất kỳ công ty cung cấp dịch vụ tương tự nào khác, cũng như phải trao cho họ quyền thiết lập hoặc mở rộng hiện diện thương mại, bao gồm cả thông qua sáp nhập và mua lại. Cụ thể, đối với nhiều quốc gia phương Nam không có doanh nghiệp quốc gia đủ mạnh trong lĩnh vực số, điều này cũng có nghĩa năng lực điều tiết và giám sát của họ sẽ bị hạn chế nhiều.
Bước tiếp theo: MC12
Trong bối cảnh đó, mọi con mắt đang đổ dồn vào Hội nghị Bộ trưởng tiếp theo của WTO (MC12), ban đầu dự kiến diễn ra vào tháng 6 năm ngoái tại Astana, nhưng phải hoãn lại do đại dịch. Như nhà phân tích Banga đã giải thích, mặc dù các cuộc đàm phán này sẽ được tiếp diễn một cách chính thức bên ngoài khuôn khổ của WTO, vì chúng không phải là đối tượng của nhiệm vụ đàm phán chính thức, “có thể sẽ có nhiều nỗ lực nhằm đạt được kết quả đàm phán trong cuộc họp cấp bộ trưởng sắp tới tại WTO”. Nhưng đối với nhà nghiên cứu này của Liên Hợp Quốc, viễn cảnh này sẽ là thảm họa đối với các quốc gia phương Nam: “điều này sẽ cực kỳ phương hại đến lợi ích của các nước đang phát triển, đặc biệt là đối với các nỗ lực công nghiệp hóa kỹ thuật số của họ. Các quy tắc mới sẽ dẫn tới chi phí kinh tế và tài khóa cao đối với các nước đang phát triển. Các nước đang phát triển sẽ không chỉ mất nguồn thu thuế quan đáng kể mà còn phải chịu chi phí cao khi tuân thủ quy định mới, đồng thời còn phải đối mặt với tình trạng năng lực cạnh tranh thương mại trong các lĩnh vực xuất khẩu truyền thống bị suy giảm do số hóa ngày càng tăng”.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp)